Ở Nhật Bản hiện tại, giáo dục lịch sử có một vị trí quan trọng trong trường phổ thông và được thực hiện ở cả ba cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Giáo dục lịch sử ở đây được thực hiện thông qua môn Nghiên cứu xã hội (Xã hội) và môn Lịch sử. Vì vậy trên thực tế ở trường phổ thông Nhật Bản tồn tại hai kiểu giáo dục lịch sử: Giáo dục lịch sử trong môn Lịch sử và giáo dục lịch sử trong môn Nghiên cứu xã hội.

Bậc Tiểu học: Giáo dục lịch sử trong môn Nghiên cứu xã hội

Từ sau 1945, giáo dục tiểu học ở Nhật kéo dài 6 năm. Trước thập niên 90 của thế kỉ XX, môn Nghiên cứu xã hội có ở cả lớp 1 và lớp 2 tuy nhiên sau đó nó được thay thế bằng môn Đời sống.

Trong chương trình hiện nay, giáo dục lịch sử được bắt đầu từ lớp 3 trong môn Nghiên cứu xã hội. Đây là môn học có tính tổng hợp cao, bao hàm trong nó cả lịch sử, địa lý, công dân.

Mục tiêu của môn học này là nhằm “làm cho học sinh có hiểu biết về đời sống xã hội, giáo dục hiểu biết và tình yêu đối với lịch sử và lãnh thổ nước ta, giáo dục nền tảng phẩm chất công dân cần thiết với tư cách là người xây dựng nên quốc gia-xã hội hòa bình dân chủ và sống trong cộng đồng quốc tế”.

{keywords}

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát này, bản chương trình (có tên gọi “Hướng dẫn học tập”) xác định mục tiêu và nội dung học tập ở từng khối lớp.

Lớp 3 và lớp 4 có mục tiêu: (1) Học sinh có hiểu biết về tình hình sản xuất của địa phương và đời sống tiêu dùng cùng các hoạt động nhằm bảo vệ đời sống khỏe mạnh của mọi người, bảo vệ môi trường sống tốt đẹp. (2) Học sinh có hiểu biết về môi trường địa lý của địa phương, sự biến đổi của đời sống con người và lao động của những người đi trước đã nỗ lực vì sự phát triển của địa phương. (3) Quan sát, điều tra các hiện tượng xã hội ở địa phương đồng thời sử dụng có hiệu quả bản đồ và các tư liệu cụ thể khác, giáo dục năng lực tư duy, năng lực biểu hiện những gì điều tra được, suy ngẫm về đặc trưng và mối quan hệ qua lại giữa các hiện tượng xã hội của địa phương.

Lớp 5 có mục tiêu: (1) Học sinh hiểu biết về lãnh thổ nước ta, mối quan hệ giữa môi trường lãnh thổ và đời sống quốc dân, làm sâu sắc mối quan tâm về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, giáo dục tình yêu đối với lãnh thổ. (2) Học sinh có hiểu biết về tình hình sản xuất của nước ta và mối quan hệ giữa sản xuất và đời sống quốc dân, có mối quan tâm tới sự phát triển của sản xuất của nước ta và sự tiến triển của thông tin hóa trong xã hội. (3) Điều tra cụ thể về các hiện tượng xã hội, đồng thời sử dụng có hiệu quả các tư liệu cơ bản các loại như bản đồ, quả địa cầu, số liệu thống kê, giáo dục năng lực biểu hiện những gì điều tra được, suy ngẫm được và năng lực tư duy về ý nghĩa của các hiện tượng xã hội.

Bậc Trung học cơ sở: “Lĩnh vực lịch sử” có 4 mục tiêu

Trong ba năm trung học cơ sở, học sinh sẽ học “lĩnh vực Lịch sử”, một bộ phận thuộc môn Nghiên cứu Xã hội.

Môn Nghiên cứu xã hội được giảng dạy ở cấp học này nhằm mục tiêu: “Nâng cao mối quan tâm đối với xã hội dựa trên tầm nhìn rộng lớn, khảo sát đa diện, đa góc độ dựa trên các tư liệu, làm sâu sắc sự lý giải và tình yêu đối với lịch sử và lãnh thổ nước ta, nuôi dưỡng văn hóa nền tảng với tư cách là công dân, giáo dục nền tảng phẩm chất công dân cần thiết với tư cách là người xây dựng nên quốc gia - xã hội hòa bình, dân chủ và sống trong cộng đồng quốc tế”.

Dựa trên mục tiêu tổng quát đó, “lĩnh vực lịch sử” sẽ đảm nhận 4 mục tiêu sau:

(1) Nâng cao mối quan tâm đối với các sự kiện, hiện tượng lịch sử, làm cho học sinh lý giải dòng chảy lớn của lịch sử nước ta, lịch sử thế giới dựa trên bối cảnh và đặc trưng từng thời đại, thông qua đó làm cho học sinh đứng trên cái nhìn rộng lớn để tư duy về đặc trưng truyền thống và văn hóa nước ta đồng thời làm sâu sắc tình yêu đối với lịch sử nước ta, giáo dục sự tự giác với tư cách là công dân.

