- Lời tòa soạn: Để đóng góp thêm cách nhìn về kết quả xếp hạng giáo dục phổ thông của Việt Nam gần đây, anh Phạm Ngọc Duy, nghiên cứu sinh về đo lường giáo dục và tâm trắc học ở ĐH Massachusetts Amherst (Mỹ)  gửitới VietNamNet bài viết“Giáo dục Việt Nam xếp thứ 12: Một góc nhìn khoa học và những việc cần làm”.

Bài viết gồm 2 phần. Phần đầu đi sâu phân tích một vài khía cạnh kỹ thuật của các khảo sát quốc tế. Phần hai tập trung vào khuyến nghị sử dụng các kết quả khảo sát quốc tế và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông bền vững. Dưới đây là nội dung phần 1.

{keywords}
Trong giờ học Vật lý của học sinh Trường THPT Lạng Giang 2, Bắc Giang. Ảnh: Hạ Anh
Việc sử dụng điểm thi của từng thí sinh để tính điểm trung bình cho từng nước có thể làm giảm sai số của điểm trung bình này, nhưng điều đó không có nghĩa là điểm trung bình phản ánh tuyệt đối chính xác thành tích học tập trung bình của thí sinh.

Hơn nữa, chỉ có khoảng vài nghìn trong tổng số hàng triệu HS của mỗi nước được chọn để tham gia kỳ thi. Nếu việc chọn mẫu có tính đại diện thì điểm trung bình chung cũng không phản ánh hoàn toàn chính xác thành tích học tập của toàn bộ HS ở độ tuổi nhất định. Trong trường hợp mẫu chọn không có tính đại diện, mức độ sai số của kết quả đo lường có thể còn lớn hơn nhiều.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Về việc chọn mẫu, OECD đã sử dụng một công ty chuyên về thống kê để chọn mẫu thí sinh tham gia vào cuộc khảo sát. Tuy nhiên, quá trình chọn mẫu này hầu như chưa được một bên thứ ba nào đánh giá độc lập.

Ngoài các khía cạnh về mặt kỹ thuật này, các yếu tố về mặt tổ chức cũng ảnh hưởng nhiều tới kết quả thi của các thí sinh.Vốn là một kỳ thi không có tác động lớn (low-stake) tới đánh giá thành quả học tập của từng cá nhân HS, động lực làm bài thi của từng thí sinh có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả thi.

Nhiều nghiên cứu về đo lường giáo dục đã chỉ ra rằng, động lực dự thi có thể ảnh hưởng tới 30 – 40 % kết quả thi của từng thí sinh. Theo đó, thí sinh có động lực thi cao có thể đạt kết quả cao hơn đáng kể những thí sinh có động lực thi thấp.

Theo một số nhà nghiên cứu giáo dục của Hoa Kỳ, một trong những lý do kết quả của HS nước này trong các kỳ thi quốc tế thấp hơn nhiều so với các nước Châu Á là bởi vì đa số HS của họ không có động lực cao khi tham dự các kỳ thi này. Trong khi đó, HS ở các nước như Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam, Thượng Hải (Trung Quốc) được cho là có động lực cao hơn khi làm các thi quốc tế.

Điểm thi có thể không phản ánh toàn bộ chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục

Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục có uy tín nghi ngờ về khả năng so sánh điểm thi giữa các nước trong các kỳ thi quốc tế.

GS. Kadriye Ercikan ở ĐH British Columbia ở Canada,trong một bài báo khoa học mới đăng đầu năm 2015, đã đưa ra những quan ngại về việc sử dụng các kết quả đo lường quốc tế để xác định những “thực hành tốt”(good practices) của các hệ thống giáo dục.

