- 15h30 chiều nay (4/7), các sĩ tử đã kết thúc môn thi thứ hai của kì thi ĐH đợt 1. Theo nhận định chung của các thí sinh, đề Lý “dễ thở” hơn đề Toán nhưng nhiều em vẫn “méo mặt” vì dung lượng đề quá dài.

Khác với môn thi Toán, khi thời gian thi còn gần một tiếng đã có một vài sĩ tử ra khỏi trường thi, với môn Vật Lý chiều nay, các thí sinh đã tận dụng hết vốn thời gian quý báu để hoàn thành bài làm. Bởi vậy, tại hầu hết các điểm thi, tới lúc hết giờ làm bài các thí sinh mới bắt đầu rời khỏi phòng thi khiến nhiều phụ huynh thêm phần sốt sắng, lo âu.


Thí sinh làm bài thi. (Ảnh: Văn Ký)

Ở môn thi chiều nay, đã xuất hiện khá nhiều gương mặt tươi tỉnh vì đa phần các thí sinh cho rằng môn Lý “nhẹ nhàng” hơn môn Toán nên làm bài tự tin hơn. Em Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Cẩm Phả, Quảng Ninh) vừa ra khỏi cổng trường đã cười tươi rói: “Em tự tin với phần bài làm của mình, chắc cũng phải được 80%. Nói chung môn Lý em làm được hơn Toán”.

Em Vũ Quốc Triệu ( Giao Thủy, Nam Định) cho rằng đề Lý năm nay quá dài so với thời lượng 90 phút, tuy nhiên nếu biết cách dùng “mẹo” sẽ tiết kiệm thời gian để tập trung làm các câu khác: “Đề Lý hơi dài nhưng em làm cũng khá tốt, một số câu phải dùng “thủ thuật” hoặc phương pháp loại trừ thì mới nhanh ra đáp án”.
Còn nhiều thí sinh lại “thở dài” với đề thi Vật Lý, sau khi “vật vã” trong phòng thi, các em bước ra về với khuôn mặt đầy tâm trạng. Em Nguyễn Văn Đức (Lục Ngạn, Bắc Giang) tại điểm thi ĐH Thương Mại Hà Nội cho biết: “Em chỉ làm được hơn chục câu vì đề vừa dài vừa khó, chắc trường này em trượt rồi vì sáng em cũng không làm được bài”.

Cũng “não nề” không kém gì Đức, em Trịnh Mai Phương vừa nhìn thấy mẹ đã nước mắt ngắn dài, càng dỗ càng khóc to hơn vì hầu như em không chắc chắn câu nào, Phương nức nở: “Chỉ khoanh bừa thôi chị ạ, vì chỉ có vài câu giống trong sách giáo khoa, còn lại em loay hoay mãi không ra”.


Ảnh Lê Anh Dũng

Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi năm nay có tính phân loại học sinh một cách rõ rệt, bởi ngoài những câu hỏi “vừa tầm” còn có những câu hỏi nâng cao, đòi hỏi khả năng phân tích đề, phán đoán hướng giải, cũng như phản xạ nhanh của học sinh. Với những học sinh giỏi, việc giải quyết phần nâng cao “khó nhai” khá nhẹ nhàng, còn những học sinh trung bình khá thì việc tìm đáp án của 60 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 90 phút khó như “mò kim đáy bể”.

Em Nguyễn Thành Trung ( Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “ Trong đề thi có khá nhiều câu hỏi “bẫy”, nếu không tỉnh táo sẽ “lạc đề”, ví dụ như đề Lý của em có mã 374 thì những câu dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh là câu 1, câu 42, câu 26. Còn lại những câu nâng cao có khi phải mất 15 phút mới ra đáp án”.

Hầu hết các thí sinh được hỏi đều cho rằng, nếu có thêm thời gian thì chắc chắn họ sẽ làm bài thi tốt hơn vì đề thi năm nay quá dài.

Đánh giá về đề thi Vật Lý cô Nguyễn Thị Định (Giáo viên bộ môn Vật Lý, Trường THPT Mê Linh, Hà Nội) cho biết: “ Đề thi năm nay khá hay, có tính chất phân loại học sinh trung bình, khá, giỏi một cách rõ rệt. Đối với học sinh bình thường có thể làm được từ 50 – 70%, còn học sinh giỏi có thể làm tới 90- 100%. So với đề thi Lý năm 2010, thì đề thi năm nay khó hơn một chút, còn so với đề thi năm ngoái, câu hỏi ra ngắn gọn hơn.

Theo nhiều thí sinh thì đề Vật Lý năm nay không khó bằng năm ngoái nhưng có những câu hơi dài, đòi hỏi hỏi phải làm nhiều bước mới ra kết quả cuối cùng. Vì thế để đạt điểm 5- 6 thì dễ, số đạt điểm 7-9 thì ít đòi hỏi phải luyện giải bài nhiều. Sau đây là nhận định cụ thể của các bạn thí sinh thi vào trường ĐH Bách Khoa:
Lê Tuấn Vũ ( Trường PTTH Đoàn Kết, Tân Phú, Đồng Nai) từng thi Quốc Gia thi:

Đề cũng khó, có câu hơi dài, học khá mới đạt điểm 7 được.

Ngô Quang Khải (PTTH Nguyễn Khuyến, TP.HCM):Lý thuyết thì dễ. Khó và dài hơn năm ngoái, khó nhất là phần điện. Có những cầu vừa phải nhưng đòi hỏi các bạn phải tính nhiều bước mới ra đáp số.Tính đánh đó không cao, các bạn giỏi Vật Lý có thể đạt trên 8, khá đạt 7.

Vũ Thị Thanh Trâm (PTTH Nguyễn Trãi, TP.HCM): Đề có từ 10 -15 câu khó, nhiều bạn có thể đạt điểm từ 5 -7. Theo em thì dễ hơn năm ngoái.

Võ Quốc Vũ ( PTTH chuyên ban Tân Phú, Đồng Nai): Đề bình thường, khó ở phần điện. Điểm năm 5-6 sẽ nhiều; Nhiều câu phải làm nhiều bước mới có kết quả. Điều này đòi hỏi các bạn phải giải bài nhiều, quen thì mới làm hết bài được.

Nguyễn Hoàng Anh (PTTH chuyên Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM): Đề không khó lắm, chỉ cần tập trung và có kỹ năng làm bài là làm tốt.Điểm 5-6 thì nhiều. Điểm 7 đối với bạn khá, 8-9 có những ít vì có nhiều câu phải giải nhiều bước và câu điện hơi hóc búa.

  • Thu Thảo - Văn Ký
Soạn tin: DT <mã trường> <Số báo danh> gửi 6524
Để nhận Kết quả điểm thi ngay khi công bố

Soạn tin: DTG <mã trường> <khối> <SBD> gửi 6724
Để nhận trọn gói điểm thi: Điểm thi, xếp hạng, chỉ tiêu của trường.

Soạn tin: DC <mã trường> <mã khối> gửi 6524
Để nhận điểm chuẩn ngay khi công bố

Soạn tin: XH <mã trường> <khối> <SBD> gửi 6524
Để biết thứ hạng của mình so với các thi sinh khác

Thí sinh có thể tra cứu điểm thi TẠI ĐÂY