- Trước thông tin môn Lịch sử có thể bị "khai tử" trong chương trình giáo
dục phổ thông mới, nhiều giáo viên hi vọng lần đổi mới này sẽ thực sự thay đổi
cách dạy - học môn Lịch sử, đủ sức hấp dẫn với học trò.
Cô Đinh Trang Nhung, Trưởng bộ môn Lịch sử Trường THPT Lô-mô-nô-xốp, Hà
Nội: "Quan trọng là phải giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn cội"
Đối với một dân tộc, việc quan trọng là phải giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn
cội, về ý thức dân tộc, về truyền thống ngàn năm của dân tộc ấy, như vậy một dân
tộc mới có thể phát triển bền vững và trường tồn…Trách nhiệm ấy có một phần
không nhỏ của nền giáo dục phổ thông, đặc biệt là bộ môn Lịch sử. Suốt thời
phong kiến, Lịch sử là bộ môn bắt buộc, sĩ tử đi thi nội dung chính là các bộ
Kinh, Sử,..Cho đến những thế kỉ sau đó, chưa bao giờ không có mặt Lịch sử trong
các kì thi quan trọng.
Cho đến ngày hôm nay, khi xã hội hiện đại, nhìn ra các nước xung quanh như Mỹ,
Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc thì việc giáo dục lịch sử vô cùng được coi trọng…
Câu chuyện 19 người phục vụ 1 thí sinh thi môn Lịch sử tại Hà Nội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhận được nhiều ý kiến trăn trở. (Ảnh: Văn Chung) |
Vậy mà bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp vô cùng ngạc nhiên khi môn Lịch sử sắp bị “khai tử”, đưa vào các môn tự chọn. Bộ GD-ĐT thì cho rằng Sử đã được tích hợp trong bộ môn Công dân với Tổ Quốc, nhưng bộ môn Lịch sử với những đặc trưng riêng của môn học, không thể dễ dàng được tích hợp với các bộ môn khác.
Tôi lo lắng trong thời gian tới, Lịch sử cũng như các môn xã hội sẽ “biến” mất trong danh mục các môn học mà học sinh lựa chọn…
Theo tôi, thay vì tích hợp bộ môn Lịch sử với các môn học khác, hãy tìm cách
thay đổi cách dạy và học lịch sử ở trường phổ thông. Trường THPT Lô-mô-nô-xốp đã
và đang cố gắng đem luồng không khí mới vào bộ môn Lịch sử…
Học sinh được gỡ bỏ những “ám ảnh” về việc kiểm tra bài cũ, kiểm tra với những
số liệu dài dằng dặc vô hồn, thay vào đó là những câu hỏi mang tính tư duy, liên
hệ thực tế…Các trò được học trải nghiệm sáng tạo qua những chuyến đi thực tế
lịch sử và nội dung thu hoạch sau chuyến đi được lấy làm điểm kiểm tra…
Sách giáo khoa nên viết ngắn gọn hơn, phương pháp giảng dạy thu hút hơn, học
sinh được trải nghiệm lịch sử nhiều hơn, đó là những gì môn Lịch sử cần làm để
trở thành một bộ môn ý nghĩa thật sự thay vì tích hợp, gộp nó lại như một món
lẩu “thập cẩm” như ý kiến của bộ giáo dục hiện nay.
Cô Bùi Thu Thủy, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định: "Giáo viên Lịch sử sẽ có vị trí như thế nào trong lần đổi mới này?"
Đổi mới lần này điều giáo viên chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là việc tích hợp, liên môn thì kiến thức sẽ được thực hiện ra sao? Giáo viên Lịch sử sẽ có vị trí như thế nào trong lần đổi mới này.
Tuy nhiên với tâm huyết và thực sự vì học sinh tại nhiều trường như chúng tôi đã đổi mới dạy học Lịch sử. Hàng năm chúng tôi có từ 2-3 chuyên đề thực hiện tích hợp, liên môn kiến thức trong giảng dạy môn học này.
Ví dụ như năm 2014 tôi có đảm nhiệm chuyên đề dạy học lịch sử địa phương tích hợp với tham quan, trải nghiệm sáng tạo tại làng nghề truyền thống là làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc ở Hà Nội.
Chuyên đề có tích hợp kiến thức môn Lịch sử, Địa lí, Văn học. Chương trình chỉ cho mấy tiết, giáo viên phải đáp ứng yêu cầu đó. Nhưng để có 3 tiết học, giáo viên phải mất cả ngày trời tìm hiểu rồi đưa học sinh đi trải nghiệm, giao lưu. Cô và trò đều vất vả nhưng cái được là sự hứng thú của học sinh.
Cô Ngô Thị Thành, phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội: “Hiện giáo dục của ta vẫn nặng để phục vụ thi cử”
Đầu tiên khi nghe thông tin tới đây Lịch sử sẽ không còn tên gọi và là môn học bắt buộc như trước đây giáo viên chúng tôi đều có chung tâm trạng là buồn.
Nhưng khi suy nghĩ lại, điều quan trọng không phải là môn học này có phải là môn học bắt buộc hay không, mà quan trọng là những kiến thức lịch sử chúng ta đang dạy cho học sinh là những gì.
Tôi cho rằng nếu kiến thức lịch sử nằm trong môn “Công dân với Tổ quốc” mà phát huy vai trò, chức năng của bộ môn này thì không đáng lo ngại. Là môn học bắt buộc mà kiến thức không thiết thực, không gần gũi, không áp dụng được trong cuộc sống của các em thì các em không hứng thú, không có tình yêu. Hiện giáo dục của ta vẫn nặng để phục vụ thi cử.
Lịch sử từ trước đến nay vẫn là môn bắt buộc như Toán, Văn nhưng vị thế của môn này thế nào, học sinh có yêu thích hay chưa lại phụ thuộc vào mỗi giáo viên. Mục tiêu của Bộ GD-ĐT đang đi là đúng khi hướng vào phát triển năng lực học sinh, kéo giáo dục về gần hơn với thực tế người học.
Điều lo lắng hiện nay là nếu tích hợp kiến thức 4 môn gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, An ninh quốc phòng vào môn Công dân với Tổ quốc thì các trường phân công giáo viên giảng dạy ra sao vẫn chưa ngã ngũ. Nếu vẫn chia thành các phân môn và để giáo viên đảm nhiệm thì không khác trước nhiều. Tuy nhiên nếu để giáo viên đảm nhiệm cả chuyên đề với kiến thức liên môn quả thực không dễ.
Giáo viên vẫn có thể làm được nhưng để giỏi được như giáo viên chuyên về bộ môn đó là vấn đề khó.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội: "Thời lượng, kiến thức học sử không giảm mà còn tăng lên"
Tôi có được tham gia thẩm định tài liệu chủ đề tích hợp, liên môn giữa Lịch sử với Địa lí, Lịch sử với GDCD. Tuy nhiên hiện chúng tôi mới trong giai đoạn biên tập, dự thảo chưa lên được khung chương trình kiến thức.
Tôi cho rằng, chủ trương này là hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục. Lịch sử không chỉ tích hợp ở môn Công dân với Tổ quốc mà tổng thể phân môn Khoa học xã hội có những chủ đề tích hợp giữa Lịch sử với Địa lí và có phần rất riêng vẫn là Lịch sử, Địa lí và thời lượng sẽ lên 5 tiết/tuần, so với 4 tiết/tuần trước đây (ở khối lớp 10 và lớp 11).
Nội dung kiến thức, thời lượng thậm chí đã tăng lên. Để tránh chồng chéo, giảm tải kiến thức trùng lặp mỗi học sinh phải học nên Bộ có hướng dạy theo các chủ đề tích hợp, liên môn.
Như vậy vai trò môn Lịch sử không phải mất đi. Tuy nhiên để lên THPT, các em có quyền chọn rồi và không chọn môn này thì vị thế môn Lịch sử có thể bị giảm đi nhưng không mất đi.
Lo ngại của giáo viên về dạy tích hợp liên môn là đáng bàn và cần tập huấn thật kĩ. Chuyện trong môn học giáo viên phải sử dụng kiến thức nội môn, liên môn và xuyên môn thì trước nay thầy cô đã làm rồi, chẳng qua là được về lý thuyết và khái quát lên nên ta thấy có phần nghiêm trọng.
Muốn thay đổi cần có giải pháp tổng thể từ người làm chính sách, chương trình - SGK và cả học sinh, giáo viên.
- Văn Chung (ghi)