- "Tôi băn khoăn về cách ứng xử của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ông chọn ứng xử như vậy vì ông hiểu rõ và bất lực trước sự xuống cấp của chất lượng phổ thông: Chất lượng thấp mà đậu cao, thì tiêu cực là tất yếu..." thầy giáo Trần Đình Trợ (Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) đặt vấn đề như vậy khi trao đổi với VietNamNet.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Bắc Giang là ví dụ minh họa cho tiêu cực tràn lan

Hằng năm, sau kỳ thi tốt nghiệp, lãnh đạo Bộ thường nhận xét trong các buổi họp báo: “Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và hiệu quả” nhưng trên các báo, các trang mạng và trong dư luận vẫn nhiều phản ánh về tiêu cực trong thi cử. Điển hình là năm nay. Ông nghĩ gì về sự trái ngược này?

- Bộ GD đã làm ngơ trước một sự thật là, một số lượng rất lớn thí sinh sẽ trượt trong một kì thi tốt nghiệp (TN) nghiêm túc. Tỷ lệ TN của những năm làm “hai không” và phổ điểm thi ĐH đã minh chứng cho điều đó. Tỷ lệ TN của những năm gần đây, có được là nhờ sự gian dối?

Thầy Trần Đình Trợ: "Các bằng chứng của gian dối, đều được phát hiện bởi các “quần chúng tự phát”. Bộ máy cồng kềnh của quản lý thi, của thanh tra mọi cấp, đều không tìm thấy những bằng chứng “đáng giá”. Thực ra, họ đã nhắm mắt làm ngơ, rồi bịt mắt cấp trên bằng những báo cáo gian dối...". Ảnh: Minh Lý

Một điều hài hước là, các bằng chứng của gian dối, đều được phát hiện bởi các “quần chúng tự phát”. Bộ máy cồng kềnh của quản lý thi, của thanh tra mọi cấp, đều không tìm thấy những bằng chứng “đáng giá”. Thực ra, họ đã nhắm mắt làm ngơ, rồi bịt mắt cấp trên bằng những báo cáo gian dối. Dù tin hay giả vờ tin, cấp trên cũng phải dựa vào đó để phát ngôn.

Bi kịch xảy ra, nếu sau khi lãnh đạo Bộ tuyên bố, bằng chứng sự gian dối lại xuất hiện. Những clip thi ở Hà Tây năm 2006, biên bản sửa đáp án môn Văn năm 2011, clip ở Hà Giang năm nay, đã xuất hiện một cách “không đúng lúc” như vậy. Đó là lý do, Bộ GD luôn lo ngại sự xuất hiện bất ngờ của các bằng chứng.

Ông đánh giá gì về sự cố ở Bắc Giang, và những ý kiến của Bộ trưởng về sự cố này?

- Tôi không cho đó là sự cố. Nó chỉ là ví dụ minh họa cho những tiêu cực tràn lan. Xung quanh tôi, cũng có những tiêu cực tương tự, chỉ khác về mức độ.

Để hình dung về tính phổ quát, ta thử đặt giả thuyết, tỷ lệ TN “thực chất” là 60% , và tỷ lệ TN “trên thực tế” là 90%, vậy sẽ có 30% đậu TN “ma”, nghĩa là khoảng 300.000 học sinh TN bằng cách tiêu cực. Giả sử mỗi em học yếu đó, lại nhờ vả một bạn khá tương trợ trong thi. Thì sẽ có 60% , tức là hơn nửa triệu thí sinh tham gia “làm tiêu cực”, chưa tính giám thị và thành phần khác. Chỉ cần một phần trăm số đó, cũng đã là một con số kinh khủng.

Về cách ứng xử của lãnh đạo ngành GD trước các “sự cố”, tôi rất khâm phục PTT Nguyễn Thiện Nhân. Thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực thi cử ở Hà Tây, khi đó Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng đã ủng hộ ngay bằng phong trào “hai không”. Bộ trưởng tặng bằng khen, dù thầy Khoa cũng có vi phạm quy chế. Gần đây, khi biêt vụ Bắc Giang, Phó thủ tướng chỉ đạo: “Phải làm rõ vì danh dự của ngành giáo dục”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại ứng xử khác, khi ông nói: “Bộ đang chờ báo cáo..”, “Dư luận đã vội vàng khi công bố thông tin”, “Cứ để dư luận người ta nói..” . Ông lại nói “Việc tung clip lên mạng, làm khó cho công tác quản lý”.

Tôi băn khoăn về cách ứng xử của Bộ trưởng. Phải chăng, ông nói thế vì ông hiểu rõ và bất lực trước sự xuống cấp của chất lượng phổ thông. Ông hiểu rằng, chất lượng thấp mà đậu cao, thì tiêu cực là tất yếu. Vì vậy, ông đang tìm một cách “tốt nghiệp” khác. Nếu đúng như vậy, Bộ trưởng sẽ thấy xóa thi, là cách hay nhất.

Không nên xử lý học sinh quay clip

Dư luận bàn nhiều về công tội của thí sinh đã quay video clip ở Bắc Giang. Có người cho rằng, những người tố cáo tiêu cực thường bị luận tội nhiều hơn là xét công. Ông tán thành ý kiến này không?

- Tôi tán thành Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, khi ông có ý “thông cảm” thí sinh đã “trót dại” quay clip. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng từng ủng hộ thầy Khoa. Đó là cách đối xử rất sáng suốt của lãnh đạo ngành, với những người chống tiêu cực.

Tôi cho rằng, không nên đánh trượt học sinh quay video lẫn học sinh sử dụng phao bị quay trong video. Nếu thế, có thể phải hủy kết quả thi của toàn hội đồng thi Đồi Ngô, rồi phải xem xét chuyện tổ chức thi lại TN THPT trên phạm vi toàn quốc.

Theo tôi, nên khen thưởng những người quay và tung clip lên mạng, nếu xét thấy động cơ của họ là tích cực.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, trước mắt vẫn duy trì kì thi tốt nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng tính tự giác học của học sinh cần gắn camera từng phòng thi? Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm coi thi của giám thị?

- Tôi không cho là như vậy. Tôi tin lãnh đạo Bộ GD cũng hiểu rõ tình hình, và họ đang tìm cách tiếp tục gọn nhẹ hóa kì thi TN. Nếu chưa xóa bỏ, tôi đề nghị Bộ giao thi TN PTTH cho Sở GD, hoặc giao hẳn cho các trường.

Nếu “trên dưới một lòng” muốn thi TN giả, thì sinh ra camera, để ai theo dõi ai. Mới có vài video clip tung lên mạng, mà tất cả đã loạn lên, thì gắn hàng loạt camera, rồi sẽ ra sao?

Bằng TN không còn là chứng chỉ của chất lượng

Nhiều người cho rằng, nền giáo dục của ta là “ứng thí”. Đang còn thi tốt nghiệp, thì học sinh đang còn học (dù chưa đạt yêu cầu). Nếu bỏ thi, có thể học sinh còn lười học hơn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều thí sinh “ứng thí” bằng quay cóp, chứ không phải bằng học. Chúng ta bỏ thi cấp Tiểu học, rồi cấp THCS, và mọi việc vẫn trôi chảy. Ở Hà Tĩnh, do việc xét tốt nghiệp THCS khá nghiêm túc, nên chất lượng học sinh PTCS tốt hơn khi còn tổ chức thi TN THCS. Tôi tin rằng, nếu đưa việc thi (hoặc xét) TN THPT về cho các trường, thì học sinh sẽ chăm chỉ học tập hơn. Vì nhà trường xét, dù có giả, cũng ít cồng kềnh hơn tiến hành một kì thi.

Ông nhận xét gì về các kì thi TN THPT trong những năm gần đây? Trong khi có nhiều ý kiến đề nghị bỏ thi TN THPT, nhưng Bộ GD cho rằng chưa đến lúc, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, trong nhiều năm gần đây, kết quả thi TN THPT không phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông. Có nhiều nguyên nhân để chất lượng đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ đậu TN thì cứ đi lên, chứng tỏ thi TN ngày càng giả. Mong muốn hàng thật không thỏa, nên mọi người chấp nhận hàng giả.

Thầy giáo Trần Đình Trợ: "Đây là thời điểm chín muồi để xóa bỏ thi tốt nghiệp, hoặc giao nó cho các trường tự quản...". Ảnh: Minh Lý

Mọi người nghĩ, học sinh khá giỏi, kiểu gì cũng đậu. Còn học sinh dốt, thôi thì châm chước. Mười hai năm đèn sách, mất công tốn tiền, mà không chữ nào vào bụng. Mọi người đều cảm thấy có lỗi, trong việc chất lượng dạy học giảm sút. Nên họ dễ tặc lưỡi “thương học sinh, nương tay cho các em kiếm tấm bằng tốt nghiệp”. Đây là nguyên nhân sâu xa, của những tiêu cực trong thi TN. Tấm bằng TN từ lâu đã không còn là chứng chỉ chất lượng. Nó chỉ dùng để làm thủ tục hồ sơ cho thi ĐH và kiếm việc.

Làm thế nào để học sinh tự giác học, làm thế nào để công tác làm thi bớt dối trá (nếu nhìn vào clip ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang thì sự dối trá dột từ trên dột xuống một cách ngang nhiên) và làm thế nào để thi phản ánh đúng thực chất dạy và học?

- Tôi thích cách dùng từ của anh. Phải dùng từ“dối trá” chứ không phải “bệnh thành tích” hay “tiêu cực”. Ngành giáo dục đang dối trá từ học cho đến thi, dối trá từ nóc dối xuống. Theo tôi, phải chấp nhận một thực tế là sẽ còn nhiều học sinh dốt. Thôi thì đành cho các em đó lên lớp, đành cho các em cái chứng chỉ, để các em đi làm. “Cho” như vậy sai, nhưng sai sẽ to hơn, nếu “cho” bằng một kì thi cồng kềnh mà dối trá.

Vậy còn những học sinh chăm ngoan, có ý chí học tập thì sao. Nhà trường cần tổ chức dạy và học cho tốt, để các em đó học. Bộ GD cần tổ chức thi ĐH thật nghiêm túc, để các em ấy thi. Bộ GD cũng cần chấn chỉnh lại hệ thống trường ĐH, để các học sinh đó có đích vươn tới. Hiện nay, trường ĐH đang mọc ra như nấm, vào ĐH dễ hơn vào chợ, nhưng tốt nghiệp ĐH rồi lại thất nghiệp. Điều này làm mất khát khao học của học sinh khá giỏi. Người khá giỏi mà cũng không học, đó là mối nguy lớn cho xã hội.

Còn kì thi TN THPT, nên xóa nó đi. Đây là thời điểm chín muồi để xóa bỏ nó, hoặc giao nó cho các trường tự quản. Nếu Bộ GD không nắm lấy cơ hội này, thì sẽ có nhận lấy nhiều Đồi Ngô (Bắc Giang), Phú Xuyên A (Hà Tây)... ở những kì thi sau.

- Cảm ơn ông!

  • Duy Tuấn (thực hiện)