- “Có người nói với tôi rằng, đâu chỉ có một Đồi Ngô ở Bắc Giang, mà có cả một “rừng ngô” trong cả nước” - đó là cách so sánh của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi trả lời VietNamNet về kì thi tốt nghiệp PTTH năm 2012.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Chấm chéo cũng chả ích gì

- Hầu hết các trường THPT trên toàn quốc đã công bố kết quả kì thi tốt nghiệp năm 2012 với tỉ lệ đỗ rất cao, có trường đạt tỉ lệ 100%. Theo Giáo sư, điều này có thực chất?

Tôi không tin và chắc chắn là chả có ai tin những con số này. Bằng chứng là sau kì thi "phao" vẫn trắng các sân trường. Học sinh hiện nay có xu thế chỉ chú tâm học 3-4 môn sẽ thi ĐH, CĐ. Đợi khi Bộ công bố thi tốt nghiệp THPT những môn nào thì mới mở sách ra học. Học làm sao kịp, vì vậy đành phải cầu cứu đến "phao". Có cầu thì có cung, các cửa hàng bán "phao" nhẽ ra phải bị coi là phạm pháp, phải bị tịch thu và xử phạt mới đúng.

GS Nguyễn Lân Dũng: ""

Các thầy cô giáo thì nghĩ học sinh giỏi nếu bị trượt vì mấy môn phụ thì đáng tiếc, từ đó mà làm ngơ, để cho các em thoải mái quay cóp. Đó là một sự thương tình dễ hiểu nhưng dẫn đến việc không công bằng trong thi cử và tạo nên một nền giáo dục không thực chất như hiện nay.

- Giáo sư nghĩ gì về việc tổ chức chấm chéo giữa các trường với nhau. Nhiều thông tin cho rằng đã có sự “giao kèo” giữa các trường theo kiểu “nếu anh nương nhẹ học sinh của tôi thì chúng tôi cũng biết điều với học sinh của anh”. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thi tốt nghiệp?

Chấm chéo cũng chả ích lợi gì khi thực trạng dạy và học không được thay đổi một cách mạnh mẽ. Theo tôi nên để việc xét tốt nghiệp cho các thầy cô giáo và hiệu trưởng các trường THPT quyết định, các sở chỉ cần giám sát chặt chẽ trước khi quyết định cấp bằng. Muốn làm được việc này thì cần có xét lưu ban hàng năm dựa trên thực lực của học sinh và năm cuối cùng cũng cần xét rất nghiêm túc để em nào học kém thì cần học lại.

Thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy chắc chắn là những người đánh giá chính xác nhất học lực của từng học sinh. Bộ không nên tiếp tục lấy tỷ lệ học sinh tốt nghiệp làm chỉ tiêu thi đua. Thật ra nếu cần thì nên khen thưởng các trường, các tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh việc cho lưu ban các học sinh chưa đạt mức chuẩn. Bỏ bớt một kỳ thi sẽ nhẹ cho cả xã hội mà vẫn đảm bảo được mặt bằng chính xác của các học sinh tốt nghiệp THPT.

Không lấy tỷ lệ tốt nghiệp làm chỉ tiêu thi đua

- Theo giáo sư kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT 2012 nói riêng và nhiều năm trước nói chung có đánh giá được thực lực của học sinh? Nếu đánh giá trung thực nhất thì tỉ lệ tốt nghiệp năm nay ở vào khoảng bao nhiêu phần trăm?

Thực trạng thì ai cũng thấy rồi. Nếu đỗ cao như vậy thì sao đến nỗi nhiều em đã bỏ giấy trắng khi thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ (!) Tỷ lệ nào mới đúng thì các thầy cô giáo từng trường đều biết quá rõ. Vấn đề là Bộ GD-ĐT hãy đừng coi tỷ lệ thi tốt nghiệp như một chỉ tiêu thi đua. Nếu cần thì nên khen thưởng các trường, các tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh việc cho lưu ban các học sinh chưa đạt mức chuẩn.

Phụ huynh học sinh nên ủng hộ việc giáo dục con em mình tự giác học tập qua từng năm học và chấp nhận cho các em học lại nếu không đủ mức chuẩn. Nên có quy chế rõ ràng để các em học kém được học lại, không chỉ ở bậc phổ thông mà ở cả các trường ĐH, CĐ cũng nên như vậy. Tại nhiều nước chỉ có việc thi vào các trường ĐH danh tiếng, còn đa số các trường khác đều là "đánh trống ghi tên". Tuy nhiên vì việc thi từng chứng chỉ môn học rất nghiêm túc cho nên các em học kém phải tốn nhiều năm mới tốt nghiệp đều là chuyện rất bình thường.

- Sự kiện gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô bùng nổ nhưng Bộ GD-ĐT cũng cố bảo vệ rằng tiêu cực chỉ xảy ra ở Đồi Ngô còn những nơi khác thì không? Giáo sư nghĩ như thế nào khi các trường ở vùng sâu vùng xa cũng có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 99%-100%, ngang bằng với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?

Tôi biết tỉnh Bắc Giang có nhiều thành tích cụ thể trong việc phát triển giáo dục. “Sự kiện Đồi Ngô" làm cho cả tỉnh rất buồn, nhất là các thầy cô giáo đang phấn đấu thực hiện phong trào “Hai không”. Bộ là nơi phát động phong trào này nên khi thấy sự kiện Đồi Ngô xảy ra thì chậm có nhận định rõ ràng để có quyết tâm khắc phục. Nhiều bạn nói vui đâu chỉ có Đồi Ngô mà đang có cả "rừng ngô" trong khắp cả nước. Nên nhân sự kiện này mà nghiêm túc đánh giá lại thực chất tình trạng dạy và học hiện nay để tìm cách chấn hưng lại sự nghiệp giáo dục, một sự nghiệp đã được coi là quốc sách hàng đầu.

Các trường vùng sâu, vùng xa nếu đỗ tốt nghiệp 99-100% thì chắc chắn sẽ rất nhiều em vượt được vũ môn qua kỳ thi vào các trường ĐH, CĐ. Thực tế đâu có được như vậy. Nếu muốn tốt nghiệp THPT có một mặt bằng kiến thức gần ngang nhau thì không phải lo chuyện thi cử rất nặng nề như hiện nay mà phải theo phương châm thực học, thực nghiệp.

Thầy và phụ huynh học sinh phải lo cho con em mình được trang bị một kiến thức phổ thông đủ sức để có thể tự học thêm suốt đời, hoặc là học lên các bậc cao hơn. Mặt khác phải rèn luyện đạo đức cho các em, trong đó sự Trung thực lại chính là một trong những đạo đức hàng đầu.

Cần đánh giá lại "Hai không"

- Với việc tăng đột biến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của năm 2012, có phải Bộ GD-ĐT đang dần lãng quên công tác chống gian lận trong thi cử?

Bộ nên thực sự đánh giá lại kết quả cuộc vận động "Hai không" xem thực chất có kết quả ra sao? Chúng ta nên coi việc bán "phao" là phạm pháp. vì đã tiếp tay một cách rộng rãi cho các hành vi gian lận thi cử. Muốn cho tỷ lệ học sinh đỗ cao thì còn cần nghiêm túc rà soát lại chương trình giảng dạy và nội dung sách giáo khoa. Tôi cho rằng Bộ nên giao cho các hội khoa học chuyên ngành và các thầy cô giáo phổ thông giàu kinh nghiệm rà soát lại toàn bộ Chương trình GDPT, môn nào quá xa lạ với các nước khác và có quá nhiều kiến thức không cần nhớ thì thay hẳn đi. Đừng đợi đến năm 2015 mới bắt đầu lo chuyện này.

- Làm thế nào để tổ chức một kết quả thi tốt nghiệp nghiêm túc và đánh giá được thực lực của học sinh? Theo giáo sư có những biện pháp nào giúp kết quả thi được xác thực hơn?

Khi vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thì việc tổ chức thi nghiêm túc đâu có quá khó. Nếu giáo viên và phụ huynh coi chuyện để lại với những học sinh chưa đủ kiến thức thì sẽ cùng nhau ủng hộ việc coi thi nghiêm túc. Trong một phòng thi nếu hai giám thị (một người đứng phía trên, một người đứng phía dưới) đều thật sự làm việc một cách có trách nhiệm thì tôi cho rằng đố học sinh nào có thể sử dụng "phao" hoặc chép bài của bạn. Càng không thể có tình trạng ném đáp án vào phòng thi.

Vấn đề là tất cả chúng ta có quyết tâm tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc hay không mà thôi. Thương học sinh phải biểu hiện trong suốt quá trình giảng dạy chứ không phải ở chỗ châm chước trong kỳ thi cuối cấp.

- Việc tổ chức một kì thi vô cùng tốn kém, quy mô trên toàn quốc nhưng chỉ để đánh rớt một số nhỏ các thí sinh, theo giáo sư có nên tổ chức không?

Tôi không thấy nước nào có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cũng tốn tiền, tốn công sức và căng thẳng như ở nước ta. Chính vì vậy tôi đề nghị bỏ kỳ thi này với điều kiện xét lên lớp và xét lưu ban ở mọi năm học một cách thật sự nghiêm túc. Việc này cần làm cho học sinh và phụ huynh học sinh hiểu rõ để đồng tình với các thày cô giáo. Sao cho các em lo tự giác học với tinh thần học cho mình, cho cuộc sống tương lai của mình, chứ không phải chỉ để đối phó với các kỳ thi.

- Cảm ơn ông!

  • Huệ Bạch (thực hiện)