- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet về sự cố "phụ huynh xô đổ cổng trường mua đơn cho con vào Trường PTCS Thực Nghiệm" vừa qua. Ông nói "trường nằm trên địa bàn Quận Ba Đình nhưng Quận Ba Đình cũng không được thông báo gì về kế hoạch tuyển sinh của trường...."

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Xô đổ cổng trường để xin học cho con
Những phụ huynh 'nói không' với trường điểm
'Xin lỗi, em chỉ là… phụ huynh!'
GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi thương phụ huynh quá!'
'Trường tốt vẫn có rủi ro'
 
Ông Nguyễn Hiệp Thống: "Nếu những trường tốt của Hà Nội cũng cứ tuyển sinh theo thời gian và phương án tùy thích, và cũng được đón nhận học sinh trên toàn địa bàn Thành phố như trường Thực nghiệm thì có lẽ số lượng phụ huynh tập trung đến đăng kí sẽ còn đông hơn rất nhiều"
 

Quận Ba Đình nằm "ngoài cuộc"

- Thưa ông, hiện tượng phụ huynh chen lấn, đạp đổ cả cổng trường học để mua hồ sơ đăng ký học cho con ở trường Thực nghiệm vừa qua có phổ biến?

Đây là một sự việc đáng tiếc, gây dư luận xấu trong những ngày qua. Đối với các đơn vị thuộc Ngành GD&ĐT Hà Nội thì ngay từ tháng 4/2012, Sở GD&DT đã có văn bản hướng dẫn rất rõ ràng cụ thể về thời gian và phương thức tuyển sinh.

Theo đó, việc tuyển sinh sẽ chỉ bắt đầu vào đầu tháng 7/2012, và giao cho các phòng GD&ĐT các địa phương căn cứ điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) nhà trường tiến hành điều tra số trẻ trên địa bàn để lập kế hoạch tổ chức tuyển sinh đúng quy định, công khai, công bằng, phân tuyến tuyển sinh hợp lý và đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn của mình. Văn bản này đã được thông báo công khai trên website của Sở.

Tuy nhiên, Trường Thực Nghiệm trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD-ĐT), không theo kế hoạch này. Theo tôi biết thì trường nằm trên địa bàn Quận Ba Đình nhưng Quận Ba Đình cũng không được thông báo gì về kế hoạch tuyển sinh của trường.

- Trường Thực Nghiệm trực thuộc viện khoa học giáo dục, của Bộ GD-ĐT, thu hút nhiều phụ huynh khá giả ở thủ đô. Không lẽ Hà Nội thiếu các trường tiểu học có sức hút như trường thực nghiệm đến nỗi xảy ra hiện tượng chen lấn như vậy?

Hoàn toàn không phải như vậy, ở các quận huyện chúng tôi cũng có nhiều trường có khung cảnh sư phạm đẹp, có bề dày thành tích, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm. Nếu những trường này cũng cứ tuyển sinh theo thời gian và phương án tùy thích, và cũng được đón nhận học sinh trên toàn địa bàn Thành phố như trường Thực nghiệm thì có lẽ số lượng phụ huynh tập trung đến đăng kí sẽ còn đông hơn rất nhiều.

- Hiện tượng xảy ra ở trường thực nghiệm trách nhiệm thuộc về ai và có cách nào khắc phục?

Từ thông tin tôi nói ở trên, hẳn là chị đã biết cách khắc phục như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai rồi.

Chọn môi trường giáo dục tốt là nhu cầu chính đáng

- Làng giáo dục hiện nay cũng đang có scandal như showbiz Việt và nhiều hiệu trưởng ngày nay giống người đi buôn quá. Ông có tức giận hay phiền lòng khi người ta nói vậy về các đồng sự làm giáo dục của mình?

Tôi cũng chưa rõ chị muốn nói về vị hiệu trưởng nào, về nhà trường nào? Tuy nhiên tôi nghĩ, cũng như các ngành khác như y tế, văn hóa, hay như công an, tòa án, kiểm sát.. thậm chí cả nghề làm báo nữa, ở đâu cũng có thể có một số hiện tượng, có một số cá nhân tiêu cực. Nhưng dù sao đi nữa chúng ta đều thấy Ngành Giáo dục vẫn là ngành luôn được xã hội tôn vinh nhất, đội ngũ Thầy Cô giáo vẫn được mọi người quý trọng nhất, và trên thực tế, phần lớn trong số họ đã không phụ lòng tin của cộng đồng.

Dù cuộc sống gia đình và điều kiện làm việc còn có khó khăn, nhưng các đồng sự của chúng tôi vẫn luôn tự hào về nghề nghiệp của mình, về những kiến thức mà mình đã mang đến cho các em học sinh.

- Một nữ nhà văn trẻ, có 3 đứa con chia sẻ chị cũng đã từng bị cả xã hội thôi miên rằng: Giờ đây chỉ có danh tiếng những trường tốt mới cứu vớt được con mình khỏi nguy cơ tị nạn giáo dục. Thưa ông, nguy cơ này không thể tránh được sao?

Tôi chưa rõ khái niệm “tị nạn giáo dục” của chị là như thế nào, nhưng những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đã gửi con đi du học ở nước ngoài, dù tốn nhiều tiền nhưng ở nơi ấy có điều kiện giáo dục tốt hơn, trường sở khang trang hơn, ngoại ngữ được trau dồi hơn, rồi sau này các em sẽ quay về phục vụ gia đình, phục vụ xã hội thì đó là một nhu cầu chính đáng và cần phải tôn trọng, không thể coi đó là một “nguy cơ” cần tránh.

Mặt khác, chị cũng thấy rằng đại đa số các học sinh còn lại của chúng ta vẫn đang hưởng thụ nền giáo dục của nước nhà, dù không hẳn là học trong những trường danh tiếng, dù có thể điều kiện giáo dục còn nhiều khó khăn hạn chế nhưng rất nhiều em đã đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế. Các em khác cũng đều trưởng thành và trở thành những nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, bác sĩ, kĩ sư và là những công dân có ích cho xã hội.

Nói như vậy không có nghĩa là hiện nay Giáo dục không bộc lộ nhiều bất cập, chính nghị quyết của Đảng vừa qua cũng đề ra cần cải cách căn bản và toàn diện nền giáo dục của chúng ta để có thể hòa nhập được với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đó là một công việc hết sức quan trọng, nhưng không thể xong trong một sớm một chiều..

- Ông có thể giới thiệu những trường tiểu học nào trên địa bàn Hà Nội có điều kiện học tập, vui chơi và giáo dục như trường tiểu học thực nghiệm để phụ huynh thêm sự lựa chọn?

Trên địa bàn các quận, huyện Hà Nội hiện có rất nhiều trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, có cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giáo viên tâm huyết và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, các trường này chỉ dạy theo chương trình thống nhất của Bộ và trước hết ưu tiên phục vụ cho con em nhân dân theo đúng tuyến trên địa bàn.

- Cảm ơn ông!

  • Vân Phong - Nguyễn Hiền (thực hiện)