- “Không cần phải nói quá nhiều cũng đủ thấy giáo dục nghệ thuật là một trong những lĩnh vực yếu nhất của hệ thống giáo dục. Hãy chỉ nhìn vào một lĩnh vực nghệ thuật được giảng dạy kỹ lưỡng nhất, đầy đủ nhất trong hệ thống giáo dục – môn văn học – là đã có thể nhận ra những vấn đề của giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay” – TS Phạm Xuân Thạch, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG Hà Nội, nhận định.


TS Phạm Xuân Thạch: "Cái khổ nhất bây giờ là nhà trường cô độc"

* Dám thay đổi tư duy sẽ thay đổi được chương trình

Theo anh thì từ năm 1986 đến nay, “môn văn học trong nhà trường phổ thông đã trải qua hai cuộc cải cách và trải qua hai cuộc cải cách đó, chương trình giảng dạy đã tiến gần hơn đến tính phức tạp và bản chất nghệ thuật của văn chương”. Vậy “gần hơn” là đã gần tới mức độ nào, thưa anh?

TS Phạm Xuân Thạch: Văn học là nghệ thuật, nghệ thuật không thể định tính như hiện tượng tự nhiên được.

Tại sao tôi nói gần hơn? Có 2 phương diện. Thứ nhất là đánh giá chung về văn học đương đại những giá trị của văn học VN cũng đã tương đối ổn định. Ít nhất là văn học cho đến khoảng năm 1991 là đã được công nhận giá trị rồi.

Chương trình phổ thông, đặc biệt là chương trình cấp 3 bám sát vào những giá trị đã được khẳng định của văn học. Và đặc biệt là có sự đa dạng trong giá trị đó.

Phương diện thứ hai là về mặt triết lý giáo dục đổi mới. Điều tôi đánh giá rất cao của chương trình này là nguyên tắc đọc hiểu. Nguyên tắc này trao cho người đọc quyền tự chủ, người ta coi học sinh là người đọc tương lai.

Thay vì cung cấp con cá thì cung cấp cần câu, hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự đọc tác phẩm, tự tìm kiếm sự đa dạng của tác phẩm. Hai phương diện ấy là cơ sở để tôi đánh giá chương trình hiện nay đã tiệm cận đến tính đa dạng của đời sống văn học.


Đấy là cơ sở để tôi đánh giá cao chương trình văn học hiện nay.

Khoảng cách còn lại, theo anh, có thể lấp đầy không khi tới năm 2015 Bộ GDĐT lại dự kiến đổi mới chương trình và SGK?

Tôi nghĩ nếu nói “có thể” lấp đầy không thì chắc chắn là có thể. Mỗi sự thay đổi chắc chắn là để khắc phục những cái hạn chế của cái cũ. Vấn đề là muốn lấp đầy phải có phương pháp thực hiện thế nào?

Theo tôi, muốn lấp đầy được phải có tinh thần tiếp cận dân chủ hơn, khoa học hơn, huy động được đa dạng trí tuệ của xã hội vào công việc làm SGK.

Thứ hai là có phương diện thuộc về triết lý mà tôi nghĩ có thể làm được là tính linh hoạt trong chương trình cần phải cao hơn.

Nói đơn giản, triết lý đọc hiểu đã được đưa vào chương trình hiện nay nhưng số lượng bài văn được đưa vào chương trình phổ thông là cố định. Rồi chuẩn kiến thức của từng bài cũng lại cố định. Chính tính cố định hạn chế sự linh hoạt của chương trình. Nếu có sự thay đổi về mặt triết lý như vậy tôi nghĩ sẽ có sự thay đổi tốt hơn.

Nhưng việc áp dụng linh hoạt thế đối với học sinh phổ thông đã phù hợp chưa hay phải chờ tới bậc đại học?

Tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể làm ở bậc phổ thông, đặc biệt là phổ thông trung học. Ta đừng có lệ thuộc vào bậc đại học, bởi 100 học sinh phổ thông thì chỉ có vài em chọn học những ngành liên quan đến khoa học xã hội ở bậc đại học. Vì vậy khi vào đến đại học đã là quá muộn.

