- "Đọng lại trong tôi sau thời gian các con đi học ở đây là những chi tiết nhỏ như cô giáo ôm trò để cháu khỏi sợ sấm khi trời mưa to; mỗi khi có hoạt động gì có thể gây ảnh hưởng tới trẻ thì nhà trường đều hỏi ý kiến phụ huynh cẩn thận. Tựu trung lại, đó là sự tôn trọng con người".

Anh VTH, hiện đang sinh sống tại Kansas (Mỹ) chia sẻ với VietNamNet như vậy trong câu chuyện về đầu năm học mới. Dưới đây là chia sẻ của anh.

Thư cá nhân ở trường tiểu học

{keywords}
Ngày "Open House" - nơi các phụ huynh gặp gỡ đầu năm học mới

Bên này không có buổi khai giảng long trọng như ở Việt Nam.Thậm chí mỗi trường làm một cách khác nhau. Trường thì mở tiệc nướng BBQ để chào đón học sinh vào năm học mới, còn trường tiểu học nơi con trai út của tôi theo học thì mở tiệc dưa hấu. Trong bữa tiệc dưa hấu này, các phụ huynh có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhau và làm quen với giáo viên.

Ngày đầu tiên học trò tới trường, thầy cô xếp hàng dài hai bên cổng đón chào.Các thầy cô sẽ tập hợp trẻ lại, dẫn đi một vòng quanh trường, kể về lịch sử của trường, các lớp, chỉ chỗ để đồ.

Sau "tiệc dưa hấu" khoảng 1 tuần, nhà trường gửi cho một cái giấy để cháu mang về nhà; dặn là có nói là nếu bố mẹ nào muốn cho cô biết thông tin gì về con thì có thể viết vào giấy đó. Đây là cách làm việc rất riêng tư, vì nhiều người không muốn nói chốn đông người (kiểu như họp phụ huynh).

Tôi đã viết rất dài (có lẽ do mắc bệnh nghề nghiệp).Trong đó, tôi cũng kể cho cô giáo nghe là cậu con trai của mình sợ sấm sét như thế nào. Cứ nghe tiếng sấm là cháu toát mồ hôi, nếu có người lớn bên cạnh ôm thì cháu sẽ bình tĩnh lại.

Khoảng 1 - 2 tuần sau đó thì trời xảy ra sấm sét thật. Tôi và vợ ở nhà cũng lo cháu bị ảnh hưởng tâm lí. Thế nhưng, buổi học hôm đó trở về, con trai tôi kể ở lớp, khi có tiếng sấm, cô giáo đã gọi cháu lên cạnh mình, ôm vào lòng và vỗ về cho đến khi trời không còn sấm.

Trong lớp học của con trai tôi không có chức danh lớp trưởng, nhưng có các câu lạc bộ học sinh.Học sinh sẽ tự vận động bầu ra chủ nhiệm câu lạc bộ, có chương trình và mục tiêu rõ ràng.

Trung học: Ấn tượng với giáo viên tư vấn

{keywords}

Cậu con trai cả năm nay vào cấp 3.Chuyện ngày lễ đầu năm học thì không có gì đáng nói. Chỉ có điều, sau 1 tuần nhập học, nhà trường tổ chức tổ chức ngày "Open House", là dịp phụ huynh gặp gỡ thầy cô.

So với hình thức "họp phụ huynh" ở Việt Nam thì cách gặp gỡ này thoải mái hơn, như kiểu "gặp mặt không chính thức". Do đó mà các trao đổi sẽ cởi mở, thoải mái. Thường thì buổi gặp này, nhà trường sẽ chuẩn bị đồ ăn nhẹ và đồ uống.

Đầu năm, học sinh sẽ chọn lớp với sự hướng dẫn của các giáo viên cố vấn, để đảm bảo là mình đủ các tín chỉ bắt buộc; rồi sau đó chọn môn âm nhạc, thể thao.Đây chính là điều tôi thấy hay là học sinh được trợ giúp để tư vấn về mặt học tập, hướng nghiệp thậm chí là giải toả stress, hay hoà nhập với các bạn.

Cháu đầu nhà tôi hôm nhập trường được thầy tư vấn hỏi có thích học violin không, cháu trả lời đã học rồi nhưng lâu không chơi.

Thầy hỏi có thử học không, cháu đồng ý, nhưng sau đó lại sợ vì thấy các bạn học môn này nhiều năm rồi. Thế là lại hẹn gặp thầy tư vấn để đổi lớp.

Hôm đến gặp tư vấn, họ hỏi chuyện tỉ mỉ như cháu ăn trưa với ai, có bạn chưa, hay nói chuyện với bạn nào, rồi hướng dẫn cách nói chuyện và làm quen với các bạn. Chẳng hạn như hãy để bạn nói về mình, chứ đừng nên bắt đầu câu chuyện bằng cách nói về mình, như thế sẽ khó kết bạn.

Học sinh và phụ huynh được tôn trọng

{keywords}

Nhiều bạn bè ở Việt Nam thường hỏi, đã có con trải qua 2 nền giáo dục, điều gì tôi thấy là khác biệt hơn cả. Qua vài năm có con theo học tiểu học, trung học cơ sở và giờ là cấp 3, tôi thấy điều rõ nhất là việc các cháu ít có áp lực học hành hơn so với trường Việt Nam.

Một vấn đề nữa là bất cứ việc gì có liên quan đến sức khoẻ, tinh thần hay lòng tự trọng của học sinh thì đều phải có sự cho phép của bố mẹ. Nếu bạn không muốn con bạn tham gia thì cũng không có bất kì hình thức phân biệt đối xử nào.

Ví dụ như bài học đi trên thảm thủy tinh ở Việt Nam vừa rồi. Dù đó là sách tham khảo, và có nhiều giáo viên phản đối, nhưng theo chính tác giả sách nói thì sách đã đưa vào khá nhiều trường học trên toàn quốc. Trong khi đó, nếu ở Mỹ thì các trường sẽ phải tham khảo ý kiến phụ huynh rất kỹ lưỡng.

Con trai thứ hai năm nay đã lên lớp 6. Tuần tới, nhà trường tổ chức cho các cháu học về giới tính, cũng là một chủ đề nhạy cảm.Và có thể đối với nhiều tôn giáo, "giáo dục giới tính" là điều không được phép hoặc có lỗi khi nói với trẻ em, nên nhà trường phải gửi giấy thông báo từ tuần này.Nếu học sinh không tham gia được hoạt động này cũng không sao, chứ không bị phân biệt nếu không có mặt.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giáo dục phổ thông cho tất cả mọi người dân. Trong đó chính sách hỗ trợ hộ gia đình có thu nhập thấp bằng cách miễn phí cho trẻ ăn sáng, ăn trưa và ăn nhẹ tại trường. Gia đình nghèo không phải mua dụng cụ học tập (gia đình có thu nhâp cao thì mua), và phòng giáo dục cho thuê dụng cụ học tập chi phí rẻ bằng 1/10 bên ngoài như đàn violin, kèn saxophone. Tới mùa hè, hoạt động hè của học sinh thu nhập thấp được miễn phí. Tất nhiên đó là trường công, còn trường tư thì không có nghĩa vụ phải làm như vậy.

  • Hạ Anh (ghi theo lời kể của anh VTH)

Xem thêm: