- Trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến về đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, các khách mời trao đổi những khó khăn về nguồn lực và cơ chế viết sách giáo khoa.


XEM PHẦN 1 Tranh luận nảy lửa đề án 70.000 tỷ đồng

XEM PHẦN 2 'Vừa lấy vợ đã tính vợ hai thì khó lắm'

Nghe nội dung tranh luận vấn đề "Ai sẽ viết sách giáo khoa' của các khách mời tại đây:

Các khách mời tại buổi trực tuyến. Ảnh Lê Anh Dũng

Dưới đây là nội dung buổi đối thoại

Nhà báo Kim Dung: Tôi thấy ý kiến của GS Văn Như Cương rất chính xác. Xin phản biện một chút: Tôi đã đọc đề cương dự thảo và thấy rằng, ngoài khái niệm đưa tiếp cận nội dung chuển sang tiếp cận năng lực là có vẻ mới thì từ cơ sở lý luận cho đến mục tiêu của đề án thì tôi không thấy thay đổi.Nó thể hiện một tư duy rất cũ.

Điều thứ hai, tư duy của chúng ta vẫn khá xơ cứng, thể hiện ở sự tiếp tục chủ trương “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”, trong khi đó xu thế phát triển chung là một chương trình, nhiều bộ sách.

Các giáo sư lúc nãy có nói đó là do Luật quy định. Tuy nhiên khi chúng ta đã gọi là đổi mới toàn diện giáo dục thì tại sao chúng ta không dám đề xuất, đưa ra phương án một chương trình nhiều bộ SGK? 


GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương: Chuyện đó là hết sức phức tạp. Bây giờ, ai muốn viết sách giáo khoa thì viết, đưa lên một hội đồng thẩm định, viết đúng yêu cầu thì có quyền sử dụng trong trường học.

Nếu mở ra cuộc thi như thế, tôi nghĩ không có ai dám thi. Bởi vì tôi làm sao bỏ tiền túi ra xây dựng một bộ sách như thế đến khi các anh không duyệt?
Thứ hai: Duyệt xong rồi, chọn bộ nào trong các bộ ấy? Nếu tôi là ông Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội, được ông nào đó đến nói với tôi, anh mà nhận sách của tôi thì được chi ngần này…, rồi ông khác lại đến nói sẽ chi ngần này... chưa nói đến nhà xuất bản. Hết sức phức tạp!

Không biết ở các nước, họ làm cách gì và được đến đâu. Riêng tôi đã suy nghĩ chán chuyện ấy rồi.

Bây giờ muốn viết ra, tôi phải có một nhóm, như nhóm Cánh Buồm chẳng hạn, cứ cho là họ có tiền đi, mới làm được bộ sách cấp 1, mà chỉ mới là lớp 1.

Tôi mà đi viết bộ sách Toán cấp trung học phổ thông thì phải có một chục người viết cùng. Đến khi không duyệt thì tôi không biết lấy tiền đâu trả cho người ta hết.


PGS Đỗ Ngọc Thống
PGS Đỗ Ngọc Thống: Tôi xin nói thêm. Chính trong những văn bản đầu tiên, chúng tôi đã đề xuất rất mạnh mẽ là một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Đây là bản dự thảo thứ 12. Sau khi trao đổi từ nhiều thực tiễn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới nói: Các anh phải quay về thực tế của Việt Nam.

Thực tiễn thứ hai, tôi xin thưa: Ai viết? Nói thế thôi chứ người viết tính trên đầu ngón tay.

Chúng tôi vừa vào trường sư phạm xin ý kiến thì hầu hết tất cả các giáo sư đầu ngành nói: Đề án của các anh rất hay nhưng chúng tôi xin nói, các bộ môn không còn người nữa, không còn ai nữa, tất cả môn học chúng ta đang hẫng hụt một đội ngũ hết sức lớn. Lấy đâu ra tác giả mà viết nhiều bộ?

Khi ra bộ sách thứ hai, do giáo sư Phan Trọng Luận làm tổng chủ biên thì GS Luận đã viết trên báo rằng “chúng tôi đã phải đi vơ vét các tác giả”.

Đến lần này thì hàng loạt các giáo sư nghỉ hưu hết rồi.

Bây giờ môn Toán ai viết, môn Lịch sử ai là tác giả? Môn Văn cũng vậy. Vô cùng thiếu. Người thì thừa nhưng người có năng lực rất thiếu. Luật là một chuyện, còn thực tế mới là chuyện rất khó

GS Văn Như Cương: Kèm theo thi cử, đánh giá. Nếu có nhiều bộ sách thì sẽ vô cùng phức tạp.


TS Nguyễn Anh Dũng
TS Nguyễn Anh Dũng: Thi theo chuẩn sẽ không sao.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Riêng chuyện Tấm Cám hai bản đã phức tạp rồi. Không đơn giản.

TS Nguyễn Anh Dũng: Rồi vấn đề duyệt mấy bộ sách, những người chủ biên ấy toàn bạn thầy!

GS Văn Như Cương: Rồi “đi đêm” trong lúc duyệt rồi chứ không phải là đi khi chưa duyệt.


GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết: Từ thời GS Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ trương này đã được đưa ra, nhiều đại biểu Quốc hội rất ủng hộ.

Nhưng người ở địa phương, miền núi nói: Bây giờ tôi không học được sách của anh, ít nữa lại làm nhiều sách giáo khoa, rồi do ông giám đốc quyết định thì chúng tôi chịu.

Tuy nhiên, chúng ta phải có cơ chế như thế nào để người tham gia đông, vẫn có sự cạnh tranh nhưng phải chỉnh Luật Xuất bản, mở ra cho phép người ta in SGK.

Các NXB mới có đủ tài lực đứng ra tập hợp đội ngũ viết sách. Phải thi đấu chứ không còn cách khác. Thi đấu phải chọn trọng tài công bằng. Trọng tài không công bằng thì trọng tài phải bị xử phạt.

Chuyện tiền nong thì cực kỳ khó luôn. SGK có rồi thì ai tập huấn, tiền tập huấn ai chi? Giáo viên ở nước mình đã đạt được trình độ là cầm cuốn sách nào là dạy được ngay đâu.


GS Nguyễn Kế Hào
GS Nguyễn Kế Hào: Tôi nghĩ không phải không có người viết sách đâu. Lớp trẻ bây giờ khá chứ.

Học nước ngoài từ phổ thông, rồi các nhà khoa học. Vấn đề ở chỗ là cơ chế chính sách, chế độ như thế nào.

Trong tay Bộ trưởng là gần 1 triệu các nhà khoa học và giáo viên, làm sao không tập hợp được mấy trăm người để ngồi viết sách?

Tôi nghĩ không có người viết không đúng. Không có người viết tức là anh không có chủ trương để thực hiện việc đó. Nói thế sau này con cháu chúng ta thôi sao, không học nữa, không có ai viết sách sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta phải nhìn thế hệ trẻ bằng một cách khác. Cân nhắc một số môn tự nhiên, nếu có thể sử dụng SGK nước ngoài thì có thể bàn mua chương trình, mua SGK của họ, có thể làm cho nó phù hợp với Việt Nam. Không nhất thiết các môn phải đầu tư như nhau.

(còn tiếp)

Tổ chức thực hiện: Hạ Anh – Kiều Oanh – Hương Giang – Nguyễn Hường .
  •  Ảnh: Lê Anh Dũng

PHẦN CUỐI: Đổi mới giáo dục: Con gà hay quả trứng?