- Một tuần sau khi công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo CT), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết “Bộ sẵn sàng tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, và sẽ sơ kết, tổng kết lại, thấy cần sửa sẽ sửa”.
Bộ sẵn sàng tiếp thu
Một nghiên cứu sinh tại Nhật Bản cho rằng phần chuẩn bị Dự thảo CT hơi gấp. Ông phản hồi như thế nào với nhận xét này?
- Thứ tưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Tinh thần chuẩn bị Dự thảo CT là khẩn trương, dù tất cả mọi việc phải theo thứ tự: xong Nghị quyết của TƯ Đảng, tới Nghị quyết của Quốc hội rồi mới đến Đề án đổi mới Chương trình, SGK. Sản phẩm của việc sau phải tuân thủ, phù hợp với sản phẩm của việc trước, CT môn học phải ra sau và phù hợp CT tổng thể, SGK phải ra sau và phù hợp CT môn học.
Trên thực tế, ý đồ để thực hiện những công việc này đã có từ lâu, và ngành đã bắt tay vào làm các công việc chuẩn bị từ lâu rồi. Ví dụ như việc chuẩn bị cho Chương trình này đã làm từ 3 năm nay, chứ không phải mới làm một năm vừa rồi sau khi có Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Cũng như vậy, bây giờ có người nói rằng viết SGK cùng lúc với xây dựng chương trình là quy trình ngược. Tôi khẳng định không ngược. Bộ sẽ ban hành chương trình trước, rồi có SGK sau. Còn trong lúc chờ có chương trình, vẫn có thể chuẩn bị SGK. Khi nào có chương trình chính thức sẽ điều chỉnh dự thảo SGK cho phù hợp.
Nói gấp thì cũng gấp thật, nhưng theo nghĩa mình phải khẩn trương chứ không được làm ẩu, làm trái quy trình.
Cũng ý kiến của nghiên cứu sinh “trong Dự thảo CT, các tác giả lúc thì dùng “nhân cách công dân”, “phẩm chất công dân” lúc lại viết “ý thức công dân” trong khi ở Nhật thống nhất gọi là “phẩm chất công dân”. Vậy thì “phẩm chất công dân”, “nhân cách công dân”, “ý thức công dân” là một hay là ba thực thể khác nhau? Nếu khác nhau thì mối quan hệ giữa chúng như thế nào thưa Thứ trưởng?
Tôi không biết tiếng Nhật nhưng chắc chắn đặc điểm ngôn ngữ của các nước thì có khác nhau. Trong tiếng Việt, những từ đó tuy có thể bao hàm nội dung giống nhau nhưng cũng có phần khác nhau, những sắc thái khác nhau. Ở những chỗ chung nhất trong Dự thảo CT đều dùng từ phẩm chất.
Tùy thuộc vào nội dung cần diễn đạt và văn cảnh khác nhau mà có thể dùng những từ khác nhau. Ban soạn thảo sẽ lựa chọn tiếp thu các ý kiến góp ý.
Cơ sở để Ban soạn thảo lựa chọn 3 phẩm chất chủ yếu, 8 năng lực chung đối với học sinh phổ thông Việt Nam là gì, thưa ông?
- Diễn đạt thành bao nhiêu năng lực là tuỳ mỗi nước có sự lựa chọn khác nhau. Nhưng những phẩm chất và năng lực đó là phổ biến ở nước nào cũng cần, học sinh nào cũng cần, công dân nào cũng cần – đó là cơ sở lựa chọn. Có điều, tùy từng nước muốn nhấn mạnh nội dung gì thì sẽ có cách diễn đạt tương ứng.
Khi phân tích ra thì những nội dung được nêu trong các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung như trong Dự thảo CT của Việt Nam là không khác với các nước nhưng mang sắc thái Việt Nam.
Các nội dung khác cũng có tình hình tương tự. Ví dụ hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất được chú trọng trong chương trình phổ thông của Hàn Quốc nhưng lại không được nêu trong CT của một số nước phát triển ở Châu Âu. Khi mình hỏi thì họ giải thích là không cần quy định trong CT vì tự nhà trường và cộng đồng họ đã vẫn thường làm rồi. Ở nước ta lâu nay vẫn quá tập trung vào kiến thức, coi nhẹ các hoạt động trải nghiệm của học sinh nên hoạt động này phải được quan tâm thích đáng trong CT mới.
Cách tiếp cận đã rất khác
- Với chương trình mới, điều rất quan trọng là thay đổi cách tiếp cận.
Những lần thay đổi CT giáo dục trước đây, khi triển khai ra đồng loạt tất cả cùng làm một lúc, và cùng làm giống nhau. Nhưng với CT lần này, sẽ không hẳn là triển khai đồng loạt bởi tới thời điểm này những việc gì cần làm và có thể làm ngay thì đã có nơi làm rồi theo tinh thần là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đến năm 2018 tất cả đều phải làm.
Tuy nhiên, kể cả tới lúc đó, mỗi trường có điều kiện khác nhau thì đặt mức độ, mục tiêu khác nhau, chọn cách làm cụ thể khác nhau.
Về cơ bản thì giống nhau theo quy định của CT mới, nhưng chúng ta cần chấp nhận sự khác nhau giữa các đơn vị, chứ không yêu cầu đồng loạt giống nhau. Đó là cách tiếp cận mới. Rõ nét nhất trong chuyện này là ở tổ chức dạy học tự chọn hay trải nghiệm sáng tạo, tùy theo địa phương mà có lộ trình riêng, có cách làm riêng, đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng.
