- Câu chuyện sau một học kỳ thực hiện đánh giá theo kiểu mới ở bậc giáo dục của trẻ em  mà VietNamNet ghi nhận từ tiếng nói của những người trong cuộc dưới đây đặt ra cho những người lớn có trách nhiệm với giáo dục suy nghiệm lại cách làm của  mình.

Nhiều người đặt câu hỏi “Thông tư 30 có giúp học sinh tiến bộ hơn?” Nếu là câu trả lời của ban giám hiệu, cán bộ phòng Giáo dục các cấp chắc chắn toàn những lời “có cánh”. Trong bảng báo cáo sơ kết học kỳ I vừa qua, hầu như trường nào cũng báo cáo số lượng học sinh Hoàn thành nhiệm vụ học tập, học sinh Đạt về năng lực và phẩm chất.

  {keywords}
Ảnh minh họa (Văn Chung)

Xin đừng lấy số lượng học sinh đạt mức "Hoàn thành" làm căn cứ, bởi cũng như trước đây, tỷ lệ học sinh đạt trung bình trở lên ở các lớp thường chạm mức 99% và số lượng học sinh được khen thưởng về các mặt, có trường cũng chiếm 90%. Chỉ có giáo viên trực tiếp giảng dạy là hiểu chất lượng thật sự từ những con số "khủng" ấy như thế nào.

Nhưng nếu là câu trả lời của giáo viên, bạn sẽ được nghe điều ngược lại.

Đồng hành cùng Thông tư 30 qua một học kỳ, có thể thấy là học sinh ít hứng thú học hơn trước. Không chấm điểm, vui nhất có lẽ là những học sinh có lực học kém. Khi được hỏi một học sinh lớp 3 trường tiểu học ở Bình Thuận, cậu bé không giấu được vẻ vui mừng: “Con không thích chấm điểm, thích cô nhận xét hơn”. Khi được hỏi vì sao? Em thẳng thắn: “Con sẽ không bị điểm kém, về nhà không bị ba mẹ đánh đòn…”. Tuy nhiên, nhiều học sinh có lực học khá hơn được hỏi đều tỏ ý muốn được chấm điểm như trước.

Còn phản hồi của những giáo viên đứng lớp, từ ngày thực hiện cách đánh giá mới, trường hợp bài làm tốt các em cũng chỉ nhận được những lời phê quen thuộc như một mô tuýp: "Em làm bài tốt lắm", "Đáng khen", "Em đã nắm được cách làm".

Trên lớp, mỗi lần làm bài, nhiều em không hào hứng làm nhanh để được chấm điểm. Mỗi lần phát bài, không còn được thấy các em reo hò, mừng vui vì được điểm giỏi. Thấy bạn điểm hơn mình, có em tỏ rõ quyết tâm bằng việc chịu khó học hành.

Nay giống kiểu “cá mè một lứa” nên các em ít phấn đấu. Những học sinh làm còn sai, giáo viên cũng nhận xét thật ngọt ngào theo kiểu: “Con làm phép chia sai rồi, con cần học thuộc bảng nhân, chia nhé…”. Nhiều phụ huynh cũng than phiền: “Từ khi cô không chấm điểm, bé về nhà ít chịu học bài, nó thường nói: Cô không chấm điểm nên chán học lắm”.

Với thầy cô, họ sợ cấp trên kiểm tra nên miệt mài dành nhiều thời gian cho việc nhận xét, không lại bị nhắc nhở thì mệt.

Thế là vào lớp, thay vì đi các nhóm quan sát, hướng dẫn học sinh từng nhóm làm bài như trước đây, giáo viên tranh thủ chấm điểm.

Thì bây giờ, bài vở phải thu lên bàn mới ghi lời nhận xét được. Ghi nhận xét hơn trăm cuốn vở một ngày, rồi ghi nhận xét từng em vào sổ nhật ký, ghi nhận xét vào sổ theo dõi tháng…gánh nặng hồ sơ, buộc giáo viên phải san sẻ thời gian giảng dạy, thời gian kèm cặp, bồi dưỡng học sinh như trước đây để mà ghi chép cho đúng quy định. Nếu không muốn chở từng chồng sách vở về nhà và thức tới khuya. Cô thầy nào vào lớp, cũng giảng bài xong rồi miệt mài ngồi bên chồng sách vở ghi chép đến mụ cả người…

Là giáo viên, chúng tôi tâm đắc với câu nói của PGS Văn Như Cương “Giáo dục mới đổi khác chứ chưa đổi mới…”. Việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét như hiện nay cũng chỉ là hình thức đổi khác mà chưa mang lại lợi ích gì nhiều cho học sinh.

