- Tại hội thảo về giáo dục đại học diễn ra ngày 8/2, ông Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - phát biểu: “Trong một đình làng, ông nào cứ con trai mà lên ngồi chiếu trên cũng không được. Vì vậy, phải có chiếu trên, chiếu dưới.
Giảng đường Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn website của trường.) |
Không phải cứ cao đẳng hôm nay, ngày mai lên đại học là đòi quyền tự chủ”. Còn GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) nêu ý kiến nên phân ra 3 tầng: Tầng đại học thứ nhất nặng về nghiên cứu (là những đại học xuất sắc, có thể phấn đấu đạt đẳng cấp quốc tế), tầng thứ nặng về đào tạo, tầng còn lại là các ĐH địa phương, CĐ cộng đồng.
Hai ý kiến trên rất đúng. Các nước có nền giáo dục đại học phát triển đều thể hiện rõ đẳng cấp của từng loại trường.
Những trường đại học danh tiếng của Mỹ, Anh không phải có tiền là vào học được, mà phải là những sinh viên xuất sắc. Sinh viên ra trường từ trường đại học “chiếu trên” của Mỹ, ra trường luôn ngồi “chiếu trên” bởi vì họ hơn người khác một cái đầu, trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như trong lĩnh vực chính trị, văn hóa – xã hội.
Còn với Việt Nam, đại học “chiếu dưới” thì rõ rồi, nhiều đến nỗi ngồi chật cả chiếu vẫn không đủ chỗ. Nhưng biết chọn ai ngồi chiếu trên đây, bởi vì đâu phải cứ “sống lâu lên lão làng”, mà phải thể hiện bản lĩnh thực sự của bậc cao niên. Nếu chiếu theo tiêu chí của GS Lâm Quang Thiệp, tầng đại học thứ nhất là những trường xuất sắc, có thể đạt đẳng cấp quốc tế thì tìm đỏ mắt cũng khó kiếm được trường đại học nào của Việt Nam để mời ngồi lên “chiếu trên” hay “tầng trên” đó. Nếu cố mà tìm cho được thì cũng chỉ không phải là tầm vóc thực sự của bậc trưởng thượng.
Mỹ và Anh hình thành các trường “chiếu trên” không phải do ngành giáo dục đại học của họ sắp xếp hay phân tầng, mà do quy luật của thị trường. Quá trình phát triển của trường buộc xã hội, thậm chí cả thế giới phải nhìn nhận đẳng cấp của họ. Vị trí chiếu trên của các trường đó luôn bị đe dọa, cho nên họ nỗ lực không ngừng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bảng xếp hạng “top 10”, “top 100” các trường đại học trên thế giới luôn là một thử thách nghiệt ngã. Ngồi chiếu trên đâu phải dễ như một sự ban phát hay xin – cho mà phải có tài năng thực sự.
Môi trường đại học Việt Nam còn lắm thứ ngổn ngang, bày chiếu ra lúc này chỉ thêm tranh giành phức tạp. Cái thói “trọng hư danh, khinh thực chất” của mình còn nặng lắm. Không chừng sẽ có nhiều anh bất tài vô tướng nhưng lại thích ngồi “chiếu trên” mới loạn.
- Theo Lê Thanh Phong (báo Lao động)