Bài viết là quan điểm của hai giáo sư tới từ 2 trường đại học danh tiếng bàn về Escuela Nueva – mô hình giáo dục khởi nguồn từ Colombia mà Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm và có ý định nhân rộng cho các trường tiểu học. Dự án VNEN tại Việt Nam viết tắt từ Việt Nam Escuela Nueva.
Ảnh: New York Times |
Trong chuyến thăm của ông David L. Kirp – giáo sư ngành chính sách công tại ĐH California, Berkeley tới một ngôi trường ở vùng nông thôn trồng cà phê của Colombia, có 30 đứa trẻ từ 5 tới 13 tuổi đang hăng say học tập. Ở hầu hết các trường, học sinh thường ngồi theo hàng, quay mặt vào giáo viên – người nói nhiều nhất trong lớp. Nhưng những học sinh ở đây ngồi thành từng nhóm theo bàn, mỗi bàn là một lớp. Cả căn phòng rì rầm những cuộc trao đổi. Sau khi làm xong bài tập của mình, các em xem bài làm của bạn. Nếu gặp khó khăn, các em sẽ giúp đỡ nhau.
Mỗi lớp học theo mô hình này chia thành các nhóm nhỏ - thường gồm 6 em mỗi nhóm – mỗi nhóm là một độ tuổi, một lớp khác nhau - ngồi quanh một chiếc bàn lục giác. Các em có thể học và hiểu nhanh hoặc chậm tùy theo khả năng của mình với sự hỗ trợ từ những cuốn sách giáo khoa và sách hướng dẫn đặc biệt ở tất cả các môn từ tiếng Tây Ban Nha cho tới khoa học tự nhiên. Sách hướng dẫn có những vị dụ thực tế có thể áp dụng cho vùng nông thôn. Giáo viên là người hỗ trợ, đi tham quan các nhóm và giúp sinh viên đọc và thảo luận. Việc quản lý lớp học là trách nhiệm của cả giáo viên và học sinh, thường là có một chủ tịch lớp học được chính các em bầu chọn.
Theo quan sát của ông, học sinh lớp 2 đang viết truyện ngắn, còn học sinh lớp 5 thì đang kiểm tra xem màu sắc của ánh sáng có ảnh hưởng tới độ sáng của nó khi nhìn qua nước không. Giáo viên đi từ nhóm này sang nhóm kia, vỗ vai học sinh, đọc, rồi nhận xét. Ở góc phòng là những đồ vật các em mang tới, sẽ được dùng để thực hành trong các bài học. Học sinh trồng một khu vườn khá lớn. Rau và củ quả các em trồng là thực phẩm chính trong bữa ăn, thường được chuẩn bị theo công thức nấu của phụ huynh.
Trong suốt 4 thập kỷ qua, ngôi trường này và hàng ngàn ngôi trường khác giống như thế này đã áp dụng mô hình có tên là Trường học kiểu mới Escuela Nueva.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào năm 1992 về các trường học của Colombia, trẻ em nghèo, được giáo dục bằng cách thực hành thay vì học để thi, nhìn chung phát triển tốt hơn bạn cùng lứa trong các trường học truyền thống.
Một nghiên cứu của Unesco năm 2000 cho thấy, bên cạnh Cuba, Colombia đã làm tốt nhất khu vực Mỹ La-tinh trong việc giáo dục trẻ em nông thôn – nơi mà hầu hết các trường đều hoạt động theo mô hình này. Trẻ em nghèo ở các quốc gia đang phát triển thường bỏ học sau 1, 2 năm vì gia đình các em không nhìn thấy lợi ích ngay lập tức của giáo dục. Những đứa trẻ này muốn đi học hơn trẻ ở các trường bình thường.
Escuela Nueva hầu như không được biết đến ở Mỹ, mặc dù mô hình này đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế.
Khó so sánh
Lớp học Escuela Nueva - nơi học sinh ngồi thành từng nhóm quanh chiếc bàn lục giác. Ảnh: IADB |
Theo ông Felipe Barrera-Osorio – phó giáo sư giáo dục và kinh tế, Trường Giáo dục Harvard, ĐH Harvard, điều khiến cho mô hình này trở nên đặc biệt là do có rất ít mô hình sư phạm mới như Escuela Nueva được thực hiện có quy mô ở các quốc gia đang phát triển - như một bình luận mới đây trên tờ New York Times.
Đầu những năm 90, các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã thu thập thông tin về cả Escuela Nueva và các trường truyền thống ở Colombia để so sánh. Gần một thập kỷ sau, một đánh giá tương tự đã được tiến hành bởi một nhà nghiên cứu của ĐH Stanford. Mới đây, một luận án tiến sĩ ở ĐH George Washington đã sử dụng dữ liệu từ hệ thống giáo dục và so sánh kết quả của học sinh ở mô hình Escuela Nueva với trường học truyền thống. Tất cả 3 nghiên cứu này đều cho thấy rằng học sinh của Escuela Nueva có kết quả tốt hơn so với học sinh ở trường truyền thống. Tuy nhiên, cả 3 nghiên cứu này đều so sánh các trường và học sinh Escuela Nueva với trường học và học sinh truyền thống – hai đối tượng mà bản thân chúng đã khác nhau rất nhiều – ông Osorio đánh giá.