Điều thứ hai là chúng ta không cầu toàn ngay từ đầu. Chương trình ban hành cần có tính ổn định nhưng cũng cần đặt trong quá trình phát triển, không phải là cố định. Từng nhà trường cũng phải liên tục nâng dần khả năng và yêu cầu cần đạt, vừa phù hợp điều kiện thực tế, vừa có sự phát triển. Công tác quản lý là quản lý sự phát triển.
Đấy là cách chung của thế giới khi làm chương trình, mình phải học tập. Thực tế CT hiện hành cũng đã được điều chỉnh nhiều so với khi mới ban hành, nhưng sự điều chỉnh đó chưa thật sự mang tính chủ động, lần này chúng ta chủ động hơn.
Ông đã từng nói rằng để có thể dạy tích hợp giáo viên chỉ cần bồi dưỡng thêm dựa trên nền tảng phổ thông và kỹ năng về sư phạm. Tuy nhiên, không ít giáo viên cho rằng họ không thể làm được điều đó. Họ là người trực tiếp đứng lớp. Các ông lắng nghe ý kiến của những giáo viên này thế nào?
- Mỗi sự thay đổi đều không dễ dàng. Nói cụ thể vào dạy học tích hợp. Nhiều người hiểu tích hợp là phải rất nhuần nhuyễn nội dung, phương pháp – và hiểu thế là cũng đúng thôi. Nhưng làm như thế ngay thì điều kiện hiện nay của chúng ta không làm được. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm làm nhưng không cầu toàn. Làm vừa phải thôi, ở mức mình có thể thực hiện được, phù hợp với khả năng của người viết chương trình, viết SGK và khả năng của giáo viên hiện nay.
Có người bảo rằng Bộ chỉ định xếp các môn đứng cạnh nhau, không phải là tích hợp, nhưng tôi khẳng định là có tích hợp nhưng dừng ở mức độ vừa phải. Điều này thể hiện ở chỗ: chương trình, SGK và kế hoạch dạy học đảm bảo cho các kiến thức của các phân môn khác nhau nhưng có liên quan thì được xếp gần nhau, được dạy cùng nhau hoặc dạy gần thời điểm với nhau để giáo viên và học sinh dễ nhận ra, dễ phối hợp vận dụng. Hơn nữa, CT và SGK mới sẽ có những chuyên đề tích hợp, liên phân môn để dạy và học theo yêu cầu tích hợp, giáo viên cần được bồi dưỡng để dạy được các chuyên đề này.
Kết quả cuộc thi dạy học tích hợp 2 năm qua đã chứng tỏ nhiều giáo viên THCS, THPT không chỉ dạy được mà còn tự thiết kế được chuyên đề để dạy.
Việc dạy tích hợp không phải là vấn đề xa lạ trong giáo dục phổ thông (GDPT), giáo viên đã ít nhiều dạy học tích hợp trong chương trình hiện hành, giáo viên đều đã được học, được dạy các kiến thức tích hợp trong CT GDPT; nội dung giáo dục và phương án tích hợp trong CT mới sẽ không làm thay đổi số lượng giáo viên hiện hành.
Khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương dạy học tích hợp trong CT mới là chúng ta còn hạn chế về kinh nghiệm xây dựng CT, biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học theo hướng tích hợp (đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu tích hợp). Cũng cần có sự thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý về ý nghĩa của dạy học tích hợp, vận dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học tích hợp.
Để có thể khắc phục khó khăn trên, cần xây dựng CT môn học, biên soạn SGK và các tài liệu dạy học theo yêu cầu tích hợp phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam. Đồng thời phải tổ chức trao đổi, học hỏi và vận dụng kinh nghiệm dạy học tích hợp của một số nước có nền giáo dục phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý hiện nay, đào tạo giáo viên mới đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp.
Sinh viên sư phạm cũng phải tăng cường trải nghiệm
Tới năm nay, các trường sư phạm vẫn đang tuyển sinh theo khoa ngành Toán, Lý, Hóa… thì thế hệ những giáo viên mới sẽ được đào tạo để tiếp cận chương trình mới như thế nào, khi tới năm 2018 đã triển khai CT mới, thưa ông?
- Các trường sư phạm đã căn cứ vào yêu cầu giáo viên để xây dựng chuẩn đầu ra cho đội ngũ giáo viên sau này. Bây giờ chúng ta nói phẩm chất và năng lực của học sinh phổ thông, sinh viên ĐH cũng phải hướng tới phẩm chất và năng lực.
Các trường sư phạm cũng phải đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu trang bị được cho sinh viên ra trường có đủ phẩm chất và năng lực như yêu cầu. Sinh viên sư phạm cũng phải tăng cường trải nghiệm để khi ra dạy ở trường phổ thông họ phát huy kinh nghiệm từ chính những trải nghiệm họ có ở trường đại học.
Việc đổi mới đào tạo sư phạm chủ yếu ở chỗ xây dựng chương trình, xây dựng các điều kiện để thực hiện chương trình, trong đó có việc điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức và các quan hệ phối hợp trong hoạt động đào tạo giữa các khoa, phòng, ban của trường.
Xin cảm ơn ông.
- Ngân Anh – Văn Chung thực hiện
Xem thêm: