- Hôm qua (29/6), Chính phủ có văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin khất thời hạn trình dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) vì còn nhiều bất cập và còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

Dự luật giáo dục đại học lại bị chê tơi tả
Giáo giới đại học muốn 'cởi trói', bỏ phong bì
Những khuyết tật của đại học 'siêu lợi nhuận'


Ngóng con thi đại học. (Ảnh LAD)

 

Theo đó, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp dự thảo văn bản báo cáo UBTVQH đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật GDĐH vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Giao Bộ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Dự án Luật này để chuẩn bị trình Quốc hội (đây là dự thảo luật đã vấp phải phản đối mạnh mẽ trong thời gian qua khi tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học)

Dự án Luật GDĐH có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng, liên quan đến nhiều tầng lớp nhân dân và toàn xã hội; đồng thời điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH như chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH; việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở GDĐH, đình chỉ hoạt động giáo dục, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục, vấn đề tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH....

Với tính chất quan trọng như trên, Chính phủ nhận thấy cần phải lùi thời hạn trình dự luật bởi vì: Trên thực tế, việc thành lập các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều ưu điểm, nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, mô hình tổ chức và quản lý các ĐH được xây dựng trên cơ sở sắp xếp một cách cơ học các trường ĐH có uy tín và bề dày lịch sử nhất định, không dựa trên nguyên tắc tự nguyện, các bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, còn tồn tại tư duy quản lý cục bộ, không cân đối, hài hòa lợi ích giữa các bên, nên không đạt hiệu quả như mong muốn trong việc chia sẻ nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính cho sự phát triển chung của việc đào tạo ĐH. Thứ nữa, mô hình tổ chức của hai ĐHQG - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chính phủ - được trao quyền tự chủ cao, nhưng thiếu cơ chế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đánh giá thống nhất, có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước, dễ dẫn đến chồng chéo, buông lỏng quản lý, hiệu quả không cao.

Hơn nữa, vị trí và chức năng của các ĐH không rõ ràng, chưa cho thấy tính hiệu quả vượt trội trong việc hỗ trợ sử dụng các nguồn lực chung, hình thành cấp quản lý trung gian, cơ quan cấp trên của các trường đại học thành viên, hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong hệ thống GDĐH....

Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình ĐH hai cấp để trên cơ sở đó xây dựng mô hình đào tạo ĐH phù hợp với điều kiện của nước ta.

Về tổ chức, cần nghiên cứu để sắp xếp lại các ĐH trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi giữa các trường thành viên để xác định chính sách ưu tiên của Nhà nước về đất đai, nguồn vốn đầu tư và những lợi ích chung khi trở thành một đại học thống nhất, được trao quyền tự chủ cao về học thuật, tài chính và nhân sự.

Trong các ĐH, Hội đồng ĐH là cơ quan có quyền ra quyết định tập thể về chiến lược phát triển của ĐH; xây dựng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH; giám sát các mặt hoạt động của ĐH; quyết nghị quy hoạch, kế hoạch trước khi trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Từ những bất cập của các trường ĐH, Chính phủ đặt ra định hướng, về tổ chức, cần nghiên cứu để sắp xếp lại các ĐH trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi giữa các trường thành viên để xác định chính sách ưu tiên của Nhà nước về đất đai, nguồn vốn đầu tư và những lợi ích chung khi trở thành một ĐH thống nhất, được trao quyền tự chủ cao về học thuật, tài chính và nhân sự. Tiêu chí về các ĐH phải được quy định cụ thể trong Luật GDĐH hoặc nghị định của Chính phủ, làm cơ sở trao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

Về quản lý, cần nghiên cứu thể hiện rõ cơ chế chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và đánh giá trong điều kiện các ĐH được trao quyền tự chủ cao. Trong các ĐH, hội đồng ĐH là cơ quan có quyền ra quyết định tập thể về chiến lược phát triển của ĐH; giám sát các mặt hoạt động của ĐH; quyết nghị quy hoạch, kế hoạch trước khi trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Tại phiên họp của UBTVQH, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật GDĐH - từ việc cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất và thông qua tại kỳ họp thứ hai sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai và thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Trước đó, dự án Luật Giáo dục đại học Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập liên tiếp họp bàn góp ý cho dự thảo này.  Tại các buổi góp ý nhiều vấn đề bất cập được đặt ra.

Nguyễn Hiền (tổng hợp)