- Quan điểm về những người trẻ "đang ngồi trên nóc tủ", nghèo nhưng cực chảnh, ảo tưởng về bản thân hiện đang nhận được những luồng ý kiến trái chiều.

Sáng nay, nội dung bài viết trên Facebook với tựa đề "Những bạn trẻ ngồi trên nóc tủ" của Nguyễn Bá Ngọc - một chuyên gia tư vấn truyền thông đã nhận được rất nhiều bình luận và chia sẻ. Bài viết cho rằng hiện nhiều bạn trẻ còn non kinh nghiệm lẫn kiến thức.

Tác giả quan sát, nhiều bạn nghèo nhưng đi xin việc lại quá "chảnh", ảo tưởng về bản thân. Không ít bạn đón nhận góp ý phải đi dần dần, làm những việc phù hợp năng lực trước thì giẫy nẩy, đòi xin nghỉ việc.

{keywords}
Ông Nguyễn Bá Ngọc - một chuyên gia tư vấn truyền thông nhiều kinh nghiệm.

 Trích Những bạn trẻ "ngồi trên nóc tủ"

Trải qua vô số cuộc phỏng vấn tuyển dụng và trao đổi với các bạn đang là chủ doanh nghiệp, mình rất ngạc nhiên khi thấy “một bộ phận không nhỏ” những bạn trẻ non cả về kiến thức lẫn non nghề, con nhà nghèo, gánh nặng gia đình đang đè nặng trên đôi vai mỏi mòn của cha mẹ song lại cực “chảnh” và ảo tưởng nặng về bản thân khi đi xin việc – thể hiện qua việc luôn nói cái này cái kia mình Thích hay Không Thích.

Các bạn luôn mong muốn phải được ngồi vào những vị trí trọng vọng nhất; bất chấp nó không phù hợp với năng lực bản thân. Thí dụ như quản lý nhóm 3 người không xong nhưng lại chỉ muốn làm Giám đốc Kinh doanh, lập kế hoạch cho một việc chưa được nhưng lại muốn thêm chữ Senior vào trước chức danh, và nói chung chưa làm được việc nhỏ đã đòi làm việc to... Khi bị yêu cầu đi tuần tự, đảm nhận đúng năng lực, các bạn liền giẫy nẩy, và lấy cớ thích hay không thích, các bạn sẽ sẵn sàng nghỉ việc dù trong túi không đủ tiền trả 2 ly cafe.

Bệnh này còn có cả ở các “cao nhân” khởi nghiệp. Việc đầu tiên các bạn mở miệng ra là cái này em thích nên em làm; bất chấp thị trường có cần không.

Tất nhiên phần lớn các bạn khởi nghiệp có cách tiếp cận kiểu “sống cùng đam mê” này đều thất bại đau đớn. Một số bạn dùng tiền người khác thì ra đi để lại một đống rác... thôi rồi!

Nói một cách hình tượng là các bạn chưa thành người nhưng đã đòi leo ngay lên nóc tủ ngồi, theo mô hình tháp Maslow thì leo ngay lên đỉnh tháp mà ngự...

(Facebook Nguyễn Bá Ngọc) 

Vậy những người trẻ suy nghĩ gì về ý kiến này?

Đặng Quỳnh Anh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Trường ĐH Kinh tế quốc dân - nữ tiếp viên hàng không: Sinh viên trường tốp cũng không nên quá ảo tưởng

Quan điểm của anh Ngọc nêu ra hoàn toàn phản ánh đúng thực trạng của không ít giới trẻ hiện nay. Đối tượng mà anh nói đến là các bạn trẻ con nhà nghèo, gia đình khó khăn nhưng lại quá nôn nóng tìm chỗ đứng cao cho bản thân nhờ vào "niềm đam mê, yêu thích công việc". Việc đó thể hiện sự ngạo mạn, ảo tưởng về bản thân.

{keywords}
Đặng Quỳnh Anh - cựu SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân quyết định từ bỏ ngành học ở trường để theo đuổi ước mơ làm tiếp viên hàng không.

Đơn cử như chúng mình sinh viên Kinh tế quốc dân ra trường rất nhiều công ty tuyển dụng, nhưng trước hết làm thực tập sinh không lương mấy tháng liền. Điều này một số bạn không chấp nhận, muốn phải có công việc và mức lương xứng đáng với bằng cấp mà các bạn có. Đó là sự ảo tưởng, không chịu phấn đấu, không nhìn nhận được tương lai sau này sẽ có cơ hội thăng tiến.

Tuy nhiên, theo cá nhân mình, một số chủ doanh nghiệp nên có hình thức phụ cấp bằng cách nào đó để hỗ trợ các bạn thực tập sinh, khích lệ họ. Đó là nhu cầu muốn được sống ở dưới đáy Maslow.

Thứ hai, một số bạn được nhận việc, nhưng lại chê đồng lương ít ỏi không làm. Những người này còn nguy hiểm hơn vì đánh giá bản thân quá cao, tuy nhiên cũng vì nhu cầu an toàn, muốn ổn định ở tầng gần đây Maslow.

Hơn nữa, việc học một trường top Việt Nam, cầm tấm bằng giỏi trên tay nhưng lại nhận mức lương không xứng đáng ngay sau khi vừa tốt nghiệp làm người ta có cảm giác không được tôn trọng, rõ ràng tôi học ở trường tốt, tôi bằng giỏi nhưng cũng nhận lương như người học trường bình thường khác. Cái này có thể hiểu nhưng không thể thông cảm.

Trừ những bạn gia đình có điều kiện luôn nhìn từ đỉnh tháp nhìn xuống ra thì những bạn tự đi trên đôi chân của mình chỉ có cách leo từng nấc một mà thôi.

Việc sinh viên ra trường theo đuổi việc mình thích là đa số, nhưng theo đuổi đến cùng và bằng cách nào lại là vấn đề cần quan tâm.

Có người leo từng bước từng bước, có khi đến hơn 30 tuổi mới thành công, nhưng người ta tự hào vì người ta thực hiện được giấc mơ, lí tưởng cho cả cuộc đời. Còn những người không muốn leo từ thấp lên cao thì khả năng thất bại sẽ cao hơn.

Tuy nhiên người ta cũng có thể đạt được ước mơ nhưng đó chỉ dừng ở sự chấp nhận, còn sẽ không có bài học kinh nghiệm sống nào hay nói cách khác, nếu bạn cố gắng từng bước một, bạn sẽ đạt được ước mơ ở tầm cao hơn và cuộc đời bạn thực sự có ý nghĩa.

Bản thân mình cũng đang cố gắng leo từng bước để đến đỉnh tháp. Việc trúng tuyển tiếp viên hàng không chỉ là khởi đầu may mắn trong sự nghiệp. Người ta vẫn hay quan niệm tiếp viên thu nhập cao. Nhưng trước khi có một mức thu nhập đủ để sống, và thuộc mức khá trong xã hội như vậy, mình phải trải qua 4 tháng đào tạo dưới áp lực cao và chỉ nhận mức lương rất ít so với những gì chuẩn bị để trở thành một tiếp viên từ trang phục, trang điểm...

Sau đó là 2 tháng bay thử cực kì gian khổ nhưng mức lương nhận được chỉ bằng 1/3,1/4 lương của 1 tiếp viên thực thụ. Mình nghĩ đã là ước mơ thì mình sẽ cố gắng thực hiện bằng được. Không có thành công nào mà thiếu trái đắng cả.

Hoàng Trung, CEO của mạng xã hội triệu USD Lozi: Tôi lại nghĩ khác

Ở một xã hội nào, chúng ta cũng luôn có những người như anh Bá Ngọc đề cập đến, nhưng đừng vì vậy mà quy chụp cho giới trẻ hiện nay là vậy. Người lớn thì nói người trẻ non nớt hiếu thắng, hoang tưởng; người trẻ thì nói người lớn lạc hậu không hiểu thế hệ mới. Đó là qui luật vốn dĩ của cuộc sống.

{keywords}

Tất nhiên, lời khuyên nào cũng luôn có ích và việc lựa chọn sẽ ở người nghe. Nhưng sẽ tốt hơn nếu những lời khuyên của anh Ngọc mang tính động viên nhiều hơn. Người trẻ ở Việt Nam mình khác người một ít thì bị nói, nói lên điều mình muốn cũng bị nói, đòi hỏi những thử thách lớn hơn cũng bị nói, muốn thể hiện bản thân mình nhiều hơn so với anh chị đi trước cũng bị nói. 


Tất cả ai rồi cũng sẽ phai mờ dần theo thời gian, nhường lại những bóng đèn hào quang cho những người trẻ thành công. Thay vì dạy dỗ những người chưa thành công phải đi những con đường an toàn, thì hãy làm những đôi cánh, giúp những ai đang khởi nghiệp, muốn khởi nghiệp hoặc là sinh viên nhìn thấy mọi thứ tích cực hơn, yêu đời hơn và cố gắng đi xa hơn nữa trên con đường họ đang chọn. Vì cuối cùng, mọi thất bại hay không sẽ là người đó nhận. Và họ có xem đó là thất bại không, cũng sẽ là chuyện của họ chứ không đến lượt chúng ta đánh giá.

Tháp Maslow là dành cho những nhà làm chính sách công hoặc một nhà quản trị chứ không nên là một thứ mà người trẻ hay các bạn đang khởi nghiệp nhìn vào. Sự thành công không đến từ những công thức của cuộc sống, mà thành công là tổng hợp của sự nhiệt huyết, dấn thân và khao khát học hỏi. Chúc cho những ai đang hoặc sắp khởi nghiệp có một tuổi trẻ thật đẹp.

Bùi Mai Trang, tốt nghiệp loại giỏi, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - MC chương trình Cà phê sáng với VTV3: Không nên phiến diện

Mình cũng vừa tốt nghiệp ra trường, cũng được mời vào vị trí quản lí của 2 công ty. Nhưng giờ mình nghỉ vì thấy nó không đúng bản chất. Đôi khi chức danh nó chỉ là cái tên. Mình cảm thấy đem chức danh quản lí của mình so với những người cùng chức danh ở những công ty lớn thì quả là khập khiễng nên từ chối để đi học làm nhân viên trước đã.

{keywords}

Mai Trang hiện là MC của chương trình Cà phê sáng với VTV3. Thời sinh viên, cô bạn đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như làm thêm lấy kinh nghiệm.

Về câu chuyện khởi nghiệp, bên cạnh làm MC truyền hình, mình cũng khập khiễng làm khởi nghiệp. Mình chỉ quan niệm là người trẻ thì không thể tránh được vấp ngã. Nhưng để thành công có mấy ai không từng thất bại.

Những ý kiến của anh Ngọc mình thấy không có gì sai. Quả thật là có nhiều bạn như thế. Nhưng mình nghĩ nếu chỉ chỉ trích các bạn ấy thôi thì cũng phiến diện. Thời học ở đại học, bọn mình được dạy quá nhiều thứ lớn lao, lý thuyết mà không một lần được lao ra thực tế mà học, mà làm xem khổ sở khó khăn như thế nào... thì tâm lý khi ra trường cũng chỉ muốn làm những cái lớn lao là thường gặp.

Mình nghĩ cùng là muốn thế hệ trẻ tốt lên thì nên trao cơ hội chứ đừng chỉ trích. Để họ tự nhận ra họ thiếu gì, cần gì. Thay vì nói họ thì hãy chỉ ra họ nên làm gì, nhìn vào ai để phấn đấu. Những tấm gương thành công không ai tự dưng mà làm quản lý hay trở nên giàu có.

Chỉ cho các bạn ấy thấy màu hồng được thấy ở nhà hay trường học sẽ sớm phai ố khi tiếp xúc thực tế. Mình cho là những bạn trẻ tự tin mình có thể làm được vị trí quản lý thì cũng có kiến thức và sự tự tin nhất định, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ một chút thì đều có khả năng bứt phá thành công.

Văn Chung (Ghi)

*****************

Theo Wikipedia, tháp nhu cầu của Maslow (tiếng Anh: Maslow's hierarchy of needs):  được nhà tâm lý học Abraham Maslow đưa ra vào năm 1943 trong bài viết A Theory of Human Motivation và là một trong những lý thuyết quan trọng nhất của quản trị kinh doanh[cần dẫn nguồn]; đặc biệt là các ứng dụng cụ thể trong quản trị nhân sự và quản trị marketing