Năm 2015, ĐHQG Hà Nội tuyển sinh theo phương thức mới với bài thi Đánh giá năng lực với nhiều điểm khác biệt so với kỳ thi THPT quốc gia.

Tất cả những vấn đề mà phụ huynh và học sinh còn chưa rõ về cách đăng ký thi, bài thi đánh giá năng lực và các đợt thi... được ông Vũ Viết Bình, phó Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến về thi và tuyển sinh do báo Vietnamnet tổ chức ngày 11/4.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Trần Kim Anh, 17 tuổi: Thi vào ĐHQG Hà Nội được tính điểm ưu tiên như thế nào ạ?

- Ông Vũ Viết Bình: Điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được cộng vào kết quả bài thi đánh giá năng lực. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 5,0 (năm điểm), giữa 2 khu vực kế tiếp là 2,5 (hai điểm rưỡi).

Trần Ngọc Anh, 18 tuổi: Cho em hỏi đối tượng được tuyển thẳng vào trường có phải làm bài thi đánh giá năng lực nữa không ạ?

- Nếu em thuộc đối tượng được tuyển thẳng theo quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học & cao đẳng hiện hành của Bộ GD-ĐT và thuộc đối tượng xét tuyển thẳng của ĐHQGHN, em không phải thi bài thi đánh giá năng lực. Em hoàn thành hồ sơ đăng kí tuyển thẳng theo quy định để được xét tuyển.

Đinh Phương Anh, 18 tuổi: Em đăng ký dự thi ĐHQG Hà Nội trực tuyến, nhưng làm sao để em biết mình đã đăng ký thành công? Khi em ra ngân hàng nộp lệ phí thi có được nhận 1 tờ giấy chứng minh đã đăng ký dự thi không ạ?

- Khi em đăng kí trực tuyến và hoàn thành việc nộp lệ phí dự thi tại ngân hàng, em có thể kiểm tra kết quả đăng kí dự thi trên website của Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội. (http://www.cet.vnu.edu.vn).

Bùi Thu Nga, 18 tuổi: Nếu khi thi được nửa bài mà máy tính của em gặp trục trặc thì em phải thi lại từ đầu hay chỉ phải thi nốt phần còn lại?

Kết quả thi năng lực của ĐHQGHN có giá trị trong bao lâu? Nếu năm nay em trúng tuyển một ngành, nhưng sau 1 thời gian học em thấy không phù hợp muốn chuyển ngành khác thì năm sau em có thể dùng kết quả bài thi năng lực đã thi hay phải thi lại bài mới để xét tuyển?

- Hội đồng thi đánh giá năng lực đã chuẩn bị số máy tính dự trữ cho mỗi phòng thi. Vì vậy, thí sinh nào mà gặp trục trặc về máy tính trong quá trình làm bài sẽ được chuyển ngay sang máy tính dự trữ để tiếp tục làm phần còn lại của bài thi. Thời gian làm bài vấn được đảm bảo theo quy định. Kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị sử dụng để đăng kí xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày em dự thi.

Theo quy định, thí sinh đã trúng tuyển và nhập học thì kết quả bài thi đánh giá năng lực không còn giá trị để đăng kí xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội nữa. Nếu em có nguyện vọng học một ngành học khác thì em phải tham gia một kì thi đánh giá năng lực mới.

Phương Mai, 18 tuổi: Theo thông tin em có thì ĐHQG Hà Nội xét tuyển đối với thí sinh được 70 điểm trở lên. Vậy nếu như em được đúng 70 điểm thì khả năng trúng tuyển của em vào ĐHQG Hà Nội đạt bao nhiêu %. Nếu em thi đợt 1 đạt trên 70 điểm nhưng chưa trúng tuyển vào ngành em muốn, thì có thể giữ kết quả này để tiếp tục xét tuyển ở đợt 2 không?

- 70/140 điểm bài thi đánh giá năng lực là điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc của ĐHQG Hà Nội. Nếu em chỉ đạt 70 điểm bài thi đánh giá năng lực thì chỉ đủ điều kiện để đăng kí xét tuyển, khả năng trúng tuyển vào ngành học mà em mong muốn là thấp.

Kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị sử dụng đăng kí xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội trong thời hạn 24 tháng. Vì vậy, nếu em đạt trên 70 điểm em có thể được đăng kí xét tuyển vào năm 2016.

Thầy khuyên em nên chuẩn bị kiến thức tốt hơn để tham gia kì thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đạt kết quả thật cao để có thể trúng tuyển vào ngành học mà em mong muốn.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Thi vào ĐHQG Hà Nội có bị thiệt thòi?

Hương Thủy, 18  tuổi: Phương án tuyển sinh của ĐHQG tạo điều kiện cho thí sinh như thế nào ạ? Vì em nghe nói nếu không đậu ĐHQG thì không có cơ hội xét tuyển sang các trường khác, như vậy sẽ thiệt thòi cho chúng em?

