- Câu chuyện của Mẹ Hổ nuôi dạy thành công hai cô con gái của mình để vào được các trường đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ đang làm nức lòng các bà mẹ Việt tham vọng.

Nhiều bà mẹ Việt cũng hừng hực khí thế rải thảm cho con vào thế giới tinh hoa, ngay cả khi đứa con chưa cất tiếng khóc chào đời. Nhưng, có đôi người thấy chùn chân khi nhìn vào cách làm của mẹ Hổ - nên thương con, chọn cây roi để con khôn lớn, hay là cho con “ngọt bùi” nhưng sau này thui chột về tài năng?


Amy Chua (sinh năm 1962, tuổi Hổ) xưng là "Mẹ Hổ", tác giả cuốn sách "Chiến ca của Mẹ Hổ' kể lại chuyện dạy con trong một gia đình người Mỹ có mẹ gốc Hoa và bố gốc Do Thái. Cách dạy con của Amy Chua đang gây tranh cãi ở Mỹ.

Lật lại quyển kinh vỡ lòng của Trung Hoa là Tam Tự Kinh, có câu:

“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá
Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”

(Nghĩa là: Nuôi con mà không dạy bảo, đó là lỗi của người cha. Dạy con mà không nghiêm, đó là lỗi của người thầy)

Với phương pháp giáo dục đó, Mẹ Hổ và các cha mẹ khác chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa của Nho giáo đã chọn cây roi để giáo dưỡng các thế hệ đi sau, vì họ sợ rằng nếu không nghiêm, thì con hư sẽ là tại cha mẹ. Cách làm này ngược hẳn với Mỹ, nơi mà cây roi giơ lên cũng là lúc cha mẹ vi phạm “quyền trẻ em”, vậy nên họ chọn cách hết sức giáo dục, thương yêu con, nhưng để cho con tự quyết định cuộc đời mình.

Nhìn rộng hơn một chút, sẽ thấy câu chuyện này từa tựa như chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” mà các nhà quân sự Mỹ hay đem ra rao giảng.

Tất cả các phương pháp – dù là “cứng”, hay “mềm”, đều nhằm tới các mục đích thực tế, có phần thực dụng. Vậy tại sao chiến tích lẫy lừng của Mẹ Hổ lại được khoa trương vào lúc này – khi mà nước Mỹ đang chới với vớt vát lại ngôi vị độc tôn trước sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết của một Trung Hoa “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”?

Chiến tích của mẹ Hổ là câu trả lời đanh thép cho nước Mỹ, cho thấy một minh chứng hùng hồn cho thành công toàn diện của Trung Quốc hiện nay, còn bên kia là một Mỹ ngập trong khó khăn trước nay vẫn vỗ ngực rằng phương pháp luận của họ là hợp thời hơn. Xa hơn, sâu hơn chút nữa, Mẹ Hổ muốn ám chỉ rằng hệ thống giá trị của Mỹ đang không còn hiệu quả.

Nhưng, Mẹ Hổ đã bỏ qua một điều. Joshep Nye – một học giả của Mỹ - đã đúc kết về thứ học thuyết mới “Sức mạnh mềm” từ chính Lão Tử (nhà triết học hàng đầu của Trung Hoa) để bổ khuyết cho sức mạnh Mỹ hiện đại.

Đó là một học thuyết về loại quyền lực/ sức mạnh từ chính việc hấp dẫn người khác, lôi cuốn và thuyết phục họ làm theo điều mình muốn, thay vì dung với cây gậy thật to…


Ba mẹ con nhà Amy Chua, hai con gái nay đỗ cả ĐH Harvard và Yale

Vậy, để giáo dưỡng nên một thế hệ giỏi giang và tự chủ, các bà mẹ Việt sẽ chọn cách nào – cây roi kiểu Mẹ Hổ hay cây kẹo của chú Sam (Mỹ)?

Tôi là một người Việt trẻ, đại diện cho thế hệ trẻ đầy năng động và sáng tạo. Đọc được những bài viết về cách dạy con của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, tôi thấy dư luận có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Những người phản hồi ý kiến hầu hết đều là những người lớn tuổi những  bậc phụ huynh.

Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không hỏi ý kiến những người Việt trẻ, vì họ phản ánh và cảm nhận đúng thực sự phương pháp giáo dục của cha mẹ, và rộng hơn là phương pháp giáo dục của xã hội hiện nay có tốt hay không.

Tôi thấy cách dạy con theo phương pháp của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói mang nặng kiểu "chèn ép và ép buộc", con cái phải nhất nhất theo ý cha mẹ.

Điều này có lẽ ảnh hưởng từ thời phong kiến, vua nói đúng cũng đúng mà nói sai cũng đúng, hiếm có đại thần nào dũng cảm dám ra ngăn quyết liệt (gặp hôn quân thì đại thần không bị đánh thì cũng bị chém đầu). Mặc dù phương pháp này hiện nay cũng đã hạn chế dần nhưng hầu như vẫn tồn tại.

