Thời đi học, Jobs đã quen biết và gắn bó với một vài người bạn mà sau này để lại ảnh hưởng rất sâu đậm trong ông.

>> Phần 1:  Những trò  quái của Steve Jobs



Stephen Wozniak

Khi còn học ở lớp của thầy McCollum, Jobs kết bạn với một sinh viên tốt nghiệp đại học tên là Stephen Wozniak, một huyền thoại của trường vì tài năng xuất chúng.

Stephen lớn hơn Jobs khoảng năm tuổi nhưng kiến thức về điện tử thì vượt xa ông. Khi Jobs còn đang mải mê với các tác phẩm chế tạo từ bộ dụng cụ Heathkits thì Woz đã lắp ráp hệ thống máy phát và nhận tín hiệu từ Hallicrafters, những chiếc radio "hoành tráng" nhất thời điểm đó.

Giống như Jobs, Wozniak học được rất nhiều từ cha, nhưng những thứ họ học được lại hoàn toàn khác nhau. Cha Woz truyền cho ông tư tưởng ác cảm với tham vọng, điều khiến Woz đối lập với Jobs.

Woz đã chỉ rõ sự khác biệt giữa hai người trong một sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple năm 2010, bốn mươi năm kể từ khi họ gặp nhau. Woz phát biểu: "Cha tôi đã từng nói rằng 'Con luôn đặt mình ở vị trí trung bình'. Quả thật, tôi không muốn ở vị trí cao như Jobs. Cha tôi là một kỹ sư thuần túy và đó cũng là những gì tôi mong muốn".

Đến năm lớp tám, Woz đã tự làm được một chiếc máy tính từ một trăm chiếc bóng bán dẫn, hai trăm đi-ốt và hai trăm vi điện trở trên mười bảng vi mạch.

Nhưng càng ngày, Woz càng cảm thấy lạc lõng hơn vì ở tuổi đó, các cậu bạn cùng tuổi Woz bắt đầu biết hẹn hò với bạn gái và tiệc tùng, những thứ mà với Woz là vô cùng phức tạp.

Woz tìm lối thoát cho mình bằng các trò nghịch ngợm của tuổi thiếu niên. Lên lớp 12, ông chế tạo ra một chiếc máy đếm nhịp điện tử có tiếng kêu như bom rồi gắn nó vào ổ khóa của trường. Kết quả, Woz được gọi lên phòng giám hiệu gặp cảnh sát và "nếm trải" một đêm trong trại giáo dưỡng.

Khi theo học tại Đại học Colorado, ông còn lập ra một chương trình khiến các máy tính của trường gần như bị "thiêu cháy".

Một lần, Bill Fernandez, một người bạn của Woz, giới thiệu ông với Jobs, vì thấy hai người: "cùng thích thực hiện những trò nghịch ngợm và cùng đam mê chế tạo những thiết bị điện tử".

Đó có thể được coi là cuộc gặp gỡ định mệnh, giống như cuộc gặp gỡ giữa Hewlett và Packards trước đó 32. Hai người ngay lập tức thích nhau và cảm thấy có nhiều điểm chung.

Cùng với nhau, Jobs và Woz bầy ra những trò nghịch ngợm "quái đản". Và sự kết hợp cuối cùng giữa điện tử và những trò chơi "ngông" của bộ đôi này, đồng thời cũng là hành động phiêu lưu giúp khởi xướng ra Apple, diễn ra vào một chiều chủ nhật năm 1971.

Khi ấy, họ cùng nhau chế tạo ra chiếc hộp Blue Box, có thể xâm nhập vào hệ thống và gọi điện đường dài miễn phí bằng cách dùng bản sao mô phỏng âm thanh truyền tín hiệu trên hệ thống mạng AT&T.

Đầu tiên, Blue Box được sử dụng để phục vụ những trò nghịch ngợm của hai người. Táo bạo nhất là khi họ dám gọi điện đến tòa thánh Vatican, Wozniak giả là Henry Kissinger và xin nói chuyện với Đức thánh cha.

Wozniak là một thiên tài về điện tử, người có thể tạo ra bất cứ phát minh gọn nhẹ mà tối ưu nhất nhưng sự nhu mì lại khiến ông có thể sẵn sàng vui vẻ cho không, tặng hoặc bán nó với mức giá rẻ. Còn Jobs sẽ là người tìm cách để khiến các phát minh của Wozniak trở nên thân thiện với người dùng hơn, cách đóng gói và phân phối chúng để có được những món hời, thậm chí hơn cả mong đợi.
Sau đó, họ đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là Jobs có ý tưởng sẽ sản xuất và bán Blue Box. "Tôi thu thập tất cả các linh kiện cần dùng như vỏ thiết bị, nguồn điện, phím bấm và tính toán ra giá cả rồi chúng tôi sẽ bán chúng", Jobs kể lại công việc của mình như một điềm báo trước về vai trò của ông khi họ thành lập ra Apple.

Jobs nhớ rằng: "Chúng tôi đã làm một trăm hoặc hơn chiếc Blue Box và bán gần hết chúng".

