Tại sao lại chọn văn bản truyện Tấm Cám của Nguyễn Đổng Chi mà không sử dụng văn bản của Vũ Ngọc Phan sưu tầm, hoặc các văn bản khác để dạy cho học sinh? Sự phản ứng của dư luận trước đoạn kết của câu chuyện này thể hiện điều gì? VietNamNet đã tìm đến PGS.TS Trần Đức Ngôn, người biên soạn bài Tấm Cám trong SGK Ngữ Văn 10 tập 1 để tìm hiểu góc nhìn của người làm sách giáo dục.

Thạc sĩ ĐH Paris 7 bàn chuyện Tấm Cám
Sau khi xem những trao đổi xung quanh cái kết câu chuyện cổ tích Tấm Cám trên VietNamNet, bạn đọc Mai Hoa, thạc sĩ Văn học, Khoa Văn Đại học Paris 7 (Pháp) gửi tới ý kiến của mình. Dưới đây là bài viết của chị.
 
Viết lại Tấm Cám là xóa lịch sử?
Nhiều bạn đọc cho rằng nếu xóa đi kết truyện Tấm Cám đồng nghĩa với việc chúng ta xóa đi một dấu ấn tâm hồn trong cách nghĩ, lối sống người Việt xưa.
 
Những kết truyện bạn đọc viết cho "Tấm Cám thời hiện đại" vừa mang màu sắc cổ tích, vừa in đậm tư tưởng: cái ác nhất định bị trừng trị, cái thiện mãi được tôn vinh.
 
Những tranh cãi về truyện cổ tích “Tấm Cám” trong xã hội hiện đại khiến cho từ một truyện đọc cho cấp tiểu học, câu chuyện "vọt" lên cấp THPT và đoạn kết cũng không còn nguyên vẹn như bản kể chuyện trước đây.

PGS Trần Đức Ngôn

PV: Thưa Phó giáo sư, dư luận gần đây có nhiều ý kiến trái chiều về đoạn kết của truyện "Tấm Cám". Quan điểm của ông khi biên soạn bài Tấm Cám trong SGK Ngữ Văn 10, tập 1 là gì?

PGS Trần Đức Ngôn:
Khi biên soạn bài Tấm Cám trong SGK, tôi thấy đã có hai luồng ý kiến: thứ nhất là sợ sự phản cảm trong cái kết của Tấm Cám và yêu cầu chỉnh sửa, viết lại để phù hợp hơn với thời hiện đại; thứ hai là phải để nguyên tác phẩm như dân gian lưu truyền.

Việc có đưa  vào chương trình trung học phổ thông hay không, phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo giáo dục. Nếu họ thấy tác phẩm này vẫn có ý nghĩa giáo dục thì hãy dùng, còn nếu không, có thể đưa ra khỏi SGK. Việc đó không khó.


Cá nhân tôi quan niệm, người dân có thể kể truyện Tấm Cám khác đi nhưng người làm khoa học thì không được quyền sửa chữa văn bản dân gian.


Không ai xác định được truyện Tấm Cám có từ bao giờ. Tại sao dân gian bao đời nay vẫn lưu truyền nó. Dân gian xưa chưa có luật bản quyền như bây giờ nhưng người làm khoa học không được vi phạm nguyên tắc tôn trọng “bản quyền dân gian”.


Không nên sửa chữa tác phẩm văn học dân gian cho phù hợp với thời đại mới. Làm khoa học không nên chỉ thấy một chiều, cái gì phù hợp với thời hiện tại là đúng, cái gì không phù hợp là sai.


Cảm nhận truyện Tấm Cám theo cách của truyền thống hay hiện đại, không ai có thể bắt người khác phải theo mình và cách cảm thụ sẽ rất khác nhau. Triết lý dân gian cổ truyền rất rạch ròi: ác giả, ác báo. Ai làm sai thì phải bị trừng phạt. Mẹ con Cám đã giết hại Tấm bao nhiêu lần với những hình thức tàn khốc thì phải chịu trừng phạt như trong truyện. Nhưng con người hiện đại thì không nghĩ thế. Ai đúng? Ai sai? Không thể đứng ở góc độ hiện đại để bảo dân gian sai và ngược lại.


Có văn bản truyện Tấm Cám do Vũ Ngọc Phan sưu tầm và do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Tại sao PGS không chọn văn bản của Vũ Ngọc Phan?


PGS Trần Đức Ngôn:
Cụ Vũ Ngọc Phan và cụ Nguyễn Đổng Chi đều là những nhà nghiên cứu văn học dân gian có uy tín rất lớn. So tầm vóc của hai cụ, khó có thể nói ai hơn ai. Lựa chọn văn bản nào để đưa vào nhà trường là tùy thuộc vào sự tín nhiệm cá nhân của người biên soạn.

Về việc sưu tầm truyện cổ tích, tôi tín nhiệm cụ Nguyễn Đổng Chi. Tác giả là người chuyên sưu tầm truyện cổ tích Việt Nam và có khối lượng truyện sưu tầm đồ sộ nhất với 5 tập Kho tàng cổ tích Việt Nam.


Trong thực tế, khó có thể đo đếm được văn bản của cụ Nguyễn Đổng Chi hay cụ Vũ Ngọc Phan sưu tầm có mức độ phổ biến rộng rãi hơn trong dân gian.


Tuy nhiên, dù chọn văn bản nào, ý nghĩa của đoạn kết cũng không thay đổi.




Khi biên soạn bài Tấm Cám, định hướng giảng dạy trong nhà trường của PGS đối với tác phẩm nhiều luồng ý kiến này là gì?

PGS Trần Đức Ngôn:
Tôi không ủng hộ việc sửa chữa văn bản dân gian nên đương nhiên, định hướng của tôi là giảng dạy Tấm Cám theo tinh thần triết lý dân gian cổ truyền.

Theo tôi, Tấm Cám là truyện cổ tích hay vào bậc nhất của VHDG Việt Nam. Truyện Tấm Cám có một triết lý nhân quả rất sâu sắc, mang giá trị giáo dục mạnh mẽ. Truyện cổ tích Việt Nam, nếu bỏ Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt... đi thì sẽ là một tổn thất lớn không bù đắp được.


Cần phải hiểu truyện cổ tích thần kỳ theo cách biểu đạt riêng của nó.


Cách biểu đạt đó có hai đặc điểm: thứ nhất, truyện cổ tích thần kỳ không kể về hiện thực (những tình tiết có thể gần với cuộc đời nhưng không phải là chính cuộc đời) mà hướng tới triết lý dân gian, vì thế hành động Tấm giết Cám thể hiện một ý niệm về sự trừng phạt hơn là một hiện thực về sự trừng phạt.


Thứ hai: truyện cổ tích thần kỳ không luôn luôn có sự nhất quán trong logic xây dựng hình tượng (cô Tấm thuỳ mị, nết na, chịu đựng nhưng lại có hành động giết người man rợ, dù cho người bị giết là kẻ ác; nếu hiểu theo sự nhất quán của hình tượng này như trong văn học viết thì cô Tấm không còn đáng được ca ngợi nữa, không còn mang vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu nữa, nhưng dân gian đã không hiểu như vậy, khi ca ngợi vẻ đẹp của Tấm, dân gian đã không hề quan tâm đến hành động giết người kia, điều này chỉ có thể giải thích rằng, hành động giết người đã không nằm trong logic xây dựng hình tượng Tấm).


Chỉ có hiểu truyện cổ tích thần kỳ theo cách hiểu dân gian (chứ không phải theo cách hiểu của người hiện đại) thì mới coi truyện Tấm Cám là một tác phẩm vô giá về chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.


Dạy và học truyện Tấm Cám là dạy và học cách nói, cách nghĩ của người xưa. Phải đặt tác phẩm trong thời đại của nó để giải thích về những điều không phù hợp với hiện tại.


