- Không chỉ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình chuẩn sửa đoạn kết truyện Tấm Cám” theo cách bỏ chi tiết "chặt đầu muối mắm", SGK nâng cao cũng bỏ chi tiết này, nhưng sử dụng một văn bản khác.


GS Chu Xuân Diên
GS Chu Xuân Diên (cùng với GS Lê Chí Quế) là tác giả của văn bản Tấm Cám trong “tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam”. Văn bản này đã được sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 chương trình nâng cao. Trao đổi với VietNamNet, GS Chu Xuân Diên cho biết, văn bản của ông và GS Lê Chí Quế đã chỉnh sửa và cắt bỏ phần sau đoạn kết ở bản kể do Vũ Ngọc Phan chắp bút.

Thưa GS, ông  có ý kiến như thế nào về cách đưa Tấm Cám vào trường THPT?

 GS Chu Xuân Diên:
Tôi ủng hộ định hướng dùng truyện cổ tích cho mục đích giáo dục khi đưa truyện vào SGK, nhưng không phải là dùng với tính cách là một văn bản văn học minh họa cho một tư tưởng luân lý, chính trị, xã hội...nào đó.

Văn học có cách thực hiện chức năng đó khác với triết học và các khoa học nhân văn khác.

 Tôi dẫn ra đây lời của  Tzvetan Todorov, nhà nghiên cứu văn học người Pháp trong tác phẩm “Văn chương lâm nguy” nói rõ:

“Thực tế, văn học muốn tìm hiểu thật đơn giản (nhưng lại vô cùng phức tạp) là kinh nghiệm sống của nhân loại (...) Lời lẽ của nhà triết học có cái ưu thế là các mệnh đề đều rõ ràng, còn các tình tiết của nhân vật tiểu thuyết trải qua hay các ẩn dụ của nhà thơ thì mang trong mình hàng trăm cách diễn dịch khác nhau...Khi miêu tả, nhà văn không ném ra luận điểm mà chỉ mời đọc giả chính mình tìm thấy ẩn ý đó, để cho độc giả tự do suy luận và đồng thời buộc họ phải chủ động hơn.”

 Vậy chúng ta có thể tham khảo để bàn xem cách thức giáo dục bằng truyện cổ tích trong nhà trường hiện nay có vấn đề gì không?

Cả hai văn bản trong SGK lớp 10 đều đã được chỉnh sửa theo hướng: cắt bỏ phần sau của đoạn kết trong văn bản gốc kể lại việc Tấm muối mắm Cám.

Nguyên nhân không nằm ngoài yêu cầu cần phải điều chỉnh cho phù hợp với mục đích giáo dục và áp lực của xã hội hiện đại.

Trong lịch sử, khi đưa vào chương trình phổ thông, truyện Tấm Cám đã qua nhiều lần thay đổi.

Nhưng theo tôi, bây giờ suy nghĩ của xã hội đã cởi mở hơn thì việc đưa toàn bộ đoạn kết của Tấm Cám vào SGK cũng không có gì đáng ngại.

Việc chọn hai văn bản không thống nhất trong cùng một chương trình có làm ảnh hưởng đến việc đánh giá cái kết trong truyện Tấm Cám không?

GS Chu Xuân Diên: Có hai nhóm tác giả làm SGK cơ bản và nâng cao khác nhau. Mỗi người chọn văn bản nào đều có cái lý của mình.

Đương nhiên, có hai văn bản trong hai bộ SGK cùng cấp học sẽ khiến học sinh và giáo viên lúng túng.

Thực ra, bản kể của Nguyễn Đổng Chi và Vũ Ngọc Phan có cốt truyện tương đối giống nhau.

Tôi chọn văn bản của Vũ Ngọc Phan vì ngôn ngữ, văn phong của ông khá gần gũi, nhẹ nhàng, phù hợp với cách đọc của lứa tuổi học sinh. Cách kể có thể khác nhau nhưng tinh thần của cái kết truyện không có gì khác biệt.

Tuy nhiên, ở cùng một chương trình, có sự khác nhau về đánh giá chất lượng thì nên dùng một văn bản thống nhất, đồng thời có thể giới thiệu thêm các dị bản khác cho sách nâng cao.

Tranh vui "biến tấu" từ ý tưởng truyện Tấm Cám.

Tinh thần truyện cổ tích luôn hướng về cái nhân bản. Tại sao truyện Tấm Cám trong dân gian lại có cái kết khốc liệt và tàn nhẫn như vậy ? Xin được GS giải thích dưới góc độ văn hóa dân gian, và đặc điểm của truyện cổ, nhân vật trong truyện cổ.

GS Chu Xuân Diên: Bạn đang nói về cái nhân bản, nếu hiểu một cách đơn giản là “nhân chi sơ tính bản thiện” thì trong truyện cổ tích có những nhân vật, hành động, sự kiện thể hiện cái ác, cái xấu gây ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ như cô Tấm ở đoạn kết thì phải chăng là “phản giáo dục”? Xu hướng muốn loại bỏ cái kết này phải chăng ít nhiều phản ánh cách hiểu ấy?

