- Trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến, các khách mời trao đổi về sự lựa chọn trường học cho con cái, những nỗ lực của ngành giáo dục trong chuyện cải thiện "áp lực điểm số cho học sinh" và lựa chọn một tương lai giáo dục đúng đắn cho trẻ em.
THÔNG TIN LIÊN QUAN
Các khách mời tại bàn tròn. Ảnh: Kiên Trung |
Nhà văn Trang Hạ: Hiện nay, đúng tuyến của mình là ở phường Thụy Khuê, Trường Tiểu học & THCS Chu Văn An. Trong đánh giá của phụ huynh, đây là trường tốt.
Bản thân mình ít nhiều còn chưa ưng ý. Nhưng con mình học không phải trong 8-9 năm đó mà cháu học từ khi lên 2-3 tuổi vào trường Mẫu giáo, mầm non.
Sau này cháu còn lên THPT, ĐH-CĐ nữa. Và mình nghĩ trách nhiệm của phụ huynh là cả quá trình lâu dài.
Khi học cấp II, tôi đã rất ngưỡng mộ Trường Thực Nghiệm của GS Đại. Trong một cơ chế giáo dục, học sinh luôn ngồi cùng một hướng và nhìn lên giáo viên và khao khát ít nhất một lúc nào đó học sinh có cơ hội mọi người được dân chủ.
Và khi có con học cấp I rồi cấp II, mình không lựa chọn Trường Thực Nghiệm. Lý do đơn giản là trong cái nhìn của mình, những trường điểm, trường tốt thì phải có quan hệ xin xỏ vào hoặc xếp hàng. Xin xỏ là điều mình sợ nhất để con biết hay nhìn thấy sau đó là chen lấn.
Trong môi trường giáo dục tốt đến mấy đi chăng nữa, con mình chưa chắc đã là gà nòi. Và cho ngựa chạy thi với trâu bò chẳng hạn, chắc chắn ngựa sẽ giỏi giang, còn con mình chỉ là trâu bò thôi (cười).
Trong những cuộc đua như thế, liệu trâu bò có giỏi giang hơn không dù được thả vào trong môi trường chuyên nghiệp và những người- “nài” chuyên nghiệp nhất huấn luyện?
Mình đánh giá cao nhất là niềm hạnh phúc của con cái khi cháu đến trường học.
Cuối cùng có những độc giả của mình, cũng là hiệu trưởng hay hiệu phó nói rằng “trường sẵn sàng nhận con chị vào lớp nào cũng được”. Nhưng bạn mình nói nên để con tự nhiên. Cái quan trọng là giáo dục của gia đình và tố chất của học sinh chứ không phải phải vào trường chuyên.
GS Hồ Ngọc Đại: "Sau khi trường nhập vào Viện Khoa học Giáo dục, chương trình bên ngoài được đưa vào cho nên, bây giờ phải học đến như thế cơ à? Nhà trường xưa nay có chủ trương như vậy đâu?" |
Ông Phạm Xuân Tiến: Nhiều người có chung quan điểm là áp lực học tập của học sinh đổi hết cho ngành giáo dục. Thực ra, đó chỉ là một phần của vấn đề. Xuất phát điểm của áp lực phải xem xét ở khía cạnh phụ huynh học sinh.
Tôi biết, quá nhiều phụ huynh học sinh, biết nhiều người và cũng chia sẻ với nhiều thầy cô, nhà trường rằng việc phụ huynh kỳ vọng vào con cái quá lớn gây áp lực cho cháu.
Tôi lấy ví dụ như có anh bạn, con học cũng bình thường. Bản thân cháu đã học ở nhà tôi, vợ tôi dạy rất cơ bản.
Cô cũng là giáo viên rất tên tuổi và đảm bảo những bài thi đại học dạng cơ bản có thể làm được 7-8 điểm. Nhưng người bố vẫn không yên tâm, mời thêm một thầy ở Trường Chuyên Khoa học Tự nhiên về dạy cho con.
Môn Toán như vậy, môn Lý rồi môn Hóa cũng như vậy sẽ tạo áp lực, học sinh không còn thời gian để nhào nặn lại kiến thức mà cháu đã học từ một thầy. Cháu phải có thời gian tự học. Nhưng chưa thẩm thấu xong thầy này, cháu đã được thầy khác nhồi tiếp kiến thức vào.