Trước tiên, rất khó để khẳng định những điểm mới của mô hình này là nguyên nhân mang lại những kết quả tích cực kia. Nguyên nhân có thể là ở triết lý “học sinh tích cực” của mô hình Escuela Nueva. Một nguyên nhân khác có thể nằm ở những cuốn sách hướng dẫn: chúng cung cấp những hướng dẫn rõ ràng cho giáo viên, đồng thời cho phép học sinh học tập với tốc độ linh hoạt tùy khả năng của mình. Có lẽ, sự thành công là việc nhấn mạnh vào các kỹ năng như làm việc nhóm, trách nhiệm cá nhân. Có lẽ sự liên kết giữa các công ty tư nhân (Liên đoàn Cà phê quốc gia) và các cơ quan giáo dục địa phương đã mang lại kết quả này. Hoặc có lẽ sự thành công của mô hình này là nhờ tài năng phi thường của một trong những người sáng lập ra nó – bà Vicky Colbert – chủ nhân Giải thưởng Công dân toàn cầu Clinton.
Theo giáo sư Harvard, để so sánh, chúng ta hãy lấy trường hợp của các trường Charter ở Mỹ ra để thảo luận. Có 3 đặc điểm làm cho mô hình Charter school trở nên thú vị. Đầu tiên, nó là một phương pháp mới và khác biệt để phá vỡ mô hình thường thấy trong giáo dục công. Thứ hai, những cải cách khả thi từ mô hình này dựa trên cơ sở lý thuyết về sự cạnh tranh. Thứ ba, mô hình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Trong trường hợp của Charter, nhóm so sánh rất đáng tin cậy bởi vì một số khu vực sử dụng cách quay xổ số để chọn học sinh học chương trình Charter. Những em không được chọn vào chương trình Charter sẽ học ở các trường công bình thường. Vì thế, 2 nhóm này có các đặc điểm chung – cơ sở để so sánh khách quan sau khi các em kết thúc chương trình Charter.
Escuela Nueva – cũng giống như Charter – là một mô hình mà về cơ bản có thể thay đổi hoạt động của các trường công. Như vậy, Escuela Nueva có thể thay đổi hệ thống từ bên trong. Nó phá vỡ mối quan hệ giáo viên – học sinh dựa trên quyền hạn và đặt học sinh là trung tâm của học tập, giúp các em trở nên năng động. Tuy nhiên, không giống như các trường Charter chọn học sinh bằng quay xổ số, học sinh của Escuela Nueva khó so sánh công bằng với trường truyền thống, bởi vì hai nhóm này khác biệt nhau. Có lẽ việc thiếu cơ sở là hệ quả của việc mô hình này ra đời từ tận những năm 70 – thời kỳ mà các chính sách dựa trên bằng chứng không phải là phổ biến.
Cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới
Học sinh Escuela Nueva học tập qua thực hành |
Các thành phố ở Colombia đang xem xét mô hình này như một con đường để phá vỡ mô hình trường công truyền thống. Tương tự, các quốc gia khác như Việt Nam cũng đang bắt đầu thực hiện mô hình này. Việc mô hình ngày càng lan rộng cho thấy cả những thách thức và cơ hội ở phía trước.
Một mặt cần thay đổi thành phần gồm nhiều độ tuổi trong mỗi lớp học, cần thay đổi để những hướng dẫn phù hợp với môi trường thành thị và thích hợp từ cấp mẫu giáo tới lớp 11.
Học sinh thành thị có mục tiêu và thái độ rất khác so với học sinh nông thôn. Tuy nhiên, trong mô hình Escuela Activa mới được thực hiện ở thành thị, cũng có một số dấu hiệu tích cực.
Mặt khác, việc mô hình ngày càng lan rộng cũng là cơ hội tốt để so sánh với mô hình truyền thống.
Phó giáo sư Osorio tin rằng Escuela Nueva có tiềm năng để thay đổi về cơ bản nền giáo dục ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, ông cũng rất tin tưởng rằng chúng ta cần nhiều cơ sở hơn không chỉ để hướng dẫn việc dạy và học trong bối cảnh mô hình đang phát triển và mở rộng, mà còn để thuyết phục các nhà hoạch định về tính khả thi và tiềm năng của nó. Đưa ra chính sách dựa trên cơ sở, bằng chứng là một yêu cầu mới mà Escuela Neuva không thể thoát khỏi thực tại này.
Bài viết tổng hợp từ hai ý kiến ngược chiều của Giáo sư ngành chính sách công David L. Kirp, ĐH California (Berkeley) đăng trên tờ New York Times hồi tháng 2/ 2015 và quan điểm của Phó Giáo sư giáo dục và kinh tế Felipe Barrera-Osorio, Trường Giáo dục Harvard, ĐH Harvard đăng hồi cuối tháng 4 năm nay trên mục blog của website Ngân hàng Phát triển liên Mỹ IADB. |
- Nguyễn Thảo (dịch)
Xem thêm: