- Đề án Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 với con số đầu tư 70.000 tỷ đồng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet diễn ra ngày 13/6, với sự tham gia của đại diện Bộ GD-ĐT, các nhà giáo dục đã thể hiện những ý kiến trái chiều  xoay quanh đề án này.

Mời độc giả nghe một số ý kiến  tranh luận trong bàn tròn trực tuyến  tại đây:

Khách mời tham gia trực tuyến gồm có:

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT.

TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

PGS. Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

GS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT).

Dưới đây, VietNamNet giới thiệu nội dung buổi bàn tròn

Đề án đưa ra chưa đúng lúc

Nhà báo Kim Dung: Thưa ông Vũ Đình Chuẩn, ở góc độ quản lý Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo chiến lược giáo dục Việt Nam từ năm 2008 đến 2020 có nhiều mục tiêu nhưng việc cần làm trước là cải cách giáo dục, hoặc đổi mới giáo dục một cách toàn diện theo Nghị quyết của Đảng khóa 11.

Tuy nhiên, văn bản chiến lược giáo dục này vẫn chưa được hoàn thành, mặc dù đã qua 20 lần dự thảo. Đến tận hôm nay, nó vẫn chưa được công bố và công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện theo như cách gọi phổ biến chưa triển khai.

Vì sao Bộ GD-ĐT lại chủ trương xây dựng chương trình, SGK mới mà dư luận cho rằng đó là việc làm ngược?


TS Vũ Đình Chuẩn
TS Vũ Đình Chuẩn: Năm 2008, Bộ GD-ĐT đã khởi động việc xây dựng chiến lược giáo dục.

Bộ GD-ĐT  đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan khác nhau ở hội khoa học, trường đại học, cơ sở đào tạo và đưa lên mạng.

Khi có Nghị quyết 11 về đổi mới toàn diện triệt để, căn bản giáo dục Việt Nam thì phải tiếp thu, quán triệt tinh thần đổi mới toàn diện bằng văn bản chiến lược.

Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo bộ phận biên soạn tích cực hoàn thiện chiến lược giáo dục để thông qua.

Hội thảo về đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa đã mở từ khi có thông báo 242 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 2, trong đó có định hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020.

Thông báo 242 có chủ trương đổi mới toàn diện, căn bản, trong đó, gồm đổi mới chương trình và sách giáo khoa.Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng đề án này.

Bộ GD-ĐT đã đưa đề án ra xin ý kiến của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và vừa rồi đã có cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trong Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Những kiến trong thời gian vừa qua là rất bổ ích cho một bản dự thảo. Chúng tôi đang đề nghị viện tiếp thu nghiêm túc để hoàn chỉnh đề án, đáp ứng được việc thay đổi chương trình SGK và sử dụng đại trà vào năm 2017.

Thực ra, bản chiến lược đang trong quá trình soạn thảo. Bản đề án đổi mới sách giáo khoa cũng đang trên dự thảo.

Chúng tôi nghĩ dự thảo của đề án đổi mới nằm trong bối cảnh chung đó.

Những vấn đề nằm trong chương trình đổi mới này là những vấn đề nhỏ hơn của chiến lược, của chương trình hành động. Đề án phải chịu sự chỉ đạo của các vấn đề vĩ mô như vậy.

Nếu làm tuần tự thì sẽ chậm. Chúng tôi làm như thế nhưng vẫn đảm bảo tinh thần: có thể những đề án nhỏ làm sáng tỏ những vn đề của đề án lớn và đề án lớn chỉ đạo những vấn đề của đề án nhỏ.

Khi ban hành thực hiện phải theo trình tự: vĩ mô - vi mô.

Nhà báo Kim Dung: Xin mời GS Nguyễn Minh Thuyết, vừa là chuyên gia, vừa là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng Quốc hội. Ở cơ quan lập pháp, hẳn ông có nhiều suy nghĩ về vấn đề này?


GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi được mời với tư cách người làm giáo dục lâu năm.

Đề án này có lẽ bất ngờ nhất là con số 70.000 tỷ đồng. Đây là con số rất to, nhất là đối với nước ta.

