Công tác biên soạn các bộ sách giáo khoa (SGK) mới theo hướng “xã hội hóa” đang gặp phải khá nhiều vướng mắc, khiến nhiều cá nhân, tổ chức không mấy “mặn mà”. Thậm chí, có ý kiến còn thẳng thắn khẳng định, không muốn tham gia vào “vũng nước đục” này, khi cơ chế chỉ được mở trên giấy.

{keywords}
Chương trình và SGK sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở cấp dưới, phân hóa ở cấp trên và chuyên sâu theo năng khiếu. Ảnh: ĐỨC ANH

Đầu xuôi mà đuôi khó lọt

Hiện tại, khu vực phía bắc vẫn chỉ có lẻ tẻ các đơn vị có ý định tham gia biên soạn SGK mới. Còn khu vực phía nam, mới chỉ có hai đơn vị “nhập cuộc”, gồm Đại học (ĐH) Sư phạm và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã soạn giáo trình i-Learn Smart Start, với hai ấn bản dành cho các trường tại TP Hồ Chí Minh và một ấn bản toàn quốc phù hợp với nhu cầu, thực tế của từng vùng miền. Còn Sở GD-ĐT thì mới lên tiếng xác nhận sẽ soạn bộ SGK mới với mục tiêu giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn. Bộ SGK này cũng được khẳng định là “sát sườn” hơn với học sinh và giáo viên.

Chủ trương biên soạn SGK riêng của TP Hồ Chí Minh đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, bởi đơn vị này đã từng có khá nhiều kinh nghiệm trong biên soạn SGK. Cụ thể, từ năm 2009, Sở đã biên soạn lần lượt bộ tài liệu dạy học môn Vật lý, môn Toán và mới đây là tiếng Anh. Đội ngũ biên soạn tài liệu này là các thầy, cô bộ môn của Sở, các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Từ năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm đưa vào sử dụng SGK Vật lý do Sở biên soạn ở khối lớp 6, 7.

Tuy đã có SGK mới, nhưng việc áp dụng vào học tập và giảng dạy lại khó khăn hơn. Cô Huỳnh Thị Thu Hương (GV một trường THCS ở quận 3) chia sẻ: “Khi giới thiệu cho phụ huynh về những cái hay và bổ ích của SGK mới, nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao phải mua thêm, trong khi đã có SGK rồi? Thêm nữa, giá thành của những tài liệu này khá cao (35.000 đồng/quyển, trong khi sách do Bộ soạn chỉ 6.500 đồng). Vậy nên, nói quá thì phụ huynh họ nghĩ mình làm “cò” để kiếm thêm hoa hồng, khó lắm!”.

Ở góc độ của phụ huynh, nỗi lo ngại con em mình phải làm “vật thí nghiệm” khi áp dụng SGK mới cũng khá phổ biến. Anh Đỗ Văn Thành, phụ huynh có con học tại một trường tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: “Cái chính là chương trình cần giảm tải nhiều hơn nữa. Không thì SGK có hay bao nhiêu đi chăng nữa, thầy và trò cũng chẳng dùng được hết những cái hay đó”.

Mất một thời gian dài, Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh mới soạn được một số SGK mới mà còn gặp khó khăn là thế! Vậy mà, Bộ GD-ĐT lại tổ chức biên soạn SGK mới khá gấp gáp, thiếu thời gian thí điểm nhằm đánh giá tác động thực tế, thì thật khó nói về chất lượng biên soạn được. Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng (quận 12) nhận xét: “Là tác giả của hàng chục đầu sách, theo tôi, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu kỹ để biên soạn một bộ sách chuẩn, tránh tình trạng thay đổi liên tục và có những sai sót không đáng có. Đặc biệt những người viết sách phải có kinh nghiệm đứng lớp, trước lúc in sách phải lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, rà soát kỹ để tránh in rồi mới phát hiện sai sót”.

