- Bài viết của nhà giáo Khánh Ngọc dưới đây chỉ ra một số bất cập khi triển khai quy định bắt buộc "là chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi từ cấp thị trở lên thì nhất định phải có sáng kiến kinh nghiệm".

Chuyền tờ giấy đăng kí đề tài viết kinh nghiệm nhà trường vừa đưa cho cô H một giáo viên dạy giỏi của trường, bỗng nhận được cái xua tay: “Từ từ, để về đao mạng tìm thử xem đề tài nào hợp, năm nào cũng bắt đăng kí thì móc ở đâu ra”?

{keywords}

“Sáng kiến kinh nghiệm là những kinh nghiệm mình đúc kết trong giảng dạy viết ra sao lại lấy trên mạng mà nộp cho được”?

Nghe được câu nói này, nếu người ngoài cuộc chắc sẽ bất ngờ và thắc mắc ghê lắm bởi: “Sáng kiến kinh nghiệm là những kinh nghiệm mình đúc kết trong giảng dạy viết ra sao lại lấy trên mạng mà nộp cho được”?

Điều trở thành vô lý nhưng lại đang tồn tại trong ngành giáo dục từ năm này qua năm khác mà chưa có hồi kết mặc dù báo đài cũng đã nhiều lần đề cập đến.

Bi hài chuyện viết

Theo quy định, hàng năm các trường phải đăng kí thi đua và tổ chức thi giáo viên dạy giỏi.

Nếu là chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi từ cấp thị trở lên thì nhất định phải có sáng kiến kinh nghiệm. Đây là một trong những quy định bắt buộc từ bao nhiêu năm nay. Thế là, để có những sáng kiến kinh nghiệm nộp theo quy định, các thầy cô giáo thường lên mạng tìm kiếm những sáng kiến của đồng nghiệp mà mình ưng ý và coppy mang nộp.

Trước đây, có người sao y bản chính nhưng xảy ra sự cố vài ba người cùng nộp một sáng kiến “giống nhau đến từng centimet” nên công nghệ coppy cũng được nâng tầm. Có người tải xuống vài ba cái sáng kiến cùng chủ đề và cóp chỗ này một ít, chỗ kia vài đoạn theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Một số thầy cô dù coppy trên mạng nhưng cũng tranh thủ dành ít thời gian để đầu tư chỉnh sửa nhưng cũng không ít người chỉ đọc sơ qua và lắp ghép một cách miễn cưỡng nên đọc những sáng kiến này đã mang đến cho người chấm nhiều trận cười nghiêng ngả bởi sự cẩu thả và ngô nghê của người viết.

Đến chuyện chấm

Ở cấp trường, cũng thành lập Hội đồng khoa học chấm sáng kiến kinh nghiệm. Thành viên trong Hội đồng chấm là các tổ trưởng, Chủ tịch công đoàn và ban giám hiệu. Mọi người được phân công đọc và cho điểm.

Tổng hợp các điểm chấm chia bình quân để ra số điểm chung cần đạt. Tiêu chí chấm được quy định như đề tài phải mang tính thời sự, đáp ứng yêu cầu của chuyên môn, các giải pháp đưa ra hợp lý...nhưng người chấm thường “nhìn mặt đặt tên” thế là các sáng kiến toàn đạt loại A chí ít cũng đạt loại B chứ không có sáng kiến nào bị loại cả.

Những sáng kiến ở trường đã được gửi lên phòng Giáo dục và chuyện chấm ở nơi này cũng chẳng hơn gì ở cơ sở. Do lượng sáng kiến các trường gửi lên tới con số dăm trăm cái nên họ đã phân cho từng thành viên phụ trách chấm độc lập. Vì thế một người có khi cũng chấm tới hàng trăm sáng kiến.

Nhiều người thường nói vui, sáng kiến đậu hay bị đánh trượt cũng phụ thuộc vào tâm trạng của người chấm. Vui có khi dễ dãi sẽ đạt còn buồn không biết chừng sẽ bị đánh trượt cũng nên. Chẳng thế mà có giáo viên kể cũng sáng kiến đó năm này bị rớt nhưng năm sau đem nộp lại được đậu...

***

Năm nào cũng viết rồi cũng nộp, sáng kiến kinh nghiệm của một huyện thị có khi lên đến hàng nghìn cái vài năm nhưng chẳng có bao giờ đem được cái sáng kiến nào ra áp dụng vào giảng dạy.

Giáo viên thì mệt mỏi với việc bị ép buộc phải viết để đăng kí thi đua. Nhà nước lại tốn một khoản tiền chi cho công tác chấm. Đã đến lúc ngành Giáo dục cũng nên xóa bỏ một phong trào thi đua viết kinh nghiệm ảo như thế.

Khánh Ngọc