Nhưng trong 70.000 tỷ đồng đó thì có 65.000 tỷ để dành cho xây dựng trường sở, đầu tư trang thiết bị trường học, khoảng 300 tỷ để đào tạo giáo viên và 962 tỷ để biên soạn chương trình sách giáo khoa mới.

962 tỷ cũng lớn, nhưng nói cho đúng ra, nó chỉ hơn 1 km đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa thôi. Để thay toàn bộ chương trình SGK mới, tôi nghĩ là cũng không lớn lắm.

Nhà báo Kim Dung: Nhưng điều người ta băn khoăn là ngành giáo dục đưa ra đúng chưa, và đề án này có gì mới không, thưa ông?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy, đưa ra như lúc này là chưa đúng, vì trước hết, phải có một kế hoạch tổng thể để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, không phải chỉ giáo dục phổ thông theo Nghị quyết ĐH 11 của Đảng.

Trên cơ sở chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam  mới bàn đến chuyện này được.

Hiện nay, chúng ta chưa có hình dung gì về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam mà đưa đề án này thì không phù hợp.

Tôi cũng xin nói thật cảm tưởng là nếu nói rằng là giáo dục của chúng ta không có tổng chỉ huy là không đúng.

Nhưng mình phân cắt nhiệm vụ rõ ràng quá, ai phụ trách phần nào cứ việc đưa đề án vào mà không có một cái nhìn tổng thể.

Tôi được biết, Hội đồng Quốc gia Giáo dục được thành lập ngay đầu khóa Chính phủ mới này, tức năm 2007. Nhưng suốt từ đấy đến nay, hội đồng này chưa bao giờ họp.

Không hề họp lần nào để bàn thì làm sao gọi là quốc sách hàng đầu? Chính vì thế, giáo dục của ta chưa có định hướng xây dựng đổi mới căn bản, toàn diện.

Chúng tôi thấy băn khoăn vì đề án này chuẩn bị trên những phác thảo ý tưởng ban đầu, dưới dạng gạch đầu dòng 30 trang chứ chưa có nghiên cứu đầy đủ, chi tiết và cũng không có cái mới so với chương trình SGK hiện nay.

Như thế, rất khó có thể được dư luận tán đồng. Quan trọng nhất là khó đạt được kết quả tốt.

Một dự án, một công trình có vốn đầu tư 35.000 tỷ trở lên, trong đó có ít nhất 11.000 tỷ đồng lấy từ ngân sách Nhà nước là phải trình Quốc hội.

Tôi ở Quốc hội 2 khóa, mỗi khi xem xét một dự án cỡ như thế, tài liệu phải cỡ độ nửa mét.

Ở đây, kèm theo đề án này phải có rất nhiều nghiên cứu thì mới thuyết phục được nhân dân, đại biểu Quốc hội, Chính phủ.

Có một số cách làm sẽ phải tính toán để thay đổi như dư luận từ lâu mong muốn. Đó là có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng hiện nay luật chưa cho phép.

Tôi không nghĩ ngành giáo dục độc quyền vì nó đang vận hành dựa trên hai luật, gọi là độc quyền tự nhiên.

"Tôi không nghĩ ngành giáo dục độc quyền vì nó đang vận hành dựa trên hai luật, gọi là độc quyền tự nhiên. Bộ phải thuyết phục Quốc hội để thay đổi quy định này. Nếu không, phải tìm ra cơ chế để có nhiều nhóm cùng xây dựng sách giáo khoa để lựa chọn"– GS Nguyễn Minh Thuyết

Luật Xuất bản quy định mỗi nhà xuất bản (NXB) có tôn chỉ mục đích và chỉ xuất bản sách theo tôn chỉ mục đích đó thôi.

Hiện nay, không có NXB nào ngoài NXB Giáo dục có tôn chỉ mục đích là xuất bản SGK nên để các NXB khác xuất bản sách giáo khoa là không đúng.

Thứ hai, Luật Giáo dục vẫn quy định một chương trình một bộ sách giáo khoa. Nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi cũng không đời nào giao cho NXB khác. Tôi phải giao cho NXB thuộc quyền của mình để có sai sót, tôi còn có thể xử lý.

