- Sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30, nhiều giáo viên mong muốn trong nhiều trường hợp được kèm điểm vào phần nhận xét của mình.

Trao đổi với VietNamNet, nhiều giáo viên chung cảm giác, từ ngày không có điểm, học sinh từ khá giỏi đến trung bình đều tụt lùi, thờ ơ với việc học. Phụ huynh của nhiều học sinh đến than thở với các cô: "Ở nhà nhắc học thì các con cứ đủng đỉnh, vì chúng nó chẳng sợ gì những câu nhận xét như “Con gần cố gắng hơn”.

  {keywords}
Ảnh có tính chất minh họa (Ảnh: Báo NLĐ)

Một thầy giáo đang làm việc tại Bắc Giang thì cho biết học kỳ I, anh chỉ nhận xét thì thấy học sinh lười học và chất lượng kiểm tra cuối kỳ thấp. Sang học kỳ II, phải ngầm quy ước điểm thì thấy học sinh chăm học và tiến bộ hơn.

Một cô giáo khác tiết lộ: “Ngay từ khi mới áp dụng Thông tư 30, lâu lâu tôi cho học sinh làm một bài kiểm tra để chấm điểm, học sinh tỏ rõ hứng thú. Tôi đã nhận thấy những trò làm bài tốt, nếu được chấm điểm các con sẽ có động lực, chứ khen mãi mấy câu nhàm lắm”.

“Học sinh nào làm bài sai tôi gọi lên và hỏi lại, giảng lại luôn - rồi học sinh cũng chữa lại luôn để mình kiểm tra, chứ không phải do học sinh đọc những gì cô nhận xét mà sửa đâu. Nếu không kiểm tra bài học sinh chữa lại thì có nhận xét kín cả trang cũng chả có tý tác dụng nào” – một cô giáo chia sẻ trên một diễn đàn chuyên môn chung của giáo viên tiểu học.

“Nếu Bộ GD-ĐT cho rằng, giáo viên vẫn còn thừa thời gian thì nên để cho giáo viên làm việc đó, chứ không phải là đi kiểm tra mấy cái nhận xét của giáo viên – nhiều khi làm chỉ để đối phó với sự kiểm tra của cấp trên”.

Cô Hà Thu, giáo viên tiếng Anh ở Lạng Sơn cũng cảm thấy tiếc thời gian dành cho việc ngồi viết nhận xét, mà lẽ ra nên để dành cho việc ôn tập cho học sinh.

"Nếu thu hết vở để nhận xét sau, thì như tôi có hơn 200 học sinh, lúc đấy biết em nào với em nào? Theo tôi, nếu không phải làm công việc này, thì thời gian cuối giờ đó tôi có thể luyện nói cho các em, theo dõi các em hội thoại với nhau… như vậy tốt hơn nhiều là mấy phút cuối đấy cho các em ghi lại bài còn mình thì ngồi viết nhận xét” - cô Thu chia sẻ.

Kết hợp nhận xét với chấm điểm

Đây là một giải pháp được nhiều giáo viên nhắc đến và tán đồng sau một học kỳ được ví như "đánh vật" với Thông tư 30.

Giáo viên một trưởng tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đề xuất: “Với sĩ số học sinh luôn ở mức trên dưới 60 em/ lớp thì tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên để giáo viên chấm điểm cho học sinh kèm với việc nhận xét. Tất nhiên, không phải chấm thường xuyên, nhưng tuần nào học sinh cũng có điểm mỗi môn học. Vì nếu chỉ nhận xét không, với ngần đấy em, và không phải em nào cũng có gì đặc biệt để các cô nhận xét kỹ, thì việc thêm điểm sẽ làm các em có động lực phấn đấu”.

“Còn muốn giảm áp lực về điểm số đối với học sinh, thì những em làm bài kém sẽ không chấm điểm mà chỉ nhận xét”.

Một cô giáo khác nêu ý kiến: “Tôi thì muốn chấm điểm những em được 8, 9, 10, những em khác thì nhận xét. Như vậy sẽ không gây áp lực cho những em học kém. Với những em đạt điểm tốt, thỉnh thoảng cũng nhận xét động viên thêm chứ không phải nhận xét thường xuyên, bởi điểm số đã thể hiện mức độ mà các em đạt được”.

Nhiều cô giáo đồng tình với việc việc chấm điểm vì điều này sẽ tạo ra sự ganh đua trong học sinh.

“Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT phải có cách để tháo gỡ cho giáo viên chứ không thể để tình trạng như học kỳ vừa qua kéo dài" - các cô tha thiết đề nghị.

Theo cô, khi "thi công" một chính sách, dù có hay ho đến mấy, nhưng trong cách làm mà có vấn đề thì cần phải lắng nghe các bên, nhất là bên nhân lực thi công, là giáo viên chúng tôi đây, để tìm ra cách gỡ, chứ không thể vừa làm vừa sửa, rồi cứ khăng khăng bảo giáo viên cứ làm đi rồi sẽ quen như cách làm với Thông tư 30 này”.

  • Ngân Anh

Đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin

Theo ghi nhận của báo Tiền Phong, vấn đề gây nhiều bức xúc cho các thầy cô là quá nhiều sổ buộc giáo viên phải ghi chép. Cô giáo Lệ Hằng ở Bắc Giang cho biết, ở trường cô vừa có đợt kiểm tra sổ theo dõi chất lượng giáo dục, “trên” yêu cầu phải “ghi hết, ghi chi tiết, ghi đầy đủ” từng nội dung từng em.

Cô Lê Thanh Thủy, giáo viên Trường TH Lương Sơn 2, Thường Xuân, Thanh Hóa đề xuất: "Với vở học sinh, giáo viên chấm đúng sai hoặc gạch lỗi, em nào đạt từ 5 điểm trở lên vẫn đánh giá điểm, dưới 5 nhận xét và nêu hướng khắc phục để phụ huynh đọc và cùng giáo viên giúp học sinh, bởi với học sinh yếu cô có ghi các em cũng không hiểu để mà khắc phục. Về sổ theo dõi Chất lượng Giáo dục thì chỉ ghi những điểm nổi bật về năng lực. Học bạ chỉ ghi vào cuối năm học. Họp phụ huynh 3 lần/năm học.

Cũng may mà trường tôi lãnh đạo rất linh hoạt, động viên giáo viên chú trọng dạy kỹ năng sống, dạy chữ cho học sinh nên các loại bồi dưỡng thường xuyên được đánh máy, họp hành biên bản cũng sử dụng vi tính, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đều được in và gửi cho từng giáo viên, giảm họp hành. Có vấn đề cần trao đổi chỉ hội ý nhanh để giáo viên nắm bắt kịp thời nên nói chung giáo viên thấy cũng dễ thở”.