- Tiếp cận với rất nhiều dạng văn hóa vật thể và phi vật thể, tiếp cận với những người làm văn hóa, và kể cả những người làm văn hóa ở nước ngoài, Trương Công Tú đã có những trải nghiệm gì?

PHẦN TRƯỚC: Không nên có quá nhiều người xả thân vì văn hóa

Tự nhận mình có tư duy văn hóa mới, mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng chấp nhận, nên Trương Công Tú cho rằng rất khó tìm được những người đồng hành. Sự không chấp nhận là như thế nào?

- Là văn hóa có nhiều đáp số.

Họ bảo “Cái này quý, việc của tôi là nghiên cứu, phải giữ. Anh không thể nói là giới trẻ không học được cải lương, ca trù, hát xoan… Phải đưa nó vào nhà trường”… Nghĩa là người ta sẽ không thể cùng mình đồng hành trong công việc được khi tư duy của mình nó quý, mà quý thật, nhưng nó phải… sống trong bảo tàng.

Khi tư duy không đi cùng với nhau thì không kết hợp được, nhưng mình cũng không thể nói người ta sai được.

Người ta đi con đường của người ta và có thể giúp bảo tồn dưới góc độ biểu diễn.

Còn mình dưới góc độ làm truyền thông thì mình phải làm con đường khác. Không thể nào mình thấy hay thì mình cũng đi đào tạo dạy dỗ người khác học theo.

Như vậy là anh đề cao sự phát triển và cuộc sống tốt đẹp cho người dân hơn là gìn giữ?


- Văn hóa phải làm được việc đó, phải can dự vào đời sống và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Có những thứ lưu giữ làm kỷ niệm và làm tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu sau này, hoặc phục vụ cho việc quay ngược trở lại, đó là việc của tương lai.

Nhưng anh phải nhận thức được rằng cái văn hóa quan trọng nhất là văn hóa trong cuộc sống và can dự vào được trong cuộc sống thường ngày, giúp cho cuộc sống trong thường ngày tốt hơn.

Ví dụ như tôi dạy cho sinh viên tư duy xây dựng thì trong cuộc sống thường ngày sẽ có thái độ tiếp cận vấn đề xây dựng hơn.

Văn hóa đôi khi không phải là cái gì cụ thể mà chỉ là anh nghe một việc và cảm thấy thoải mái hơn, thoái mái hơn thì sẽ dễ tính hơn với người khác, tức là sẽ tử tế hơn, đó là văn hóa, giá trị rồi.

Trương Công Tú: Đôi khi cũng chấp nhận những thứ phiêu du một tí nhưng về mặt đại thể cuối cùng mình nghiêng về phương án bền vững. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vậy trong những tư liệu mà anh sưu tầm và lưu giữ, có gì mất đi mà anh thấy tiếc nhất?

- Thực sự thì không có gì là quá đáng tiếc.

Cái dở của mình khi làm văn hóa là cứ hay nhìn nước ngoài khi chưa đầy đủ thông tin về họ. Không thể cứ nhìn nước ngoài rồi bảo mình phải giữ cái này, cái kia. Rồi mình nghĩ là họ giữ được sao mình không giữ, họ bảo tồn văn hóa thế cơ mà?...

Khi làm văn hóa có hai bài toán giữa phát triển và bảo tồn, và phát triển luôn luôn thắng.

Mình phải xác định điều đó. Mình đừng có nghĩ quá đà và bảo vệ một cách mù quáng. Giữa một cái chùa cổ và đập đi để xây cao ốc, “thằng” cao ốc sẽ thắng là đương nhiên. Và cũng đừng có tiếc vì đó là quy luật phát triển. Còn có những xã hội trả giá ít vì họ phát triển nhanh và cân bằng lại được.

Quan niệm này của anh xuất phát từ đâu, từ bản thân hay chịu tác động?


- Từ trải nghiệm trong cuộc sống. Kể cả những việc mình tiếp cận với rất nhiều dạng văn hóa vật thể và phi vật thể, tiếp cận với những người làm văn hóa, và kể cả những người làm văn hóa ở nước ngoài.

Thực sự là những khó khăn về việc bảo tồn văn hóa thì cả thế giới đều giống nhau, đừng có nói những nước phát triển họ không khó khăn. Và những người làm văn hóa ở các nước phát triển cũng “đói nghèo” giống như VN thôi.

Họ cũng không sống được bằng nghề như ở VN, cũng phải có những nguồn tài trợ.

 

Còn có những nước chính phủ nhận thức và đầu tư vào một số mảng, và họ làm truyền thông về những mảng đấy thì mình nhìn ra.

 

Mà mình là người làm truyền thông thì cách tiếp cận cũng khác với người làm nghiên cứu. Mình tìm ra những vẻ đẹp và đưa đến cho mọi người một cách hợp lý và phải có giá trị đối với người ta.

Trên một bài báo cách đây vài năm anh đã tự nhận mình là người già trước tuổi. Sau thời gian lăn lộn kinh doanh anh thấy mình tiếp tục già nhanh hay lại… trẻ ra?

- Tư duy thì mình vẫn thế. Già cũng không phải, nhưng tư duy của tôi thích những gì bền vững hơn.

 

Đôi khi cũng chấp nhận những thứ phiêu du một tí nhưng về mặt đại thể cuối cùng mình nghiêng về phương án bền vững.

 

Tâm thế của mình như vậy vì mình không muốn làm những gì ngắn hạn mà xác định con đường dài hơi. Không biết như thế có gọi là già không?

Chấp nhận bền vững có nghĩa là không bùng nổ, không bốc đồng? Cả trong công việc và cuộc sống?

- Không, cuộc sống của tôi… khác hoàn toàn. Nhiều người cứ nghĩ mình như thế này thì suốt ngày đi chùa thắp hướng niệm Phật… Nhưng ngày nào tôi cũng nhậu nhẹt, đá bóng, đi chơi.

Tại sao anh lại “phân thân” được như thế?


- Có lẽ là sự cân bằng. Tôi quan niệm làm gì cũng phải cân bằng. Không cân bằng thì chả làm gì được lâu dài. Mình vẫn phải sống cuộc sống, chứ không như những người xả thân.

Khi tôi làm văn hóa gặp những người xả thân thật sự, hy sinh thật sự. Nhưng cái khó là khi họ xả thân như thế thì thường quy mô công việc của họ khó bởi vì giống như trên sân bóng một người chạy quá khỏe so với cả đội, cả đội không theo được thì người đá đó rất đơn độc và đội đó chưa chắc đã là đội mạnh.

Có khi một đội làng nhàng với nhau lại hiệu quả hơn vì sự đều đặn. Những người xả thân có cái hay là người ta sống rất lý tưởng và khó thu hút được những người xung quanh vì người ta không chạy theo nổi việc đó.

Con người người đó chạy khó bền vững lâu dài và hiệu quả công việc khó cao. Họ vẫn có hiệu quả nhưng chỉ nhận thấy ở bản thân họ chứ việc thu hút những người khác đi cùng đường và chia sẻ là khó.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

  • Chi Mai (Thực hiện)
  • Ảnh: Lê Anh Dũng