"Những tranh luận quanh việc sắp xếp lại nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông sẽ là dịp giới sử học và giáo dục lịch sử nhận ra những lỗ hổng trong học thuật để bù lấp chúng". 

Anh Nguyễn Quốc Vương - thế hệ 8X - nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử ở ĐH Kanazawa (Nhật Bản) nhìn nhận như vậy khi trao đổi với VietNamNet về câu chuyện giáo dục đang được quan tâm nhất hiện nay.

Nguy cơ "nói qua nói lại" không hồi kết

Theo dõi những tranh luận về nội dung giáo dục lịch sử dự kiến sẽ bị sắp xếp lại trong thời gian tới, anh có quan sát gì?

Anh Nguyễn Quốc Vương: Là một người trong nghề, cuộc tranh luận với tôi không phải là một bất ngờ cho dù tôi có hơi kinh ngạc trước sự phản ứng quyết liệt của giới sử học, giáo dục lịch sử đối với ý định của Bộ GD-ĐT.

Cuộc tranh luận này có thể đoán trước được khi tìm hiểu những gì Bộ đã công bố về dự thảo chương trình liên quan đến môn Sử. Bản thân tôi đã từng cảm nhận thấy những bất ổn từ trước.

Trong một vài bài viết cho các hội thảo trước đó, tôi đã ít nhiều nói về những “bất ổn” này. Và bây giờ, sự bất ổn trở thành “điểm nóng”.

Tuy nhiên, đáng tiếc là cuộc tranh luận chủ yếu xoáy vào môn Sử là môn “bắt buộc” hay “tự chọn” thay vì đi sâu vào nhiều vấn đề nền tảng khác như bản chất của dạy học tích hợp, mối quan hệ giữa dạy học tích hợp và môn học độc lập, sứ mệnh, triết lý của môn Nghiên cứu xã hội.
{keywords}

Anh Nguyễn Quốc Vương


Một điều đáng tiếc nữa là các ý kiến tranh luận phần lớn chỉ đưa ra “chủ trương” và “bình luận” mà ít có dẫn chứng, trích dẫn từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Nếu tôi không nhầm thì không thấy có ai nhắc đến công trình nghiên cứu nào xuất bản ở trong nước về các vấn đề tranh luận đang đặt ra.

Nền tảng học thuật yếu làm cho cuộc tranh luận có nguy cơ trở thành chuyện “nói qua nói lại” không có hồi kết. Một khi rơi vào trường hợp đó, cuộc tranh luận sẽ không tìm ra được giải pháp để giải quyết vấn đề và không làm nhận thức của công chúng sâu sắc thêm.

Tại sao giới sử học và giáo viên lịch sử vẫn kiên định với đề xuất môn Lịch sử là bắt buộc?

Sự “kiên định” đó là lô-gic và dễ hiểu. Muốn biết rõ lý do có lẽ phải có một nghiên cứu-điều tra xã hội học với giới sử học và giáo viên. Tôi không dám võ đoán.

Nhưng từ cảm nhận của một người từng là giáo viên dạy lịch sử tại trường phổ thông và bước đầu nghiên cứu giáo dục lịch sử, tôi có thể tạm liệt kê ra vài lý do sơ sài sau.
Thứ nhất, xét trong lịch sử giáo dục ở Việt Nam, “tích hợp” trong  môn Lịch sử không có “truyền thống”. Lịch sử suốt từ thời cận đại có xu hướng được dạy như một môn “độc lập”. Sự “ổn định” này có ảnh hưởng lớn đến tư duy của giáo viên.

Thuật ngữ “tích hợp” có lẽ cũng mới chỉ xuất hiện trong trong khoảng thời gian gần đây khi xuất hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT. Những gì về “tích hợp” mà Bộ GD-ĐT thể hiện trong dự thảo cùng các diễn giải khi bị phản biện nói một cách công bằng là chưa đủ sức thuyết phục.

Bản thân tôi khi đối chiếu những gì Bộ thể hiện và những gì mình nhận thức được về giáo dục lịch sử ở Nhật Bản thì thấy có những sự “lệch pha” lớn. Chẳng hạn, để biện giải cho dạy học tích hợp lịch sử mà Bộ GD-ĐT lại lấy môn “Công dân với Tổ quốc” ra làm dẫn chứng để đáp lại phản biện thì đấy là một sai lầm.

Theo cách hiểu của tôi thì thay vì gọi là “ dạy học tích hợp” phải gọi là “học tập tổng hợp”. “Học tập tổng hợp” này sẽ phải thể hiện mạnh mẽ nhất trong môn “Khoa học Xã hội” thay vì bất cứ một môn nào khác.

Thứ hai, tôi nghĩ sự phản ứng mạnh của giới Sử học và giáo viên dạy sử có lẽ còn xuất phát từ những “bất an” về nghề nghiệp cũng như hiện trạng giáo dục lịch sử hiện nay. Có lẽ rất nhiều giáo viên ở phổ thông và sinh viên sư phạm đang lo lắng rằng nếu thực hiện tích hợp thì mình sẽ “đi đâu về đâu”.

Thứ ba có thể là do cách làm của Bộ GD-ĐT. Quá gấp gáp gần như là “đặt vào sự đã rồi”.

Có lần cũng chính trên VietNamNet, tôi có nói “Dự thảo chương trình như bài thơ viết vội” là ở ý đó. Thiếu chuẩn bị cần thiết về nền tảng học thuật bằng các nghiên cứu và điều tra thực tiễn sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Một trong những hệ lụy đó là sự “không thông” ngay từ trong bản thân những người có liên quan đến chương trình và giới chuyên môn. Một khi giới chuyên môn lúng túng thì đương nhiên các giáo viên tại hiện trường và công chúng sẽ cảm thấy bất an và phản ứng mạnh.

Bất hợp lý của "tích hợp"

Có vẻ như một thuật ngữ của khoa học giáo dục là "tích hợp" đang là điểm mấu chốt gây ra tranh cãi.  Theo anh, tích hợp có cần thiết không?

Như trên tôi đã nói, “tích hợp” là một thuật ngữ khó diễn đạt bản chất của nguyên lý giáo dục sẽ được đưa vào. Về mặt cá nhân, tôi thích thuật ngữ “học tập tổng hợp” hơn. “Tích hợp” dễ gợi đến hình ảnh “lồng ghép” các môn học hoặc nội dung kiến thức.

Trên thực tế từ dự thảo cho đến các tranh luận có liên quan cho thấy cách hiểu về tích hợp cũng rất khác nhau và ẩn chứa nhiều yếu tố bất hợp lý.

Chẳng hạn, theo hiểu biết của tôi thì nguyên lý cơ bản nhất của “tích hợp” (học tập tổng hợp) phải là lấy các vấn đề thiết thực, bức xúc mà học sinh đối mặt trong đời sống xã hội, cuộc sống hàng ngày làm trung tâm, làm điểm xuất phát để thiết kế nên các “chủ đề học tập”.
{keywords}

Một giờ học đóng kịch nhập vai thành các nhân vật lịch sử của học sinh cấp 3. Ảnh: Lê Anh Dũng


Các chủ đề này được ví như hình ảnh ngã tư đường nơi các ngành khoa học có liên quan gặp nhau. Để giải quyết nó học sinh sẽ phải cần tới tư duy, tri thức, kĩ năng của Luật học, Lịch sử học, Địa lý học, Xã hội học… Học tập giải quyết vấn đề và triết lý giáo dục nên các phẩm chất công dân của người công dân dân chủ là xương sống của học tập tích hợp (tổng hợp). Thiếu nó “tích hợp” sẽ không phát huy được tác dụng và rơi vào cảnh “bình mới rượu cũ”.

Theo tôi, tích hợp là cần thiết vì ở các nước tiên tiến nó được sử dụng phổ biến. Nhật Bản, một nước vốn được người Việt quan tâm chú ý đã thực hiện nó từ năm 1947 với sự du nhập môn Nghiên cứu xã hội và nó vẫn được duy trì cho đến hiện tại. Quan trọng là phải làm đúng bản chất.

Các nội dung học tập tích hợp đúng nghĩa phải được xây dựng dựa trên mối quan tâm, hứng thú của học sinh, xuất phát từ  các vấn đề mà các em phải đối mặt chứ không phải xuất phát từ ý muốn “nhồi nhét” của người lớn.

Cơ hội lấp lỗ hổng trong học thuật

Ngược lại, về phía giới sử học, thay vì đề xuất "bắt buộc với học sinh", liệu các nhà sử học có dám cam kết làm cho Lịch sử trở thành một môn học tự thân hấp dẫn và hữu ích?

Về lâu dài nếu môn Sử là tự chọn thì đúng là kì quặc!

Nhưng muốn giải quyết gốc rễ vấn đề môn Sử thì không có gì đảm bảo rằng một khi bắt buộc thì chất lượng giáo dục lịch sử được cải thiện và chúng ta sẽ có được những người công dân tốt dám và biết làm tổ quốc Việt Nam tốt đẹp lên, đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Nên nhớ chỉ một số ít học môn Sử để rồi hành nghề “Sử”. Môn Sử phải là môn học dành cho số đông để giáo dục nên phẩm chất của người công dân, những giá trị phổ quát được nhân loại công nhận rộng rãi.

Muốn trở thành công dân tốt thì tình cảm thôi chưa đủ phải có trí tuệ. Giáo dục lịch sử phải góp phần tạo ra và rèn luyện, mài sắc trí tuệ ấy. Tôi tạm cho rằng có hai thứ mà giáo dục lịch sử trong nhà trường tạo ra góp phần làm nên trí tuệ ấy. Đó là “nhận thức lịch sử khoa học”  và “phẩm chất công dân”. Hai thứ đó chỉ có khi môn Sử thực sự là khoa học. Các nhà sử học trước tiên phải làm được điều đó.

Anh hy vọng gì về tiếng nói chung giữa các nhà sử học và giáo dục lịch sử sắp tới?

Như một quy luật thể hiện trong thực tiễn. Nguy cơ có thể sẽ là cơ hội. Những gì đang diễn ra là một thử thách lớn đối với tất cả những ai có liên quan đến giáo dục lịch sử hay rộng ra là liên quan đến tất cả chúng ta.

Đây là dịp chúng ta nhận chân nhiều vấn đề để suy ngẫm. Giáo dục nói riêng và đất nước nói chung chỉ có thể tốt đẹp lên khi có sự giác ngộ và hành động của từng công dân.

Tôi nghĩ đây sẽ là dịp giới sử học và giáo dục lịch sử nhận ra những lỗ hổng trong học thuật để bù lấp chúng. Làm được có lẽ sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng không có đường tắt để đi tới chân lý. Tôi nghĩ trước tiên đó là sứ mệnh của giới chuyên môn.

Cảm ơn anh.

Hạ Anh (thực hiện)
(hanh.le@vietnamnet.vn)