Tất nhiên, có thể phê phán những điều không phù hợp ấy trong truyện Tấm Cám nhưng không nên bác bỏ nó. Vì thế sửa đổi truyện Tấm Cám sẽ là một sai lầm, thể hiện tính vô nguyên tắc của người làm khoa học.


Ngôn ngữ riêng của truyện cổ tích thần kỳ còn thể hiện ở chỗ nhiều lúc có sự phóng đại hoặc cường điệu vấn đề với ý nghĩa nhấn mạnh. Đoạn kết truyện Tấm Cám như là một thủ pháp nghệ thuật nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của sự trừng phạt. Do đó, như trên đã nói, nó hoàn toàn không phải là một chi tiết phản ánh hiện thực.


Suy cho cùng, đoạn kết này đã chuyển tải một yếu tố văn hóa cổ, chắc chắn không phù hợp với thời hiện đại, nhưng chúng ta có cách giảng của mình để học sinh thấu hiểu, không tưởng nhầm đó là hiện thực man rợ. Có thể tiến hành một sự phân tích để làm rõ yếu tố văn hóa cổ này như là những trầm tích thường thấy trong tác phẩm dân gian.


Theo PGS, phản ứng của dư luận thể hiện điều gì? Những cách kể với đoạn kết mới mà ông bà, bố mẹ đang truyền lại cho con cháu ở thời hiện tại phải chăng là sự vận động của truyện Tấm Cám, của VHDG để hình thành những dị bản mới?


PGS Trần Đức Ngôn:
Theo tôi, đây là ảnh hưởng của hệ tâm lý xã hội hiện đại.

Chúng ta đang hiểu nhầm vì thấy nạn giết người đang xảy ra quá nhiều (được thông tin hàng ngày trên các báo của ngành công an và pháp luật).


Nhưng tôi tin rằng, những kẻ giết người không bao giờ biết truyện Tấm Cám là gì. Còn hàng nghìn người đã hiểu truyện Tấm Cám thì không bao giờ giết người.


Người xưa kể truyện Tấm Cám cho con cháu nghe chắc chắn không phải để dạy con cháu giết người một cách tàn nhẫn. Chúng ta ngày nay cũng vậy. Đã có ai thử đi khảo sát xem những kẻ phạm tội có phải vì chúng học Tấm Cám mà đi đến giết người không?


Trong nhà trường, vai trò của người giáo viên rất quan trọng để học sinh hiểu đúng về tác phẩm này. Nếu học sinh hiểu sai tinh thần của truyện, thì hoặc là chính giáo viên cũng không hiểu đúng tinh thần của tác phẩm, không soi sáng tác phẩm trước khoa học văn học dân gian, văn hóa dân gian; hoặc phương pháp truyền đạt của giáo viên đã không đạt được điều đó.

Thời nay, ông bà, bố mẹ có thể e ngại đoạn kết truyện Tấm Cám và kể khác đi, đó là quyền của dân gian hiện đại.


Tuy nhiên, để hình thành những dị bản mới thì cách kể đó phải được định hình ổn định trong một môi trường nhất định, được đông đảo nhân dân chấp nhận, trải qua một khoảng thời gian “thử thách” sự tồn tại.


Còn cách kể của các cá nhân khác nhau, trong các hoàn cảnh khác nhau, khi chưa được ổn định bởi những điều kiện trên thì chưa được gọi là những dị bản.


Theo ý kiến của PGS, văn bản nào sẽ tồn tại với thời gian , văn bản cổ truyền hay những sáng tạo mới của thời đại ngày nay? Liệu con người hiện đại có quay về với chân lý “ác giả ác báo”?


PGS Trần Đức Ngôn:
Chắc chắn văn bản cổ truyền sẽ còn tồn tại mãi với thời gian.

Chân lý “ác giả, ác báo”, nếu hiểu theo nghĩa tội ác và trừng phạt thì đó là chân lý vĩnh hằng mà con người hiện đại không bao giờ quay lưng lại với nó, nhưng là “ác giả, ác báo” theo tinh thần pháp luật.


Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hường
(thực hiện)