- Gần 30.000 trường phổ thông và 13.000 trường tiểu học hôm nay đón khoảng 19 triệu học sinh cả nước vào năm học mới trong ngày "toàn dân đưa trẻ tới trường". Trước đó, học sinh nhiều nơi đã đón khai giảng sớm từ dịp nghỉ lễ.

Ngày 2/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh trống khai trường ở Trường Quốc học Huế, còn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới Trường Việt Đức ngày 4/9. Theo dự kiến, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdams sáng nay, 5/9 sẽ có vị khách đặc biệt là tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.


Khai giảng sớm tại TP.HCM từ ngày 1/9. Ảnh: Hương Giang

Theo dự báo, năm học này, toàn ngành có hơn 3,7 triệu trẻ mầm non đến trường. Với "điểm tựa" là đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, năm học 2011 - 201 giáo dục mầm non đặt mục tiêu sẽ huy động được 25% trẻ độ tuổi nhà trẻ và 85% trẻ độ tuổi mẫu giáo tới lớp, đồng thời công nhận ít nhất 10 tỉnh đạt chuẩn.

Năm nay, số lượng học sinh phổ thông có hơn 15,1 triệu em (tăng gần 300 nghìn) nhưng có biến động nhỏ ở mỗi cấp học. Nhiều nhất là học sinh tiểu học với 7,35 triệu em;  tăng hơn 300.000 so với năm học trước, trong khi đó học sinh các bậc THCS (4,96 triệu) và THPT (2,83 triệu) giảm nhẹ (từ 5.000 - 8.000).

Đây là năm thứ 10 ngành giáo dục phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Hai đề án lớn về dạy ngoại ngữ và phát triển hệ thống trường chuyên đang rốt ráo thực thi.

Ngành giáo dục cũng không quên gánh nặng sự học của học sinh, với nhiệm vụ tự đặt cho mình sẽ điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải, điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT.

Một tin vui đến với giáo giới vào những ngày đầu tháng 9, từ nay, được thêm một khoản thu nhập với tên gọi "phụ cấp thâm niên".

Khoản thu này sẽ góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho giáo viên, đặc biệt là  ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa có nhiều cống hiến cho giáo dục; dù không ít nhà giáo băn khoăn về hiệu quả của nó với đời sống khi mà có một thực tế luôn diễn ra, cứ có bất cứ chính sách nào của Chính phủ liên quan đến tăng lương thì giá cả thị trường nhảy vọt, thậm chí có khi lương chưa tăng, giá đã tăng chóng mặt.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với cô học trò đặc biệt của Trường THPT Việt Đức - cô bé xương thủy tinh. Ảnh: Nguyễn Hường

Khai giảng có ý nghĩa

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nội dung lễ khai giảng được tổ chức với 2 phần: lễ và hội.

Phần "lễ khai giảng" gồm các hoạt động: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng năm học mới của trường, phát động tháng khuyến học (từ 2/9 đến 2/10), tháng An toàn giao thông (tháng 9), trình bày kế hoạch cho phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", đọc quyết tâm thư của học sinh, giáo viên, đánh trống khai trường.

Trước khi vào phần lễ, có thể thực hiện các nghi thức như lễ đón học sinh mới đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10, rước đuốc truyền thống, duyệt nghi thức. Tiếp theo đó là phần "hội" được tổ chức tùy theo tình hình thực tế.

Cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm muốn dành cho lớp 1 khai giảng đặc biệt hơn, đánh dấu ngày các em bước sang một trang mới quan trọng trong cuộc đời, nhưng năm nay "đã sát ngày khai giảng mất rồi!”.

Tuy nhiên, năm nào khai giảng ở trường, các lớp đều được tặng một chiếc bánh ga-tô rất ngon để cô  giáo và các học sinh cùng làm quen, thưởng thức sau giờ khai giảng. Năm nay trường có 17 lớp 1. Số lượng lớp quá đông nên các bé không được diều hành một vòng lên khán đài nữa.

Thầy Vương Dương Minh, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Khai giảng là ngày của học trò, không phải ngày của người lớn và các đại biểu.”

Năm nay, ngoài những “khung cơ bản” của lễ khai giảng, điểm nhấn quan trọng của trường là trao học bổng Nguyễn Tất Thành cho học sinh xuất sắc trong kỳ thi vào trường và thi đại học. Những câu chuyện về các em học sinh đặc biệt xuất sắc, có nghị lực vươn lên của trường sẽ được kể.

"Các học sinh xuất sắc ở các lĩnh vực khác như thể thao, khiêu vũ, mỹ thuật…cũng sẽ là những “nhân vật” đặc biệt của buổi lễ khai giảng. Thầy hiệu trưởng tự hào đây là nét mới để khen ngợi các em học sinh giỏi ở các lĩnh vực khác nhau và năng lực nào của các em cũng cần được khuyến khích như nhau.


Năm nay là khai giảng cuối cùng ở Trường THPT Hồ Tùng Mậu của người mẫu "tuổi teen" Hồng Quế. Ảnh: Nga Phương

Mùa tựu trường năm nay rơi đúng vào mùa dịch bệnh "chân tay miệng" hoành hành. Gần đến ngày khai giảng, các trường mầm non, tiểu học tăng tốc thực hiện công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nhưng không phải mọi công việc đều diễn ra suôn sẻ.
Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong trường học. Vệ sinh môi trường trường học, việc vệ sinh đồ dùng dạy học, đồ chơi, đồ dùng học sinh bán trú... phải được thực hiện mỗi ngày; còn việc khử khuẩn môi trường, lớp học, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt ít nhất 1 lần mỗi tuần.
Ngành y tế dự phòng Hà Nội thông báo sẽ cấp cho mỗi trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học công lập và tư thục 2kg Chloramine B để khử khuẩn nhưng nhiều trường tại Hà Nội vẫn khá bối rối trong việc làm thế nào để phòng chống dịch bệnh. Nhiều trường chờ lượng hóa chất được cấp phát miễn phí như được thông báo, khi chưa có thì “án binh bất động” cho dù ngày khai giảng đã cận kề.
Trong khi đó, ở nhiều trường học vùng cao nằm dọc theo dãy Trường Sơn vùng tây đất Quảng, trước ngày khai giảng cả tháng, các thầy cô cơm đùm gạo gói tìm về các bản làng heo hút để “săn” học trò ra lớp.

Học trò vùng cao Quảng Nam gùi gạo xuống nơi học. Ảnh: Vũ Trung
Ai không “săn” được học trò coi như “mất dạy”. Thầy hiệu trưởng trường tiểu học Đắkpre-Đắkpring huyện Nam Giang (Quảng Nam) Hồ Ngọc Danh nói vui.
Nhiều thầy cô giáo vùng cao sau khi “săn” được học trò đưa lại trường đã phải nhường bớt khẩu phần ăn hàng ngày của mình cho các em.
Còn ở vùng cao Trà Linh, huyện Nam Trà My, dù chưa đến khai giảng, nhưng nhiều em đã phải xuống núi trước hai tuần  để dựng lều ổn định cho năm học mới.
Ở Trường THCS Trà Nam, nhóm của HS tên Nam gồm 17 bạn từ Trà Linh xuống Trà Nam để học vì xã chưa có trường cấp 2. Đến giờ, việc dựng lều đã xong, cả nhóm chia nhau quay ngược về làng gùi gạo, sắn, bắp...để có cái ăn. Lo lắng nhất của Nam cũng như hàng chục bạn nhỏ khác đang trọ học tại đây là sợ thiếu gạo, đói ăn phải bỏ học.

  • Vân Phong - Nguyễn Hường - Vũ Trung
Lặng người với khai giảng' 4 không' ở Đức
Một ngày khai giảng không tốn kém kinh phí, không lãng phí thời gian, không tốn sức lực, không hao mòn niềm tin nhưng ý nghĩa và rất tình cảm ở trường Tiểu học Holzhausen (Frankfurt am Main, CHLB Đức).
 
Phó Thủ tướng:'Các em học để làm gì, nói tôi biết!'
“Các em học để làm gì? Hãy nói cho tôi biết!” – trong buổi lễ khai giảng sớm tại Trường THPT Việt Đức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bất ngờ dành câu hỏi này cho học sinh lớp 12.
 
Chùm ảnh sớm: Náo nức lớp1
Lễ đón HS lớp 1 được Trường tiểu học Chính Nghĩa tổ chức sáng tạo và tập trung vào việc làm sao để các em vui nhất, thích nhất khi đến trường.