- "Khó có chuyện người tố cáo tiêu cực được tôn vinh. Thay vào đó, họ sẽ khốn khổ sau khi tố cáo…" - Thầy Đỗ Việt Khoa buồn bã chia sẻ như vậy trước nỗi thất vọng của người đồng hành chống tiêu cực ở Bắc Giang với ông. Thầy Khoa cho rằng, mới chỉ thấy nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có quyết tâm chống tiêu cực, còn chưa thấy điều đó ở Bộ trưởng đương nhiệm Phạm Vũ Luận.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

- Ông nghĩ gì về những kết luận của thanh tra, công an và lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang? Có đúng như ông dự đoán?

Những kết luận đó có sự né tránh nhằm làm giảm nhẹ tội của hội đồng thi Đồi Ngô. Ở nước ta, hầu như quan chức nơi nào cũng có tư duy như thế. Tôi có tính đến điều này trước khi công bố sự việc ra báo chí.


Thầy Đỗ  Việt Khoa

- Sau nỗ lực chống tiêu cực ở lần này, ông có “kết luận” gì đối với tiêu cực ở trong giáo dục? Nếu tiếp tục hành xử như ở vụ Đồi Ngô, tiêu cực trong giáo dục sẽ đi về đâu?

Vụ Đồi Ngô cho đến nay cho thấy, rất có thể lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bộ GD-ĐT không công nhận công sức của người đấu tranh. Thậm chí họ nhét chữ vào miệng em S. khi nói rằng em ấy không biết quay clip làm gì.

Chống tiêu cực trong giáo dục là hết sức khó khăn. Trước nay đều khó và ứng xử của các cấp lãnh đạo ngành càng làm nó khó khăn hơn. Người ta đã tìm mọi cách để triệt tiêu ý thức đấu tranh của thầy và trò trong ngành. Khó có chuyện người tố cáo được tôn vinh, thay vào đó, họ sẽ khốn khổ sau khi tố cáo. Đấu tranh cho đất nước tốt đẹp lên, nhưng người đấu tranh luôn luôn rơi vào tình trạng bất lợi. Những kẻ sai phạm thì có tiền, có quyền và có thừa thủ đoạn để trừng trị người đấu tranh. Luật bảo vệ người tố cáo chưa rõ ràng, nằm rải rác ở các văn bản nhà nước, nhưng thường thì người ta không thực thi nó.

- Ông có thể chia sẻ tâm trạng của mình từ khi vụ việc xảy ra đến những ngày chờ đợi lãnh đạo giải quyết và cho đến bây giờ khi nghe kết luận của các lãnh đạo ở Bắc Giang?

Lần phanh phui tiêu cực thi cử này, tôi không thấy áp lực nặng nề như vụ Phú Xuyên A năm 2006.

- Học sinh và giáo viên cùng chống tiêu cực với ông hiện nay tâm trạng ra sao? Họ có còn niềm tin và ý muốn chống tiêu cực nữa hay không?

Tại Hội đồng Đồi Ngô: Một em học sinh quay clip thì không công khai danh tính nên không chịu áp lực lớn. Danh tính em S. ở phòng 8 gần như đã bị lộ hoàn toàn, nên rất căng thẳng, phải trốn tránh mọi người. Thầy Ngọc thì u uất vì đồng nghiệp bị tội nặng hơn người chủ mưu. Các nơi khác, thầy trò cũng nơm nớp lo chờ đến ngày công bố clip.

- Kết luận và kỷ luật ở Đồi Ngô chủ yếu người lãnh hậu quả là các giáo viên, người trực tiếp gây ra sai phạm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vẫn còn những Đồi Sắn, Đồi Thông tương tự, chỉ có điều họ không bị phát hiện. Ông có thấy xót xa cho những giáo viên này?

Vụ Đồi Ngô, Sở GD ĐT Bắc Giang còn né tránh sự thật rất nhiều: Môn tiếng Anh chưa làm rõ sai phạm. Vai trò của ban giám hiệu Đồi Ngô bị bỏ qua. Xử lý 2 thanh tra thì quá nhẹ…

Ngoài Đồi Ngô tôi còn nhiều clip chưa công bố, nó cho thấy có nhiều nơi khác cũng sai phạm. Nhưng tiếc là lãnh đạo ngành không dám thừa nhận. Sai phạm có tính hệ thống, kéo dài nhiều năm, có sự tổ chức phân công cụ thể từ ban giám hiệu nhà trường…thậm chí phân công cả người giặt áo cho giám thị được vui. Thế nhưng, lãnh đạo sở lại khẳng định khác. Cuối cùng tội trạng đổ lên đầu 6 giáo viên nhân viên.

Bất cứ giáo viên nào bị mất nghề, bị ngộ nạn thì giáo giới chúng tôi đều thấy chua xót chứ. Mặc dù sa thải 6 người này là chính đáng, nhưng họ là người chịu tội thay, nhận tội thay người chủ mưu nên tôi thấy bất bình.

- Cuối cùng, cái đích của ông là gì khi chống tiêu cực? Ông nghĩ gì khi “nạn nhân” của những lần chống tiêu cực này là học sinh rồi đến giáo viên? Ông có cho rằng họ là những giáo viên ngây thơ?

Tôi chỉ có một mục đích duy nhất là nêu sự việc để lãnh đạo ngành giáo dục phải chấn chỉnh lại cuộc vận động “Hai không” mà tôi có tham gia phát động. Không được để gian dối tiếp tục tràn lan, làm hoen ố ngành giáo dục.

Những người tố cáo bao giờ cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của sự vùi dập, bôi nhọ, trừng phạt của những kẻ sai phạm. Tôi đã nhắc trước thầy trò trên ấy. Những ai không dám chấp nhận, thì đừng tham gia đấu tranh. Thật tiếc là người ta đã quên đi Năm điều Bác Hồ dạy, nhất là điều 5.

Một hình ảnh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip)

- Xin ông chia sẻ trong cuộc đời làm Giáo viên của mình, ông đã đứng trước những hoàn cảnh phải chấp nhận “nhắm mắt coi thi” như thế này? Ông có đồng cảm hay chia sẻ nào với những giáo viên bị kỷ luật trong vụ việc lần này?

Chuyện nhắm mắt để loạn thi thế này thì chưa bao giờ. Phú Xuyên A năm 2000 mình phòng tôi coi thi bị vây kín bởi người ném bài xung quanh nhưng không một thí sinh nào dám nhặt phao để chép. Phú Xuyên B 2003 có giải bài tập thể mà tôi đã công khai gặp lãnh đạo hội đồng yêu cầu chấn chỉnh ngay. Phú Xuyên A 2006 gặp lại quyết không bỏ qua. Ba năm nay không được đi coi thi nhưng tôi không vì thế mà buông xuôi. Vụ Bắc Giang lần này là như thế.

- Cuối cùng, ông muốn đề nghị gì với ngành giáo dục khi ông đã cất công chống tiêu cực trong ngành?

Ngành giáo dục mới chỉ có một mình Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dám tuyên chiến với gian lận thi cử. Chưa thấy Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tỏ ra có quyết tâm này.

Tại sao vậy? Không lẽ lãnh đạo ngành giáo dục định nhắm mắt để cho cái xấu nó ngang nhiên tồn tại, rồi báo cáo thành tích hay?

Lãnh đạo nào thẳng thắn, đều được nhân dân ủng hộ. Vậy thì hãy vào cuộc đi.

Xin cảm ơn ông! 

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nói, họ không muốn bàn luận thêm điều gì về sự kiện ở Bắc Giang, cái tên Đồi Ngô hay thi tốt nghiệp. Đơn giản vì họ đã chán nói về điều đó. “Đồi Ngô cũng chỉ là một ví dụ, nó cũng không tồi hơn các “đồi” khác đâu” là câu trả lời phổ biến của những người vẫn thường lên tiếng về giáo dục.

Trao đổi với VietNamNet ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đặt vấn đề: "Điều tôi băn khoăn là mức độ phổ biến của tình trạng tiêu cực như Đồi Ngô là như thế nào?"

Nếu đây là trường hợp cá biệt thì vẫn chấp nhận được, vì khi thi cử không thể tránh khỏi có nơi làm sai, cả nước thi thì phải có nơi sai sót.

Tuy nhiên, nếu có tình trạng tiêu cực phổ biến như Đồi Ngô thì đó mới là điều đáng quan tâm. Ngành giáo dục phải chứng minh được điều này cho xã hội biết, đó là có hay không sự phổ biến tiêu cực trong thi tốt nghiệp.

Hương Giang

  • Nguyễn Hường (thực hiện)