- Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cả nước những năm gần đây đều xảy ra những vụ việc đáng tiếc, gây xôn xao dư luận và làm suy giảm uy tín của ngành giáo dục. Thực trạng này lại càng làm nhiều người đặt câu hỏi về sự cần thiết của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Ảnh Lê Anh Dũng

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết cần quay lại xác định mục tiêu và bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có hai hướng giải thích. Thứ nhất, mục tiêu của kỳ thi này nhằm đánh giá khả năng và chuẩn kiến thức của học sinh sau 12 năm học. Từ đó, xác định và so sánh chất lượng giáo dục của các tỉnh thành và cả nước nói chung. Lâu nay, có nhiều người lo ngại rằng, nếu không có kỳ thi này thì làm sao có thể đánh giá chất lượng dạy và học của từng trường và địa phương.

Mục tiêu thứ hai là để phân loại các thí sinh xem ai có đủ điều kiện để dự thi đại học, hay làm các công việc đòi hỏi bằng tốt nghiệp THPT. Nếu không có kỳ thi này, ngành giáo dục sẽ khó có thể phân luồng học sinh và định hướng nghề nghiệp cho các em.

Hai mục tiêu này nghe thì rất có lý. Tuy vậy, với thực tế là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước lên đến hơn 90%, nhiều tỉnh lên đến 99% thì dường như hai mục tiêu trên đã trở nên vô nghĩa. Vì với số đỗ gần 100% như vậy, mọi học sinh coi như sẽ đỗ khi đi thi. Một kỳ thi chỉ có ý nghĩa khi nó có tác dụng phân loại học sinh hoặc xác định những học sinh đạt chuẩn kiến thức và năng lực. Với trên 90% học sinh đỗ trong kỳ thi này thì nó sẽ không còn tác dụng phân loại học sinh hay xác định chất lượng so sánh của việc dạy và học giữa các địa phương nữa. Nhất là khi kết quả của kỳ thi này không được dùng để xét tuyển vào đại học.

Nếu việc thi tốt nghiệp THPT không còn có ý nghĩa và tác dụng đối với quản lý giáo dục thì tại sao chúng ta lại phải tiếp tục đổ tiền của, công sức để tổ chức kỳ thi này hàng năm nữa.

Nếu đến 99% học sinh đỗ tốt nghiệp thì chi bằng chúng ta tổ chức xét hoặc công nhận tốt nghiệp cho các em hoàn thành đúng và đủ chương trình đào tạo. Thay vì tập trung vào thi cử, ngành giáo dục tập trung vào đảm bảo chất lượng dậy và học, đồng thời xây dựng mô hình đánh giá sinh viên hiện đại, khách quan và toàn diện ngay khi các em còn học trong trường.

Còn để phân luồng sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông, chúng ta có thể xây dựng hệ thống thi cử tự nguyện như SAT, ACT….mà nhiều nước áp dụng. Nếu các học sinh nào có khả năng và nguyện vọng học tiếp lên đại học thì sẽ chủ động đăng ký thi các kỳ thi kiến thức cơ bản và chuyên sâu được chuẩn hóa. Các em có thể thi bất kỳ khi nào và thi thông qua hệ thống mạng internet được tổ chức ở các tỉnh trong cả nước. Các trường đại học căn cứ vào kết quả các kỳ thi này để xét tuyển sinh cho trường mình.

Cách tổ chức này sẽ giảm tải cho các cơ quan nhà nước và cơ sở giáo dục, giúp họ tập trung vào quản lý và dạy học nhiều hơn. Đồng thời, nó sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động và tiện lợi cho các em học sinh khi các em muốn học lên đại hoc có thể chọn lựa thi vào các thời gian và địa điểm bất kỳ. Nó cũng không gây áp lực lên xã hội để các địa phương chạy đua thành tích, để gây ra những vụ việc tiêu cực trong thi cử gần đây. Phụ huynh cũng sẽ chủ động trong việc lựa chọn hướng đi cho con em mình sau khi tốt nghiệp THPT.

Còn nếu chúng ta tiếp tục giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nhất định phải có sự phân loại trình độ một cách rõ ràng để phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, kết quả của kỳ thi này nên được dùng để xét tuyển vào đại học. Về phương diện đánh giá so sánh chất lượng, chỉ khi nào kỳ thi này có tác dụng phân định kết quả theo cấp độ khác nhau thì nó mới có tác dụng cho việc đánh giá được đúng chất lượng dạy và học của từng trường và địa phương.

  • Đặng Văn Huấn (Nghiên cứu sinh tại ĐH Portland State, HK)