Chúng ta phải hình dung là học cấp 3 là xong, quá trình đào tạo con người đến cấp 3 là xong. Từ 15 – 18 tuổi là các em đủ trưởng thành để tiếp nhận rồi. Vấn đề là chúng ta phải có phương pháp khoa học, và rất nhiều nơi trên thế giới tôi được biết người ta đã thực hiện phương pháp này. Chúng ta cần có sự rút kinh nghiệm thích hợp để áp dụng cho đúng.

Hoặc chưa cần nói đến chương trình mới mà ngay cả trong chương trình bây giờ chúng ta cũng có thể có được sự điều chỉnh nhất định.
 

Dám thay đổi tư duy chúng ta sẽ thay đổi được chương trình thôi.

Tuy nhiên, việc định hướng về mặt giá trị hiện nay của chương trình giảng dạy là một sự định hướng có tính rập khuôn và hàng loạt (chương trình giáo dục hiện nay, đặc biệt là giáo dục phổ thông, có tính thống nhất, duy nhất và bắt buộc). Vậy sự đa dạng về tác phẩm nhưng lại định hướng rập khuôn thì có hiệu quả đến đâu tới khả năng cảm thụ của học sinh?

Như tôi có nói bất cứ một chương trình giáo dục nào về mặt triết lý cũng phải có chuẩn. Không có cái gọi là giáo dục tự do. Nhưng tính về quan hệ biện chứng giữa cái chuẩn và sự linh hoạt.

Ví dụ, trên một cái chuẩn đã là học sinh học văn học thì phải học hệ thống giá trị này của văn học như giá trị nhân đạo, tinh thần dân tộc, giá trị hiện thực giá trị thẩm mĩ hiểu được kỹ thuật của văn chương đương đại… thì ta cố định hóa được cái chuẩn đó.

Nhưng tác phẩm để chọn vào giảng văn có thể mở rộng cho người ta thay đổi, thậm chí có thể thay đổi theo vùng miền. Ví dụ trong miền Nam, chúng ta đưa thêm những tác phẩm mang tính địa phương, tác phẩm vùng miến.

"Thay vì cung cấp con cá thì cung cấp cần câu, hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự đọc tác phẩm, tự tìm kiếm sự đa dạng của tác phẩm"

Như vậy sẽ phải là một chương trình nhiều SGK?

Tôi nghĩ tương lai sẽ phải như vậy.

Trong năm học 2010 – 2011, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã tiến hành khảo sát từ vựng phần văn học Việt Nam hiện đại trong SGK và sách giáo viên Ngữ văn hai lớp 11 và 12 chương trình nâng cao.

Những bộ phận mà sinh viên tiến hành khảo sát là các phần “kiến thức cần đạt được”, phần “câu hỏi gợi ý đọc bài” và chuẩn kiến thức trong sách giáo viên.

Điều bất ngờ là sau khi tiến hành khảo sát, bên cạnh các nhóm từ về các yếu tố nghệ thuật của các dạng văn bản khác nhau (tự sự, trữ tình, kịch, phê bình văn học…), ba nhóm từ có tần số lặp lại nhiều nhất chính là ba nhóm từ thuộc về giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực và tinh thần yêu nước.


Anh vừa nói tới việc “văn phải có chuẩn”. Vậy với kết quả khảo sát của em sinh viên như đã nêu, chuẩn trong môn văn hiện tại có vấn đề gì không?

Tôi không phản đối những chuẩn SGK đã làm được, hệ thống nào cũng phải có chuẩn nhưng cái mà chúng ta mong đợi là đa dạng hóa những chuẩn đó. Cần phải hiểu cho đúng chỗ đó.

Cái cần thiết là phải hiểu cái chuẩn đó đa dạng hơn. Ví dụ yêu nước thì có nhiều kiểu, nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta đa dạng hóa trong chính nội bộ cái chuẩn đó thì sẽ làm cho học sinh cảm thấy đỡ chán môn văn.

Ví dụ, bây giờ yêu nước không chỉ gắn liền với chống ngoại xâm mà yêu nước còn liên quan đến ngôn ngữ dân tộc, bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, những giá trị văn hóa dân tộc. Yêu nước còn gắn với tính vùng miền, tính địa phương.