Tôi có gợi ý với một số đồng nghiệp đang dạy phổ thông, có thể nói với học sinh rằng: “Truyện cổ tích không phải là hiện thực. Trong đời sống không có những sự kiện diễn ra đúng như trong truyện, chẳng hạn như đoạn kết Tấm Cám. Vì vậy, không nên coi cách kết thúc truyện cũng như hành động của cô Tấm là “khốc liệt và tàn nhẫn”.

Tinh thần của truyện là “cái thiện thắng, cái ác phải bị trừng trị”, còn hành động của Tấm chỉ là một biểu trưng, không nên hiểu nó theo nghĩa đen cụ thể. Không nên phân tích tâm lý cô Tấm như tâm lý của một nhân vật có thực trong đời để giải thích hành động của cô.

 Nên để các em biết các cách kể khác nhau. Đó là cách giới thiệu truyện cổ phù hợp và là dịp để “bảo tồn tính chất phong phú, muôn hình muôn vẻ của cuộc đời” mà VHDG đã làm.

Khi thảo luận về các dị bản, các em có dịp đối chiếu kinh nghiệm sống của mình với “kinh nghiệm sống của nhân loại” và tự mình tìm ra các ẩn ý của truyện cổ tích đó, tức là thầy cô để các em “tự do suy luận” và “buộc phải chủ động hơn”.

 Với tinh thần độc giả được tự do suy luận và phải chủ động hơn khi tiếp nhận văn học, xin GS đề xuất ngắn gọn hướng tiếp cận truyện của Tấm Cám trong nhà trường?

GS Chu Xuân Diên: Qua những trao đổi với bạn, tôi đề xuất hướng tiếp cận tác phẩm và đánh giá nhân vật Tấm trong nhà trường như thế này, lưu ý đây chỉ là một hướng tham khảo thôi nhé!

Thứ nhất: Cần dựa vào một số dị bản, không dựa vào một văn bản duy nhất đã chọn có chủ đích.

Tất nhiên là phải có một văn bản làm điểm tựa để đối chiếu ngang bằng với các dị bản khác.

Tôi cho rằng, học sinh và giáo viên lúng túng khi có hai văn bản không thống nhất trong nhà trường vì chúng ta đã bỏ qua việc giới thiệu các dị bản khác trong SGK.

Còn trong giảng dạy, không phải giáo viên nào cũng đưa ra các dị bản để học sinh được tự do suy luận.

 Thứ hai: Cần xem đời sống trong văn học, nhất là cổ tích là cái không có thực, hành động của Tấm là một biểu trưng.

 Thứ ba, không nên có sự áp đặt mà phải tôn trọng những ý kiến khác nhau khi phát hiện ý nghĩa của biểu trưng đó.

Các ý kiến khác nhau thể hiện sự phong phú của “kinh nghiệm sống của nhân loại” khi tiếp nhận kinh nghiệm sống từ hình tượng văn học.

Kinh nghiệm sống của người lớn tuổi rất có ích với người ít tuổi (như thầy và trò) nhưng không hề có ý nghĩa bao trùm tất cả kinh nghiệm sống và đọc của người khác.

Cũng như ý kiến của tôi đây, là phát biểu hoàn toàn có tính cá nhân, có giá trị như ý kiến của tất cả các nhà nghiên cứu khác, của thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên trong tất cả các giờ học Tấm Cám khác.

 Như thế, không nên đặt yêu cầu “đảm bảo tính khoa học của văn học dân gian và tư duy cổ tích của người xưa" trong việc giảng dạy và học cổ tích ở học sinh THPT.

Công việc ấy nên dành cho lớp người học chuyên ngành về khoa học văn học dân gian và văn hóa dân gian.

Nhiều phụ huynh ngày nay đang kể với con những bản Tấm Cám với cái kết khác. Theo GS, nếu dân gian hiện đại có những dị bản khác thì bản Tấm Cám với đoạn kết theo “chân lý cổ thời” hay bản Tấm Cám với bản kết theo suy nghĩ hiện tại sẽ còn lại với thời gian?

GS Chu Xuân Diên:  Văn học tìm kiếm kinh nghiệm sống của nhân loại. Vì thế, tôi nghĩ rằng cả hai bản đều còn lại với thời gian.

Kinh nghiệm sống của nhân loại, được tìm hiểu và thể hiện trong văn học rất có ý nghĩa trong việc làm giàu kinh nghiệm sống của từng cá nhân.

Xét về lịch sử, kinh nghiệm sống của con người theo “chân lý cổ thời” hay con người theo suy nghĩ hiện tại khác nhau về hệ giá trị nhưng lại có tác dụng bổ sung cho nhau vì đó là những kinh nghiệm ứng xử thể hiện cái muôn hình muôn vẻ của cuộc đời.

Vì vậy, không thể có một bản Tấm Cám duy nhất cho thời hiện đại.

Trong khảo sát điền dã của chúng tôi ở Bạc Liêu năm 2003, đã có tới 17 bản kể của 17 người dân với những chi tiết khác nhau.

Cảm ơn ông!
Đoạn kết truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa chương trình nâng cao (lớp 10)

Đoạn kết truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa chương trình chuẩn (lớp 10)
  • Nguyễn Hường (thực hiện)