- Theo PGS.TS Đỗ Việt Hùng, Trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội: “Chỉ khi nào xã hội thực sự có sức ép lên mỗi cá nhân, biến nó thành yêu cầu cho từng ngành nghề thì tự ắt việc nói ngọng sẽ được giải quyết. Còn bây giờ thậm chí một số vị trả lời trên truyền hình còn nói ngọng…”.


PGS.TS Đỗ Việt Hùng, Trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm HN: “Việc bắt chước, đặc biệt với trẻ rất quan trọng, các em đã sai mà không được sửa, lại ở trong môi trường mọi người nói sai thì cái sai càng nặng. Nếu có sự giúp đỡ của gia đình thì công việc của nhà trường sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều”. (Trong ảnh: nụ cười hồn nhiên của HS Trường TH Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội trong giờ ra chơi).

Không nói ngọng: yêu cầu bắt buộc với giáo viên

Xung quanh câu chuyện dạy học sinh cách phát âm chuẩn, viết đúng chính tả, theo PGS.TS Đỗ Việt Hùng: “Trước hết giáo viên phải nói chuẩn. Đấy phải là yêu cầu bắt buộc”.

Ảnh hưởng của giáo viên khi nói ngọng, theo ông: “Ngoài khả năng, phương pháp giảng dạy thì khả năng diễn đạt, biểu cảm là yêu cầu quan trọng đối với mỗi giáo viên. Khi phát âm sai, có thể anh cũng sai về chuẩn ngôn ngữ, sai việc diễn đạt có thể dẫn tới hiểu lầm, hiệu quả bài giảng thấp. Và tất nhiên, bài làm mà viết sai chính tả sẽ không được chấm điểm cao.

Giáo viên sai, trò sai theo; cái sai truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác. Điều này có thể có sức lan tỏa rất nhanh ở trường học. Thậm chí, học sinh lấy giáo viên ra làm trò đùa vì chuyện này. Cũng do đó mà khả năng thuyết phục của giáo viên sẽ bị ảnh hưởng.

Ở vị trí càng cao, việc nói năng càng phải chuẩn mực. Nói trước một người lạ đã phải khác rồi, trước một tập thể càng phải khác vì đó là yêu cầu trong giao tiếp”.

Riêng khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ở các môn liên quan nghiệp vụ, sinh viên vẫn thường xuyên có phần bình giảng, đọc diễn cảm liên quan đến luyện ngữ âm. Không chỉ đọc đúng, sinh viền cần đọc diễn cảm, giúp cho người khác quan sát, có cảm xúc khi theo dõi mình.

Chỉ thay đổi khi xã hội có sức ép

Hoan nghênh việc làm của Sở GD-ĐT Hà Nội khi có chủ trương dạy đọc, viết đúng hai phụ âm đầu “l,n” tuy nhiên theo PGS.TS Đỗ Việt Hùng: “Quan trọng là xã hội chưa có ý thức nhiều tới chuyện nói ngọng. Tôi còn nhớ trước mình nói ngọng bị nhắc nhở ngay.

Việc bắt chước, đặc biệt với trẻ rất quan trọng, các em đã sai mà không được sửa, lại ở trong môi trường mọi người nói sai thì cái sai càng nặng. Nếu có sự giúp đỡ của gia đình thì công việc của nhà trường sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều”.

Nói đến chuyện phương ngữ, thổ ngữ của địa phương, theo Trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội: “Tiếng Việt có nhiều phương ngữ, thổ ngữ. Dễ dàng thấy có sự khác biệt ngôn ngữ 3 miền Bắc, Trung, Nam. Có người có trình độ, khi về quê họ nói tiếng địa phương để hòa đồng. Nhưng khi giao tiếp, họ có ý thức, không phân biệt được họ ở đâu cả. Tuy nhiên, nói vậy nhưng vẫn phải có những chuẩn mực về ngôn ngữ dù ta tôn trọng các phương ngữ, thổ ngữ”.

Theo PGS.TS Đỗ Việt Hùng: Việc nói ngọng chỉ thực sự thay đổi khi có sự tham gia của cộng đồng, biến nó thành yêu cầu dù đi tới đâu. Khi đó, dù không nói thì bản thân anh cũng phải thay đổi bởi mình quá khác cộng đồng. Mọi cơ quan, tổ chức phải có tránh nhiệm với các cá nhân của mình.

Liên quan đến uy tín của tổ chức, công ty mình còn nói ngọng thì hỏng rồi. Là người xét tuyển chỉ cần 1-2 tiếng ngồi nói chuyện là phát hiện ra ngay thôi, không khó”.

Một ví dụ thú vị được vị PGS.TS đưa ra minh họa: “Nhiều khi trên truyền hình vẫn phát song người trả phỏng vấn nói ngọng và mọi người xem vẫn chấp nhận”.

Nhắc lại tính cộng động của ngôn ngữ, PGS.TS Hùng cũng liên hệ đến chuyện “chuẩn” và “lệch chuẩn” của ngôn ngữ: “Một trường hợp sai có khi tạo ra cái mới, lạ tai, được thích thú thì sẽ lan tỏa. Sự lệch đó nếu được xã hội chấp nhận, mang ý thức tích cực thì xã hội sẽ chấp nhận. Và ngược lại, nếu sự mới lạ ấy không đem lại giá trị gì thì tự nó sẽ bị đào thải, loại bỏ. Ngôn ngữ có quy luật riêng đó là quy luật cộng đồng”.
  • Văn Chung