Nếu ta đưa được thêm thì chính những giá trị đó đã thay đổi. Hay nhân đạo chẳng hạn. Nhân đạo lâu nay chỉ là yêu thương những người nghèo khổ, những người có số phận bất hạnh, mang tính cảm thương. Nhưng nhân đạo còn là quyền sống cá nhân, quyền khẳng định cá tính…


* Cái khổ nhất bây giờ là nhà trường cô độc

Theo anh, sức ép về thời lượng ảnh hưởng thế nào tới việc giảng dạy?

Nói đến sức ép thời lượng thì đúng quá. Nhưng còn vấn đề khác nữa. Thời bọn tôi ngày xưa có thể đến thư viện mượn sách đọc ngoài giờ học.

Bây giờ không nhà trường nào có thể đáp ứng được. Và khi đẩy các em ra xã hội các em lấy đâu ra chỗ để mượn sách? Cái khổ nhất bây giờ là nhà trường cô độc. Cái thiếu bây giờ không chỉ về thời lượng mà là cả cơ chế để nhà trường bắt tay với gia đình, xã hội đào tạo thẩm mĩ cho các em.


Nhưng bây giờ có thời gian thì với đa số học sinh sách không phải là lựa chọn đầu tiên. Mà sẽ là mạng interrnet.

Đừng nên nghĩ một điều quái đản là “lên mạng nguy hiểm lắm”. Thả một đưa trẻ ra đọc sách mà không có hướng dẫn thì cũng nguy hiểm.

Ví dụ, một đứa trẻ 15 tuổi đọc Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky, không cẩn thận nó thành Raskolnikov. Lên mạng, thậm chí là rất cần. Cách đây 20 năm, ai nghĩ đến việc chúng ta có thể xem được những buổi hòa nhạc lớn trên thế giới? Bây giờ, internet có thể giải quyết được những việc như vậy.


Vấn đề là bây giờ phải hướng dẫn cho các em mà nhà trường chỉ là một phần. Chính bố mẹ, gia đình phải là người hướng dẫn, kiểm soát trong khi các em chưa đủ độ tuổi trưởng thành chịu trách nhiệm. Chuyện đấy mới quan trọng.

Chương trình phổ thông cũng phải hướng tới cái đó, định hướng các em trong thế giới đã thay đổi. Đấy là sức ép lớn đối với giáo viên.

Anh nhận xét thế nào về sự không thành công trong việc dạy các môn nghệ thuật trong nhà trường, dù chúng ta vẫn có ý thức đưa vào để dạy và học?

Vấn đề là nước mình còn nghèo, sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị quá lớn. Khi người giáo viên chưa đủ điều kiện kinh tế để có thể theo đuổi nghệ thuật thì làm sao họ có thể dạy được cho các em?

Rồi có những môn nghệ thuật đòi hỏi phương tiện như hội họa, âm nhạc. mà chúng ta lại hơi cứng nhắc, chưa có cơ chế linh hoạt. Tất cả những điều kiện đó tác động khiến cho việc giảng dạy nghệ thuật rất yếu kém. Học sinh nào cũng học nhạc lý - Tại sao không hướng dẫn các em học chính âm nhạc của địa phương?

Hội họa cũng vậy – Sao không cho các em học nghệ thuật dân gian địa phương? Còn học sinh thành phố mà thích thì hướng dẫn các em về điện ảnh. Ở đây, sự linh hoạt sẽ bù đắp lại sự thiếu hụt về điều kiện kinh tế.


Tôi thì nghĩ ít nhất trong 5, 10 năm tới quan trọng nhất vẫn là môn văn. Không phải vì tôi đề cao môn văn mà vì trong điều kiện hiện nay sách là dân chủ nhất.

Nếu ta xây dựng một hệ thống thư viện tốt không tốn bao nhiêu tiền cả, từ nông thôn cho tới thành thị đều có thể đọc được. Và qua việc đọc, thẩm mĩ của học sinh sẽ được đào tạo biết bao nhiêu!


Nhưng ở môi trường cao hơn như đại học, tại sao việc giảng dạy nghệ thuật vẫn không thể phát huy được?