- Kì thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội tổ chức 2 đợt: 30-31/5/2015 (đợt 1) và 1-2/8/2015 (đợt 2). 2 đợt này là trước và sau kì thi THPT quốc gia. Thí sinh có thể đăng kí dự thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và đăng kí dự thi kì thi THPT quốc gia. Vì vậy, cơ hội để đăng kí dự tuyển vào các trường đại học của thí sinh là nhiều hơn. Nếu thí sinh không trúng tuyển vào ĐHQG Hà Nội vẫn sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ ngoài ĐHQG Hà Nội.

Mặt khác, kết quả kì thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được sử dụng để đăng kí xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự thi. Nếu kì thi năm nay em không trúng tuyển, em vẫn được sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào năm 2016 (với điều kiện đạt từ 70/140 điểm trở lên).

Trần Phương Nhi, 18 tuổi: Em ở Đà Nẵng thi vào ĐHQG Hà Nội có được không ạ? Nếu em thi không đậu ĐHQG Hà Nội em có được dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH khác? Em cảm ơn.

- Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, TP Đà Nẵng là 1 trong 7 cụm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm 2015. Em ở tại Đà Nẵng có thể đăng kí thi đánh giá năng lực ở cụm thi này. Kết quả bài thi đánh giá năng lực đạt từ 70/140 điểm trở lên được đăng kí xét tuyển vào các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc của ĐHQG Hà Nội, không được sử dụng để đăng kí xét tuyển vào các trường đại học khác ngoài ĐHQG Hà Nội.

Học tốt môn tự nhiên vẫn vào được ngành nhân văn

Nguyễn Thu Thắm, 40 tuổi: Con tôi năm nay đang học lớp 11. Cháu học tốt các môn tự nhiên nhưng lại thích Trường ĐH KHXH&NV. Tôi muốn là trường Nhân văn hiện có khoa nào thi các môn tự nhiên không?

- Nếu thí sinh muốn đăng kí xét tuyển vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nôi) cần thi bài thi đánh giá năng lực chung.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm: 50 câu hỏi về Toán học, 50 câu hỏi về Ngữ văn, 40 câu hỏi về khối kiến thức Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và 40 câu hỏi về Khối kiến thức KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Thí sinh bắt buộc phải hoàn thành 50 câu hỏi về kiến thức Toán học, 50 câu hỏi về kiến thức Ngữ văn và lựa chọn hoàn thành 40 câu hỏi về khối kiến thức KHTN hoặc KHXH.

Kết quả bài thi đánh giá năng lực là căn cứ để các trường đại học và các khoa trực thuộc của ĐHQG Hà Nội xét tuyển, không phân biệt môn tự nhiên hay xã hội.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Nguyễn Thị Lan Phương, 42 tuổi: Khi vào cấp 3 con tôi đã dự định thi khối C vào khoa Luật. Nhưng từ khi Bộ có quy chế mới, phải thi bắt buộc 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, cháu thất vọng ghê gớm. Vì từ trước tới nay cháu chủ yếu tập trung vào học văn, sử, địa, nay lại thi bắt buộc 3 môn này nên con tôi hầu như mất hết hi vọng sẽ đỗ đại học. Thầy Vũ Viết Bình có thể cho tôi lời khuyên nào trong lúc này không?

- Nếu em có nguyện vọng vào học khoa Luật của ĐHQG Hà Nội, em sẽ thi bài thi đánh giá năng lực. Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm: 50 câu hỏi về Toán học, 50 câu hỏi về Ngữ văn, 40 câu hỏi về khối kiến thức Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và 40 câu hỏi về Khối kiến thức KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Thí sinh bắt buộc phải hoàn thành 50 câu hỏi về kiến thức Toán học, 50 câu hỏi về kiến thức Ngữ văn và lựa chọn hoàn thành 40 câu hỏi về khối kiến thức KHTN hoặc KHXH.

Em đã định hướng học tốt các môn thuộc khối C truyền thống thì khi làm bài thi đánh giá năng lực, em lựa chọn hoàn thành 40 câu hỏi về khối kiến thức KHXH. Việc thi bắt buộc môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kì thi THPT quốc gia là quy định của Bộ GD&ĐT, tất cả mọi thí sinh đều phải hoàn thành. Với các thí sinh học tốt các môn theo khối thi truyền thống, điều cần thiết là tích cực bổ sung những kiến thức cơ bản thuộc các môn học còn lại. Điều quan trọng là đề thi của kì thi THPT quốc gia cũng như  bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội là thuộc khối kiến thức THPT (lớp 10, lớp 11, lớp 12). Vì vậy, thí sinh không phải lo lắng quá nhiều về việc thiết hụt kiến thức.

Ban Giáo dục