Chia sẻ quan điểm này, cô M.T, giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình, quan ngại: “Thực tế, tôi đã từng tham gia biên soạn SGK với Sở GD-ĐT. Từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành biên soạn SGK phải mất ba, bốn năm trời. Bây giờ, Bộ chỉ còn khoảng gần ba năm, với khối lượng đầu sách SGK đầy đủ các bộ môn, áp dụng cho các vùng miền… thì tôi hơi lo về chất lượng”.

Cơ chế đánh đố thực thi

Điểm nút thắt của quá trình xã hội hóa biên soạn SGK nằm ở quy trình hiện hành. Để biên soạn SGK phải qua các bước cơ bản như: Tập huấn cho các tác giả; viết đề cương và tổ chức góp ý đề cương; biên soạn bản thảo SGK theo đề cương; trưng cầu ý kiến bản thảo và được Hội đồng Quốc gia thẩm định; tổ chức dạy thực nghiệm; chỉnh sửa, phê duyệt sử dụng. Lâu nay chỉ có những đơn vị có đủ “thực lực” mới làm nổi quy trình này.

Nhưng mổ xẻ sâu hơn, TS Lê Vinh Quốc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ ra: “Quy trình trên được xây dựng theo lối tư duy của cơ chế quan liêu bao cấp trước đây, lẫn lộn giữa quy trình xây dựng chương trình học với quy trình biên soạn SGK. Xây dựng chương trình học là phần việc của Bộ GD-ĐT. Còn việc biên soạn SGK thì các tác giả sẽ biết mình phải làm gì theo các nguyên lý khoa học, và phải tuân theo một quy trình như thế nào. Chính sự lẫn lộn này khiến cho Bộ GD-ĐT “ôm” thêm việc, còn người soạn sách thì lại chẳng thoải mái để làm việc hiệu quả”.

Ý kiến này cũng nhận được sự chia sẻ của không ít người cùng chuyên môn. Hiệu trưởng một trường ĐH đang đào tạo khối ngành sư phạm nói: “Nếu buộc mọi người biên soạn SGK phải tuân thủ theo quy trình trên là một sự bất bình đẳng giữa các nhóm biên soạn SGK với nhóm của Bộ GD-ĐT. Bởi nếu tuân thủ đúng các quy trình này thì làm sao các cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện các bước như trưng cầu ý kiến về bản thảo, tổ chức dạy thử nghiệm…? Vậy thì, quy trình biên soạn SGK của Bộ hiện nay chẳng khác gì dựng rào cản với những người có ý định thực hiện một bộ SGK phù hợp, chất lượng”.

Từ thực tế đi tiên phong của Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh, nên chăng Bộ GD-ĐT cần xem lại quá trình xã hội hóa trong biên soạn SGK hiện nay. Làm sao để cơ chế mở cửa được hiện thực hóa, chứ không chỉ trở thành “miếng bánh vẽ” để những người dám tham gia, rút cục lại phải chọn đường thoái lui. Nếu như cách làm của Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh được chứng minh là hiệu quả thì Bộ cần nhân rộng. Chẳng hạn, Bộ chủ động đặt thêm Sở GD-ĐT các tỉnh, thành lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…) hoặc các tổ chức, cá nhân có khả năng để triển khai biên soạn các bộ môn khác. Như thế, Bộ sẽ giảm nhẹ được áp lực về khối lượng và thời gian biên soạn SGK mới, còn thầy và trò cũng nhờ đó mà hết được cảnh “cùng bị làm khó”.

Tính ổn định của chương trình và SGK, lộ trình và kế hoạch thay đổi được vạch sẵn với các tiêu chí chất lượng rõ ràng, sự giám sát và hỗ trợ của Nhà nước, một cơ chế cạnh tranh lành mạnh của thị trường, cùng sự tham gia của tư nhân trong việc xuất bản SGK là những yếu tố mà ngành giáo dục Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.

(Theo Bá Lâm/Nhân Dân cuối tuần)

XEM THÊM: