Những rạn nứt kéo dài trong nội bộ Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM được xem là nguyên nhân chính đẩy trường vào tình thế có thể bị giải thể sau hơn 20 năm hoạt động.

Trường ĐH Hùng Vương được thành lập ngày 14/5/1995 theo quyết định số 470/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hoạt động theo mô hình trường dân lập.

Từ khi thành lập đến nay Trường ĐH dân lập Hùng Vương không ngừng phấn đấu thực hiện phương châm: Lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng. Bất vụ lợi cá nhân. Phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo của sinh viên....

Sau khi thành lập, nhà trường dần đi vào ổn định trong công tác tuyển sinh đào tạo. Các ngành đào tạo được nhìn nhận đáp ứng nhu cầu xã hội như: Công nghệ sau thu hoạch, Du lịch, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản trị bệnh viện, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Công nghệ kỹ thuật xây dựng...

Cùng với lượng hồ sơ đăng ký vào trường ngày càng tăng thì điểm chuẩn của trường cũng có khoảng cách xa so với ngưỡng điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT. ...

Ngòi nổ cho những rạn nứt

Từ năm 2010 khi trường được phép chuyển đổi thành trường ĐH tư thục, mâu thuẫn nội bộ bắt đầu xuất hiện giữa những nhà đầu tư mới và tập thể sư phạm cũng như nhân viên, cán bộ quản lý của trường.

Nội bộ của trường chia thành hai chiến tuyến: một bên là ông Lê Văn Lý, hiệu trưởng và bên kia là ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch Hội đồng quản trị.

{keywords}

Thời gian này, các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên tục được gửi đến UBND TP HCM. Tháng 8/2011 Thanh tra TP HCM đã có quyết định thanh tra toàn diện nhà trường.

Kết luận thanh tra cho thấy trường có nhiều sai sót về tài chính, bổ nhiệm cán bộ. Ông Đặng Thành Tâm bị tạm đình chỉ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lê Văn Lý bị tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng.

Từ thời điểm này, ĐH Hùng Vương TP HCM không có hiệu trưởng, chỉ bổ nhiệm hiệu trưởng tạm quyền.

Ngày 6/3/2012 Bộ GD-ĐT có quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với ĐH Hùng Vương TP HCM.

Trong văn bản trả lời về việc tuyển sinh của trường Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ ra quyết định ngừng tuyển sinh năm 2012 đối với nhà trường ĐH vì lý do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo, dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng uy tín của trường và môi trường giáo dục.

Đến ngày 28/3/2015, nhà trường có công văn đề nghị xem xét cho trường tuyển sinh năm 2015. Trên cơ sở thẩm tra báo cáo của trường và báo cáo của UBND TP.HCM ngày 2/6/2015 Trường ĐH Hùng Vương chưa khắc phục được nguyên nhân đình chỉ tuyển sinh do đó chưa có cơ sở để Bộ cho phép trường tuyển sinh trở lại.

Ngày 2/6/2015 UBND TP.HCM đã có công văn trả lời, do trường chưa khắc phục các quy định của Bộ GD-ĐT về ngừng tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...

Cuộc chiến con dấu và nhiều năm không có hiệu trưởng

Ngày 16/3/2015, hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM gửi tờ trình đến UBND TP HCM đề nghị công nhận hiệu trưởng. Tuy nhiên, UBND TP HCM không công nhận vì cuộc họp hội đồng quản trị chưa đủ tỉ lệ biểu quyết theo quy định.

UBND TP HCM cho rằng hội đồng quản trị không có khả năng triệu tập đủ 75% thành viên để bầu hiệu trưởng chính thức và đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận.

Trình ý kiến lên Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM cho biết, căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 22 của Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 quy định: “Các cuộc họp của Hội đồng Quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 75% số thành viên tham dự”. Cuộc họp HĐQT Trường ĐH Hùng Vương ngày 25/2/2015 chỉ có tổng cộng 7/10 thành viên (có mặt và ủy quyền) tham dự (chiếm tỷ lệ 70%) nên không được coi là hợp lệ.

Năm 2012 trường chia làm hai phe, tranh chấp quyền lợi nên bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh. UBND TP.HCM cũng ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với hiệu trưởng Lê Văn Lý và Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm.

Đến năm 2013, UBND TP.HCM ra quyết định không công nhận hiệu trưởng ĐH Hùng Vương TP.HCM đối với ông Lê Văn Lý. Sau đó ông Lý khiếu kiện quyết định hành chính của UBND TP.HCM và bị xử thua kiện.

Trong một thời gian trường xảy ra cuộc chiến dành con dấu giữa ông Lê Văn Lý và nhà trường. Để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra Công an thành phố tiến hành khởi tố đối với hành vi cố tình chiếm đoạt, cất giữ trái phép và không bàn giao con dấu của Trường. Trong thời gian này trường phải bổ nhiệm hiệu trưởng tạm quyền.

Năm 2015, hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM gửi tờ trình đến UBND TP.HCM đề nghị công nhận hiệu trưởng của nhà trường đối với ông Bế Nhật Dục nhưng không công nhận hiệu trưởng. Đến nay trường vẫn không có hiệu trưởng.

Giảng viên nghỉ việc, sinh viên lao đao

Trước nguy cơ Trường ĐH Hùng Vương tan rã do 4 năm không được tuyển sinh, ngày 10/12/2015 ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM kí văn bản gửi Đảng ủy, ban chấp hành nhà trường về việc thực hiện phương án sử dụng lao động.

Sau 4 năm không được tuyển sinh, Trường ĐH Hùng Vương không có nguồn thu, thu không đủ bù chi dẫn đến việc lỗ nặng…Để duy trì trường hoạt động theo quy định của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Hùng Vương có quyết định sử dụng đội ngũ nòng cốt.

Đối với trường hợp tự nguyện làm việc sẽ được chuyển sang làm tại công ty đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương, sau khi trường được tuyển sinh trở lại sẽ xem xét quay về trường công tác.
Đối với các cá nhân đến tuổi nghỉ hưu hoặc hết hạn hợp đồng lao động, quá tuổi lao động sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động…

Tính đến ngày 26/1 có 79/105 cán bộ, giảng viên của trường đã tự nguyện kí thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, 26 người còn lại không đồng ý.

Tiếp đến ngày 25/2, ông Đặng Thành Tâm kí 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cho 79 cán bộ, giảng viên, nhân viên….trong đó 78 người thôi việc từ ngày 5/4, một người đã thôi việc từ 20/1. Trong số 78 người này có bà Tạ Thị Kiều An, hiệu trưởng tạm thời, bà Nguyễn Thị Mai Bình bí thư đảng ủy nhà trường…

Với hơn 100 cán bộ, giảng viên. Hiện tại trường ĐH Hùng Vương còn lại 26 người.

Theo lý giải của trường, nếu tiếp tục duy trì và trích quỹ để trả lương thì chỉ vài tháng nữa quỹ của trường sẽ cạn kiệt. Trong khi theo điều luật nếu chi quá thu sẽ bắt phá sản.

Mâu thuẫn nội bộ không chỉ làm mất uy tín, hình ảnh của trường, bị đình chỉ tuyển sinh mà kéo theo hệ lụy là hàng nghìn sinh viên đang theo học tại trường bị chậm tiến độ đào tạo, không thể thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Không ít sinh viên bị chậm tiến độ 1, 2 năm.

Trước tình thế này, Bộ GD-ĐT phải ra quyết định chuyển sinh viên của trường này sang các trường ĐH khác tại TP.HCM để học và thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Hơn nữa, do không có hiệu trưởng chính thức, Bộ phải có thêm quyết định đồng ý để PGS.TS Nguyễn Mộng Giao, Phó hiệu trưởng ĐH Hùng Vương thay mặt hiệu trưởng nhà trường ký bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

Trong các năm 2014 và 2015, hàng ngàn sinh viên của trường đã được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy vậy, năm học này vẫn còn 9 sinh viên ngành xây dựng đang theo học tại trường.

Nguy cơ giải thể cận kề

Để tạo điều kiện cho Trường ĐH Hùng Vương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến ngừng tuyển sinh và kiện toàn tổ chức, nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất, UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ GD-ĐT có ý kiến về việc kéo dài thời gian hoạt động của Hội đồng Quản trị nhà trường nhiệm kỳ 2011-2015 đến 31/8/2016.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngày 21/8/2015 Bộ đã có văn bản về việc đề nghị tuyển sinh của trường.

Trong văn bản này, Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường cần khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh. Trường cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý, nguồn lực tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.

Đến ngày 31/8/2016 nếu Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM chưa hoàn thành các công việc theo yêu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đình chỉ hoạt động đào tạo của trường.

Nguyễn Hiền