Tuy nhiên, hiện nay, dư luận cho rằng phải có nhiều bộ sách giáo khoa. Ít nhất có nhiều nhóm biên soạn thì mới cạnh tranh được chất lượng.

Tôi nghĩ rằng, Bộ phải thuyết phục Quốc hội để thay đổi quy định này. Nếu không, phải tìm ra cơ chế để có nhiều nhóm cùng xây dựng sách giáo khoa để lựa chọn.


HS Trường Tiểu học Quang Trung (Hà Nội) trong ngày trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Một dự án đổi mới chương trình SGK mà phần dành cho SGK chỉ có 1,5 %

Nhà báo Kim Dung: Theo GS, thời điểm nào nên có chương trình SGK mới?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thông thường, tuổi thọ SGK các nước từ 10-15 năm.

Còn ở nước ta cũng tùy. Nếu tính từ chương trình cải cách giáo dục năm 1981 đến thời điểm thay sách là 21 năm.

Nếu tính từ thời điểm 2002 đến năm 2019 đề án này triển khai toàn quốc là 17 năm.

Tôi nghĩ thời gian hợp lý, chuẩn bị là vừa. Nhưng trước hết, phải đưa ra tổng thể cải cách giáo dục đã, trên cơ sở đó tính toán chứ không làm nhà nền móng chưa có mà lại xây lửng lơ một cái lầu ở tầng 3. Thời điểm này không hợp lý là vì thế.


TS Nguyễn Anh Dũng
Nhà báo Kim Dung: Xin mới TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục VN
TS Nguyễn Anh Dũng:
GS Thuyết nói tới đời sống của chương trình. Riêng thời điểm này, đã phải tính đến việc chuẩn bị cho một chương trình mới.

Chương trình song song làm với chiến lược. Ngay trong kết luận của Bộ Chính trị đã yêu cầu hoàn thành năm 2015, sau đó Văn phòng TW Đảng đề nghị Bộ GD-ĐT soạn thảo chương trình này để trình Ban chấp hành Trung ương.

Đến khi nghị quyết thứ 11 đưa ra thì chương trình ở trong tình thế như vậy.

Nhưng chúng tôi quan niệm: chiến lược phát triển giáo dục năm 2011-2020 cũng đang soạn thảo và thấm nhuần tinh thần của văn kiện ĐH Đảng lần thứ 11.

Đó là tính căn bản và toàn diện. Trong quá trình hoàn thin, ban soạn thảo rất quan tâm đến điều này.

Chương trình và sách giáo khoa là một nhánh như TS Chuẩn nói: nếu chúng ta không làm ngay thì sợ rằng một vài năm tới, đợi có chiến lược giáo dục, đợi tổng thể sợ là muộn.

Nên chăng, ta vẫn cứ song song làm nhưng dứt khoát chương trình này vẫn phải công bố sau chiến lược và phải chịu sự ước chế của chiến lược đào tạo năm 2011- 2020.

Đây là một đề án được xây dựng  trong quá trình nghiên cứu. Nếu nói nó như một phác thảo thì lẽ ra, ngoài hơn 30 trang, phải có hẳn phụ lục làm rõ những mục tiêu, định hướng đổi mới, làm rõ kinh nghiệm quốc tế hay đánh giá chương trình trước đây.



Ý là phác họa một mô  hình của chương trình, nhưng có lẽ đó là thiếu sót của chúng tôi.

Để xây dựng đề án này, từ ngay năm 2003, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có 8 đề tài nghiên cứu liên quan: vấn đề sự phát triển của kinh tế - xã hội đến năm 2020 và sự đổi mới của giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông trong hội nhập quốc tế. Đây là hai đề tài trọng điểm cấp Bộ.

Hiện nay, GS Phạm Minh Hạc đang chủ trì một đề tài trọng điểm cấp Bộ về triết lý giáo dục. Đó là những vấn đề mang tính chất tầm nhìn.