Nhà giáo Hương Giang

                                 Hai giải pháp cho Thông tư 30

Cách đây hai tuần, anh Phạm Hiệp, một nghiên cứu sinh về giáo dục vừa có một cuộc thảo luận sôi nổi với các thầy cô trên diễn đàn sinh hoạt chuyên môn với không ít "va chạm" trong tranh luận, sau khi phản biện những suy nghĩ của một giáo viên.

Với chia sẻ của nhà giáo Hương Giang, anh Hiệp phân tích:

Về mặt triết lý của cách đánh giá "không chấm điểm, thay bằng nhận xét", người ta tin rằng với việc không gây áp lực điểm chác, với sự động viên, góp ý, gợi ý (của cô giáo), thì mỗi học sinh sẽ tự tìm ra cách học phù hợp nhất cho mình. Có thể nhanh, chậm; đi đường thăng hoặc đường vòng, nhưng đều sẽ tiến bộ và đến đích.

Theo cách "đánh giá thường xuyên bằng điểm số" (thường gọi là kiểu cũ) thì em làm nhanh, làm đúng và được điểm cao vì hợp hơn với cách dạy (trước đây) chứ chưa chắc em học sinh đó giỏi hơn em điểm kém, làm chậm.

Bức thư của cô giáo Hương Giang, có đoạn viết: "Không chấm điểm, vui nhất có lẽ là những học sinh có lực học kém. Khi được hỏi một học sinh lớp 3 trường tiểu học ở Bình Thuận, cậu bé không dấu được vẻ vui mừng: “Con không thích chấm điểm, thích cô nhận xét hơn”. Khi được hỏi vì sao? Em thẳng thắn: “Con sẽ không bị điểm kém, về nhà không bị ba mẹ đánh đòn…”. Tuy nhiên, nhiều học sinh có lực học khá hơn được hỏi đều tỏ ý muốn được chấm điểm như trước". Điều này cho thấy, trong suy nghĩ, cô giáo vẫn mặc định "em học lực kém" tức là em làm chậm, làm không đúng (theo cách kiểm tra chấm điểm).

Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà những nhà làm chính sách phải lưu tâm đó là cách đưa vào thực tiễn.

Có thể thấy, ngoài việc ban hành thông tư và các hướng dẫn diễn giải, ngành giáo dục chưa làm được việc "đả thông" tư tưởng của người thầy; như vậy sẽ không dễ "đả thông" phụ huynh; nhất là khi các thầy cô được đào tạo theo hệ thống giáo dục tiếp cận theo cách khác. Khối lượng lao động lớn, thu nhập không tăng, dẫn đến sự phản ứng là không tránh khỏi.

Vẫn ủng hộ những nét tích cực của chính sách này, anh Hiệp nêu ý kiến, có thể tìm hai giải pháp.

Theo hướng tiếp cận dân chủ, có thể phân thành 2 nhóm trường, một nhóm tự nguyện thực hiện theo thông tư 30, một nhóm "quay trở về cách làm cũ". Sau một thời gian nhất định, cho học sinh hai nhóm trường này tham gia đánh giá năng lực theo các chuẩn về năng lực về học sinh tiểu học đã được quốc tế thừa nhận. Sau khi có kết quả (mà anh Hiệp tin rằng Nhóm thực hiện theo Thông tư 30 sẽ tốt hơn), các cô giáo hiện đang không đồng tình với cách không chấm điểm sẽ có những biến chuyển về nhận thức, qua đó tin tưởng hơn trong việc áp dụng phương pháp mới.

Giải pháp thứ hai, vẫn tiếp tục duy trì Thông tư 30 trên toàn quốc, song song với các biện pháp nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng, bao gồm điều chỉnh nội dung sách giáo khoa, giảm dần sĩ số lớp, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên theo phương pháp giảng dạy mới, tuy nhiên giải pháp "đào tạo lại" khá tốn kém.

Phạm Hiệp (Nghiên cứu sinh Khoa quản trị kinh doanh quốc tế, ĐH văn hóa Trung Hoa, Đài Loan. Năm 2013 anh Hiệp là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, ĐH Melbourne, Australia theo chương trình  Endeavour Cheung Kong của Chính phủ Australia. Anh Phạm Hiệp là thành viên trẻ nhất của Nhóm Đối thoại giáo dục do GS. Ngô Bảo Châu chủ xướng)