- Trao đổi với VietNamNet về vụ việc "đàn anh" Trường THPT Mê Linh thường thăm em lớp 10 bằng nắm đấm, GĐ Sở GD-ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc nhìn nhận: Việc xô xát của học sinh trên địa bàn hiện vẫn xảy ra, tuy nhiên chưa có hậu quả đáng tiếc. Không chỉ nhận trách nhiệm về ngành phải giáo dục đạo đức cho học sinh mà công tác này theo ông Bắc đang bị lơ là. Một bộ phận giáo viên mải chạy sô mà vô cảm trước việc giáo dục đạo đức cho học sinh.


Ông Đặng Phương Bắc - GĐ Sở GD-ĐT Thái Bình
Chưa có hậu quả đáng tiếc

- Thưa ông, theo khảo sát của chúng tôi tình trạng học sinh lớp 10 vào Trường THPT Mê Linh bị các đàn anh khóa trước "hỏi thăm" đã kéo dài nhiều năm nay. Vậy phía trường có báo cáo lên Sở?

Nói chung trên địa bàn toàn tỉnh, tình trạng học sinh ứng xử không thân thiện và chúng ta vẫn dùng từ "bạo lực học đường" thì trong những năm vừa qua ở Thái Bình không có những vụ việc nóng. Kể cả những trường trên địa bàn phức tạp và những trường thuộc địa bàn nông thôn.

GĐ Sở GD-ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc cho biết, ba trường THPT luôn ở tốp dưới của tỉnh gồm: THPT Đông Tiền Hải, THPT Bình Thanh và THPT Mê Linh

Do đó chúng tôi đánh giá độ thuần trong giáo dục đạo đức của học sinh Thái Bình thì vẫn có một chút do các em sống ở nông thôn là chính. Do đó tính phức tạp trong biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi ít nên chưa có những vụ việc tạo ra những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, trong cái phức tạp của thưc trạng xã hội hiện nay thì nhà trường cũng là một môi trường xã hội thu nhỏ. Vì vậy trong nhà trường cũng diễn biến theo chiều hướng phức tạp như ở ngoài xã hội. Vì vậy đối với những trường THPT nằm trên địa bàn tuyển sinh có sự giao thoa của các địa bàn hành chính khác nhau.

Ví dụ THPT Mê Linh nằm trên vị trí ngã ba của các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ và Hưng Hà. Ở những địa bàn như vậy thì quản lý hành chính ở mỗi địa bàn có sự khác nhau cho nên đầu năm học có sự xuất hiện một số học sinh mà chúng ta gọi là học sinh cá biệt thì vẫn có.

- Nhưng hàng năm tình trạng học sinh vào lớp 10 bị đàn anh của trường "hỏi thăm" thì Sở có nắm được? Và Sở đã có những biện pháp ngăn chặn như thế nào để không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra như ông vừa nhận định?

Khi có những vụ việc gây hậu quả xảy ra cần phải tiến hành xử lý kỷ luật học sinh thì bắt buộc nhà trường phải báo cáo. Còn những vụ việc chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì các nhà trường họ tự xử lý.

Trường THPT Mê Linh, huyện Đông Hưng, Thái Bình
THPT Mê Linh chỉ là một trong các điểm nóng

- Nói như vậy thì nếu trường không có báo cáo thì Sở cũng không nắm được?

Về phía Sở thì chúng tôi đều có chuyên viên theo dõi từng trường một. Do vậy những biến động trong nhà trường thì sở biết. Sở biết nhưng can thiệp đến mức nào thì lại là việc khác.

- Vậy những trường THPT nào được liệt vào danh sách "địa bàn phức tạp" như ông vừa nhận định?

Thứ nhất là cộng đồng dân cư ở đó có nhiều tụ điểm có tệ nạn xã hội. Những trường nằm trong địa bàn này thì có sự quan tâm đặc biệt hơn, ví dụ như THPT Mê Linh, THPT Đông Hưng Hà và THPT Tiên Hưng. Trường THPT Tiên Hưng trước đây cũng là điểm nóng nhưng nay đã ổn định nhiều.

Thứ hai là dễ xảy ra tình trạng học sinh kém thân thiện. Nếu như quản lý của nhà trường không mạnh tay thì dễ xảy ra xô xát dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Còn những trường mà Sở cho rằng cũng có thể xảy ra những chuyện nọ chuyện kia nhưng chưa đến mức sở phải quan tâm đặc biệt. Ví như Trường THPT Thái Ninh, THPT Thái Phúc...

Do đó chúng tôi đã cùng với Công an tỉnh có các đồng chí chuyên viên, mỗi người phụ trách một cụm.

Giáo viên vô cảm với giáo dục đạo đức cho học sinh?

- Vậy tình trạng gây nhiễu của học sinh tại những điểm nóng hiện nay so với 3 năm trở về trước có giảm không, thưa ông?

Giảm nhiều. Thứ nhất tình trạng trấn cướp học sinh trên đường đi học về không còn; Thứ hai, học sinh tụ tập mang tính chất giải quyết những mâu thuẫn vì những bức xúc trong nhà trường không giải quyết được thì kéo nhau ra đường nói chuyện tiếp cũng giảm.

Tuy nhiên vẫn còn những xô xát và học sinh có cách hành xử với nhau không thân thiện. Chuyện xô xát này không chỉ xảy ra ở Trường THPT Mê Linh mà ở một số trường khác cũng có nhưng không phải đánh nhau.

- Qua quá trình tiếp nhận và xử lý các trường hợp xô xát giữa học sinh với học sinh ông đánh giá như thế nào về việc giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay?

Học sinh ở lứa tuổi này thường có nhiều thay đổi trong diễn biến tâm lý, từ đó xuất phát những hành động thiếu chín chắn nhiều khi không làm chủ được bản thân. Do đó khâu quản lý đối tượng này rất phức tap.

Nếu mình xử lý không xứng đáng thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu không có những hình thức xử lý mang tính chât răn đe thì tính chất a dua trong nhà trường sẽ lan tỏa nhanh. Cách hành xử phải xuất phát từ tình thương đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường.

Do đó trách nhiệm của Ban Giám hiệu và quan trọng nhất là vai trò giáo dục đạo đức của giáo viên.

Tuy nhiên phải nói thế này, về các điều kiện cho giáo viên từ thu nhập, điều kiện cơ sở vật chất... đều hơn trước đây nhưng không ít giáo viên chạy theo kinh tế thị trường, mải chạy sô nên đã lơ là, thậm chí vô cảm với việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Do đó khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu" chỉ còn là khẩu hiệu ở trên cao.

- Cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh - Văn Chung (thực hiện)

GĐ Sở GD-ĐT Thái Bình Đặng Phương Bắc: Đã có can thiệp của Công an tỉnh

Ở Mê Linh mấy năm trước tình trạng trấn cướp của học sinh là có. Đã có một thời, cách đây khoảng 3 năm học sinh nữ hay búi tóc thì dễ bị chặn đường cắt tóc bán. Những chuyện như thế đã để lại ám ảnh cho học sinh nhưng không phải vì thế mà các em bỏ học. 

Giáo viên không biết nhưng học sinh biết hết. Mà tâm lý học sinh đến trường không bao giờ muốn báo cáo hết với giáo viên. Vì vậy chúng tôi phải nắm bắt thông tin qua hệ thống an ninh địa phương từ đó để có hình thức xử lý phù hợp. Cụ thể là răn đe và ngăn chặn.