Cho rằng, có khoảng cách giữa điểm thi của HS và chất lượng cũng như hiệu quả của các hệ thống giáo dục, bà khuyến cáo hết sức thận trọng khi kết luận so sánh các nền giáo dục chỉ dựa trên kết quả thi của HS.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. Meyer từ ĐH bang New York ởAlbany và đồng nghiệp từ Châu Âu và ĐH Stanford cho rằng qua việc sử dụng PISA để đánh giá các hệ thống giáo dục trên toàn cầu, OECD đã “thuần nhất hóa những điểm khác biệt về văn hóa và bối cảnh” giữa các nền giáo dục khác nhau để tiến hành so sánh.

  {keywords}
12 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục dựa trên điểm thi toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 do OECD thực hiện.

Nhóm tác giả này cho rằng, OECD đã đơn giản hóa các hoạt động giáo dục vốn mang tính văn hóa thành các hoạt động thuần túy mang tính kỹ thuật để có thể đo lường và đánh giá các hoạt động này.

PGS. Meyer và đồng nghiệp tiếp tục mạch phân tích này và đưa ra nhận định: Việc đồng nhất hóa tiêu chuẩn cho các nền giáo dục khác nhau có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Điều này có thể dẫn tới việc các nền giáo dục tập trung quá nhiều vào các khía cạnh có thể đo lường được để trở nên hiệu quả hơn theo các tiêu chuẩn phiến diện. Động thái này, nếu bị lạm dụng, có thể làm triệt tiêu dần sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia.

Ngoài ra, các ông cũng dẫn quan điểm của triết gia Isaiah Berlin cho rằng việc “nhắm mắt với những vấn đề không thể đo lường được bằng các con số có thể tạo ra những lý thuyết xuẩn ngốc và những hành động phi nhân tính.”

Giáo dục rộng hơn Toán và Khoa học
 
Để có cái nhìn chi tiết hơn về vài trò của các kết quả đo lường HS trong các lĩnh vực như Toán, Khoa học, Đọc hiểu hay Hiểu biết cơ bản về tài chính trong bức tranh tổng thể về giáo dục, hãy xem xét các khía cạnh này trong một định nghĩa phổ biến nhất về giáo dục.

Định nghĩa này xác định giáo dục là hoạt động của con người truyền đạt những giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm duy trì và tiếp tục phát huy các giá trị này của nhân loại.

Trong định nghĩa này, hoạt động giáo dục mang tính chất văn hóa.Hoạt động giáo dục không chỉ giới hạn ở việc truyền tải những kỹ năng và kiến thức cho người học.

Các kỹ năng và kiến thức của nhân loại cũng chỉ là một trong nhiều khía cạnh của văn hóa nhân loại. Những chiều kích khác của văn hóa còn có thể bao gồm hệ thống các niềm tin, hệ thống giá trị đạo đức, giá trị nhân văn…

Hiểu theo nghĩa rộng, các kỹ năng và kiến thức cũng không gói hẹp trong những thứ mà các kỳ thi như PISA, TIMSS hay PIRLS có thể đo lường. Ngoài Toán học, Khoa học, Đọc hiểu và Hiểu biết về tài chính, HS còn cần những hiểu biết và trải nghiệm thực tế về nền văn hóa, xã hội, về cộng đồng quanh mình và về thế giới tự nhiên.HS cũng cần được rèn luyện về thể chất, tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật, tham gia các hoạt động xã hội cũng như rèn luyện lý trí, xây dựng động lực học tập, động lực sống có ý nghĩa.

Lịch sử của đo lường, đánh giá giáo dục

Ý tưởng sử dụng các công cụ đánh giá giáo dục xuyên quốc gia để so sánh kết quả đầu ra của các hệ thống giáo dục khác nhau bắt nguồn từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đến những năm 1990, trước áp lực của quá trình toàn cầu hóa sâu rộng và xu hướng quốc tế hóa trong giáo dục, Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển OECD đã thuyết phục các nước thành viên tham gia vào chương trình đo lường sinh viên quốc tế (PISA).

Từ lúc chỉ có khoảng hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, đến nay, con số này đã lên tới 70.Các kết quả chỉ thực sự được chú ý bởi các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng trong khoảng 2 thập kỷ gần đây.

  • Phạm Ngọc Duy

Tin bài liên quan: