- Sau khi bài viết "Sách giáo khoa sửa đoạn kết Tấm Cám" được đăng tải, VietNamNet nhận được nhiều ý kiến phản hồi, tranh luận của độc giả. Gửi chia sẻ của mình về tòa soạn với mong muốn mọi người "có cách hiểu đúng trong cách dạy – học văn ở trường phổ thông", độc giả Ngô Viết Hoàn (CH20 – VH nước ngoài, ĐHSP Hà Nội) cho rằng "những người có những băn khoăn hay phán xét cái kết này dường như chưa hề tìm hiểu về tác phẩm văn học dân gian dựa trên thi pháp đặc trưng của thể loại này".

Tấm Cám là truyện cổ tích điển hình trong văn học dân gian Việt Nam, nó được biết bao thế hệ người Việt yêu thích. Những năm gần đây rộ lên nhiều ý kiến trái chiều về đoạn kết của truyện cổ tích này - Tấm sai người đun nước sôi, đổ vào người Cám, muối thành mắm rồi đem chum mắm đến biếu dì, mụ gì ghẻ ăn và tấm tắc khen ngon. Có con quạ đậu gần đó mới kêu lên: Quạ! quạ! quạ! Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con có còn hay hết? Mụ dị ghẻ vẫn không nghi ngờ gì, ăn đến khi trơ ra xương cốt mới biết mình đã ăn thịt con bấy lâu nay và hốt hoảng lăn đùng ra chết!

Có nhiều ý kiến cho rằng, Tấm là đại diện tiêu biểu cho mẫu người hiền hậu vậy tại sao lại có hành động tàn nhẫn như thế? Và rằng, cái chết của Cám - một kẻ ác là thích đáng nhưng tại sao lại từ chính tay một người lương thiện như Tấm?

Chúng tôi cho rằng, những người có những băn khoăn hay phán xét cái kết này dường như chưa hề tìm hiểu về tác phẩm văn học dân gian dựa trên thi pháp đặc trưng của thể loại này.

Trong truyện cổ tích không có nhân vật tính cách mà chỉ có các nhân vật chức năng. Cốt truyện xuyên suốt tác phẩm vì thế không phải cố truyện diễn biến phức tạp theo cá tính nhân vật mà đơn thuần là cốt truyện nhân – quả, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo.

Với truyện Tấm Cám, câu chuyện cũng diễn ra theo đúng mô hình này. Tức Tấm, Cám, mụ dì ghẻ, vua đều chỉ là những nhân vật chức năng và mỗi người đều được giao những chắc năng riêng của mình. Cụ thể:

+ Tấm là nhân vật thiện mà ở hiền thì gặp lành – đó là tư duy của truyện cổ tích. Do vậy, sau mỗi lần Tấm bị đẩy vào tình huống nguy kịch, cô lại nhận được sự giúp đỡ từ những thế lực siêu nhiên. Những hóa thân của Tấm cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện. Kết thúc truyện Tấm được đón về hoàng cung, hưởng cuộc đời hạnh phúc với Hoàng tử - đó là mô-tuýp quen thuộc trong các truyện cổ tích của nhiều dân tộc trên thế giới. Do vậy, Tấm phải đảm nhận chức năng của mình đó là luôn chống trả lại cái ác và tiêu diệt cái ác. Sự lựa chọn của Tấm chỉ đơn giản là đấu tranh, tiêu diệt tận mầm gốc của cái ác hoặc là chết.

+ Mụ dì ghẻ là hiện thân cho cái ác – đây là nhân vật đại diện cho cái ác trong truyện. Theo quy luật, kẻ ác ban đầu bao giờ cũng vượt lên trên người thiện, mở ra hướng phát triển cho cốt truyện. Nhưng cuối cùng, nhân vật ác bao giờ cũng phải nhận về mình hình phạt xứng đáng cho những tội ác mà mình đã gây ra. Việc mụ dì ghẻ ăn mắm xác con mình chính là hình phạt đau đớn nhất mà mụ phải chịu đựng do những tội ác đã gieo rắc cho Tấm.

+ Cám là nhân vật chức năng có tính chất công cụ - cô ta chính là phương tiện để mụ dì ghẻ thực hiện tội ác của mình. Cần nhớ là những tội ác mà Cám đã gây ra cho Tấm đều xuất phát từ những lời xúi bẩy của mụ dì ghẻ, chứ không phải từ suy nghĩ hay mưu đồ của chính cô ta. Tiếp tay cho cái ác thì phải lấy quả ác – đó chính là cái chết đau đớn ở cuối tác phẩm.

+ Đức Vua cũng là nhân vật chức năng có tính chất công cụ - đây là nhân vật luôn bên cạnh cái thiện và giúp cho cái thiện có thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh với cái ác.

Như thế, vấn đề cần bàn ở đây không phải là việc Tấm tàn nhẫn ra sao mà chỉ là vấn đề nhân – quả. Đặt vấn đề nếu Tấm không thực hiện những hành vi như vậy, thì nàng sẽ tiếp tục nhận về mình nhưng mưu hại từ mẹ con dì ghẻ và sẽ hóa kiếp cho đến bao giờ? Và như vậy, phải chăng Tấm quá mềm yếu và nhu nhược?

Cái thiện luôn lép vế so với cái ác? Từ sẽ gieo rắc vào tâm hồn trẻ thơ một mặc cảm rằng: trên đời này luôn tồn tại người tốt và kẻ ác, suy cho cùng người thiện bao giờ cũng gặp phải những đau khổ, thiệt thòi; còn kẻ ác thì bao giờ cũng chiến thắng và được hưởng hạnh phúc.

Các em sẽ không hình thành được những lí tưởng về một cuộc sống tốt đẹp nơi con người ta biết yêu thương và chia sẻ; trái lại vô hình trung, các em sẽ phát triển với những suy nghĩ lệch lạc về một cuộc sống đầy tiêu cực – nơi đó, kẻ ác, cái ác là người thống trị.

Cái kết ban đầu của truyện là minh chứng đanh thép cho quy luật nhân quả. Lúc này lúc kia, người thiện có thể gặp hoạn nạn, có thể nép vế, yếu hơn cái ác; nhưng cái thiện luôn có sức sống ẩn tàng của nó và chưa khi nào nó dừng lại cuộc đấu tranh chống lại cái ác.

Vì lý tưởng của cái thiện là một cuộc sống tốt đẹp nơi con người ta lấy tình thương yêu làm triết lý sống. Kẻ ác bị diệt trừ tận gốc, không chỉ có phương tiện gây tội ác mà chính từ nguồn phát xuất của cái ác, của tội lỗi. Điều này giúp cho các em học sinh hiểu rằng, không có thức hạnh phúc nào được hình thành từ tội ác, không có cuộc sống sung sướng nào có thể tồn tại lâu dài từ sự lừa gạt, bỉ ổi. Và như vậy, các em sẽ xây dựng cho mình cách sống tốt hơn, phê phán và lánh xa cái xấu.

Đó mới chính là giá trị nhân văn mà tác phẩm thuộc thể tài truyện cổ tích hướng đến, chứ không phải hành vi có phù hợp hay tàn nhẫn hay không?

Thiết nghĩ, tác giả Nguyễn Hường và nhiều giáo viên cùng các em học sinh nên đọc lại và nhìn nhận lại tác phẩm, theo đúng đăng trưng thi pháp của thể loại để có được những đánh giá xác thực!

Ngô Viết Hoàn (CH20 – VH nước ngoài, ĐHSP Hà Nội)

Cởi yếm, mặc váy đầm cho cô Tấm?
Tại sao lại cố thay đối hình ảnh cô Tấm? Cô Tấm là di sản tinh thần của cha ông ta để lại cho con cháu, xin đừng cố sửa đổi. Chẵng lẽ mai mốt thấy cô Tấm mặc áo yếm không đẹp lại cho cô mặc váy đầm?
 
Sách giáo khoa sửa đoạn kết Tấm Cám
Những tranh cãi về truyện cổ tích “Tấm Cám” trong xã hội hiện đại khiến cho từ một truyện đọc cho cấp tiểu học, câu chuyện "vọt" lên cấp THPT và đoạn kết cũng không còn nguyên vẹn như bản kể chuyện trước đây.