Đây là tư duy từ tầm vĩ mô. Nếu ở tầm vĩ mô có thể làm được những việc như đưa các môn tư tưởng Hồ Chí Minh, những môn tư tưởng chính trị vào giáo dục thì với các môn nghệ thuật, nếu muốn thay đổi thì ta có thể thay đổi được.

Khi nào trong đề thi chấp nhận câu trả lời không chỉ một chiều, miễn là có lý nhưng đa chiều về tác phẩm văn học, đưa ra được những hiện tượng văn học tạo nên suy nghĩ đa dạng thì chúng ta thành công.

Tức là đến khi nào sẽ không còn “bài văn lạ”?

Đúng vậy. Chừng nào vẫn coi bài văn nào đấy là lạ thì chúng ta chưa thành công. Miễn cái lạ của học sinh là cái lạ có lý.

Xin cảm ơn anh.

Một trường hợp cụ thể là việc cắt cảnh “tế nhị” giữa Chí Phèo và Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo khi đưa vào giảng dạy trong chương trình THPT. Truyện Chí Phèo lâu nay được dạy trong nhà trường theo hướng đấu tranh giai cấp nông dân – địa chủ. Như vậy có phải giá trị nhân văn được các nhà làm sách quan niệm là quan trọng hơn giá trị nhân đạo?
TS Phạm Xuân Thạch: Theo tôi, nếu không cẩn thận chúng ta đang tranh luận theo kiểu vẽ rắn thêm chân. Tôi nắm chắc chắn chương trình đó.

Cuộc gặp gỡ của Chí Phèo – Thị Nở được lược bớt cùng với rất nhiều đoạn khác.

Trước đây, thời lượng của "Chí Phèo" là khoảng 4 tiết nay cắt còn một nửa nên người ta không thể dạy toàn bộ truyện được mà chỉ trích giảng một số đoạn ở trên lớp mà theo người soạn sách là có giá trị quan trọng nhất.

 Tôi đồng tình với sự lựa chọn của SGK hiện tại. Vì người ta lựa chọn đoạn Chí Phèo ở tù về với sự cô đơn của con người khi bị cộng đồng đuổi ra khỏi thế giới người lương thiện. Và thứ hai là đi vào diễn biến nội tâm của Chí Phèo sau cái đêm với Thị Nở cho đến hết truyện khi hắn giết người. Nó đi vào phần có tính nghệ thuật cao nhất của tác phẩm.

Việc lựa chọn ấy phải nhìn trong tổng thể, và tôi nghĩ sự lựa chọn đó là đúng chứ không phải cắt đoạn “tế nhị” vì ngại tâm lý lứa tuổi hay này kia. Đây là một chiến lược lựa chọn. Chứ không phải nhìn người ta cắt này nọ rồi bảo người ta ngại tâm lý. Tôi nói thật bây giờ học sinh lớp 10 khi đọc những cảnh như thế chẳng thấy e ngại gì cả.

Đừng vẽ rắn thêm chân, đừng làm phức tạp hóa vấn đề.

Đơn giản là trong truyện ngắn "Chí Phèo" còn cắt cả đoạn về sự cai trị của đám bá Kiến trong làng Vũ Đại, tức là bức tranh về xã hội nông thôn ngày xưa, có giá trị hiện thực theo kiểu tố cáo.

Nếu nhìn tư duy cắt như thế thì có thể quy chụp nhiều thứ lắm. Với tác giả Hồ Chí Minh, học sinh chỉ học "Nhật ký trong tù" với 2 bài thơ và "Tuyên ngôn độc lập", cứ quy chụp kiểu đấy thì chết.

Và cũng xin nói rằng những người ở ngoài ngành không hiểu.

Không phải là tôi bênh, nhưng các thầy cô trong trường phổ thông vẫn khuyến khích học sinh đọc cả truyện. Nhưng để giảng được trên lớp thời lượng chỉ có ngần đấy.

Tôi phản đối kiểu quy chụp chỉ nhìn vào chi tiết chứ không phải tổng thể.
  • Chi Mai (Thực hiện)
  • Ảnh: Lê Anh Dũng