Tiến độ xem xét, xử lý vụ việc tiêu cực ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) những ngày qua khiến dư luận sốt ruột. Thái độ của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khiến dư luận không khỏi hồ nghi. Cuộc chiến chống tiêu cực trong thi cử và giáo dục vì sao không được như kỳ vọng
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Bộ trưởng có to?
Với vụ clip tiêu cực thi cử ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), cái tên "Đỗ Việt Khoa" lại được nhắc tới. Trao đổi với chúng tôi, thầy Khoa cho biết mục đích của thầy khi tổ chức quay cảnh tiêu cực ở Trường Đồi Ngô là chỉ để "treo chuông vào cổ mèo", hi vọng sẽ "buộc" lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận một sự thật tiêu cực nghiêm trọng trong thi cử đang hiển hiện.
Những tưởng khi vụ việc đã khá rõ ràng như vậy, cách xử lý cũng sẽ đơn giản và nhanh chóng. Nhưng những người trong cuộc không thấy vậy. "Tháng 6-2006, sau khi quay cảnh tiêu cực thi cử ở hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A, tôi mang clip lên nộp cho Sở GD-ĐT Hà Tây nhưng chẳng ai chịu nhận. Tôi lại mang clip lên nộp cho chánh thanh tra bộ lúc đó là ông Nguyễn Văn Trang. Ông Trang không nhận mà khuyên tôi nên đưa cho báo chí, vì theo ông Trang, bộ có nhận cũng không giải quyết được gì. Tôi vẫn kiên trì, xin gặp bộ trưởng, lúc đó là ông Nguyễn Minh Hiển. Ông Hiển cũng nói việc rất phức tạp, giải quyết rất khó. Tôi rất ngạc nhiên, vì cứ nghĩ bộ là rất to. Về sau tìm hiểu tôi mới biết thầy Trang, thầy Hiển nói đúng".
“Tất cả sự việc sẽ thể hiện ở hồ sơ của các cơ quan chức năng. Nếu Bộ GD-ĐT nhận thấy hồ sơ không thể hiện thỏa đáng với thực tế, việc xử lý không đúng với quy chế, không đúng với quan điểm của bộ trong việc thực hiện cuộc vận động “hai không” thì bộ phải yêu cầu địa phương xem xét, xử lý lại. Điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trên thực tế quả thật có chuyện nể nang nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là giữa cơ quan quản lý ngành với chính quyền địa phương. Nhưng nếu Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện cuộc vận động “hai không”, coi đó là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo thì phải chủ động và kiên quyết khi làm việc với tỉnh. Theo quan sát của tôi, thường khi người đứng đầu ngành thể hiện thái độ kiên quyết thì tỉnh chấp nhận”. GS NGUYỄN MINH THUYẾT |
Câu chuyện phân cấp quản lý
Kịch bản "hai không" mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân xây dựng cũng đã tính toán đến độ dày của bức tường phân cấp này. Trước khi phát động phong trào "hai không" tại TP.HCM ngày 31-7-2006, ông Nguyễn Thiện Nhân tiến hành các cuộc gặp gỡ, làm việc với cấp ủy và UBND một số địa phương, mở đầu là buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây (12-7-2006).
Còn trong lễ phát động phong trào "hai không", lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng 64 giám đốc sở GD-ĐT đã cùng ký vào thư gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục.
Thời điểm đó, khi trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thiện Nhân tràn đầy lạc quan tin tưởng rằng "hai không" chắc chắn thành công bởi lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đã hứa sẽ ủng hộ.
Sự kiện tổ chức giải bài thi ngay trong hội đồng thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Lương Tài (Bắc Ninh) kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2007 là một cơ hội để lãnh đạo ngành GD-ĐT bày tỏ ý chí chống tiêu cực trong thi cử của mình và cũng là lúc tỉnh Bắc Ninh thể hiện mức độ ủng hộ với "hai không".
Ngay sau khi được báo cáo sự việc, Bộ GD-ĐT đã cử ngay một đoàn công tác do một thứ trưởng lúc đó là ông Bành Tiến Long dẫn đầu về làm việc với ban chỉ đạo thi tỉnh Bắc Ninh ngay tại hội đồng thi TTGDTX Lương Tài. Trong cuộc họp đó, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi gian lận thi cử có tổ chức được đặt ra.
Theo phân cấp quản lý, UBND tỉnh Bắc Ninh giao trách nhiệm cho Sở GD-ĐT Bắc Ninh xem xét, làm rõ sự việc, và chỉ tám ngày sau là có kết quả. Tuy nhiên, kết quả xử lý của Bắc Ninh lại không như dư luận kỳ vọng: một giám đốc TTGDTX (là chủ tịch hội đồng thi) bị cách chức; ba cán bộ, giáo viên bị buộc thôi việc; 12 người khác bị cảnh cáo, khiển trách. Trả lời báo giới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đó là quyết định của Bắc Ninh và bộ tôn trọng.
Thái độ "tôn trọng" các địa phương của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc xử lý tiêu cực trong ngành GD-ĐT còn được thể hiện ở nhiều vụ việc khác trong suốt quá trình sau này, khi mà ngọn cờ "hai không" vẫn đang được phất cao. Chẳng hạn năm 2008, tại Ninh Bình xảy ra vụ tiêu cực trong tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Nhận được khiếu nại của người dân, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đã về Ninh Bình để tìm hiểu sự việc.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu sự việc, thay vì xem xét việc tuyển sinh của Ninh Bình có trái với quy chế mà Bộ GD-ĐT đã ban hành hay không, đoàn công tác của bộ lại căn cứ vào việc Sở GD-ĐT Ninh Bình có làm đúng như chỉ đạo của UBND tỉnh và thường vụ tỉnh ủy hay không! Sau đó, tại các cuộc họp báo thường kỳ, khi được các phóng viên chất vấn, đại diện thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết chức năng của thanh tra bộ là thanh tra hoạt động chuyên môn của cấp sở, việc tìm hiểu và xem xét những sai phạm trong chỉ đạo của tỉnh, nếu có, là thẩm quyền của cơ quan thanh tra nhà nước!
Giải quyết tiêu cực ở Bắc Giang, Bộ vẫn chờ tỉnh
Sở dĩ năm 2007, chỉ từ báo cáo của thanh tra ủy quyền, sau tám ngày tìm hiểu, xem xét sự việc, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã có được kết luận và đề xuất hình thức kỷ luật đối với 16 cán bộ có liên quan đến vụ giải đề thi tại hội đồng coi thi TTGDTX Lương Tài một phần do năm đó lãnh đạo Bộ GD-ĐT về tận nơi đề nghị Bắc Ninh xử lý.
Một hình ảnh tiêu cực ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip) |
Còn năm nay, suốt hơn chục ngày kể từ khi clip tiêu cực thi cử ở hội đồng coi thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô được đẩy lên các trang mạng, ngày nào dư luận cũng sục sôi ngóng thông tin, các cơ quan chức năng của Bắc Giang vẫn "đang xem xét". Nhưng điều khiến dư luận nóng ruột hơn cả là ở thái độ tiếp nhận vụ việc của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Trước kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn các báo đài rằng đây là kỳ thi tốt nghiệp mà bộ đẩy mạnh cơ chế quản lý phân cấp. Bộ chỉ làm công tác ra đề, chỉ đạo, giám sát. Mọi khâu tổ chức từ in sao đề, coi thi, thanh tra, chấm thi... đều do các địa phương đảm nhiệm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc phân cấp triệt để cho các địa phương không phải do bộ nới lỏng kỳ thi mà để "coi trọng trách nhiệm của chính những người đi làm thi".
Ông Hiển nói: "Những người trực tiếp tham gia làm thi mới là những người làm nên kỳ thi nghiêm túc chứ không phải mấy vị thanh tra". Sự tin tưởng này của bộ đã khiến số thí sinh và giám thị vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 thấp chưa từng có trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp nhiều năm gần đây.
Sau ba ngày thi, cả nước có 27 thí sinh bị đình chỉ, không bằng 1/2 số thí sinh bị đình chỉ trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi năm 2006 (trước khi có "hai không").
Thái độ tôn trọng cơ chế quản lý phân cấp này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT sử dụng triệt để ngay trong những ngày dư luận ồn ào nhất về vụ clip thi tốt nghiệp ở Trường Đồi Ngô. Bộ GD-ĐT chỉ có công văn gửi Sở GD-ĐT Bắc Giang yêu cầu "phối hợp với các cơ quan liên quan, xác minh làm rõ danh tính, hành vi vi phạm quy chế thi của lãnh đạo hội đồng, các giám thị, thí sinh và các đối tượng liên quan trong hội đồng coi thi".
Một tuần sau đó trôi qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết bộ "vẫn chờ Sở GD-ĐT Bắc Giang và các cơ quan chức năng của tỉnh xác minh vụ việc, kết luận và xử lý theo thẩm quyền mà tỉnh và các cơ quan trong tỉnh được phân cấp". Cần nói thêm rằng năm 2007, năm đầu tiên thực hiện "hai không", tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường THPT dân lập Đồi Ngô là 6,29%, là một trong những trường có tỉ lệ đỗ thấp nhất tỉnh Bắc Giang. Sau năm năm thực hiện cuộc vận động "hai không", tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã lên đến 97,77% vào năm ngoái (2011), nhưng vẫn là một trong những trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh này.
“Theo tôi, phong trào “hai không” trong những năm gần đây chùng xuống là do bộ và tỉnh gặp nhau ở cách làm và tinh thần chỉ đạo. Nếu bộ làm căng theo đúng tinh thần “hai không” thì tư duy của lãnh đạo các địa phương cũng sẽ khác. Năm 2007, Nghệ An hưởng ứng “hai không” bằng cách thi thật. Nhưng năm sau trong số các lãnh đạo tỉnh có người đặt lại vấn đề có nên thực hiện “hai không” quyết liệt thế chưa? Lẽ ra ngay năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “hai không”, bộ cần phải làm căng. Đằng này bộ chỉ động viên lấy lệ với các tỉnh làm được, còn với những địa phương chưa làm được thì chỉ đưa ra vài câu phê bình rút kinh nghiệm chung chung. Cách làm này của bộ ảnh hưởng tới tinh thần chỉ đạo của các địa phương những năm về sau”. Ông NGUYỄN TIẾN HƯNG (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An) |
- Theo Thư Hiên (Tuổi trẻ cuối tuần)