Rất nhiều những nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi cho giai đoạn này có 5 đề tài về giá trị, nhân cách về tâm lý lứa tuổi.

Với chương trình, có tới 10 đề tài ở các cấp khác nhau nghiên cứu về lý luận.

Có 7 đề tài về kinh nghiệm quốc tế phát triển chương trình, đồng thời các yếu tố của chương trình cũng được nghiên cứu tại đây.

Một trong những chuyên gia đó là anh Đỗ Ngọc Thống.

Thú thực với GS Thuyết, còn nhiều vấn đề, nghiên cứu năng lực chung cho tất cả học sinh. Trước hết là Toán, Tiếng Việt và Ngữ văn.

Ngoài một số vấn đề như nội dung, phương pháp, đánh giá, chúng tôi nghiên cứu từ nay đến cuối năm phải đề xuất được mô hình tích hợp để đưa vào đề án hay phân hóa tự chọn theo năng lực.  Tự chọn là xu hướng của quốc tế.

TS Vũ Đình Chuẩn: Ngay sau khi xin ý kiến trực tiếp, Bộ trưởng đã có kế hoạch: Ngày 18/4, làm việc với tất cả các giáo sư và nghe 20 ý kiến ở ĐH Sư phạm đến 12h.

Ngày 15/4, có một cuộc làm việc tương tự như thế ở TP.HCM, các thứ trưởng làm việc với ĐH Sư phạm 1 và ĐH Thái Nguyên trong khuôn khổ chương trình đổi mới toàn diện sách giáo khoa.

Bộ trưởng yêu cầu lập danh sách các nhà quản lý giáo dục. Chúng tôi lập được danh sách 33 người.

Bộ trưởng cũng yêu cầu lập thêm danh sách những nhà chuyên môn như GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Hồ Ngọc Đại, GS Văn Như Cương. …và chúng tôi mới lập danh sách này.

Bộ trưởng cũng có dự định tiếp các giáo sư để trao đổi các vấn đề đổi mới căn bản toàn diện trong đó vấn đề chiến lược SGK.

Điều này thể hiện được là đang cố gắng và đang muốn cố gắng xin ý kiến giáo sư, nhà khoa học và nhà quản lý.

Nhà báo Kim Dung: Xin mời GS Nguyễn Kế Hào phát biểu ý kiến.


GS Nguyễn Kế Hào
GS Nguyễn Kế  Hào: Cảm ơn VietNamNet đã tạo cơ hội bày tỏ lương tâm nhà giáo và trách nhiệm công dân trước vấn đề này.

Tôi rất ít nói đến số tiền 70.000 tỷ . Cho rằng đó là nhiều thì là nhiều, cho rằng ít thì đó là ít. Việc xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị rất vô cùng, có nguồn Nhà nước, nguồn của dân và các nguồn khác. Không phải 1 năm hay 1 đợt mà có đến đâu làm đến đó.

Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng, nói “chúng ta phải thực tế, không phải là Mỹ mà là VN nên phải có cách làm của VN". Về quy trình hay việc làm, tôi tán thành ý kiến của GS Thuyết và đồng ý với nhiều nhà khoa học và nhiều nhà giáo. Trong nghị quyết của Đảng nói là đổi mới căn bản và toàn diện thì người ta hiểu thực chất đây là một cuộc cải cách.

Chúng ta bàn về mục tiêu chiến lược, hệ thống sau đó chương trình các môn học.

Tôi nghĩ đã nhỡ thì tạm dừng lại và cái kia có rồi thì mới làm cái này. Song song làm cùng một lúc thì không được, cái kia là tiền đề, là căn cứ có cái đó thì mới làm cái này được chứ không thể làm cái này và ghép cái kia.

Tôi có đề nghị phương tiện đại chúng nói rõ việc này đang thuộc nội bộ trong nhóm soạn thảo chứ không phải là công bố rộng rãi. Việc cần ngay mà tôi thấy được lòng dân và cần thiết là phải bàn về tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược phát triển GD vừa rồi.

