- TS Hoàng Tuyết, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, văn hoá nể nang, nể tình của người Việt trong môi trường giáo dục làm hại học trò nhiều hơn, không giúp cho trò thực học.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Nể nang gây tiêu cực?

Cách xử lý chưa thực sự bao quát và thấu đáo vụ việc không trung thực trong thi cử tại Đồi Ngô có lẽ là một ví dụ về hậu quả của văn hóa thi cử trong đội ngũ có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục. Thực tiễn này thường được thể hiện dưới dạng nể nang – nể tình.

Hình ảnh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường THPT dâp lập Đồi Ngô (Ảnh cắt từ clip)

Ở mức độ vô thức, tự phát thì có thể là vì lòng trắc ẩn: Giáo viên thương học trò khó khăn, dẫu sao cũng đã học tập vất vả, thế là làm ngơ, cho qua hành vi không trung thực của học sinh … Ở mức độ có ý thức và tự giác, thì việc gian lận thi cử hoặc phác thảo thành tích ảo trở thành một việc làm có động cơ cá nhân rõ ràng và có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể.

Cái gọi là “những giáo viên, nhân viên tham gia “dây chuyền” tuồn đề, giải bài, ném bài, chỉ bài ở Đồi Ngô có lẽ là “sự nể nang tự giác” và có tính tổ chức của một tập thể nào đó liên quan. Hiện tượng sáu môn thi đều có dấu hiệu tiêu cực, nhưng chỉ có hai môn được thanh tra xử lý phải chăng là biểu hiện của kiểu văn hóa nể nang- nể tình.

Nể nang- nể tình theo hướng tiêu cực, mặc dù chưa có nghiên cứu nào thực hiện để khẳng định, nhưng phải chăng có thể cũng là một nét đặc điểm của văn hóa người Việt?

Còn thi cử, còn tiêu cực

Tình trạng phao thả trắng trước cửa trường thi cho thấy, có nhiều học sinh có ý định quay cóp, nhưng chỉ đơn phương học trò. Việc quay cóp trao đổi của học sinh ở trường THPT dân lập Đồi Ngô có nét đặc biệt là có sự hỗ trợ và cộng tác của người dạy.

Tại sao hiện tượng này lại xảy ra? Theo tôi, còn người đi học thì luôn còn người quay cóp gian lận trong học hành. Thế nhưng, tình trạng tiêu cực của người học đậm nhạt, ít nhiều tùy việc dạy và người dạy. Tiêu cực trong học tập thi cử gia tăng thậm chí trở thành việc thường xuyên chỉ khi người dạy khuyến khích nó.

Đó là quá trình dạy học mang thiên hướng thi cử (Examination-oriented education). Từ quá trình dạy học như thế, văn hóa thi cử hình thành và hiện hữu trong nhà trường, trong phụ huynh, trong chính học sinh.

Thi cử mang đến cho con người những cơ hội rèn luyện các phẩm chất cá nhân tích cực như tính cạnh tranh, tính thích ứng, tính kiên trì, chịu đựng bền bỉ. Thế nhưng, lý tưởng sống mà người học đạt được của lối dạy học thiên về thi cử học là kiếm bằng cấp, kiếm tiến, kiếm địa vị, danh lợi.

Lý tưởng này làm cho các phẩm chất cá nhân tích cực trên trở thành hiểm họa cho sự phát triển của xã hội. Việt Nam chúng ta chừng nào còn thực thi một nền giáo dục nặng nề khoa cử thì chừng ấy gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong dạy học vẫn còn là vấn nạn.

Những sản phẩm tinh thần của dạy học theo hướng đáp ứng thi cử ấy cũng hiện hữu trong đội ngũ giảng dạy và quản lý giáo dục. Họ không triệt để giúp người học thực học mà chỉ chú ý tới thành tích.

Tóm lại, nền giáo dục khoa cử mà hệ quả là hình thành văn hóa thi cử cùng với văn hóa nể nang-nể tình kiểu Việt Nam đang là những nhân tố hãm hại các nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục, đào tạo nước nhà.

  • TS Hoàng Tuyết (Trường ĐHSP TP.HCM)