- Theo dõi những bài viết trên VietNamNet, Thảo Anh - một học sinh Việt Nam đang học  lớp 7 tại Úc gửi tới tòa soạn những suy nghĩ và cảm nhận của mình về chuyện học Lịch sử ở trường học của 2 nước.

Học sinh giỏi chia sẻ sự khác biệt trường tây - trường ta

Học ở Việt Nam: Được điểm cao nhưng không hào hứng

Sau khi xem clip về chuyện học sinh nhầm lẫn Quang Trung - Nguyễn Huệ, điều đầu tiên em nhớ tới là các giờ học lịch sử ở Việt Nam. 

Hồi đó, lớp em được một cô giáo giỏi dạy môn Lịch sử.  Giờ dạy của cô thường hứng thú hơn do cô hay kể các câu chuyện cho học sinh.

Mặc dù vậy, chúng em vẫn rất hay lo lắng trước mỗi buổi kiểm tra thuộc lòng đầu giờ. 

Mỗi lần như vậy, khi chuông reo vào tiết Sử, cả lớp hốt hoảng giở sách ra và cố nhét vào đầu phần ghi nhớ ở bài trước. Chỉ cần bạn nào nhớ được y nguyên nội dung bài trước là sẽ được điểm cao. Tương tự như vậy, với các bài kiểm tra một tiết và bài thi cuối học kỳ, chúng em chỉ cần học thuộc từ đầu đến cuối những gì cô đọc cho viết và trong sách giáo khoa (với hy vọng sẽ không bỏ sót một chi tiết nào) là sẽ được điểm cao. 

Bên cạnh đó, trong các giờ học, em thấy thường chỉ có thầy cô nói và đọc còn học sinh thì cặm cụi chép. Rất ít khi có các buổi tranh luận cởi mở trong lớp giữa các học sinh với nhau hoặc với thầy cô.

Có lẽ vì cách học thụ động như vậy nên chưa bao giờ em thực sự cảm thấy hứng thú với môn học. Mặc dù vẫn được điểm cao nhưng em chỉ cố gắng học thuộc để được điểm tốt chứ chưa bao giờ có hứng thú (hay được yêu cầu) tìm hiểu thêm.

Học ở Úc: Thảo luận và làm bài tập lớn

Những điều này đã thay đổi hẳn với em sau hơn một năm học tại Úc. 

Thay vì mỗi lần mệt mỏi bước vào lớp để học môn Sử khi ở Việt Nam, thì nay em luôn cảm thấy hứng thú mỗi khi có tiết học này. 

Vào đầu năm học, chúng em được cung cấp sách giáo khoa (SGK) của hầu hết các môn học dưới dạng bản mềm (PDF). 

Tuy nhiên đối với môn Sử, việc dạy trên lớp không dựa nhiều vào SGK. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên phát cho học sinh các tài liệu bổ sung mà ở đó có hoặc là các câu hỏi để củng cố kiến thức hoặc các thông tin mở rộng liên quan nhưng không có trong SGK.

Một điểm khác biệt nữa là, giáo viên thường xuyên khuyến khích học sinh chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình, tổ chức các nhóm tranh luận hay hùng biện về những chủ đề mà hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. 

Cách học như vậy thúc đẩy học sinh luôn đặt ra các câu hỏi để hiểu vấn đề sâu hơn, cho phép học sinh cơ hội nói lên quan điểm của mình, đồng thời nhận được bình luận của các bạn khác cũng như của các thầy cô.

Về cách thức đánh giá kết quả, bước vào mỗi kỳ học (ở đây năm học được chia thành 4 kỳ, mỗi kỳ kéo dài 10 tuần), mỗi học sinh được phát một danh mục các mục tiêu học tập (learning objectives) và tiêu chí thành công (success criteria) đối với từng môn học. 

Khi kết thúc kỳ học, học sinh có thể dựa vào tài liệu này để tự đánh giá xem kiến thức của mình đang ở mức độ nào. Đối với những kiến thức chưa nắm vững thì phải ôn lại hoặc hỏi thêm để giáo viên giải đáp.

Về phía nhà trường, học sinh được đánh giá không chỉ đơn thuần thông qua các kỳ thi.

 Môn Sử cũng như nhiều môn học khác, học sinh thường được giao cho một bài tập lớn (assignment) để hoàn thành trong 3 đến 4 tuần. 

Chẳng hạn như ở kỳ trước, chúng em học về thời kỳ cổ đại Ai Cập. Cô giáo đưa ra một danh sách một số các cổ vật và công trình của thời kỳ cổ đại Ai Cập và yêu cầu mỗi học sinh chọn một cổ vật hoặc công trình để tìm hiểu, nghiên cứu và làm báo cáo. Các tiêu chuẩn về cấu trúc, hình thức và thư mục của bản báo cáo cũng được quy định rất rõ ràng. 

Ngoài bản báo cáo viết, chúng em còn được yêu cầu chuẩn bị một mô hình hoặc phim tài liệu ngắn về chủ đề mà mình đã chọn. Trong quá trình chuẩn bị, học sinh luôn có cơ hội trao đổi và nhận sự hướng dẫn từ giáo viên. Em nhận thấy, cách làm này vừa không thách đố học sinh vừa giúp chúng em học và hoàn thiện các kỹ năng nghiên cứu, trình bày bài viết và thuyết trình.

Ngoài ra, để củng cố các kiến thức đã học, giáo viên thường tổ chức những trò chơi (thay vì các bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết). 

Một ví dụ điển hình là: lớp được chia thành các nhóm, mỗi nhóm gồm hai học sinh, một người nhìn lên bảng, một người quay ngược lại nhìn về phía lớp. 

Người nhìn lên bảng phải miêu tả các từ khóa của bài học trước được giáo viên ghi lên bảng nhưng không được nói hoặc đánh vần từ đó ra, còn nhiệm vụ của người kia là phải đoán được các từ đó một cách nhanh nhất. 

Nhóm nào đoán được nhanh nhất tất cả các từ sẽ thắng. Những trò chơi đơn giản như vậy vừa làm môn học sinh động hơn, vừa khiến học sinh hứng thú và nhớ được bài lâu hơn thay vì hôm nào cũng nơm nớp sợ "bị" gọi lên bảng trả lời những câu hỏi học thuộc lòng.

"Hãy bắt đầu cuộc đời bằng cách đặt câu hỏi"

Là một học sinh phổ thông, em chưa dám đưa ra các khuyến nghị để thay đổi giáo dục ở Việt Nam nhưng em nghĩ, nếu như nhà trường ở Việt Nam có thể đa dạng hóa cách giảng dạy, thay đổi cách thức kiểm tra và tạo ra thói quen tư duy, phân tích vấn đề cho học sinh thay vì phải ghi nhớ các thông tin một cách thụ động thì môn Lịch sử có lẽ đã thú vị hơn rất nhiều. 

Ngoài ra, có lẽ các bạn học sinh cũng cần chủ động hơn trong việc tự đặt câu hỏi để đào sâu về những gì mình được học, được nghe đúng như lời một anh du học sinh nổi tiếng đã nói trong một bài báo: "Hãy bắt đầu cuộc đời bằng cách đặt câu hỏi".

  • Vũ Thị Thảo Anh (học sinh phổ thông tại Úc)