- Sau nhiều tranh luận ồn ào và gay gắt, cuối cùng Bộ GD-ĐT đã ngồi cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để bàn thảo về tương lai của môn Lịch sử. Đọc thông tin về nội dung cuộc họp, tôi thấy cảm thấy thú vị vì nhận thấy cách bố trí các môn học có liên quan đến môn học này tương đối giống mô hình Nhật Bản. Đồng thời, cũng nhận ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục trao đổi.
Tiếp cận mô hình Nhật Bản?
Ở bậc tiểu học, dạy học tích hợp vẫn được duy trì như trong Dự thảo chương trình tổng thể. Như vậy, sự tồn tại của các môn học có tính chất tích hợp như “Cuộc sống quanh ta”, “Tìm hiểu xã hội” xét về hình thức cũng tương tự như sự tồn tại của môn “Đời sống” (dành cho lớp 1, 2) và môn “Nghiên cứu xã hội” (còn gọi là môn Xã hội, dành cho các lớp từ lớp 3 đến lớp 6) ở Nhật Bản.
Ở THCS, thông tin đáng chú ý là môn học tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lý sẽ không có tên gọi là môn Khoa học xã hội như dự kiến.Theo đó sẽ có môn Lịch sử và môn Địa lý riêng rẽ và phần kiến thức chung liên quan chặt chẽ giữa hai môn có thể thiết kế thành các chuyên đề tích hợp!
Nếu như vậy, cách làm này cũng gần giống như Nhật Bản hiện tại khi ở cấp THCS, môn “Nghiên cứu xã hội” được tách thành 3 lĩnh vực là “Lĩnh vực Địa lý”, “Lĩnh vực lịch sử” và “Lĩnh vực Công dân”.
Trong đó việc học ba lĩnh vực này được bố trí theo hình chữ Pi (π). Nghĩa là trong 3 năm ở cấp THCS, học sinh năm thứ nhất và năm thứ hai sẽ học song song cả “Lĩnh vực Địa lý” và “Lĩnh vực Lịch sử”. Những kiến thức và kĩ năng thu nhận được trong 2 năm này sẽ trở thành nền tảng để học sinh học “lĩnh vực Công dân” với các chủ đề học tập có tính chất tổng hợp, giao thoa nhiều ngành khoa học và gắn bó thiết thực với cuộc sống ở năm thứ ba.
Ở THPT, việc xác định ví trí độc lập của môn Lịch sử, Địa lý, Công dân, bỏ đi môn “Công dân với Tổ quốc” cũng có nhiều nét tương đồng với chương trình hiện tại của Nhật Bản.
Ở THPT của Nhật Bản hiện tại tồn tại môn học thường được gọi chung là “Lịch sử-Địa lý” nhưng trên thực tế thì tách rời.
Môn “Công dân” cũng tồn tại với nhiều phân môn: Xã hội hiện đại, Luân lý, Kinh tế-chính trị.
Sự băn khoăn của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thành môn Lịch sử 1 và Lịch sử 2 dành cho hai nhóm đối tượng học sinh (có xu hướng lựa chọn KHXH và nhân văn hoặc không) cũng ứng với tư duy tách các môn Lịch sử, Địa lý thành các môn học được tổ chức nội dung khác nhau cho phù hợp với các nhóm học sinh như Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B, Địa lý A, Địa lý B ở Nhật Bản. Quan trọng hơn nữa và cần phải đảm bảo đầu tiên là đảm bảo cho môn này thực sự là môn khoa học. Thiếu nó, mọi sự cải cách cho dẫu cố gắng cũng khó có được thành công.
Những vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, dùng lý tính mà xét thì sự giống nhau nói trên chỉ là hình thức. Sự hợp lý về hình thức thuần túy sẽ không giải quyết được vấn đề mà ngược lại sẽ rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”. Để tránh sai lầm này thì cần phải chú ý, giải quyết một số vấn đề. Trong số đó có những vấn đề đã được chính đại diện của Bộ GD-ĐT nêu ra.
Chẳng hạn như vấn đề tên gọi của các môn học có liên quan ở cấp THCS. Sự lúng túng này thể hiện nhận thức về bản chất của dạy học “tích hợp”.
Trên thực tế, vấn đề này có thể giải quyết không mấy khó khăn. Môn học giải quyết những nội dung học tập được gọi là “phần chung” giữa môn Lịch sử và Địa lý đó chính là môn “Nghiên cứu xã hội” (Social Studies).
Sự tích hợp mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất các môn như sử, địa, công dân trên thế giới được thể hiện và thực thi qua môn học này.
Tuy nhiên, không nên hiểu một cách đơn giản rằng các chủ đề học tập ở trong môn này là các nội dung kiến thức bao hàm kiến thức sử và địa mà phải xây dựng cho được các chủ đề học tập trong môn học này là các hiện tượng xã hội, vấn đề xã hội đang tồn tại trong xã hội hiện tại.
Những vấn đề đó là những vấn đề thu hút sự quan tâm, hứng thú của học sinh và để lý giải, giải quyết nó cần đến tư duy, kĩ năng lịch sử, địa lý…
Nếu không việc thiết kế nội dung học tập môn này dễ trở thành sự lồng ghép,minh họa kiến thức theo kiểu “mỗi thứ một ít”. Bản thân tên gọi môn học “Nghiên cứu xã hội” cũng nhấn mạnh tư duy lấy hiện thực xã hội là điểm xuất phát đó.
Đối với THPT, vấn đề đặt ra là cần có nội dung môn Lịch sử đáp ứng nhu cầu, xu hướng của hai nhóm học sinh khác nhau.
Việc dự kiến môn Lịch sử 1 và Lịch sử 2 là lô-gic hợp lý. Tuy nhiên, việc biên soạn hai bộ sách giáo khoa ở hai mức độ khác nhau với cùng một nội dung không phải là việc dễ dàng.
Không làm tốt sẽ rơi vào tình trạng “gia giảm” sự kiện hay thêm bớt dung lượng bài viết trong sách giáo khoa.
Kinh nghiệm của Nhật Bản là sử dụng phương thức tiếp cận và trần thuật lịch sử phong phú để tạo ra nội dung học tập khác nhau dành cho các nhóm đối tượng. Chẳng hạn đối với nhóm này lịch sử sẽ được tiếp cận và trần thuật lấy trung tâm là lịch sử cận-hiện đại trong khi đối với nhóm khác lịch sử được tiếp cận và trần thuật chú trọng dòng chảy lịch sử và mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc.
Những vấn đề nói trên, có lẽ sẽ còn được các bên liên quan và công chúng tiếp tục bàn luận sôi nổi.
Sự bàn luận công khai và dân chủ trên tinh thần tôn trọng tự do học thuật sẽ có ích cho công cuộc cải cách.
Cho dù kết quả của cuộc tranh luận này như thế nào thì việc luôn đặt ra câu hỏi “chúng ta định tạo ra những con người như thế nào” là vô cùng cần thiết.
Tư duy về điều đó cũng có nghĩa là tư duy về hình ảnh tương lai của đất nước. Điều này cũng sẽ luôn luôn hòa hợp với tư duy về mối quan hệ thống nhất giữa môn “Nghiên cứu xã hội” và các môn học độc lập có liên quan trong việc giáo dục nên những phẩm chất và năng lực của người công dân dân chủ.
Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử ở ĐH Kanazawa - Nhật Bản)