Đi xem tọa đàm Talk&Think :"Định vị lại nền giáo dục Việt Nam"(diễn ra cuối tuần qua) và đoán già đoán non trong khán phòng có bao nhiêu phần trăm là sinh viên, bao nhiêu người là doanh nhân, trí thức...

Nhưng mà sau phần hỏi đáp thì nhận ra một điều là hầu hết khán phòng là sinh viên hoặc những người mới ra trường vài năm.

Nên buồn hay nên vui, hay cứ tạm chấp nhận là do công tác PR chưa đủ?. Rất nhiều câu hỏi liên quan đến giáo dục Đđi học nhưng dường như thay cái ngọn đó chỉ là giải pháp tình thế.

Ngồi trên xe bus về nhà, tôi suy nghĩ thêm một chút. Có lẽ phải thay đổi từ cái gốc là việc giáo dục con cái từ lúc nhỏ.

Hôm nọ đọc bài về giáo dục Nhật Bản, có chi tiết trẻ con Nhật được học cách sử dụng những thứ nguy hiểm như dao từ khi còn nhỏ.

Người Việt mình thì muôn đời bảo: "Nguy hiểm lắm, đừng có động vào!". Tình thương không thôi là không đủ. Cuộc sống sau này đâu có ai bảo mình cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì thân thiện, cái gì nguy hiểm đâu. Nguồn gốc của sự học hỏi là sự chủ động từ mỗi cá nhân. Và cha mẹ phải thúc đấy quá trình tự học hỏi của trẻ.


Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước khi vào lớp 1, thời kì học mẫu giáo có lẽ là lúc trẻ em được thoải mái nhất.

Các bà mẹ vui vẻ đưa đón con về nhà, rồi ân cần hỏi: "Hôm nay con học được gì, con có vui không?". Nếu mắc tí bệnh thành tích thì hỏi: "Tuần này con của mẹ có được nhận phiếu bé ngoan không?". Để rồi đứa con nhỏ hớn hở đáp lại: "Vui lắm mẹ ạ, con biết cầm đũa này, con biết đi xe dừng lại khi đèn đỏ này, con được nhận tận 2 phiếu bé ngoan liền!" Và người mẹ trầm trồ: "Con của mẹ giỏi quá!".

Nói nôm na thì vào thời kì này, các bậc phụ huynh thấy việc con mình học được những điều mới mẻ, cảm thấy thoải mái và hình thành một tính cách tốt là việc cần thiết.

Nhưng mà vừa bước vào độ tuổi đến trường là y rằng: "Hôm nay con của mẹ được mấy điểm mười?". Rồi thằng bé, con bé đáp với vẻ hãnh diện:"Con được ba con 10 ạ. Hai con 10 Toán, một con 10 Tiếng Việt.". Và người mẹ trầm trồ: "Con của mẹ giỏi quá!". Áp lực thành tích, điểm số xuất hiện. Điểm cao đồng nghĩa với giỏi, cóc cần biết con mình học được cái gì.

Tư duy của cha mẹ cần phải thay đổi. Những bậc phụ huynh cần phải coi những điều mà trẻ học được quan trọng hơn điểm số mà chúng nhận được.

Những người cha người mẹ phải hành động như một nhà sư phạm có trách nhiệm. Họ cần phải đưa ra nhưng câu hỏi tương tự như hồi mẫu giáo kia, cần phải biết con mình học được điều gì ở nhà trường, trẻ có cảm thấy thoải mái trong môi trường học đó không, tính cách trẻ được định hình ra sao.

Những câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp của cha mẹ, tùy theo độ tuổi, sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển toàn diện của trẻ (nghe giống quảng cáo sữa thế nhỉ?).

Sau câu hỏi:"Hôm nay con học được điều gì?" và một vài câu hỏi liên quan, tùy cách trả lời của trẻ, cha mẹ có thể biết được con mình nhận thức được vấn đề đến đâu.

Giả sử như trẻ được học phép cộng, phụ huynh sẽ hỏi: "Thế 1+2 bằng mấy?". Sau đó lại hỏi ngược lại: "Thế 2+1 bằng mấy?" Những trẻ tinh ý sẽ đáp rất nhanh, trong khi những trẻ học vẹt, máy móc sẽ mất nhiều thời gian hơn hoặc cứ gãi đầu gãi tai suốt. Thằng em trai tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Bước tiếp theo là thực tiễn. Những bậc phụ huynh cần phải tạo cơ hội để trẻ sử dụng những kiến thức chúng tiếp nhận được vào cuộc sống.

Đơn giản từ bài toàn 1+2 kia, họ hoàn toàn có thể đưa chúng đi chợ, sau đó dạy chúng cách cộng tiền hay tiêu những số tiền nhỏ. Và khi ấy, trẻ không những áp dụng được những kiến thức được học mà còn được biết thêm những kinh nghiệm thực tế.

Bước kế tiếp là phát triển ham muốn khám phá, khả năng tự học hỏi. Khi trẻ học được nhiều thứ, chúng sẽ bắt đầu tự đặt ra các câu hỏi. Khả năng nhận thức càng tốt, trẻ sẽ đặt ra càng nhiều câu hỏi.

Những bậc phụ huynh thường phớt lờ những câu hỏi ấy, nhưng thực sự, điều đó không tốt một chút nào. Chúng có thể hỏi: "Tại sao 1 + 1 lại bằng 2?". Thay vì bảo đó là lẽ đương nhiên, có thể hỏi ngược lại: "Thế con có một quả cam, mẹ cho con thêm một quả, con có mấy quả?" Và trẻ có thể phản pháo ngay bằng một câu: "Con nhỏ một giọt nước vào một giọt nước khác, vẫn chỉ có một giọt nước. Thế là 1+1 bằng 1 chứ!".

Những câu hỏi tại sao luôn là những câu hỏi khó trả lời vì chúng đi vào bản chất của vấn đề, nhưng, vì tương lai con em chúng ta, những bậc phụ huynh nên trả lời bằng cách nào đó để góp phần phát triển tư duy của trẻ.

Những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của trẻ em là động lực để chúng phải tìm kiếm, học hỏi. Phớt lờ điều đó là giết chết mong muốn học hỏi của trẻ. Tương lai của một người trí thức có khả năng phản biện xã hội bắt đầu từ những điều bé tí xíu như thế.

  • HoanDesign (Hà Nội)

Trong cuộc sống, nhiều câu chuyện có ý nghĩa về dạy trẻ em được các bậc cha mẹ và những người quan tâm tới giáo dục chia sẻ,  học hỏi kinh nghiệm.

Mời độc giả chia sẻ các câu chuyện về dạy con với VietNamNet.

Các bài viết hoàn chỉnh nên từ 600 -1.000 từ, gửi về địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia câu chuyện tình huống dạy con.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết.
Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống Google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, các bài viết còn được nhận những phần thưởng hấp dẫn khác từ tòa soạn.

Thời gian nhận bài từ ngày 14/2/2012 đến hết ngày 14/3/2012.