- Ngay sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 kết thúc - nhiều trường ĐH đã có đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem lại và điều chỉnh những vấn đề bất cập, giảm vất vả cho thí sinh phụ huynh và nhà trường.


Rút ngắn thời gian xét tuyển

Ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ lợi cho rằng cách thức xét tuyển năm nay đương nhiên sẽ mới cho tất cả các trường, thí sinh và người nhà. Chính vì lần đầu tiên áp dụng nên năm nay Bộ GD-ĐT để thời gian dài, tạo điều kiện cho thí sinh, các trường trong việc chuẩn bị ứng phó xét tuyển.

“Tôi cho rằng, sang năm khi mọi người và các trường đã quen thuộc với cách thức triển khai thì thời gian ĐKXT nên rút ngắn lại.

{keywords}
Phụ huynh, thí sinh theo dõi điểm trúng tuyển dự kiến tại Học viện Ngân hàng sáng 20/8. (Ảnh: Văn Chung).

Hơn nữa, năm nay là năm đầu tiên nên thí sinh chưa có căn cứ về điểm trúng tuyển, phân hạng các trường, nên nộp hồ sơ còn chưa chuẩn xác. Nhưng năm sau thí sinh đã có cơ sở điểm của năm nay, đã quen với quy trình, thủ tục thì rút ngắn thời gian ĐKXT vẫn đáp ứng được” – ông Thụ đề xuất.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ông Nguyễn Quang Dong, cũng cho rằng Bộ nên tính toán giảm thời gian 20 ngày cho đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ.

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng cũng cho rằng, thời gian 20 ngày là quá dài. Theo ông Dũng, thường thí sinh sẽ không nộp ngay mà trì hoãn để nghe ngóng rồi mới quyết định, gây ra tình trạng náo loạn ở những ngày cuối như đã diễn ra.


Không nên cho thí sinh thay đổi nguyện vọng


Theo quan sát của lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng như chia sẻ của thí sinh thì các em thường chỉ đăng ký nguyện vọng ngành bổ sung số 2,3,4 theo tính chất cầu may mà không thực sự yêu thích.

Theo trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Kiều Xuân Thực, thì quy định mới khiến cho cơ hội trúng tuyển của thí sinh cao hơn các năm nhưng cùng với đó nhà trường, phụ huynh, thí sinh đều mệt mỏi, lo lắng.

Vì vậy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại Bùi Xuân Nhàn đề xuất, “Bộ GD-ĐT nên quy định hạn chế số nguyện vọng thí sinh được nộp vào một trường, từ 4 xuống còn 1 - 2 ngành. Như vậy thí sinh phải cân nhắc kỹ càng hơn, lựa chọn ngành mình yêu thích đồng thời nhà trường cũng chọn được sinh viên phù hợp, giảm lượng thí sinh trúng tuyển ảo”.

{keywords}
Hồ sơ của thí sinh nộp vào Học viện Ngân hàng. (Ảnh: Văn Chung).

Ông Trần Mạnh Dũng cũng cho rằng việc cho phép thí sinh cùng đợt có bốn nguyện vọng mà lại được phép đổi nguyện vọng, rút hồ sơ đã gây nên rối loạn, vì vậy “chỉ nên cho thí sinh có 2 - 3 nguyện vọng/ đợt. Hoặc có thể cho thí sinh có 4 nguyện vọng/đợt nhưng không được đổi nguyện vọng trong đợt đó”.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia công nghệ thông tin của một ĐH lớn tại Hà Nội, thì "Những chỉ đạo vừa qua của Bộ GD-ĐT cho thấy có sự lúng túng nhất định. Lúc đầu Bộ không cho các trường công bố điểm trúng tuyển tạm thời, sau lại "tháo khoán" việc này.

Hay như văn bản chỉ đạo tạo điều kiện cho thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển tại địa phương cũng muộn màng. Dù Bộ khẳng định thủ tục sẽ nhanh chóng nhưng thí sinh, phụ huynh lúc này không thể yên tâm nên dồn về các trường ĐH dẫn tới sự vất vả, căng thẳng. Đây là điều cần xem lại".

Cũng theo vị này, vừa qua quá trình công bố điểm thi, danh sách, thứ hạng và điểm trúng tuyển tạm thời của các trường được thực hiện không nhất quán đã gây không ít phiền hà, phức tạp và làm khổ phụ huynh, thí sinh. Bộ cần sớm nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lí.

 

Ứng dụng mạnh mẽ CNTT

Ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó hiệu trường Trường ĐH Công đoàn nhận xét: “Năm sau muốn khắc phục quy trình rút - nộp hồ sơ thì phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Nếu phần mềm tuyển sinh của Bộ và hệ thống kỹ thuật đáp ứng được thì các trường không cần phải trực tiếp thu hồ sơ ĐKXT như hiện nay nữa. Các trường sẽ thông báo chỉ tiêu, điều kiện ĐKXT, thí sinh đăng ký qua mạng. Kết thúc thời hạn đăng ký sẽ khoá hệ thống. Khi nào có điểm trúng tuyển thí sinh mới mang hồ sơ đến làm thủ tục nhập học. Như vậy, cả thí sinh và trường đều rất thuận tiện, thoải mái”.

{keywords}
Thí sinh, phụ huynh trong đợt 1 xét tuyển đại học 2015. (Ảnh: Văn Chung).

 

“Phương thức xét tuyển còn thủ công khiến thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp hồ sơ, nhiều em ở xa phải đi lại lên thành phố khá vất vả” - ông Trần Mạnh Dũng bày tỏ hy vọng “tới đây Bộ GD-ĐT có thể cho phép thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến”.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng năm tới vẫn có thể sử dụng phương án thi và xét tuyển như năm nay, nhưng phải có biện pháp cải tiến cho kỳ thi nhẹ nhàng hơn, không thay đổi lớn, không gây xáo trộn, và dù cải tiến như thế nào cũng chắc chắn phải tận dụng CNTT.

“Nhìn chung, phải làm theo cách thông minh hơn, phải sửa đổi nhiều bất cập đã bộc lộ qua năm nay. Trước hết là thay đổi cách ra đề thi để không phải mọi thí sinh đều làm được 70% mà cần phải có tính phân loại cao hơn. Ngoài ra, cần lấy trọng số cho điểm học bạ cao hơn. Cũng cần  tránh các sai sót  trong đề thi và đáp án, tăng cường kỷ luật phòng thi, tăng cường  giám sát để đảm bảo chất lượng  thí sinh tốt hơn.

Về phần ứng dụng CNTT, cần phát huy những nền tảng đã có sẵn từ năm nay. Ví dụ như việc tạo tài khoản cho những thí sinh đi thi, năm nay đã làm, thì năm sau cần tăng chức năng và tăng dung lượng lên.

Hệ thống máy chủ của Bộ cần đáp ứng tối thiểu khoảng 200 nghìn lượt truy cập cùng một thời điểm. Có như vậy mới không xảy ra sự cố nghẽn mạng, để thí sinh hoàn toàn yên tâm ngồi nhà đăng ký chứ không cần phải lao tới trường.

Hơn nữa, chúng ta sẽ có một năm trước mắt để tập huấn cho các học sinh lớp 12 về CNTT, tuyên truyền, hướng dẫn các em cách sử dụng tài khoản trên mạng trong việc đăng ký, chuyển đổi nguyện vọng. Nếu làm được những điều này tôi tin rằng kỳ tuyển sinh năm sau sẽ không căng thẳng như vừa qua” – ông Điền khẳng định.


  • Văn Chung – Ngân Anh