|
Phụ huynh chờ con thi đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Khuyết tật" cần điều trị
Đã "vì lợi nhuận" thì triết lý của nó vẫn tuân theo triết lý nói chung của một công ty là "cực đại lợi nhuận". Do vậy, các đại học "vì lợi nhuận" trên thế giới như luôn ở cơ chế của một công ty.
Khi cơ chế không rõ ràng sẽ không phát triển được.
Nhưng đã nói đến lợi nhuận thì buộc phải coi giáo dục đại học là một hàng hóa, cho dù người ta vẫn nói là hàng hóa đặc biệt. Do vây, nó vẫn còn nhiều "khuyết tật". Người mua thường đươc biết rất ít và cũng rất khó đánh giá về loại hàng hóa mà họ đang mua và rất dễ lâm vào tình cảnh nhận được một sản phẩm chất lượng thấp hơn nhiều so với chất lượng họ kỳ vọng cũng như cái giá mà họ đã chi trả.
Vì vậy, đại học vì lợi nhuận rất dễ bị "khuyết tật", người mua rất dễ bị đánh lừa, rất dễ bị tác động xấu của cơ chế thị trường.
Vấn đề đại học "vì lợi nhuận" ở Canada vẫn không khuyến khích và còn tranh cãi, ở Mỹ chưa được giải quyết và số sinh viên cũng chỉ chiếm 1% của tổng số sinh viên. Còn ở Ấn Độ vẫn là những cửa hàng bán lẻ tri thức...
Nhưng vấn đề là, hầu hết các nước ở châu Á còn chưa có truyền thống cho tặng cho giáo dục đại học nên khó có "đại học không vì lợi nhuận". Đã không vì lợi nhuận thì không có nhà đầu tư, nên không huy động được nguồn lực xã hội cho giáo dục ĐH. Do đó đã xuất hiện loại đại học "nửa vì lợi nhuận".
Còn ở Việt Nam, dù đại học ngoài công lập đã phát triển hơn 20 năm nhưng dường như chúng ta vẫn chưa có cơ chế "không vì lợi nhuận" và càng sợ hãi cụm từ "vì lợi nhuận".
Những kẽ hở
Cơ chế quản lý giáo dục đại học tư thục đã được mổ xẻ từ năm 2004, nhưng đến năm 2005, Nghị quyết 05 về xã hội hóa giáo dục vẫn viết "theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư..., lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển".
Chính cơ chế không rõ như thế này đã tạo nên kẽ hở. Đã "phi lợi nhuận" thì không có nhà đầu tư và tài sản được đầu tư phát triển bằng lợi nhuận nếu vẫn là sở hữu của cá nhân nào đó thì vẫn không thể nói là "phi lợi nhuận".
Còn cụm từ "vì lợi nhuận" cũng không có gì phải né tránh.
Đó vẫn là hoạt động lành mạnh và phổ biến trong cơ chế thị trường. Các công ty đều là vì lợi nhuận. Có điều, giáo dục thì phải thật minh bạch và phải có sự giám sát chặt chẽ hơn của Nhà nước và cộng đồng.
Trong hai năm 2008 và 2009, cơ chế "không vì lợi nhuận" lại được bàn thảo, nhưng rồi đến dự thảo Luật Giáo dục đại học, cơ chế này vẫn để "mờ" một cách có chủ ý. Trong khi đó, việc phân biệt giữa "vì lợi nhuận" và "không vì lợi nhuận" còn quan trọng hơn là phân biệt giữa trường công và trường tư.
Có lẽ vậy mà nhiều trường ngoài công lập hiện nay vẫn khăng khăng cho rằng mình hoạt động "phi lợi nhuận".
"Mảng mờ" ở cấp quản lý nhà nước chủ yếu chính là mối quan hệ cung - cầu
trong giáo dục giáo dục.
Cung hiện nay mới xấp xỉ 40% của cầu. Vì vậy xin một giấy phép lập trường rõ ràng là xin một "đặc quyền". Thêm vào đó là sự tù mù quan niệm về "cầu" cũng như chất lượng giáo dục đại học.
Có thể nói rộng ra, nơi nào có chênh lệch cung - cầu lớn và có sự tù mù trong quan niệm thì nơi đó là mảnh đất mầu mỡ cho"xin - cho" và tiêu cực sinh sôi.
ĐH tư thục Việt Nam phù hợp "nửa vì lợi nhuận"?
Ở Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng cho giáo dục đại học nên đại học tư không vì lợi nhuận có lẽ chỉ có trong một số trường hợp riêng.
Vì vậy, cần khuyến khích phát triển các đại học tư thục "nửa vì lợi nhuận". Ví dụ, có mức lãi tối đa bằng 150% lãi suất huy động của ngân hàng chẳng hạn. Có thêm 50% lãi suất là để bù đắp rủi ro cho một số rủi ro có thể xảy ra.
Khi cung trong giáo dục đại học lên gần bằng cầu, mức rủi ro sẽ cao hơn con số 50% nói trên. Phần lợi nhuận cao hơn 150% sẽ trở thành sở hữu cộng đồng.
Khi đó, bên cạnh nhà đầu tư tư nhân, nhà nước có thể có cả các cơ sở đại học công lập có thể góp vốn bằng đất đai và các nguồn vốn sẵn có của mình để phát triển loại đại học công - tư phối hợp.
Tất nhiên, vẫn có thể có cơ sở đại học tư là "vì lợi nhuận" nhưng khi đó, chính sách của nhà nước sẽ khác so với loại "nửa vì lợi nhuận".
Các loại đại học "vì lợi nhuận" đều phải ở trạng thái của một công ty ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi.
Với một số ít các có sở đại học "không vì lợi nhuận" thì nhà nước cần có tài trợ và ưu đãi đặc biệt.
Cần xóa bỏ cơ chế "xin - cho" trong việc lập trường và không yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đại học. Vì, một mặt quy hoạch mạng lưới có độ tin cậy rất thấp, mặt khác nhà đầu tư mở một đại học cũng giống như mở một doanh nghiệp, nhà đầu tư tự biết lo và biết tính đến những tín hiệu của thị trường. Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu quy định thì đương nhiên được mở trường.
Khi có minh bạch về cơ chế tư thục, đại học tư thục, kể cả đại học liên doanh với nhà nước cũng như liên doanh với nước ngoài sẽ phát triển lành mạnh và nhanh chóng đáp ứng mục tiêu đề ra: có từ 30-40% sinh viên tư thục trong tổng số sinh viên vào năm 2020.
Và khi đã xóa bỏ cơ chế xin - cho thì sự giám sát các đại học tư thục của các cấp quản lý nhà nước sẽ đi vào thực chất hơn. Bản thân mỗi trường đại học tư thục trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay phải biết lựa chọn cho mình một chương trình đào tạo có chất lượng thích hợp "phân khúc thị trường" hợp lý trong cơ cấu một nền giáo dục đại học "phân tầng".
Đặc trưng cơ bản về mặt pháp lý, kinh tế và tổ chức của một tổ chức "không vì lợi nhuận" là: Không được chia lợi nhuận cho một ai; không có chủ sở hữu hay nó sở hữu chính nó - không có nhà đầu tư, tài sản thuộc "sở hữu cộng đồng", nguồn vốn chủ yếu là từ cho tặng và học phí. Và tổ chức "không vì lợi nhuận" thường được quản trị bởi một Hội đồng đại diện cho những nhóm có lợi ích liên quan... |
- GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM)
*********************
Bạn có đồng ý với đề xuất của GS Phạm Phụ, mời gửi ý kiến thảo luận theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn: