TIN BÀI LIÊN QUAN:
Đình chỉ tuyển sinh 2012 một loạt trường đại học
Tuyển sinh 2012: Kinh tế ‘được mùa’, khối C thất sủng
Sai phạm nặng
Trả lời trong buổi họp báo quý II năm 2012 vừa diễn ra chiều 4/5 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Việc thanh tra, xử lí sai phạm của các trường ĐH-CĐ là để chấn chỉnh, uốn nắn cho các trường tốt lên”.
Thí sinh trước giờ làm bài thi kỳ thi tuyển sinh ĐH (Ảnh minh họa, Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Trước đó, qua thanh tra 38 trường ĐH-CĐ (19 trường công lập, 19 trường ngoài công lập) ngày 27/4 Bộ GD-ĐT đã có quyết định đình tuyển sinh với 5 ngành học của 5 trường ĐH-CĐ và 1 trường CĐ bị dừng tuyển sinh năm 2012. Và mới nhất, chiều 4/5, Bộ tiếp tục có quyết định dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Sài Gòn với nhiều sai phạm nặng.
Những lý do cụ thể dẫn tới quyết định ra ngày 27/4 của Bộ GD-ĐT đã được ông Nguyễn Huy Bằng giải thích rõ hơn tại buổi họp báo.
Theo đó: Trường CĐ Kinh tế -Kỹ thuật Hà Nội bị dừng tuyển sinh toàn trường với lỗi: tỉ lệ SV/giảng viên là 93,2 (quy định là 30 SV đối với CĐ); 4/5 ngành chưa có thạc sĩ theo quy định, trường chưa có đất.
Hiện trường thuê 5 cơ sở với thời hạn khác nhau từ 6 tháng, 1 năm và nhiều nhất là 3 năm. Tổng diện tích các cơ sở nhà trường thuê là 8.000m2. Trường này vi phạm nhiều lỗi theo quy định của Nghị quyết số 50/ 2010/NQ-QH về thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học do Quốc hội ban hành.
Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi bị dừng tuyển sinh ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng với lỗi có tỉ lệ SV/giảng viên là 92,2 và không có thạc sĩ. Trường CĐ Bách Nghệ Tây Hà bị dừng tuyển sinh ngành Khai thác vận tải 3 năm không tuyển sinh được.
Trường ĐH dân lập Phú Xuân bị dừng tuyển sinh ngành Tài chính Ngân hàng với lỗi có tỉ lệ SV trên giảng viên là 58,1 và đồng thời không đảm bảo giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ thạc sĩ.
Trường ĐH Thành Tây có ngành Quản trị kinh doanh với tỉ lệ SV trên giảng viên là 423. Trường ĐH Yersin Đà Lạt ngành này chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, tỉ lệ SV trên giảng viên là 130,4.
Ông Bằng cũng cho rằng: “Dừng tuyển sinh chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp như chấn chỉnh, đôn đốc, cảnh báo, kể cả phát hiện sơ hở trong công tác quản lý để có điều chỉnh nhất định”.
Đã có dấu hiệu tích cực
Thừa nhận việc công bố kết quả còn chậm nhưng theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng: “Dưới góc độ tổng thể việc thanh tra và quyết định xử lí đã tác động trực tiếp tới việc nâng cao chất lượng, giữ yên kỷ cương”.
Ông lấy ví dụ: “Có trường từ tháng 1 đến tháng 3 tức trước khi Bộ kiểm tra đã tuyển 100 giảng viên. Có thể có chuyện đối phó nhưng đó là đối phó tích cực vì trước kia họ không quan tâm đến việc tuyển mà chỉ quan tâm đến giảng viên thỉnh giảng. Rồi có trường nói dùng hình thức thỉnh giảng thì kinh tế. Giáo dục chỉ tính đến kinh tế thì không ổn”.
Về việc thanh tra Trường ĐH Y Hải Phòng khi liên kết với 4 chủ thể khác nhau cụ thể với các trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, CĐ Y Ninh Bình, Trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến và Trường trung cấp Y Dược Thăng Long ông Bằng cho biết:
“Qua xác minh đã phát hiện sai phạm ở Quyết định 42 về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học do Bộ GD-ĐT ban hành”.
Hiện thanh tra của Bộ GD-ĐT cũng đang khẩn trương củng cố hồ sơ trình lãnh đạo Bộ kết quả thanh tra 7 cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài gồm các đơn vị: Trường Kinh doanh Melior, Trường Quản trị tài chính (IFA, Trường Công nghệ Thông tin và Quản trị kinh doanh (Sibme), Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM), Trung tâm đào tạo FTMS, Trường ĐH Hoa Sen và Viện ĐH Mở Hà Nội
Theo ông Bằng: “Kết quả ban đầu cho thấy 7 đơn vị này đều có dấu hiệu vi phạm điều 8 và điều 11 của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Vi phạm đó tương tự như các cơ sở có yếu tố nước ngoài mà năm 2011 Bộ đã kiểm tra xử lý”.
- Văn Chung