Việc hợp tác này đã mở đường cho những "cuộc phiêu lưu" ở mức độ cao hơn nhiều của Jobs và Woz sau này. Jobs đã phải thừa nhận: "Nếu không có phi vụ Blue Box, sẽ không có Apple ngày nay. Woz và tôi đã học được cách phối hợp làm việc với nhau, và hơn cả là chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật và tạo ra những sản phẩm thực sự có thể đưa vào sản xuất và phân phối".

Wozniak là một thiên tài về điện tử, người có thể tạo ra bất cứ phát minh gọn nhẹ mà tối ưu nhất nhưng sự nhu mì lại khiến ông có thể sẵn sàng vui vẻ cho không, tặng hoặc bán nó với mức giá rẻ. Còn Jobs sẽ là người tìm cách để khiến các phát minh của Wozniak trở nên thân thiện với người dùng hơn, cách đóng gói và phân phối chúng để có được những món hời, thậm chí hơn cả mong đợi.

Robert Friedland

Khi còn học tại Đại học Reed, Jobs đã gặp Robert Friedland, hơn ông 5 tuổi và là một trong số ít người có khả năng "thôi miên" ông. Ông cũng bị ảnh hưởng một số nét tính cách được cho là lôi cuốn của Friedland và đối xử với ông ta như một thần tượng (guru) cho đến khi bắt đầu nhận ra ông ta chỉ là một kẻ bịp bợm.

Friedland từng bị bắt và tù 2 năm vì chứa chấp 24.000 tép thuốc gây nghiện (LSD). Mùa thu năm 1972, sau khi được phóng thích, ông thẳng tiến tới Đại học Reed, tham gia tranh cử chức chủ tịch hội sinh viên và thắng cử.

Giống như Jobs, Friedland cũng có niềm đam mê với thế giới tâm linh phương Đông. Chính ông đã thuyết phục được Jobs tin rằng có tồn tại cái gọi là sự giác ngộ và nó có thể đạt được. Jobs nói: "Ông ấy đã đưa tôi tới một tầm nhận thức mới".

Friedland là người có khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng tới người khác, một chút độc tài, tiêu cực và sẵn sàng bẻ cong mọi thứ theo ý muốn của mình. Steve ngưỡng mộ điều đó của Friedland, và sau này Steve còn biểu hiện những nét tính cách ấy mạnh hơn cả Robert.
Friedland cũng ấn tượng về Jobs: "Điều làm tôi ấn tượng nhất về Jobs là một nguồn cảm xúc mãnh liệt. Một khi ông thấy thích thú với thứ gì, ông sẽ lao vào nó như con thiêu thân".

Theo nhận xét của Kottke, người bạn thân nhất của Jobs thời đại học, thì một vài tính cách của Jobs, trong đó có một số nét trở thành cố hữu trong ông, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Friedland.

Chính Friedland là người đã dạy Jobs cách truyền cảm hứng cho nhân viên, khuyến khích họ làm việc và cống hiến bằng chính sự đam mê và nhiệt huyết của mình chứ không phải bởi sự thôi thúc của những tác động bên ngoài như thị trường cạnh tranh.

Friedland là người có khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng tới người khác, một chút độc tài, tiêu cực và sẵn sàng bẻ cong mọi thứ theo ý muốn của mình. Steve ngưỡng mộ điều đó của Friedland, và sau này Steve còn biểu hiện những nét tính cách ấy mạnh hơn cả Robert.

Jobs cũng học được cách Friedland biến mình thành trung tâm của sự chú ý. Kottke kể: "Robert là một người dễ gần, một người có sức thuyết phục và là một nhà kinh doanh thực thụ... Tôi nghĩ chính Robert đã dạy cho Jobs rất nhiều về bán hàng, về cách phá vỡ vỏ ốc mà chính ông tự dựng lên bao bọc mình, về cách sống cởi mở và làm chủ tình hình".

Sau thời gian thấm nhuần thế giới tâm linh của phương Đông, Friedland lập ra một cộng đồng có tên là All One Farm và Jobs cũng tham gia ở đây.

Nhưng dần dần Jobs cảm thấy hơi "khó tiêu hóa" phong cách lãnh đạo sùng bái của Friedland. Jobs nhận ra Friedland bắt đầu vận hành All One Farm theo xu hướng kinh doanh dựa trên công sức của những người tham gia mà không hề trả lương.

Nhiều năm sau này, khi Friedland đã trở thành tỷ phú, Jobs nói về người bạn này: "Robert thường coi mình là một người tâm linh, nặng về tinh thần nhưng ông ấy đã vượt qua ranh giới từ một con người đầy nhiệt huyết và có tầm ảnh hưởng tới người khác để trở thành một kẻ bịp bợm, tiêu cực. Thật lạ lùng khi một trong những người coi trọng đời sống tinh thần khi còn trẻ lại trở thành một ôm trùm khai thác mỏ vàng".

(Còn tiếp)

  • Walter Isaacson
  • Nhóm dịch AlphaBook

Nguồn: trích lược nội dung Hồi ký Steve Jobs do AlphaBooks xuất bản trong tháng 12. Tên bài và tít phụ do VietNamNet đặt.