- Theo khuyến nghị của nhóm Đối thoại giáo dục (VED), giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận là sai lầm, và nó có thể dẫn đến bất bình đẳng hơn.
VED cho rằng, hiện trạng tài chính của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề lớn: thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ tài chính.
Trong phần khuyến nghị về Cải cách tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam, nội dung về học phí được VED phân tích rất kỹ lưỡng.
Học phí quá thấp
Cụ thể, VED cho rằng hiện nay mức đầu tư của nhà nước cho các trường công còn rất thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học là 0,9%. Trong khi đó mức trung bình đầu tư công cho GDĐH của các nước OECD là 1% GDP (cộng với 0,5% từ khu vực tư nhân thành 1,5%). Ở châu Âu mức chi của nhà nước cho ĐH trung bình là 1,1% GDP, cộng với 0,2% từ khu vực tư nhân). Mỹ thì đang chi 2% GDP cho đại học (1% từ nhà nước).
Tính theo số tuyệt đối (khoảng 5 - 6 triệu đồng/ sinh viên/ năm tại phần lớn các chương trình chính, không tính chương trình tài năng, chất lượng cao, tiên tiến), đầu tư của nhà nước cho GDĐH ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều vì GDP Việt Nam còn thấp.
VED cũng đánh giá hiện nay học bổng cho sinh viên nghèo ở nước ta đã có nhưng không đáng kể. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thứ hai, mức học phí cho các trường công cũng rất thấp. Phần lớn các trường đại học công ở Việt Nam (trừ một số trường tự chủ tài chính) đang đặt mức học phí theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP trong đó học phí bị chặn trần ở mức quá thấp (từ 5.5 - 8 triệu đồng/ sinh viên/ năm cho năm học 2014 - 2015).
Nếu chiếu theo mức học phí trung bình của các trường đại học thuộc nhóm xếp hạng khá ở Mỹ xấp xỉ bằng GDP đầu người thì học phí ở Việt Nam sẽ cần tăng lên từ 2 đến 3 lần so với mức hiện nay.
Tương tự như vậy, nếu chiếu theo mức học phí của Đại học Bắc Kinh - một trường đại học hàng đầu Trung Quốc - là 26 – 30 nghìn NDT/ năm, tương đương 60-70% GDP đầu người của Trung Quốc, thì học phí của ĐH Việt Nam cũng cần tăng lên khoảng 25 - 30 triệu đồng/ năm theo thời giá hiện tại.
Phần lớn các trường tư ở Việt Nam hiện nay cũng chỉ dựa vào nguồn thu từ học phí và mức học phí mặc dù cao hơn so với mức trung bình của đại học công nhưng về cơ bản cũng tương đối thấp (trung bình 8 - 12 triệu đồng/ năm).
Bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học
“Cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay là giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận” - bản khuyến nghị viết. “Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận này là sai lầm và nó có thể dẫn đến bất bình đẳng hơn vì hai lý do sau. Thứ nhất, học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Thứ hai, học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì hai lý do này, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được, và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu”.
VED cũng đánh giá hiện nay học bổng cho sinh viên nghèo ở nước ta đã có nhưng không đáng kể. Về tín dụng, từ năm 2007 Nhà nước đã ban hành chương trình tín dụng sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và giảm được một phần gánh nặng cho một số sinh viên nghèo. Tuy vậy, nhược điểm của chương trình này là mức cho vay thấp, chỉ đủ chi trả một phần chi phí sinh hoạt, học phí của sinh viên.
Mặt khác, vì đối tượng cho vay dàn trải, và vì chưa áp dụng hình thức điều chỉnh mức cho vay theo khả năng tài chính và năng lực học tập của sinh viên, cho nên Chương trình 157 chưa thực sự hỗ trợ được sinh viên nghèo, có học lực, có đủ khả năng chi trả cho việc đi học đại học.
Áp trần tăng tối đa và trần tăng ngắn hạn
Khuyến nghị và lộ trình tăng học phí mà VED đưa ra gồm có:
Chính phủ có thể chọn một mức quy định phù hợp yêu cầu từng trường phải trích một phần nhất định từ doanh thu làm học bổng cho sinh nghèo và giỏi trong thời điểm trước mắt, và điều chỉnh dần cho hợp lý.
Chính phủ hỗ trợ cho giáo dục đại học thông qua học bổng và tín dụng sinh viên do Chính phủ thực hiện. Riêng với tín dụng sinh viên, xây dựng chương trình tín dụng mới hiệu quả hơn thay thế cho chương trình tín dụng 157 hiện nay.
Cụ thể, thứ nhất là quy định nhiều định mức cho vay tương ứng với từng loại sinh viên thay vì một định mức chung như hiện nay; trong đó có thể cho vay đủ để trang trải cả tiền học phí và sinh hoạt phí. Thứ hai, căn cứ định mức cho vay dựa trên đánh giá năng lực tài chính của sinh viên và kết quả học tập. Thứ ba, có thể áp dụng hình thức trả nợ theo mô hình tín dụng tuỳ theo thu nhập: chỉ bắt đầu trả nợ khi sinh viên tốt nghiệp đi làm có mức lương trên ngưỡng tối thiểu; mức trả nợ tỷ lệ với thu nhập hàng tháng. Và thứ tư, có thể áp dụng quy định chỉ cho sinh viên học tại các chương trình đã được kiểm định đăng ký vay học phí nhằm khuyến khích các trường tham gia kiểm định chất lượng
Để tránh những thay đổi quá đột ngột, trong thời gian đầu, Chính phủ có thể vẫn khống chế mức học phí trần (ví dụ mỗi năm học phí được tăng tối đa 25%), đồng thời cho phép mức trần này tăng dần theo từng năm. Để điều tiết linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế, mức trần ngắn hạn có thể gắn với GDP đầu người.
Lộ trình tăng học phí nhất thiết phải được song hành với yêu cầu tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các trường đại học vì chỉ như vậy thì Nhà nước, sinh viên, và xã hội mới có điều kiện giám sát và đảm bảo nguồn tài chính tăng thêm được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Xem toàn văn bản khuyến nghị TẠI ĐÂY hoặc TẠI ĐÂY
- Ngân Anh (lược thuật)