(2) Làm cho học sinh có hiểu biết và giáo dục thái độ tôn trọng đối với các nhân vật lịch sử đã cống hiến cho quốc gia - xã hội, sự phát triển của văn hóa và đời sống của mọi người cũng như các di sản văn hóa được truyền tới hiện tại trong mối quan hệ với thời đại và địa phương đó.

(3) Làm cho học sinh lý giải được đại thể về giao lưu quốc tế và giao lưu văn hóa trong lịch sử, tư duy về mối quan hệ qua lại sâu sắc giữa lịch sử và văn hóa nước ta với các nước khác đồng thời làm cho có mối quan tâm tới văn hóa, đời sống của dân tộc khác, giáo dục tinh thần hợp tác quốc tế.

(4) Nâng cao mối quan tâm, hứng thú đối với lịch sử thông qua học tập các sự kiện, hiện tượng cụ thể và lịch sử của địa phương gần gũi, sử dụng các tư liệu phong phú để khảo sát đa diện, đa góc độ các sự kiện, hiện tượng lịch sử, đưa ra sự phê phán công bằng và giáo dục thái độ, năng lực biểu hiện phù hợp.

Về nội dung, khác với tiểu học, nội dung lịch sử không được bố trí theo từng khối lớp mà được xây dựng cho toàn khối.

{keywords}

Bậc Trung học phổ thông: Môn Lịch sử - Địa lý

Bậc học Trung học phổ thông Nhật Bản kéo dài 3 năm, tùy theo từng trường mà có các ban khác nhau nhưng thông thường sẽ có các ban: Tổng hợp, phổ thông và nghề nghiệp (còn gọi là ban chuyên môn).

Ở Trung học phổ thông sẽ có một hệ thống các môn bắt buộc và tự chọn (tương ứng theo ban) cho học sinh lựa chọn.

Giáo dục lịch sử ở cấp THPT được thực hiện trong môn giáo khoa có tên Lịch sử - Địa lý.

Đối với phân môn Lịch sử trong môn giáo khoa này, nó được phân chia thành 4 môn học nhỏ cho học sinh lựa chọn tương ứng với năng lực và nguyện vọng của bản thân là: Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B. Trong đó học sinh bắt buộc phải chọn một môn Lịch sử thế giới và một môn Lịch sử Nhật Bản.

Về mục tiêu, ngoài mục tiêu tổng quát chung cho môn học Lịch sử - Địa lý, còn có mục tiêu của từng phân môn.

Dưới đây là mục tiêu của từng môn học cụ thể nằm trong môn Lịch sử - Địa lý trích từ bản Hướng dẫn học tập hiện hành.

Lịch sử thế giới A: Dựa trên các tư liệu làm cho học sinh lý giải lịch sử thế giới với trung tâm là lịch sử cận hiện đại trong mối quan hệ với các điều kiện địa lý và lịch sử Nhật Bản, giáo dục năng lực tư duy lịch sử thông qua việc cho học sinh khảo sát từ quan điểm lịch sử các vấn đề của xã hội hiện đại, giáo dục phẩm chất và sự tự giác với tư cách là công dân Nhật Bản sống một cách chủ thể trong cộng đồng quốc tế.

Lịch sử thế giới B: Làm cho học sinh lý giải cơ cấu lớn và sự triển khai của lịch sử thế giới dựa trên các tư liệu trong mối quan hệ với các điều kiện địa lý và lịch sử Nhật Bản, thông qua khảo sát từ tầm nhìn rộng lớn tính đa dạng, phức hợp của văn hóa và đặc trưng của thế giới hiện đại mà giáo dục năng lực tư duy lịch sử, giáo dục phẩm chất và sự tự giác với tư cách là công dân Nhật Bản sống một cách chủ thể trong cộng đồng quốc tế.

Lịch sử Nhật Bản A: Dựa trên các tư liệu, tạo ra mối quan hệ giữa lịch sử cận hiện đại nước ta và các điều kiện địa lý, lịch sử thế giới, làm cho học sinh chú ý và khảo sát các vấn đề hiện đại, từ đó giáo dục năng lực tư duy lịch sử, giáo dục phẩm chất và sự tự giác với tư cách là công dân Nhật Bản sống một cách chủ thể trong cộng đồng quốc tế.

Lịch sử Nhật Bản B: Dựa trên các tư liệu cho học sinh khảo sát tổng hợp về sự triển khai lịch sử nước ta trong mối liên quan với các điều kiện địa lý và lịch sử thế giới, làm sâu sắc nhận thức về đặc trưng truyền thống và văn hóa nước ta, nuôi dưỡng tư duy lịch sử và giáo dục phẩm chất, lòng tự giác với tư cách là công dân Nhật Bản sống một cách chủ thể trong xã hội quốc tế.

Nguyễn Quốc Vương