- Nhìn những giọt nước mắt lăn trên gương mặt khắc khổ của các cô giáo mầm non Mậu Lâm (Như Thanh- Thanh Hóa) vì buộc phải bỏ việc do thu nhập một tháng chỉ trên dưới 500 ngàn đồng, dư luận không thể không bức xúc cho hiện tượng đáng xấu hổ của ngành giáo dục.

Giọt nước mắt của cô giáo mầm non Mậu Lâm, Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng. VnExpress
Cơ chế, cơ chế và cơ chế!


Cái xấu hổ ở đây là một cơ chế làm con người, nhất là những con người làm một cái nghề cao quý là nghề giáo phải rơi nước mắt chua chát cho thân phận mình.

35 giáo viên ở trường mầm non Mậu Lâm, Thanh Hoá đồng loạt muốn nghỉ việc chỉ là giọt nước làm tràn ly. Đây đó trên khắp cả nước, những giáo viên mầm non khác đang muốn bỏ việc hay chán ngán với nghề nghiệp của chính mình còn rất nhiều.

Với thu nhập 500 ngàn đồng một tháng, sau khi trừ tất cả các loại tiền bảo hiểm y tế, xã hội, công đoàn là số tiền 35 GV này nhận được, chưa bằng một bát phở "đại gia" của thành phố.

Còn nhớ hồi đầu năm nay, tại cuộc họp giao ban ở nhiều huyện thuộc Hà Tây, lãnh đạo địa phương cho biết khi đi kiểm tra, đã phát hiện ra thực tế là rất nhiều giáo viên mầm non vì lương quá thấp đã nghỉ không lương để mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu để đảm bảo cuộc sống.

Đành rằng, mức lương chung của ngành giáo dục không thể thay đổi vì còn phải "nhìn ngó" các ngành khác, nhưng cả xã mới có một trường mầm non, chẳng lẽ địa phương không phụ thêm vào cho vài chục giáo viên đủ sống để yên tâm với nghề? Chẳng lẽ người lãnh đạo trường hay ngành giáo dục địa phương không biết rằng, họ có thể an tâm làm việc với số lương ít ỏi ấy?

Có đủ sống, mới làm nghề đàng hoàng

Cách đây hơn một năm, GS Hồ Ngọc Đại có kể một câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Trong thời gian sau đổi mới, ông đã thu thêm tiền phụ huynh để tự tăng lương cho giáo viên của mình.

Ông giải thích với phụ huynh: Tôi sẽ thu tiền của phụ huynh, thông qua cô giáo, trả lại cho con các vị. Tôi lấy số tiền ấy, trả thêm cho GV, để họ đủ sống. Khi thầy cô giáo sống đàng hoàng hơn, ra chợ đàng hoàng hơn, đến lớp đàng hoàng hơn thì thái độ đàng hoàng ấy con cái các vị hưởng. Ngoài ra tôi không dùng tiền đó để làm cái gì khác.

Đúng, người ta đã quên mất một điều vô cùng quan trọng đó là tư cách của giáo viên trên bục giảng. Đã là giáo viên thì phải có cái uy khi đứng trên bục giảng, thì nó mới tôn nghiêm. Nếu thu nhập của thầy cô giáo ấy không đủ nuôi bản thân mình, chưa nói đến phải nuôi con cái thì khi đứng trên bục giảng, người thầy ấy có tự tin không?

Đó là chưa kể, giáo viên rất khó làm thêm những việc khác để tăng thu nhập. Không phải giáo viên nào cũng có cơ hội dạy thêm một cách đàng hoàng (tức là phụ huynh có nhu cầu thực sự). Nghề giáo là một nghề rất đặc thù, khi mà cái uy khi đứng trên bậc giảng cực kỳ quan trọng đối với HS. Không có cái uy thì làm sao HS tôn trọng, nếu bản thân giáo viên tự ti với bản thân mình thì làm sao có uy với học trò?

Làm cô giáo ở thành phố: Làm sang cho chồng

Có người từng đặt câu hỏi, tại sao lương giáo viên thấp mà nhiều người vẫn chấp nhận làm, nhất là ở thành phố? Tôi xin kể một vài câu chuyện về những người tôi biết rất rõ, vì sao họ làm giáo viên.

H. là một giáo viên (tốt nghiệp đại học ngoại ngữ) dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, vừa được nhận vào biên chế năm nay. Cô tâm sự, cô không nhớ chính xác số lương mình nhận được mỗi tháng, vì nó không đáng để nhớ do nó quá ít ỏi. Số tiền này chỉ đủ nạp điện thoại và đổ xăng mỗi tháng.

Tuy nhiên, cô H.vẫn chấp nhận làm công việc này, vì thu nhập của chồng cô khoảng 50 triệu đồng/tháng, đủ nuôi cả gia đình. H. nói vui: chỉ cần công việc để con có một hồ sơ đẹp là có mẹ làm giáo viên (chứ không phải ở nhà nội trợ), ba làm giám đốc. Hơn nữa, cũng là cách để báo cáo mẹ chồng vui lòng là cô không thất nghiệp.

H. kể, có một số giáo viên khác chấp nhận làm giáo viên để đi làm cho vui, hay có cơ hội diện quần áo đẹp. Có giáo viên được chồng mua cho một chiếc xe hơi để mặc áo dài đi làm cho tiện.

Một hiệu trưởng trường tiểu học cho biết: lương giáo viên mới vào nghề khoảng hơn 2 triệu/tháng, giáo viên tiểu học lâu năm có thu nhập khoảng hơn 4 triệu/tháng. Đó là thu nhập chính thức, ngoài ra tuỳ trường linh động thu tiền bán trú hay các hoạt động khác chăm lo đến đời sống mà mỗi giáo viên có thể thêm hơn 2 triệu/tháng.

Có một tiến sĩ ngoại trở về nước, dự định làm việc ở một trường đại học. Sau khi đi khảo sát một loạt các trường đại học lớn của TP.HCM, anh lắc đầu: có chết cũng không dám làm giảng viên đại học nữa. Để có thu nhập khoảng 10 triệu một tháng, anh sẽ phải dạy "sùi bọt mép" may ra mới đủ.

Ông thầy của anh, cũng là một giảng viên đại học lâu năm chia sẻ: Tôi đang điều hành vài công ty ở bên ngoài, bây giờ tiền bạc cũng rủng rỉnh, nhưng cũng không muốn bỏ nghề giảng viên đại học. Ông cười: bây giờ tôi đi dạy là đi làm từ thiện cho sinh viên, chứ mức lương giảng viên đại học không thể nuôi sống gia đình được.

Câu chuyện cô giáo mầm non nước Bỉ

Có dịp sống 2 năm ở thành phố lớn thứ hai nước Bỉ, có con đi học mẫu giáo ở nước này, tôi có dịp quan sát về cô giáo mầm non ở nơi đây.

Vào một ngày lễ halloween, khi đến chụp ảnh cho trường (miễn phí), tôi được một cô hiệu phó dẫn xuống một căn hầm, nơi có một cô giáo trẻ mới về trường đang phải chứng tỏ khả năng kể chuyện cho lũ trẻ.

Thấy cô giáo vã mồ hôi khi kể chuyện, cô hiệu phó giải thích, cô giáo mới về phải mất nhiều thời gian làm quen và phải học rất nhiều mới làm tốt công việc này được, vì dạy trẻ là điều không dễ dàng.

Ngày ngày đưa con đến trường, tôi thầm phục các cô có thể quản lý một lớp học đến hơn 40 học sinh đa chủng tộc, đa ngôn ngữ một cách tuyệt vời như vậy, phụ huynh không có bất cứ một lo lắng gì khi gửi con tới trường. Mỗi ngày đến lớp, cô giáo trang trí lớp học theo một kiểu khác nhau. Thỉnh thoảng, con tôi còn mang quà từ lớp về. Ngày của mẹ, cô còn hướng dẫn các con làm một món quà về tặng mẹ. Không bao giờ có cảnh cha mẹ vì xót xa lương cô giáo thấp quá mà dúi phong bì vào tay cô.

Phải chăng, với mức lương từ 1.500 euro đến khoảng 2000 euro một tháng mà các cô giáo mầm non ở nơi này có thể làm nghề một cách đàng hoàng và đầy tâm huyết như vậy? Với mức lương như vậy, các cô giáo mầm non thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội.

Lâu nay, nhiều giải pháp phát triển giáo dục đã được đặt ra, nhưng chưa có một giải pháp nào nhấn mạnh đến phần quan trọng nhất: làm thế nào để cho người thầy có thể sống bằng thu nhập của mình một cách đàng hoàng!

Bút Gỗ

Những người thầy 'bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông...'
Điệp khúc “giáo khổ trường công” vẫn khiến cho những người tâm huyết với ngành giáo dục ngày càng phải trăn trở và xót xa với những câu chuyện thế thái nhân tình.
 
Từ hôm nay, hơn 1 triệu nhà giáo có thêm phụ cấp
Ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng thêm khoảng 465.000 đồng/người mỗi tháng kể từ hôm nay, 1/9, thời điểm nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chính thức có hiệu lực.
 
Khủng hoảng giảng viên sư phạm 'đầu đàn'
Sau 5 năm, tỷ lệ GS, PGS ngành sư phạm tăng 0,5%, còn tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giảm 1,24%, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 4,06%. Hiện tại, tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình là 31.
 
Khi các trường sư phạm lao ra thị trường
Các trường ĐH,CĐ sư phạm đang thi nhau đổi tên và mở rộng quy mô đào tạo. Nhưng cái gốc sư phạm không chỉ bị gạch bỏ trong tên gọi mà nhiều chuyên ngành đào tạo sư phạm bị khai tử.
 
Sinh viên sư phạm tự họa bản thân
Gặp gỡ những gương mặt sinh viên có học lực khá giỏi trong Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một tương lai với nhiều sự thay đổi cho nghề dạy học và cho chính sinh viên ở các "máy cái" vẫn là khao khát cháy bỏng.