Nói về vấn đề thi đua, Bác Hồ đã nói: “Thi đua là yêu nước”, không thể tránh được. Rõ ràng, tôi và bạn chủ nhiệm một lớp, bao giờ tôi cũng có mong muốn là lớp tôi hơn lớp bạn. Hơn từ cái gì: hơn ý thức, hơn kết quả học tập. Vậy thì tôi luôn mong muốn các con cố gắng lên, các con đã đạt điểm 5 rồi cố lên 6, 6 rồi lên 7,…
Ta luôn đặt cho đứa trẻ có mục tiêu để phấn đấu để vượt lên chính nó. Mọi thành viên đều như thế thì lớp sẽ vượt lên. Bạn cũng muốn như lớp tôi, thì bạn sẽ luôn định hướng cho các em học sinh của lớp bạn phải như thế.
Bình thường, chúng tôi không giao bài tập về nhà cho học sinh. Nhưng phụ huynh nói: “Cô ơi, cô không ra bài tập về nhà, con tôi chỉ chơi điện tử. Thôi cô làm ơn cô cho cháu mấy bài. Chúng tôi làm kinh doanh không làm thế nào ra bài tập cho cháu được?".
Một phụ huynh xin được thì sẽ nhiều phụ huynh xin được. Bản thân giáo viên muốn thực hiện nghiêm túc quy định của ngành nhưng vì nể phụ huynh; và đồng thời nếu học sinh của mình làm bài thì các em sẽ có kiến thức, sẽ vượt được bản thân các em. Cứ như thế liên tục, liên tục…
Áp lực là cái mọi người đặt tên cho nó. Nếu ta gọi nó là bình thường thì là bình thường. Trước kia, chúng ta đi học và nhìn thấy tương lai công ăn, việc làm rất rõ. Tốt nghiệp ĐH 100% là được phân công công việc.
Trước kia, người học phải cố gắng một chút thì nay phải nỗ lực rất nhiều mới vào được ĐH. Tất cả tạo ra một cái guồng, luôn phải vận động để đạt được mục tiêu của mình và gia đình. Cái guồng này không biết khi nào mới dừng được.
Nhà báo Hoàng Hường: Đấy là phát biểu từ người làm giáo dục. Vậy nếu là phụ huynh học sinh, thưa ông Thành vì sao ông không muốn cho con vào trường điểm?
Ông Lê Tiến Thành: Chúng tôi nghĩ thế này thôi. Có hai mặt như chị Trang Hạ đã nói hãy để cho trẻ phát triển tự nhiên đừng ép chúng vượt quá khả năng của chúng. Từ “trường điểm” mình đã, đang nói nhiều khi mang tiếng, mà chắc đây là từ “tự phong” chứ Sở cũng không có trường nào “trường điểm”.
Còn Bộ chỉ có khái niệm “trường chuẩn quốc gia”. Ở đó có 5 nội dung yêu cầu: Đội ngũ, đủ cơ sở vật chất, hiệu quả các hoạt động giáo dục, công tác xã hội hóa, quan hệ với cộng đồng. Một trường chuẩn rất đẹp để cho đứa trẻ phát triển. Trong đó, học chỉ là một phần mà có cả không gian chơi. Vì thế, các thành phố có ít trường chuẩn quốc gia hơn vì thiếu không gian chơi cho trẻ.
Quay lại, Trường Thực Nghiệm quá lý tưởng, là không gian phụ huynh mơ ước, cũng thèm như vậy. Còn tôi chỉ có một lời khuyên đừng ép cháu phải thành thế này, thế kia. Bây giờ, một gia đình chỉ 1-2 cháu nên có phần lo lắng, lo xa đã ít nhiều tạo áp lực cho con. Nhà trường cũng có tạo áp lực nữa.
Ta đã nói nhiều, nhưng xin nói thêm trong chỉ đạo của chúng tôi, đới với trẻ lớp 1, 2, 3 chỉ có đánh giá Toán, Tiếng Việt bằng điểm số. Còn lại, tất cả là nhận xét, biểu dương đạt hay chưa đạt, chưa đạt thì cố lên. Cái đó rất nhẹ nhàng.
Các bạn cũng nên biết rằng trong ngành đã cải cách như vậy để không để điểm số tạo ra sức ép. Qúa trình này nhiều trường đã làm được. Các trường đang phấn đấu để giảm bớt áp lực đó. Nhưng không tránh được rằng nhận thức là một quá trình.
Có trường nhận thức tốt, chỉ đạo sát, giáo viên hiểu nhưng lại có sức ép, kiểu như anh Tiến nói, cho nên Bộ đã kêu gọi cho trẻ phát triển nhẹ nhàng, từ năm 2002 đã thực hiện việc không cho điểm các môn chỉ có Toán, Tiếng Việt. Tuy vậy, sức ép vô hình vẫn có.
Các bạn cũng thấy, khoảng 5-6 năm nay, học sinh thi ĐH điểm cao không phải ở những thành phố lớn hay trường điểm để thấy phần nào đó sự vận động của Nhà nước, xã hội và của ngành đã có hướng đi tích cực. Nhưng để đạt được ngay trong một sớm một chiều thì không thể vì điều này là cả quá trình.
Ông Lê Tiến Thành: "Trong ngành đã cải cách như vậy để không để điểm số tạo ra sức ép. Qúa trình này nhiều trường đã làm được. Các trường đang phấn đấu để giảm bớt áp lực đó. Nhưng không tránh được rằng nhận thức là một quá trình". |
Nhà báo Hoàng Hường: Nhưng con cháu vẫn phải làm bài tập ở nhà đến 2 tiếng...
GS Hồ Ngọc Đại: Ồ, đấy! Việc đưa chương trình bên ngoài vào. Phụ huynh ngày xưa rất sướng vì chúng tôi không cho điểm, không xếp loại, không ra bài về nhà làm, không học trước, học thêm.
Sau khi trường nhập vào Viện Khoa học Giáo dục, chương trình bên ngoài được đưa vào cho nên, bây giờ phải học đến như thế cơ à? (quay sang nhìn MC). Nhà trường xưa nay có chủ trương như vậy đâu?
Nhà báo Hoàng Hường: Mà cháu lại học lớp của chương trình thực nghiệm đó thầy ạ.
Ông Phạm Xuân Tiến: Bây giờ mình phỏng vấn bạn Trang Hạ một câu là khi đi đón con ra, phụ huynh thường hỏi con câu gì?
Nhà văn Trang Hạ: Tôi vẫn thường hỏi con ở trường có việc gì, có gì hay không con? Có phụ huynh khác sẽ hỏi con được mấy điểm.
Ông Phạm Xuân Tiến: Đó! 90% phụ huynh sẽ hỏi con được mấy điểm. Chính vì vậy, nhiều năm nay, Hà Nội cương quyết vấn đề cho điểm. Con được điểm cao sẽ khoe ngay, điểm thấp sẽ giấu đi.
Và như vậy sẽ tạo ra mâu thuẫn trong chính đứa trẻ. Phụ huynh thì luôn nghĩ điểm số mới đánh giá được con cái. Con được 9 “ừ, giỏi, bố thưởng”. Con 4 điểm: “mày học thế nào vậy?”, tát cho bốp một cái. Đứa trẻ rất ảnh hưởng vì áp lực điểm số.
Nói vậy để thấy rằng có khá nhiều phụ huynh nếu cô không cho điểm tức là không kiểm tra. Khổ như vậy.
Họp phụ huynh “cô ơi, cô cứ cho điểm đi. Nếu không phụ huynh chúng tôi làm thế nào”. Thay vì cho điểm số có thể nhận xét ngay cả môn Toán “cũng làm đúng nhưng trình bày chưa đẹp, cố gắng nhé”.
GS Hồ Ngọc Đại nhắc lại: Ngày xưa Trường Thực nghiệm không cho điểm, không xếp loại, khen thưởng vì khen đứa này gián tiếp làm nhục đứa khác. Em kia tủi thân chứ. Đứa giỏi không cần khen nó vẫn vui. Đứa yếu nó biết và nó đã khổ rồi. Cho nên, không có chê. Trẻ con ai cũng thích học giỏi, thích khen. Không được phép nói em sai, chưa đúng, chưa đúng lắm.