Bộ GD làm khẩn trương và công bố cho dân thì sẽ yên lòng dân. Trong lúc điều kiện kinh tế xã hội bây giờ đang lúc khó khăn, người dân nghe như thế này thì hoảng quá. Tôi đề nghị không nên tuyên truyền như thế này. Nên hướng vào những vấn đề lớn thế nào là đổi mới toàn diện và căn bản.

Nhà báo Kim Dung: Xin mời GS Văn Như Cương, một người có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, và cái nhìn khá sắc sảo về giáo dục


GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương: Tôi khẳng định là ta sẽ không chứng minh được làm ngược đâu.

Tôi chỉ nêu một câu hỏi. Giả sử giao cho tôi viết chương trình thì tôi phải hỏi là chương trình bao nhiêu năm. 12 năm, 11 năm hay bao nhiêu năm. Tôi đi học chương trình phổ thông là 9 năm.

Chúng ta theo mô hình nào, mô hình của Mỹ, Nga,  Phần Lan? Hiện tôi không biết nhưng chắc là phải làm chương trình đến lớp 12.

Tổng thể quyết định 10,12 năm thôi thì  chúng ta vứt toàn bộ sách giáo khoa, chuyện này của chúng ta làm ngược thật. Phải nói là nếu không làm như thế này thì không kịp.

GS Thuyết có nói chương trình 10, 15 năm của các nước. Nhưng người ta thay chương trình được 10, 15 năm thì chúng ta thay chương trình cuốn chiếu tính đến bây giờ là được 10 năm. Lớp 12 mới được 1 năm, 2 năm thôi.

Các quý vị giải thích SGK chỉ chiếm 1/70 tức là chỉ tính 1,5% chứng tỏ điều vô lý của dự án. Một dự án đổi mới chương trình SGK mà  phần dành cho SGK chỉ có 1,5 %, còn hơn 98% là dành cho việc khác như thế thật vô lý. Một đề án như thế thì không chấp nhận được. Như vậy, mượn chiêu bài đổi mới SGK để làm việc khác, để làm việc thay đổi cơ sở vật chất.

Tôi vừa xây xong một trường ở Hà Nội không phải là xoàng, 30 tỷ, trước khi trượt giá là 25 tỷ. Vậy 3.000 tỷ thì xây được 1.000 trường học. Mà 1.000 dự án thì lớn mà tại sao nằm trong dự án này.

Thiết bị dạy học cũng khoảng 30.000 tỷ. Làm TBDH là phục vụ dạy học chứ không phải là sản xuất.

Sản xuất thiết bị dạy học thì các xưởng sản xuất lại kiếm lời và có lãi. Dự án nghiên cứu để sản xuất cái gì và làm như thế nào. Ví dụ, tôi làm toán mà tôi viết sách, tôi sẽ đề ra bài này có một thiết bị dạy học, thì người nghiên cứu mới tập hợp nghiên cứu rồi đưa ra sản xuất. Và nghiên cứu kiểu gì cũng không ra 30.000 tỷ đồng.

Nói theo đúng tinh thần ấy thì chỉ bỏ ra xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học có khoảng hơn sáu mươi mấy tỷ. Đề án này chỉ nên khuôn khổ là 5 tỷ. Phải phân bố lại cho thật là hợp lý, nếu không rất khó trả lời với dân là tại sao tuyên truyền giáo dục thay sách mà đến 10 tỷ.

GS Nguyễn Kế  Hào: Ý kiến của tôi cũng không khác ý kiến của GS Cương. Tôi cho cái  này cũng chưa thể tính tiền được. Khi nào làm đúng bài bản thì mới quy ra tiền được. Tự nhiên quy tiền ngay thì không có ý nghĩa  gì cả.

XEM PHẦN 2: 'Vừa lấy vợ đã tính vợ hay thì khó lắm'
XEM PHẦN 3
  Lấy đâu tác giả mà viết nhiều bộ sách?

XEM PHẦN 4: Đổi mới giáo dục: Con gà hay quả trứng?


  • Tổ chức thực hiện: Hạ Anh - Kiều Oanh - Hương Giang - Nguyễn Hường
  • Ảnh: Lê Anh Dũng
 

XE