- Năm học 2015-2016 bắt đầu thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, mỗi học sinh khi nhập học phải đóng 543.375 đồng cho 15 tháng để được tính hết năm 2016. Đây quả là một gánh nặng cho gia đình học sinh.

Nếu nhà có hai con đi học thì hai khoản BHYT và bảo hiểm thân thể (BHYT, BHTT) đã hết gần 1,4 triệu đồng. Nếu tính thêm những đóng góp khác thì quả là BHYT + BHTT làm cho cha mẹ “méo mặt”.

{keywords}
Học sinh Trường Tiểu học Nậm Ty (huyện Sông Mã, Sơn La) trong ngày khai giảng. Ảnh: Vũ Đình Thành
Sở dĩ nói 15 tháng vì chắc rằng đa số các trường, các thầy cô sẽ chọn giải pháp thu 15 tháng chứ chẳng ai dại gì chia ra nhiều kì để thu. Nếu chia ra nhiều kì để thu, giáo viên vất vả đã đành, phần thiệt thòi lại chính các em phải chịu.

Giả sử, nếu em Tú mua BHYT 3 tháng cuối năm 2015. Chẳng may những ngày đầu năm 2016 Tú phải đi khám bệnh. Nếu Tú đưa thẻ đã hết hạn ra và thanh minh “Cháu chưa được cấp thẻ mới !” thì có ai dám chắc Tú được “thông cảm” và BHYT sẽ thanh toán cho Tú bình thường.

Mặt khác, cha mẹ học sinh bận rộn đi làm, 3 tháng vèo cái đã hết, thôi thì cứ “cố” mà đóng đi cho xong. Về phía nhà trường, nếu thu làm nhiều kì sẽ vất vả cả một hệ thống: Các thầy cô thu tiền, lập danh sách gửi lên, bộ phận văn thư, kế toán tổng hợp, lập danh sách gửi BHXH huyện. Một thời gian sau, thẻ khám bệnh mới về tay các em. Như vậy, tính từ lúc các em nộp tiền đến lúc các em nhận thẻ là qua nhiều công đoạn chứ không phải cứ thích là mai có thẻ.

Thực tế tiếp xúc với cha mẹ học sinh, các thầy cô hiểu, nhiều phụ huynh đóng tiền BHYT với mục đích là giúp con hoàn thành nhiệm vụ với lớp chứ không trông mong được “Chăm sóc sức khỏe” từ tấm thẻ khám bệnh. Vậy nên “Các thầy cô cứ thu một lèo đi, mai khỏi phải thông báo…!”

Lý giải có cố gắng, nhưng chưa hài hòa

Trả lời trên VietNamNet, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói “Sẽ thay đổi cách thu BHYT …” bằng cách chia ra thu nhiều kì. Các nhà quản lí BHYT chắc chắn có mong muốn giảm áp lực cho phụ huynh và giáo viên nhưng giải pháp này sẽ không đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của số đông.

Ông Khương giải thích tiếp, thu BHYT cao cũng là vì phải trích lại 4% hoa hồng cho nhà trường và 7% để lại trường lấy kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Thiết nghĩ, việc thu BHYT cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường, đây không phải vấn đề thị trường nên ta đừng đặt chuyện hoa hồng vào đó. Còn khoản 7% chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại trường thì thật lãng phí.

Thực tế ở trường, nếu học sinh đau ốm hoặc tai nạn nặng thì sơ cứu rồi chuyển đi. Bình thường, các em chỉ dùng thuốc chữa đau đầu (paracetamol 2000 đồng/vỉ 10 viên) hoặc thuốc trị tiêu chảy cotriseptol (6000 đồng/vỉ 20 viên) và thêm kháng sinh amoxilin cùng một số thuốc thông thường khác. Đa số các trường có sắm dụng cụ sơ cứu như nẹp chân, bông, băng, cồn … Tuy nhiên, khó tiêu hết 7% BHYT. Còn việc tổ chức ngoại khóa cho học sinh về bảo vệ sức khỏe thì “ít xảy ra” nên cũng không tốn vào nguồn 7% này.

Ông Khương giải thích mức đóng 4,5%: “Thế thì chúng ta huy động của những người trẻ để hỗ trợ cho những người già,…” Điều này cũng không thực tế vì ở nông thôn, chỉ những người già có lương hưu mới tham gia BHYT, còn đa số người già không có chế độ gì thì không mua BHYT. Vậy thì HS là người chưa có thu nhập lại phải “hỗ trợ” cho các cụ có lương hưu hay sao?

Trả lời báo chí, bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) khẳng định, việc nhiều địa phương thu một lúc 15 tháng số tiền BHYT học sinh sinh viên là không hợp lý. Có lẽ, quan sát của bà Hương là cách nhìn từ cao xuống. Còn thực tế như đã nêu trên, thu 15 tháng BHYT cùng lúc rất hợp lí ở đa số các tỉnh thành.

Là những người trực tiếp thu phí BHYT của học sinh, chúng tôi hiểu, cực chẳng đã thì BHYT mới phải thu đến mức cao vậy. Thế nhưng, chúng tôi biết trước rằng, dù có cố gắng, nhưng rất khó hài hòa.

  • Tùng Sơn

Xem thêm: