Tự chủ, phân tầng xếp hạng và cổ phần hóa – ba vấn đề lớn của giáo dục ĐH hiện nay - khởi đầu vào năm 2015 và dự kiến sẽ “nóng” hơn trong năm 2016.

Trong năm 2015, một số trường ĐH tiếp tục được Chính phủ quyết định thí điểm tự chủ giai đoạn 2015 – 2017, với con số tới thời điểm này là 12 trường. Theo dự kiến, chỉ còn hai năm nữa, tất cả các trường ĐH, CĐ công lập trên cả nước sẽ phải thực hiện tự chủ hoàn toàn.

Đó là một trong những vấn đề “nóng” nhất của giáo dục ĐH hiện nay, dù đã được xác định là vấn đề tất yếu, luật đã quy định và về lâu dài các trường bắt buộc phải thực hiện. Nhưng việc các trường ĐH của Việt Nam có thể tự chủ được lại là một câu chuyện, theo chính những người đang nắm giữ vị trí đứng đầu các trường ĐH, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

{keywords}
Trường ĐH Ngoại thương là một trong những trường được thí điểm tự chủ

Bộ GD-ĐT đánh giá, việc xây dựng cơ chế tự chủ, xã hội hóa cho giáo dục còn gặp nhiều trở ngại do mức học phí còn thấp, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng khác nhau, một số ngành nghề quan trọng đối với phát triển đất nước nhưng vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ lại không có sức hấp dẫn trong xã hội...

“Các cơ sở đào tạo làm sao tự chủ được?” ông Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng “Mấu chốt lại vẫn phải nhằm vào chất lượng đào tạo. Nhưng trong điều kiện thực tế, các trường đang gặp phải vấn đề mình nâng cao chất lượng còn "hàng xóm" lại không làm thế. Họ có chiến lược marketing tốt, nên vẫn có tài chính và sống, dù tất nhiên chỉ trong thời gian ngắn. Nếu mình không đi theo họ, âm thầm đi theo chất lượng đào tạo thì có khi chết" - ông Liên nói một cách hình ảnh.

Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT khẳng định: "Bộ GD-ĐT đang làm về tự chủ hóa ĐH và quốc tế hóa; đây là xu thế không thể đi ngược lại. Chúng ta cần tiến hành nhanh hơn để đạt kết quả tốt hơn. Trường ĐH bây giờ phải chấp nhận nâng cao cạnh tranh, chú trọng giá trị thị trường, SV có quyền lựa chọn trường tốt hơn cho mình. Nếu mỗi SV mà quyền lựa chọn quá ít thì các trường không có nghị lực để đổi mới”.    

“Thay vì các trường đề nghị có lộ trình, chúng ta nên cùng bàn để có cơ chế để các trường có thể tự chủ, về tài chính, về bộ máy. Từng trường phải có đề án tự chủ, không nên hiểu tự chủ là Nhà nước sẽ buông” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi đáp những băn khoăn của các trường trong Hội nghị tổng kết năm học khối ĐH,CĐ diễn ra ngày 22/10.

Nhiều chuyên gia cũng đề nghị Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường một cách đồng bộ. Các quy định pháp lý về quyền tự chủ cần được thống nhất, nhất quán giữa các văn bản khác nhau. Đây là cách để các trường có được quyền tự chủ trọn vẹn và có thể tránh tình trạng tự chủ “nửa vời”, hoặc trao quyền nhưng vẫn bị “trói buộc”.

XEM THÊM:

Đại học phân 3 tầng, xếp 3 hạng

Nghị định 73 về Quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường ĐH đã có hiệu lực từ ngày 25/10. Đây là một bước quan trọng để đưa chất lượng giáo dục đại học Việt Nam bắt kịp với khu vực và thế giới.

Theo Nghị định này, hệ thống ĐH được chia thành 3 tầng định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Các cơ sở giáo dục ĐH trong mỗi tầng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: Hạng 1, hạng 2, hạng 3. Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục ĐH có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục ĐH có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục ĐH không thuộc hạng 1 và 3.

Phân tầng cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện theo chu kỳ 10 năm và xếp hạng cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.

Nhìn lại 5 năm trước, việc xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn xa lạ. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cho thấy việc minh bạch thứ hạng là tất yếu. 

Theo tiến sĩ Phạm Thi Ly, phân tầng thực chất là tái cấu trúc hệ thống, còn xếp hạng là  hằm minh bạch về chất lượng của các trường trước công chúng. Bà Ly nhìn nhân, do không xác định rõ mục đích, cũng như không xác định rõ những chính sách nào sẽ được xây dựng trên cơ sở kết quả phân tầng, xếp hạng, rất khó có thể nói việc phân tầng, xếp hạng sẽ tác động như thế nào đến hệ thống, ngoại trừ một điểm có thể thấy rõ là khả năng kích thích thêm bệnh thành tích.

“Trong năm học mới, Bộ GD-ĐT cần sớm tìm ra được một tổ chức đủ uy tín, nghiệp vụ cao để thực thi nhiệm vụ phân tầng, xếp hạng đại học. Chính tổ chức đó sẽ hiểu đầy đủ các nội dung của việc phân tầng với những giải pháp thông minh và hiệu quả”-  ông Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trường Ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội mong muốn.

Năm học 2015 - 2016, vấn đề phân tầng, xếp hạng sẽ là một trọng tâm của giáo dục đại học.

XEM THÊM: 

Bắt đầu cổ phần hóa trường đại học

Đầu tháng 12/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có quyết định phê duyệt danh sách thực hiện cổ phần hóa (CPH) đối với Học viện Hàng không và Trường trung cấp nghề GTVT Thăng Long. Dự kiến các trường tiếp theo thực hiện CPH sẽ là Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Trường CĐ nghề Hàng hải 1.

{keywords}
Học viện Hàng không Việt Nam - trường đại học đầu tiên được phê duyệt cổ phần hóa

Đây có thể xem là bước  thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục sau THPT. Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị thí điểm đầu tiên CPH trường học.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng về quy trình CPH trường học không có gì khác nhau so với một doanh nghiệp. Cách định giá trường học cũng không khác một doanh nghiệp, tức là phải định giá, xác định giá trị tài sản hữu hình và vô hình. Sau đó xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển cho đơn vị đó trong tương lai theo mô hình doanh nghiệp…

Những chuyên gia, quản lý giáo dục có cách nhìn rất khác nhau về vấn đề này. Những người ủng hộ CPH cho rằng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một ngành kinh tế, vì vậy, nó phải có tính kinh tế và tính chuyên nghiệp như các ngành kinh tế khác. Việc CPH sẽ giúp gỡ rối cho một số trường tự chủ tài chính.

Trong khi đó có những ý kiến kiên quyết rằng không nên CPH đại học bởi mục tiêu của giáo dục đại học không phải lợi nhuận…

GS.TS Hoàng Văn Châu, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng “Giáo dục đào tạo là lĩnh vực đặc biệt không thể đem ra kinh doanh, nên nếu CPH mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối thì dễ dẫn đến tình trạng đào tạo đại học không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Việt Nam chưa có những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chất lượng giáo dục một cách hiệu quả, nên nếu CPH giáo dục đại học công lập có thể dẫn đến tình trạng mua bán bằng cấp và đào tạo vì lợi nhuận” – ông Châu bày tỏ lo lắng.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) thì “Giải bài toán cổ phần hóa các trường đại học công lập cần phải có những khung pháp lý, quy định trách nhiệm ràng buộc rất rõ ràng. Tôi nghĩ rằng, khi thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước vẫn phải giữ 51% cổ phần chi phối. Còn lại 49% cổ phần là do cá nhân, tổ chức mua lại. Sở dĩ Nhà nước vẫn phải nắm giữ cổ phần là chính vì để cơ quan quản lý có quyền quyết định mọi hoạt động, chính sách của trường”.

Những bước thực hiện của Bộ GTVT đối với việc CPH 4 trường như đã phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để việc CPH trường đại học có tiếp tục được thực hiện, hay thực hiện như thế nào, đối với những trường đại học khác trong thời gian dài sắp tới.

Ngân Anh tổng hợp