Trong tuần qua, câu chuyện "bài văn lạ cô cho điểm 0, trò thích thú" thu hút sự quan tâm. Đây là bài viết của một nhà giáo nhìn dưới góc độ dạy và đánh giá môn văn trong nhà trường.

THÔNG TIN LIÊN QUAN


Theo tôi, bài viết không lạc đề, nghĩa là chủ đề của bài không bàn về tình trạng cơ sở vật chất yếu kém của nhà trường.

Bài viết sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như một nguyên liệu ý tưởng để phát triển lập luận của mình về bạo lực học đường. Đọc kỹ có thể nhận ra bài văn đạt yêu cầu về mặt diễn đạt, nếu không nói là khá chặt chẽ, mạch lạc, thể hiện được cấu trúc của một bài văn nghị luận kiểu giải thích - chứng minh. Ý tưởng của bài được tạo lập từ việc vận dụng được nhiều loại kiến thức để lý giải và chứng minh cho lập luận của mình.

Đặc biệt, từ nội dung “bạo lực học đường” được mô tả và xác định ở phần đầu bài viết cùng với những lý giải và minh họa liên quan đến nội dung này được nối tiếp trình bày sau đó, người viết Nguyễn Vũ Anh đã đưa thêm một khía cạnh mới vào nội hàm khái niệm “bạo lực học đường”.

Đó là, bạo lực học đường không chỉ là tình trạng học sinh này ức hiếp học sinh kia, thầy giáo ức hiếp học sinh hoặc học sinh hãm hại thầy cô giáo bằng những hành động bằng lời nói thiếu đạo đức và ít nhân tính.

Từ góc nhìn của mình, Nguyễn Vũ Anh đã “sáng tạo”, đã cho người đọc thêm một hiểu biết: khi nhu cầu cơ bản của con người, đặc biệt là của học sinh trong phạm vi nhà trường không được đáp ứng một cách phù hợp, làm gây ra những khó chịu- tổn thương về mặt thể chất hoặc tinh thần cho các em, thì đó cũng là một dạng bạo lực học đường.

Tuy nhiên, một khía cạnh cần xem xét ở đây là dẫn chứng cốt lõi (cơ sở vật chất của nhà trường) của bài văn có chính xác không, nghĩa là người viết có trung thực và khách quan khi viết không. Nếu không thì có lập luận chặt chẽ đến đâu, ý tưởng có sáng tạo đến đâu, giá trị bài viết cũng sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí nếu không nói tiềm ẩn trong sự không chính xác đó là một thái độ hằn học, định kiến thiếu lành mạnh. Được biết, ngày 14.5, em Nguyễn Vũ Anh phải đọc bản kiểm điểm trước lớp học vì đã viết bài văn lạc đề, miêu tả không đúng về tình trạng cơ sở vật chất của trường.

Từ điểm này, tôi muốn nói với các bạn học sinh rằng, tư duy sáng tạo cần phải đi cùng với trung thực, với ý thức xây dựng vì cộng đồng hơn là bác bỏ hoặc đập phá.

Dù lập luận chặt chẽ thế nào, nghĩa là thông minh đến đâu thì gốc rễ cho sự phát triển của một cá nhân vẫn là tinh thần hướng thiện. Trí thông minh - kiến thức kỹ năng mà mỗi người đạt được chỉ thật sự có giá trị khi chúng làm cho đời sống tinh thần họ ngày cao hơn, ý nghĩa hơn, khi chúng mang đến lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng, cho xã hội mà họ là một phần trong đó.

Bài viết của bạn Nguyễn Vũ Anh cũng cho tôi thấy rõ hơn nhiều điều liên quan đến dạy học và đánh giá trong môn văn ở nhà trường phổ thông.

Chính quan điểm chấm dựa ý cho trước hay nói khác là những những khuôn mẫu, những “barem” đã và đang làm cho giáo viên, người đánh giá chất lượng bài văn của học sinh, thường không nhìn ra được một cách cụ thể khả năng diễn đạt của các em”

Một là, thầy cô giáo chúng ta thiên về dạy tài liệu ôn thi hay sách giáo khoa được định sẵn hơn là dạy học sinh, nghĩa là dạy để các em phát triển khả năng, giúp các em thành những người học thành công, những công dân chân chính của xã hội.

Hai là, nỗi sợ học sinh điểm kém, thành tích dạy học bị thuyên giảm nếu để các em sáng tạo “chệch khung xương” của tài liệu giảng dạy.

Ba là việc đánh giá các sản phẩm làm văn của học sinh theo xu hướng nội dung ý (mà ý thì lại được xác lập sẵn bởi người ra đề cũng là từ tài liệu dạy học sẵn có) hơn là kỹ năng diễn đạt, tạo lập văn bản của học sinh với tư cách là một sáng tạo độc lập.

Xem xét các đáp án chấm bài văn nói- viết của học sinh ở nhiều nước trên thế giới, chúng ta có thể thấy giáo dục ngữ văn của nước họ tập trung đánh giá kỹ năng diễn đạt, tạo lập văn bản của học sinh chứ không nặng về chấm ý.

Nếu có chấm ý thì họ cũng chỉ xem xét rằng các ý đó liên quan với chủ đề không, ý tưởng có phong phú và có “nguyên thuỷ” - riêng của người viết không, và luận cứ dẫn chứng có chính xác khách quan không.

Chính quan điểm chấm dựa ý cho trước hay nói khác là những những khuôn mẫu, những “barem” đã và đang làm cho giáo viên, người đánh giá chất lượng bài văn của học sinh, thường không nhìn ra được một cách cụ thể khả năng diễn đạt của các em, thậm chí khó chấp nhận những ý tưởng, những cách lập luận vượt “khung”.

Họ, đôi khi, nhận diện và gọi tên ý tưởng vượt khung ấy như những biểu hiện lệch lạc, tha hoá của người học. Nhưng họ không biết rằng, làm như thế, chính họ đang tự đưa mình vào cuộc “tha hoá” bản thân khỏi đường hướng dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm mà nền giáo dục nước nhà đã và đang bỏ nhiều công sức và tài sản để thực hiện.

Trước thềm chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung hơn vào xem xét các “quan điểm tiếp cận” đối với quá trình dạy và học ngữ văn ở phổ thông.

Hãy dạy học sinh theo cách giúp cho các em “được học”- được rèn luyện, được phát triển, được “hưởng thụ” tinh hoa của sách vở. Đừng nhúng trẻ trong trạng thái được dạy bằng những tài liệu cố định đầy quyền uy của sự áp đặt. Hãy có quan niệm khác hơn về thành tích dạy học. Nó nhất định không đơn thuần là tỷ lệ điểm số, tỷ lệ đâu tốt nghiệp… Nó phải là số lượng học sinh cảm thấy hạnh phúc vì sự lớn lên ngày càng cao rộng về tinh thần.

Và trong đáp án chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn văn, đừng chỉ dừng ở chỗ nhắc nhở - lưu ý giảm khảo “đánh giá cao, khuyến khích những bài có sáng tạo trong cảm nhận và thậm chí cả trong cách trình bày, diễn đạt”. Thay cho lời lưu ý, hãy biến quan điểm khuyến khích phát triển năng lực diễn đạt ngôn ngữ và tư duy sáng tạo ở học sinh thành những “Hướng dẫn và đáp án chấm” thực tế và cụ thể.

  • TS Hoàng Tuyết (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
  • Theo Sài Gòn Tiếp Thị