Trở lại vấn đề "ép buộc" một người nào đó làm theo ý mình, việc đó có phải là một việc tốt? Trong phương pháp trên, vấn đề đạo đức sẽ nằm ở đâu?

100% các con em trong trường hợp này đều miễn cưỡng chấp nhận, và khó tránh nảy sinh tư tưởng “chống đối” – bất kể mục đích của việc này có lợi hay có hại cho chúng. Điều này giải thích cho việc, khi đến tuổi dậy thì, con cái hay có xu hướng “nổi loạn” hay biểu hiện “cứng đầu”, “ngỗ ngược”.

10 quy định của Mẹ Hổ:
- Cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình
- Cấm xem phim
- Cấm tham gia biểu diễn văn nghệ ở nhà trường
- Không được oán trách vì điều cấm ấy
- Cấm xem truyền hình hoặc chơi game máy tính
- Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn)
- Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất)
- Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp
- Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác
- Phải học dương cầm và vĩ cầm
.

Nếu chúng ta dạy con mình về đạo đức mà trong cách dạy lại thiếu yếu tố đạo đức thì làm sao con cái nghe lời? Có chăng chỉ là nghe trong oán trách và miễn cưỡng, rồi tìm cơ hội để thoát ra việc đó.

Thời còn đi học, tôi vẫn thấy cảnh “thầy giáo cấm học sinh hút thuốc, trong khi tay cầm điếu thuốc phì phèo trên bục giảng. Cấm học sinh đánh nhau, trong khi đánh học sinh bôm bốp..." Như vậy, ai phục, ai nghe lời thầy?

Cái chúng ta đang thấy là sự thiếu tôn trọng và chèn ép nhân quyền của con cái trong khi đó điều này được thể hiện hoàn toàn khác biệt ở cách dạy con của các nước phương Tây. Ở nền văn hóa đó, tôi thấy họ rất tôn trọng con cái, và cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo.

Nếu cha mẹ làm sai, họ sẵn sàng nhận cái sai của mình trước con cái (và cũng không hề “hà tiện” lời xin lỗi với các con). Việc đánh con cái hay quát mắng thậm tệ không phổ biến (vì họ có thể sẽ bị kiện ra tòa vì tội bạo hành, ngược đãi trẻ em). Họ xem con cái như một người bạn và điều đó tạo ra sự gần gũi và thân thiện chứ không phải là một khoảng cách vô hình như người Á Đông.

Làm như vậy con cái cảm thấy được mình tôn trọng, có ý nghĩa lớn lao. Ai cũng hiểu được rằng khi mình được người khác tôn trọng và yêu thương thì việc nghe lời dạy bảo người đó không có gì khó và hoàn toàn không miễn cưỡng.

Nếu cha mẹ dạy con cái bằng yêu thương qua cả hành động và suy nghĩ thì tôi cho rằng, việc giáo dưỡng cả về tài và đức cho trẻ đều có được " nền móng" vững chắc mà không cần tới những cây roi.

Đọc bài viết về " Mẹ Hổ dạy con như thế nào?" Tôi thật sự cảm thấy đau khổ và thương xót cho những đứa con của "Mẹ Hổ".

Nếu có một ai đó nói con của tôi rằng "đồ rác rưởi”, hay “đồ vô tích sự" thì tôi sẽ không ngại ngùng “dạy” cho người đó một bài học.

Nếu cho con mình là “đồ rác rưởi” thì người sinh ra hay giáo dục chúng có khác chi “đồ rác rưởi”. Thêm vào đó là một bảng dài quy định những việc được và không được làm có phần quá đáng và độc tài của “Mẹ Hổ”.

Nên nhớ rằng, "Mẹ Hổ" đang là một con người và con "mẹ Hổ" là con người, chứ không phải là một con robot. Dù cho con " Mẹ Hổ" có vào được đại học danh tiếng thì sau này nó cũng nhận ra rằng nó chỉ là công cụ để "Mẹ Hổ" có được hư danh đem đi khoe khoang với người khác. Còn với con cái của mẹ Hổ, đây là một quãng thời gian tồi tệ mà nó không được tôn trọng như một “con người”.

Thiết nghĩ,  là con người với con người, ai được sinh ra đều có nhân quyền và quyền bình đẳng giống như nhau. Thậm chí, đối với con trẻ, xã hội và pháp luật đều quy định “quyền trẻ em” cụ thể, và được ưu tiên rất nhiều trong các dịch vụ cộng đồng hay phúc lợi xã hội.

Vì vậy, khi dạy con chúng ta không nên lạm dụng quyền làm cha mẹ để áp đặt con cái. Hãy để con cái tự phát triển bản thân, đừng dùng quyền lực hay bạo lực để chỉ bảo con cái. Điều đó chỉ phản tác dụng!

Hãy dùng tình yêu thương và làm một người bạn để lắng nghe con cái, giãi bày những suy nghĩ của mình, hãy tôn trọng con cái nếu muốn được con cái tôn trọng và nghe lời... và làm gương cho con cái là điều nhất thiết phải làm đối với các bậc phụ huynh.

  • Tạ Lương (Bạch Đằng, Tân Bình, TP.HCM)