|
Hình minh họa. Nguồn ảnh: VietNamNet |
Trường Marie Curie là trường ngoài công lập có "thương hiệu" ở Hà Nội luôn
đứng ở top đầu về mức độ căng thẳng trong tuyển sinh vào lớp 6. Tỷ lệ "chọi" mấy
năm gần đây luôn ở mức cạnh tranh 1/8.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: khi tiếp xúc các em thí sinh mỗi mùa thi đến thì các em đều có tâm trạng: muốn vào trường học nhưng lo thi khó, học khó...Tuy nhiên, thầy Khang trấn an "các" em cứ tự rèn rồi sẽ quen...
Dưới đây là đề thi và đáp án tuyển sinh môn Văn - Tiếng Việt vào lớp 6 năm 2010, thời gian làm bài là 90 phút:
ĐỀ THI
Câu 1 (2 điểm): Từ nào không thuộc nhóm từ đồng nghĩa trong mỗi dãy từ sau? Vì sao?
a) ngào ngạt, sực nức, thoang thoảng, thơm nồng, thơm nức.
b) rực rỡ, sặc sỡ, tươi thắm, tươi tắn, thắm tươi.
c) long lanh, lóng lánh, lung linh, lung lay, lấp lánh
Câu 2 (2 điểm)
Cho câu sau: "Bún chả ngon"
a) Hãy tách câu trên thành từ và tìm chủ ngữ, vị ngữ của câu theo hai cách hiểu khác nhau.
b) Ví sao hai câu trên có thể tách như vậy? Với mỗi cách hiểu, câu trên ý nói gì?
Câu 3 (1 điểm)
Chọn từ trong ngoặc đơn em cho là hay nhất để điền vào chỗ trống trong câu văn sau, nói rõ vì sao em chọn từ đó:
"Lời ru nồng nàn, tha thiết của mẹ...vào tâm hồn thơ ngây, trong trắng của tôi biết bao yêu thương". (rót, trút, đổ)
Câu 4 (5 điểm)
Em đã từng xem một bộ phim hoặc đọc, nghe kể một câu chuyện trong đó có nhân
vật là các con vật ngộ nghĩnh, thông minh, dễ thương.
Em hãy tưởng tượng và tả lại con vật mà em yêu thích nhất.
ĐÁP ÁN
Câu 1
(2 điểm):
- Từ không thuộc nhóm đồng nghĩa trong dãy từ a là "thoang thoảng", từ không thuộc nhóm đồng nghĩa trong dãy b là "tươi tắn", từ không thuộc nhóm đồng nghĩa trong dãy từ c là "lung lay". (1 điểm)
- Từ "thoang thoảng" chỉ tính chất dịu, nhẹ không nói về độ đậm (nồng độ cao) của mùi hương trong khi 4 từ còn lại trong nhóm a đều có nghĩa chung là chỉ mùi hương thơm đậm; Từ "tươi tắn" nói về vẻ mặt người, không nói về màu sắc như nghĩa của 4 từ còn lại trong nhóm b; Từ "lung lay" nói về trạng thái không đứng vững, không nói về sự phản chiếu của ánh sáng như 4 từ còn lại trong dãy từ c. (1 điểm)
Câu 2 (2 điểm):
a) Câu "Bún chả ngon" được tách ra thành từ và xác định bộ phận chủ ngữ, vị ngữ theo hai cách sau:
- Cách thứ nhất: Tách thành
từ: Bún chả/ ngon
Xác định C-V: Bún chả / ngon
CN / VN
(0,5 điểm)
- Cách thứ hai: Tách
thành từ: Bún / chả ngon
Xác định C-V: Bún / chả ngon
CN / VN
(0,5 điểm)
b) Câu trên có thể hiểu theo hai cách vì có hiện tượng đồng âm: "chả" có thể hiểu là một món ăn được chế biến từ thịt, cũng có thể hiểu là một từ mang nghĩa phủ định, có nghĩa là "không". (0,5 điểm)
- Với cách hiểu thứ nhất, câu trên có nghĩa: (Món ăn) bún chả là món ăn ngon. Với cách hiểu thứ hai, câu trên có nghĩa là "Bún không ngon". (0,5 điểm)
Câu 3: (1 điểm):
- Chọn từ "rót" để có câu văn "Lời ru nồng nàn, tha thiết của mẹ rót vào tâm hồn thơ ngây, trong trắng của tôi biết bao yêu thương". (0,5 điểm)
- Ta chọn từ "rót"
vì "rót" là đổ vào một cách nhẹ nhàng nên phù hợp với lời ru thân thương,
nhẹ nhàng, tha thiết của mẹ. Các từ "trút", "đổ" mang nghĩa đổ vào một
cách mạnh hơn, không phù hợp với lời ru của mẹ. "Rót" còn mang nghĩa có
nước nên dễ thấm đẫm trong tâm hồn mà các từ "trút", "đổ" không cho
thấy điều đó. (0,5 điểm).
Câu 4 (5 điểm):
Bài được điểm tối đa khi thí sinh viết được bài văn tả lại một con vật trong một bộ phim, một câu chuyện mà mình yêu thích. Đó có thể là chú Tom hay Jerry láu lỉnh, Mickey dễ thương, chú cá Nemo tình cảm, những chú chó thông minh, dũng cảm trong các phim vụ án....
Bài văn tả được những đặc điểm nổi bật về ngoại hình và hoạt động của con vật, những chi tiết ấn tượng về con vật cùng những cảm xúc, suy nghĩ chân thật của người viết về con vật đó.
Về hình thức, bài viết có bố cục
hợp lý, văn viết có hình ảnh và cảm xúc, không có lỗi nặng về cách dùng từ, đặt
câu, chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch, đẹp.
(VietNamNet sẽ tiếp tục đăng tải các dạng đề thi tuyển sinh vào lớp 6 gần đây nhất của trường để quý vị phụ huynh và học sinh có thể tham khảo).
-
Ban Giáo dục