Trẻ con mà thi đua nhưng đã cạnh tranh thì làm sao lành mạnh được. Không so sánh với cháu khác thì như thế trẻ vui vẻ lắm. Trường chúng tôi không gọi trẻ là “con” mà là “bạn”. Như vậy nó nhẹ đi. Không lẽ nói “bạn úp mặt vào tường? Vô lý”. Nhưng “con” thì có thể bắt làm như thế. Không trừng phạt trẻ con. Trẻ con như mặt đê, áp mãi rồi cũng vỡ ra.
Cần nhắc lại hậu quả của chương trình 2000. Những người quản lí hiện nay phần nào cũng là nạn nhân, phải kế thừa cái vốn có, không phải muốn thế. Tất cả đã cách đây mười mấy năm thì lạc hậu như thế nào so với hiện tại. Đến một lúc nào đó phải có cơ hội họ mới tỉnh ra được chứ bây giờ chưa thấy được.
|
|
Ông Ngô Văn Chất: Trường đạt chuẩn phải đủ 5 yếu tố như anh Thành đã nêu. Khi công nhận chuẩn một thời gian sau trường không còn chuẩn nữa theo tôi nghĩ nếu hoàn toàn thì không phải vậy. Nó có thể ở khía cạnh nào đó vì mọi thứ luôn thay đổi.
Đơn cử về chất lượng lúc đó như vậy nhưng sau có thể hơn vì luân chuyển giáo viên, chất lượng nâng lên. Hay điều kiện cơ sở vật chất, trường học rộng rãi, môi trường thoáng mát,… cũng là sức hút để phụ huynh đưa con em đến.
Để bớt căng thẳng cho trường chuẩn giải pháp là tạo ra nhiều trường chuẩn. Chúng ta cũng biết việc để các trường trong vùng nội thành để tăng diện tích quả là điều khó khăn. Nhiều địa phương có giải pháp xây thêm trường, giảm sĩ số ở trường quá đông, luân chuyển giáo viên để điều hòa chất lượng cũng là biện pháp giảm áp lực cho các trường được gọi là “điểm”.
Nhà báo Hoàng Hường: Cảm ơn các khách mời đã thu xếp thời gian tham gia chương trình. Còn rất nhiều vấn đề giáo dục có thể đặt ra từ câu chuyện “đạp đổ cổng trường vừa qua”, nhưng trong giới hạn thời gian của buổi bàn tròn, chúng tôi chỉ nêu các mối quan tâm phổ thông nhất của phụ huynh. Cũng có thể coi đây là cơ hội để các khách mời đóng góp ý kiến giải pháp cho một “sự vụ” vừa xảy ra. Chốt lại vấn đề, các vị có thêm ý kiến gì không ạ?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi phải nói lại thế này. Sự việc vừa qua (xô đổ cổng Trường Thực nghiệm) chứng tỏ họ (phụ huynh) chọn cái ít tồi tệ hơn trong 2 cái tồi tệ. Thế thôi. Đừng hy vọng gì nhiều hơn.
Ông Ngô Văn Chất : Tôi nghĩ điều các bạn quan tâm, làm thế nào để điều kiện, chất lượng các trường đồng đều hơn để phụ huynh không phải đổ xô như vậy nữa. Các bạn cũng biết do đô thị hóa, hàng năm học sinh đổ về nhiều. Tại sao trường học đông? Vì ô tô mà chở quá 36 người, bỏ bớt 1 thì được khen nhưng đứa trẻ thứ 35-36 đó vào lớp học ai bỏ được? Nhiều khi ngành giáo dục chúng tôi là nạn nhân nhưng không chia sẻ cho ai được vì không thể cho 2 – 3 cháu kia không vào lớp được.
Nhà văn Trang Hạ: Bản thân phụ huynh đều mong muốn con được sự giáo dục tốt nhất. Nhưng chính vì vậy, họ trông chờ một trường tốt, trường điểm hoặc ánh sáng nào đó từ trường quốc tế. Tôi cho rằng trách nhiệm của phụ huynh không phải chỉ chọn trường tốt cho con là xong, đua cho con vào Trường Thực Nghiệm hay một trường học nào đó mà quý vị cho rằng “đó là trường điểm” là xong. Khi đó trách nhiệm của phụ huynh mới chỉ bắt đầu thôi. Mong phụ huynh hiểu được điều đó.
- Thực hiện: Kiều Oanh - Hạ Anh - Hoàng Hường
- Ảnh: Kiên Trung