- “Nên chăng cần thay đổi các môn thi thì sẽ tránh được việc học tủ học vẹt, đến mức mà học sinh không thể viết 1 lá thư hành chính cho riêng mình..." VietNamNet đăng tải ý kiến của bạn đọc Nguyễn Hiếu xung quanh những tranh cãi có nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.

TIN LIÊN QUAN:

Hình ảnh cắt từ clip gian lận trong kì thi tốt nghiệp ở trường THPT Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang

Nhân đọc bài báo sáng nay của thầy giáo Vũ Quốc Lịch, tôi xin mạn phép đề cập đến những vấn đề cố hữu Dạy - Học - Thi của nền giáo dục Việt Nam.

Tôi đồng ý với thầy Lịch là không nên bỏ thi tốt nghiệp, vì tôi thấy nhiều nước tiên tiến hiện nay như Pháp... vẫn không bỏ kì thi tú tài (baccalauréat) mà kết quả kì thi này được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học của Pháp. Dĩ nhiên những trường lớn hay chuyên biệt như mỹ thuật, kiến trúc... đều phải thi. Và dĩ nhiên, một khi tham gia kỳ thi phải có đậu - rớt, và khi những người có trách nhiệm, lương tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc thì tỷ lệ của Pháp chỉ đạt 85, 6 (kết quả năm 2011 - nguồn: www.education.gouv.fr).

Trong khi đó, nhìn lại tỷ lệ đậu của Việt Nam trong những năm nay đều là những con số rất đẹp - xấp xỉ 100%. Và Trường Đồi Ngô ở Bắc Giang, nếu không có những clip phát tán trên mạng cũng sẽ có những con số rất đẹp (biết đâu sẽ đậu 100% và trở thành một trường đứng đầu cả nước về tỷ lệ đậu vì thí sinh được sự giúp sức của cả một hệ thống giáo viên của nhà trường).

Xin mở ngoặc là nếu không có sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng Coi thi và Hiệu trưởng nhà trường thì các giáo viên ấy có dám vượt rào để làm một việc tệ hại như thế?

Một hệ quả tất yếu là mọi người đều đồng tình bỏ kỳ thi tốt nghiệp Tú tài khi mà kết quả hàng năm đều đậu gần 100% (một con số đáng mơ ước của bất kỳ nền giáo dục tiên tiến nào!). Ở đây tôi đề cập đến chữ “tâm”: Khi mà những người có trách nhiệm luôn khẳng định an toàn và nghiêm túc ở một kỳ thi có nhiều sai phạm như thế thì thử hỏi họ có tâm hay không? Đáng buồn thay!! Còn những người trực tiếp vi phạm trong clip thì ngoài việc không có tâm, họ còn là những tội phạm cần phải bị truy tố trước pháp luật để răn đe và để công lý được thực thi.

Vấn đề thứ hai là về các môn thi, nhất là các môn thi Đại học đã vô hình chung làm cho học sinh học tủ, học vẹt. Tôi đã từng hỏi các em sinh viên thực tập tại công ty về một số chủ đề thời sự và lịch sử nhưng hầu như các em đều không biết.

Một thực tế ngày nay mà ai cũng đồng ý là học sinh và sinh viên rất ít đọc sách báo thời sự và chuyên ngành trong khi báo lá cải lại nhan nhản khắp nơi. Như thế, một sinh viên ngành Kinh tế nên cần biết cấu tạo nguyên tử, các nguyên tố, công thức hóa học của các enzim, ankan... hay là những kiến thức về kinh tế xã hội?

Quy định các môn thi Đại học cứng nhắc (Khối A: Toán, Lý, Hóa... ) chính là nguyên nhân khiến các em chỉ chăm chăm vào luyện thi các môn đấy. Nên chăng cần thay đổi các môn thi thì sẽ tránh được việt học tủ học vẹt, đến mức mà học sinh không thể viết 1 lá thư hành chính cho riêng mình.

Tôi giả sử: Một học sinh thi vào một trường đại học khối kinh tế nên chăng chỉ cần kiến thức về Toán, kỹ năng phân tích tổng hợp và viết luận, kiến thức về kinh tế - xã hội - văn hóa tổng hợp. Do vậy các môn thi vào trường kinh tế (nếu vẫn giữ 3 môn thi) thì nên là Toán, Trắc nghiệm về kiến thức kinh tế - xã hội và một bài luận tổng hợp từ các bài báo về một vấn đề kinh tế cụ thể. Chứ như hiện nay thi đại học 3 môn Toán - Lý - Hóa thì khi vào trường, việc không sử dụng đến các kiến thức Lý - Hóa là một sự lãng phí.

  • Bạn đọc Nguyễn Hiếu